Bàn Về Cái Chết Của Ông Nguyễn Tường Tam Qua Lá Số Tử Vi
Mỹ Tín
Khi bàn về một lá số Tử Vi, nhất là Tử Vi của một danh nhân người lấy số phải thật chắc kỹ về ngày sinh tháng đẻ của đương số. Có vậy thì sự suy đoán mới không sợ làm thiệt thòi uy tín của Tử Vi. Nghĩ vậy nên tôi xin phép được nói rõ trường hợp nào tôi được biết ngày sinh tháng đẻ đích thực của ông Nguyễn Tường Tam.
Tôi được hân hạnh quan biết ông Tam vào khoảng những năm 1955, 1956 nhân một vài dịp đi lấy lan ở Đà Lạt. Hai lần đầu gặp ông, tôi đi với vài người bạn ở Sài Gòn. Lần thứ ba tôi đi một mình gặp ông trên đường từ Fim Nom đi Dran. Lần gặp gỡ này xảy ra một chuyện mà ông cho là lý thú và ông đã viết thành một câu chuyện vui ngắn định đăng trên tờ Văn Hóa Ngày Nay của ông, nhưng sợ làm tôi phật ý nên ông lại thôi. Tôi là nhân vật chính của câu chuyện đó. Đấy là theo lời của ông Tam nói ra, chứ trong thâm tâm tôi, nếu ông Tam có đăng cái chuyện vui đó lên báo thì tôi không những đã không buồn mà còn lấy làm vinh hạnh coi bài báo như một bài học quý cho chính bản thân một kẻ dốt mà lại cứ muốn làm tài khôn.
Câu chuyện tìm Lan:
Hồi đó tôi ham đi tìm Lan ở các vùng rừng núi gần Đà Lạt. Lúc đầu vì thiếu kinh nghiệm nên tôi phải mời và ba ông bạn đi theo để tôi được học nghề. Sau tự cho là đã đủ kinh nghiệm tôi đi một mình. Lần đó tôi đi với người tài xế lên Fim Nom từ chiếu thứ bẩy, đêm ngủ lại đó, sáng chủ nhật chúng tôi đi về ngả Dran. Đến một khu rừng cách Fim Nom vào khoảng 5 cây số chúng tôi xuống xe đi bộ vào.
Rời khỏi con lộ lối vài trăm thước tôi tìm được một cụm Lan Thanh Ngọc có một giò hoa hàm tiểu rất đẹp, tôi mừng rỡ reo lên như người bắt được vàng rồi cúi xuống đào lên. Tôi còn đang say sưa ngắm nghía giò hoa thì người tài xế cất tiếng nói: "Nhiều lắm, nhiều lắm ông ạ!". Tôi đưa mắt nhìn theo tay người tài xế. Ừ, không biết Lan ở đâu mà nhiều thế, cụm nào cụm nấy vừa to vừa hồi. Thế là hai thầy trờ tôi cởi áo hì hục đào hơn một tiếng đồng hồ rồi ôm từng bó ra chất đầy cả thùng xe, đầy cả hàng ghế sau. Riêng cụm Lan có hoa tôi nâng niu trịnh trọng để ngay trước mặt gần tấm kiếng chắn gió. Thấy đã đầy xe, chúng tôi ngừng tay, định bụng chủ nhật sau sẽ lên đào nữa. Lúc sắp lên xe để ra về thì một chiếc xe sơn trắng từ phía Fim Nom đi lên từ từ ngừng bánh cách xe tôi lối mươi thước, ông Tam và ông bạn lái xe bước xuống (sau này tôi được biết ông này là bác sĩ V ở Đà Lạt). Tôi mừng rỡ chạy lại chào hỏi. Sau cái bắt tay nồng nhiệt tôi mở lời một cách rất cao ngạo làm như ta đây sành sỏi lắm:
- Vùng này là giang sơn của anh, ở đây có một cái "mỏ Lan" to lớn mà anh lại để cho tôi ở mãi tận Sài Gòn lên khai thác!
Ông Tam trợn mắt sửng sốt hỏi: "Đâu?". Tôi nắm tay ông kéo lại xe tôi và chỉ vào trong xe. Ông Tam thò đầu qua cửa xe xem rồi ngẩn người nhìn tôi. Tôi nghĩ thầm: "Chắc hẳn lão này tiếc và bái phục cái tài tìm Lan của mình lắm!". Ngày lúc đó, ông bác sĩ cũng đã đi tới. Ông Tam rõ ràng là không có ý muốn để cho ông bạn này chứng kiến thành tích lấy Lan hy hữu của tôi, chỉ đào có hơn một tiếng đồng hồ mà được đầy cả một xe thay vì phải lặn lội trong rừng cả tháng. Ông nắm tay người bạn kéo ngược trở lại xe của các ông rồi quay đầu nói với lại:
- Lên xe đi theo tụi tôi. Tụi tôi còn có một cái "mỏ Lan" khác lớn hơn "mỏ Lan" của anh nhiều. Tôi vừa vui thích vừa kiêu hãnh đáp:
- Dạ dạ...đệ sẵn sàng theo bén gót tôn huynh.
Tôi sắp sửa rồ máy thì lại thấy ông Tam lật đật mở xe bước xuống chạy lại nói rất nhỏ chỉ vừa để một mình tôi nghe mà thôi. Người tài xế bên cạnh cũng không nghe thấy. Ông nói:
- Anh lầm rồi, anh đào phải cỏ chứ không phải Lan.
Tôi lặng lẽ với cụm lan đã trổ bông để ở ngay tầm tay đưa cho ông Tam xem, ông bình tĩnh và vẫn thì thầm bên tai tôi:
- Đúng đây là Lan Thanh Ngọc, nhưng những cây anh chất trong xe thì không phải. Lá Lan xanh hơn, hai bên cạnh không có gai, lá cỏ thì hai cạnh sắc như răng cưa, rễ Lan to như chiếc đũa, rễ cỏ nhỏ như cái tăm. Anh thử xem xét kỹ lại mà coi. Thôi để chúng tôi đi trước và sẽ đợi anh cách đây lối 2 cây số.
Nói xong ông Tam trở về xe. Xe ông vượt qua xe tôi, nét mặt ông rất thản nhiên. Đợi cho xe ông đi đã xa, xem lại những cây mà tôi đã đào lên, tôi mới biết là đã lấy lầm phải một loại cỏ rất giống cây Lan. Thế là hai thầy trò tôi lại hì hục ôm cỏ từ trên xe vứt xuống. Lúc lên xe đi được vài chục thước nhìn vào tấm gương chiếu hậu, thấy hai đống cỏ to như hai cái cần xé nằm bên lề đường, tôi ngừng xe bảo người tài xế phải dẹp sạch hai đống cỏ ấy đi, sợ lát nữa quay về, mất ông kia trông thấy các ông ấy sẽ cười cho. Thế là chúng tôi lại xuống xe, hì hục thủ tiêu hết hai đống cỏ xuống khe suối.
Từ ngày đó, không đi Đà Lạt lấy Lan thì thôi, đi thì thế nào tôi cũng ghé nhà ông Tam để mời ông cùng đi. Cũng vì vậy mà tôi có dịp chép được lá số Tử Vi của ông do ông an sao lấy, nhân một đêm thứ bảy ngủ lại ở nhà ông.
Lá số ông Nguyễn Tường Tam:
Ông N.T.T sinh ngày 25, tháng 6, giờ Dần, năm Bính Ngọ, Thủy Mệnh, Dương Nam, Kim Tứ Cục, Đồng Âm (miếu), Hóa Lộc...Nói chung đương số được các cách:
Lá số Tử Vi - Ông Nguyễn Tường Tam
- Mệnh Vô Chính Diệu đắc nhất Không
- Nhật Nguyệt chiếu Không
- Khoa Quyền Lộc
Và đặc biệt là ảnh hưởng văn nghệ cực kỳ chói sáng của toàn bộ các sao Đồng Âm, Xương Khúc, Tả Hữu, Long Phượng, Thai Tọa, Tấu Thư, Văn Tinh và Mã Khốc Khách.
Nếu sao Kình Dương thủ Mệnh đóng ở Ngọ có ảnh hưởng quyết định đến cái chết của đương số sau này thì nó cũng có một ảnh hưởng quan trọng không kém đến văn tài của đương số khi nó đóng đồng cung với sao Văn Khúc và sao Thái Tuế.
Ở đương số, con người tình cảm luôn luôn lấn lướt con người lý trí. Điều này có thể giải thích được như sau:
a) Những bộ sao có ảnh hưởng mạnh đến đầu óc thực tế như: Khôi Việt, Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Liêm Tham, Cự Nhật, Khoa Quyền Lộc, Tả Hữu...thì một là đóng ở ngoài các cường cung, hai là lạc hãm hay bị Triệt Tuần khắc chế.
b) Hóa Lộc lạc hãm gặp Thiên Hư, Thiên Tài, Tuế Phá ở Thiên Di cư Tý, hơ nữa ảnh hưởng về thẩm mỹ của bộ sao Đồng Âm ở đây quá mạnh đối với một Mệnh cung Vô Chính Diệu.
c) Quan Lộc - Vô Chính Diệu, Mệnh cũng Vô Chính Diệu cho nên ảnh hưởng tích cực của bộ sao Tả Hữu và Hóa Quyền không còn được bao nhiêu, ngoại trừ ở lãnh vực văn nghệ.
Năm mãn số:
Đương số chết năm Quý Mão (1963) hưởng thọ được 58 tuổi. Năm đó, đại hạn đến cung Nô có Thiên Phủ, Thiên Khôi đóng ở Hợi, chính chiếu và hợp chiếu có Tử, Tướng ngộ Tuần, Triệt và Thiên Không, Riêu Binh, Hình, Hỏa, Kiếp Sát, Lưu Hà, Phá Toái, Thiên Thương và Đào, Thai. Tiểu hạn ở cung Tật Ách có Sát Phá Liêm Tham ngộ Không Kiếp, Riêu, Kỵ, Linh Tinh và Thiên Sứ ở Sửu, đương số chết là đúng số. Nếu được biết thêm rằng lúc đương số quyên sinh có cả sự hiện diện của người cậu ruột và bà cụ thân sinh khả kính của đương số thì có thể nói được rằng chính đương số đã nghiền ngẫm kỹ lá số Tử Vi để quyết định lấy cả ngày giờ chết của mình.
Trong lúc đương số chuẩn bị lìa đời thì hai vị thân nhân của đương số kính cẩn ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh cầu siêu cho đương số.
Theo dư luận của báo chí cũng như của một số dân chúng đương thời thì đương số quyên sinh nhằm mục đích phản kháng chế độ độc tài của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Quyết định tự hủy cuộc đời phát sinh trong ý thức của đương số chắc chắn không phải do ảnh hưởng đơn thuần của bộ ba sao Tử Vi, Thiên Phủ và Thiên Tướng...vì đó là những chính tinh có ảnh hưởng cứu giải và hướng con người lên cao (cao theo ý nghĩa của Tử Vi, của đạo Trời, đạo Đức, chứ không phải theo ý nghĩa chính trị). Nhưng hiềm vì bộ ba sao này khi lâm đại hạn lại bị khắc hãm, Tử Vi ngộ Triệt, Thiên Phủ ngộ Tam Không, Thiên Tướng ngộ Tuần và Thiên Không mà trở thành bất lực trước sức tấn công hung bạo của bè lũ hung sát tinh Riêu, Binh, Hình, Kỵ, Hỏa Linh, Không Kiếp, Thương Sứ và Lưu Hà, Kiếp Sát phùng Phá Toái, trong khi Mệnh cung của đương số lại có Kình Dương cư Ngọ phùng Tuế và Hư Khốc.
Có thể nói rằng, chỉ cần một mình sao Thiên Phủ thoát khỏi tam Không ở đại hạn là đương số chắc chắn sẽ không có ý tự hủy cuộc đời. Trong trường hợp này, đương số có thể bị bắt bớ, bị giam cầm một thời gian ngắn để rồi sau đó đương số được tai qua nạn khỏi và có những quyết định sáng suốt hợp lý. Ai cũng biết rằng sau khi chế độ của cố T.T Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thì thế đứng chính trị của đương số là một trong những thế đứng sáng giá kể vào bậc nhất.
Âu cũng tại số, Thân Mệnh của đương số đã yếu (Kình Dương cư Ngọ phùng lưỡng Tuế, Hao, Tử, Tuyệt, Suy, Hư, Khốc, La Võng), đại tiểu hạn lại là chỗ tập trung của một lũ hung tinh hùng hậu như đã nói ở trên thì đương số làm sao tránh khỏi số Trời.
Tự quyết định số phận:
Nhận ra được số phận rồi tự quyết định lấy số phận, ông Nguyễn Tường Tam đã giống ông Tam Ích ở điểm đó. Và cả hai ông dễ có những quyết định khác với người đời là từ ngàn xưa, người đó đã biết rằng, một khi đã biết được số mạng mình tức là biết được những nghiệp chướng của mình thì cũng có thể, hoặc bằng cách này hay bằng cách khác (bình dân và đơn giản như cúng sao) giải trừ được phần nghiệp chướng của mình, giải trừ được nghiệp chướng tức là có thể thay đổi được số mạng mình.
Sách Tử Vi có dạy rằng "Đức năng thắng số", Đức có nghĩa là thành quả của những tánh hướng và những hành động làm lành lánh dữ của mình chính mình cũng như của tiền nhân mình. Theo quan niệm của Lão giáo thì Đức còn có nghĩa mường tượng như Trời, như Đấng Tối Cao hay là như Tâm, như Phật của Thiên Giáo.
Sách Tử Vi cũng khuyên những người số xấu nên đi ở Không Môn, nghĩa là nên đi tu...tu tức là tu Đức, tu Tâm, tu Đạo. Khỏi cần phải có một căn bản đại học, thượng học hay thạc học, bất cứ ai đọc sách Tử Vi cũng nhận ra lời chỉ dạy đơn sơ và vô cùng quý báu đó.
Nếu là một tín đồ trung kiên của Phật Giáo, ông N.T. Tam sẽ nhẫn nhục, sẽ từ bi hỷ xả, nếu không được như một kiếp hóa thân nào đó của Phật Tổ hy sinh cả tay, cả mắt vì một mục đích cứu độ thì ít ra ông cũng sẽ cố gắng hoặc chịu đựng gian khổ để ghi thêm công đức hay gieo rắc mầm mống bác ái để tự phá bỏ cho bản thân những tiền oan nghiệp chướng đã được tạo dựng lên không biết từ thuở đời đời kiếp kiếp nào.
Nếu là một tín đồ Công Giáo, chắc chắn là ông N.T. Tam cũng sẽ không tự tử, và khi bị bức hại (nếu ông bị bức hại) thì ông sẽ noi gương chúa Jesus lúc thọ hình trên thánh giá để cầu nguyện răng: Xin Chúa hãy cứu con thoát khỏi cơn nguy hiểm này, nhưng xin Chúa hãy làm theo ý Chúa, chứ không phải làm theo ý con!".
Vì không phải là tín đồ Công Giáo, cho nên ông N.T. Tam đã quyết định chấm dứt sự sống theo ý riêng của mình chứ không phải theo ý riêng của Chúa. Dĩ nhiên là ông cũng không theo ý của bất cứ một đấng thiêng liêng nào dù là của Đức, trong hành động tự sát hết!
Nếu nghĩ rằng: trong ta có Phật, trong Phật có ta, hay là ta là Phật, Phật là ta, hay là trong tất cả mọi loài đều có Thánh Linh Chúa thì hành động tự hủy, hành động tự chấm dứt giòng hiện sinh của chính mình chắc chắn phải là ảnh hưởng của bè lũ hung sát tinh Kình Đà, Không Kiếp, Linh Hỏa...chứ nhất định không bao giờ phải là ảnh hưởng của cái TA đã được thăng hoa thành Phật thành Trời, thành Chúa trong một "sát na" hay một phút giây nào đó. Hành động tự chấm dứt dòng hiện sinh là một nghiệp chướng. Nghiệp chướng lại sinh ra nghiệp chướng và cứ như thế kiếp luân hồi ngàn đơi vẫn là luân hồi và hỏa ngục sẽ không bao giờ hết là một viễn cảnh kinh hoàng.
Vài suy luận về khoa Tử Vi:
Có suy luận như trên thì mới thấy đồng ý rằng:
Tử Vi là một khoa học tìm hiểu những ảnh hưởng siêu nhiên, hoặc tốt, hoặc xấu, quyết định lên đời sống nội tâm hay ngoại giới của mỗi con người:
- Các Tôn Giáo đều nhằm mục đích hướng dẫn con người cải tạo số phận mình.
- Con người vốn hoàn toàn tự do làm chủ số phận mình, mặc dù đã có định mạng an bài, miễn đừng làm điều gì nghịch lại Tâm, Đức, nghịch lại Đạo Đức hay phản lại luật thiên nhiên dù là đối với chính bản thân.
Để kết thúc bài này, tôi xin nêu thêm vài chi tiết đáng chú ý nữa về đại hạn của đương số:
- Thiên Phủ đóng ở đại hạn cư Hợi, tam hợp có Thiên Tướng, Phủ ở đây đã ngộ Tam Không rồi, lại thêm Tướng ở Mão ngộ Đào, Thai và Hỏa Tinh nữa thì không thể có được một hành động nào, quyết định nào của đương số được coi là sáng suốt, là hợp lý cả. Bộ sao Lương, Đào, Thai, Hỏa đủ làm cho những quan năng về lý tính của đương số bị suy yếu, đương số làm sao có thể đương đầu nổi với ảnh hưởng của cả một bè lũ hung sát tinh đông đảo tụ họp ở nhị hạn, cũng như ở cung Tật Ách trong khi Mệnh của đương số lại là Mệnh "Mã đầu đới kiếm"?
Nhà văn Vũ Xuân Tự có Kình Dương thủ Mệnh ở Mão cũng tự vẫn chết, Kình Dương thủ Mệnh ở Ngọ hay Mão, tam phương tứ chính hay Tật Ách quy tụ nhiều hung sát tinh và không có chính tinh cứu giải, thường hay là nguyên nhân của những cái chết bất đắc kỳ tử. Có sao cứu giải thì chỉ bị què chân gãy tay, nếu tự tử thì sẽ được cứu sống, hay là đương số chỉ hay có ý định tự hủy một phần thân thể của mình, thí dụ như tự chặt ngón tay, tự đâm cổ, tự mổ bụng. Có sao cứu giải và ít hung tinh, đương số có thể tránh được những tai nạn nói trên, nhưng đương số thường hay bị dằn vặt bởi những mặc cảm bị bức hại. Trường hợp bệnh lý này làm cho đương số sợ hãi, nghi ngờ tất cả mọi người.
Đi ở ngoài đường, ngồi ở trong nhà, đương số thường có cảm tưởng như mình bị theo dõi, rình rập bị mưu sát hay bị đánh trộm.
Tiềm thức của ông N.T. Tam chắc chắn là không thoát khỏi sự dằn vặt của những mặc cảm bị bức hại đó không nhiều thì ít.
Nguồn: KHHB
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Cái Lẽ Huyền Bí Của Tạo Hóa: NGŨ HÀNH CHẾ HÓA
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân