By Tử Vi Chân Cơ| 09:56 21/09/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Chuyện Cậu Em Vợ Tôi: Nhật Nguyệt - Sửu Mùi Tại Mệnh...

Đông Nam Á

Đây là chuyện của cậu Soạn, em ruột bà xã tôi.

Năm 1938, Mậu Dần, tuổi Soạn là 19. Soạn tuổi Canh Thân, có Nhật Nguyệt đồng cung tại Mệnh, ở cung Sửu. Đại vận khi đó ở Phụ Mẫu, có Tham Lang ngộ Lộc Tồn, Thiên Mã ngộ Tràng Sinh. Đại vận này xâm vận mạng của Soạn cho đến 25 tuổi.

3 năm trước, Soạn đậu bằng cơ thủy, nhưng vì ông nhạc bị mất nên Soạn không học tiếp, về quê làm ăn. Thủa 1935 đó, tôi chưa cầu hôn nhà tôi, nhưng đã được nghe cả làng đồn Soạn có tài chăn nuôi.

Bà nhạc tôi có nhờ cụ bói Lợn lấy số cho Soạn. Cụ Lợn đoán:

- Nhật Nguyệt đồng cung tại Mệnh, giầu đáo để, công danh mai sau ra trò.

Lẽ tất nhiên, bà nhạc tôi cũng có nhờ cụ Lợn bấm xem người con dâu và lũ cháu nội sẽ ra thế nào. Cụ Lợn nói:

- Người con dâu đảm đang ra phết, còn lũ cháu nội cứng cổ lắm đấy.

Tôi nghĩ rằng những lời đoán cụ Lợn thật quá dễ dàng, nhất là thời đó không ai có thể đoán con dậu cụ là công chức, hay luật sự, hay dược sư. Tôi không đồng ý với lối luận đoán của cụ Lợn.

Thần Khê Định Số đã ghi:

Tôi đã thấy cụ Lợn thường chiếu Thần Khê Định Số để giải đoán mà sao lần này, không thấy cụ làm như vậy. Tối mới giở Thần Khê Định Số của cụ bảng Đôn và chiếu theo mục Mệnh có Nhật Nguyệt đồng cung thì thấy ghi như sau:

"Người nào thuộc tuổi Tân Canh

Âm Dương Mùi Sửu, tượng hình diệp thanh

Mắt ti hí, môi thâm, vai nhỏ

Chân tay thô, như vẻ nông phu

Nói năng đi đứng lầm lì

Lòng ti tiện, lại có bề tham lam

Tiền tài, công tựa dã tràng

Đời đa lao lực, tan toan khó lường"

"Tượng hình diệp thanh" là da xanh như tàu lá. Mấy câu phú trên, tôi thấy hợp với nét tướng của Soạn, vì Soạn có da xám xanh, mắt ti hí. Nhưng biết là để vậy để rồi chiêm nghiệm xem sao.

Một lối nuôi gà độc đáo:

Soạn đã nổi tiếng là chăn nuôi giỏi, nên tôi có để ý xem lối chăn nuôi đó ra sao. Thì thấy rất độc đáo so với con mắt người dân thường, nhưng với người hiểu biết thì không có chi lạ, vì đó chỉ là lối chăn nuôi đúng theo sách vở.

Nhưng dù sao, Soạn cũng vấn có đều đều những lứa gà đem ra chợ bán, cứ 3 tháng lại có một lứa đem bán. Trong nhà, Soạn chiếm độc quyền trong việc chăn nuôi, không ai được dính vào. Hơn nữa, những cây trái trong vườn được hoa lợi gì, Soạn cũng thu hết, 4 năm sau, tức 1938, khi tôi làm rể, Soạn đã có vài vốn mà tính theo ngày nay, bằng 100 tạ gạo.

Đến khi làm rể, tôi mới biết hết về Soạn. Mỗi bữa, cậu ta lấy ra một cái trứng, tự mình chưng lấy, rồi ôm ngay vào lòng mà ngồi ăn cơm thản nhiên, trong khi mẹ, chị em ăn uống nghèo nàn. Không ai được ăn cái trứng nào của Soạn, chứ đừng nói gì Soạn thết mọi người miếng thịt gà.

Sở dĩ tôi phải kể như vậy là để nêu lên tính nết con người, là một điểm quan trọng trong Thần Khê Định Số. Tôi sẽ xin kể nốt câu chuyện sau đây:

Hỏi vợ không xong:

Bà nhạc tôi nhờ cụ Lợn so đôi tuổi xem Soạn có thể lấy cô Khắc được không. Lúc này là năm 1939, năm Kỷ Mão, Tiểu vận của Soạn tới cung Phúc.

Cụ Lợn tính số Tử Vi và đoán:

- Năm nay vận của cháu tới Phúc Đức, chiếu Thê, có Đào Hồng. Cả hai cùng tuổi, lấy nhau sẽ giầu ra phết.

Tôi biết rằng trên thực tế, hai gia đình chưa có đi lại với nhau, và chưa có ướm hỏi chi cả. Tôi lại nghe dư luận không thuận lợi chi hết. Cho nên tôi ướm hỏi bà nhạc:

- Con nghe cô Khắc không có thuận tình với cậu Soạn.

Mấy bữa sau, Soạn bảo với tôi:

- Nếu tôi lấy được cô Khắc, anh mất gì?

- Tôi mừng cậu 3 tạ gạo

- Có thật không?

- Thì cứ dạm hỏi xem. Nhưng tôi sợ rằng ngay bước đầu đã lỡ tầu rồi.

Mấy bữa sau, nghe tin cô Khắc thưa với Hội đồng xã, rằng khoảng 19 giờ tối, cô đi đòi tiền ở xã Như Huỳnh về đến cây số 21, cách phố Chợ chừng 1 cây số, thì có kẻ cướp uy hiếp cướp mất của cô số tiền hơn 10 đồng (bằng giá mấy tạ gạo). Cô khai đã nhận diện được Soạn.

Thật sự, Soạn chỉ đón đường cô gái, thả lời chọc ghẹo, và vuốt má cô ta. Có người thưa, nên làng chỉ biết theo đúng luật đưa việc lên huyện.

Muốn có vợ, thành ở tù:

Tôi bàn:

- Nên có tiền lễ quan huyện Văn Lâm

Bà nhạc tôi bảo:

- Anh Quang việc gì cũng tiền. Em có bằng Cơ Thủy, lại nhà cửa dư dả, sao có thể là ăn cướp được.

Tôi thì lại nghĩ khác hẳn. Tôi nghĩ rằng vụ thưa kiện là ăn cướp, thì thấy mình có bằng Cơ Thủy và càng nhà khá giả, quan huyện hay tống mình vào nhà giam cái đã, có như vậy quan mới làm tiền được.

Thế nhưng rồi tôi đoán sai. Ông huyện lúc ấy là ông Thái Vĩnh Thịnh, đã cho Soạn ra về thong thả. Ông là người ngay thẳng, thanh liêm. Số Thái Âm cư Hợi, nên nhân đức, tôi nhớ mang máng lá số của ông như thế.

Ít bữa sau, bác chánh tổng Sơ đến cho hay rằng ông huyện Thái Vĩnh Thịnh đã đổi đi nơi khác, và ông huyện mới là ông P.G.Đ chưa biết thế nào.

Tôi lại bàn là nên bỏ ra ít tiền. Bà nhạc tôi còn nói: trai gái lớn lên, chọc ghẹo nhau chút đỉnh, ai mà chẳng biết, cướp bóc cái nỗi gì.

Lần này, Soạn lên hầu quan trên huyện rồi bị ông huyện P.G.Đ giam luôn. Anh Bài, bạn học của Soạn, hộc tốc về báo tin. Bà nhạc tôi khóc hu hu. Bà đưa cho tôi một miếng giấy nhàu nát, có chữ Soạn viết:

"Anh Quan liệu lo cho tôi bằng bất cứ giá nào, họ cùm chân tôi, lỗ cùm nhỏ, nên chân đau lắm. Tiền nong, anh bảo mẹ đưa cho".

Lại một chuyện về tính khí của Soạn:

Tôi xin được gặp Soạn, và Soạn đã khóc mếu mà xin lo liệu ngay cho, vì cùm đau chân và muỗi đốt đau lắm.

Để được yên trí và khỏi có sự thắc mắc sau này, tôi hỏi:

- Thế chừng bao nhiêu? Lỡ họ đòi nhiều quá thì sao?

- Lo bao nhiêu cũng được. Cùm đau quá chịu không nổi.

Tôi nghĩ đến những ngày giỗ chạp, người mẹ muốn có gà làm cơm cúng, phải bỏ tiền ra mua của Soạn, để rồi nghĩ đến chuyện Soạn phải tiêu một món tiền lớn mà không được quyền tiếc.

Một người do Soạn quen đã đưa tiền cho quan huyện, tôi cũng có vào dự khán. Tiền do chính người bạn đó kiểm và đưa, tôi phải làm vậy là để tránh tiếng. Tiền đưa vào, Soạn được thả ra ngay.

Ngày Soạn được tha, bà nhạc tôi làm lễ tạ gia tiên. Tôi trình bầy các việc, có cả người bạn của Soạn làm chứng. Soạn trách móc:

- Tưởng tốn kém chút ít tiền tôi mới nhờ đến các anh, không ngờ tốn đến hai trăm bạc thì thà tôi ở tù còn hơn!

Trở lại Thần Khê Định Số:

Về cung Mệnh lập tại Sửu Mùi có Nhật Nguyệt cùng tọa thủ, Thần Khê Định Số đã có nói đến như chúng tôi đã thuật trong một đoạn trước. Nhưng không phải ai có Nhật Nguyệt Sửu Mùi tại Mệnh cũng xấu như vậy. Cũng có những người được tốt, theo với nét tướng phù hợp với Nhật Nguyệt. Xin kể tiếp đoạn nói về Nhật Nguyệt tại Mệnh:

"Khởi tự Giáp đến hàng chữ Quý

Sửu Mùi cung, định vị Âm Dương

Mặt tròn, da trắng, thần hiền

Ấy là Tấu Cái, Khúc Xương phò trì

Lòng nhân đức, chăm do đèn sách

Tình đệ huynh, rất mực thuận hòa

Mã Hình Kị có giao gia

Long hành, Hổ bộ, cùng là kiếm mi

Công danh cận chốn đơn trì

Có tài tương soái, bộ hình đảm đang".

Câu 1 có nghĩa là tất cả các tuổi hàng Can, không cứ tuổi nào, cứ được Âm Dương Sửu Mùi và có nét tướng như đã ghi là được hưởng sự phát triển. Câu Mã Hình Kị có giao gia, tức là thêm ba sao có chiếu mạng Long hành, Hổ bộ là có dáng đi như Hổ, như Rồng. Kiếm mi là mi như lưỡi kiếm, thì công danh càng lớn hơn.

Đã có lần ngồi coi cuốn sách Thần Khê Định Số cùng với tôi, cậu Soạn chỉ vào đoạn đó và nói:

- Chính đoạn này áp dụng cho số tôi. Tôi "ăn" vì mấy câu phú đó.

Tôi chỉ cười mà không trả lời, là vì đương sự khi coi cho mình thường rất chủ quan.

Lấy vợ và mất nghiệp lần thứ nhất:

Ngày 9-3-1945, Nhật cướp chính quyền của Pháp. Soạn vẫn theo nghề nuôi gà và trồng rau. Sau khi lập gia đình với con gái cụ Hiến Tu bên Đông Tỉnh, Soạn đã mê nàng đó như điếu đổ, ở chỗ nàng đó cả ngày không ăn một xu quà. Chính vợ Soạn đã có lần nói với tôi: "Ấy nhà em cũng mê em về cái tính 9 xu cóp thành một hào".

Tháng 11-1946, Pháp đánh chiếm Hải Phòng làng tôi xáo xác tản cư. Bà nhạc tôi và chúng tôi lo chạy loạn, còn vợ chồng Soạn lo riêng, không quên mang theo đàn bà béo núc. Soạn bắt mấy em trai gánh theo (lúc đó bán không ai mua).

Tôi nói:

- Cậu nuôi gà mấy năm nay chỉ có để bán, nay ly hương nên thịt vài con cúng tổ tiên và đãi công các em thường chăm nom giúp cậu.

Soạn trề môi đáp:

- Thà cho giặc Pháp bắt gà của tôi cho chúng ăn còn hơn.

Bữa tôi bị bắt đi an trí ở Thái Nguyên, tôi còn được tin Soạn bị Tây bắt, nhưng lại trốn được. Còn đàn bà và cơ nghiệp bị mất hết sạch tại làng Thủ Pháp khoảng tháng Giêng năm 1947.

Mất nghiệp lần thứ hai:

Năm 1948, bà nhạc tôi cùng các em trai của nhà tôi cùng lên Hà Nội ở với vợ chồng tôi, trừ ra cậu Phụng (em út) bị giữ lại làng để trông nom cửa hàng cho vợ chồng cậu Soạn.

Cậu Sơn có thủ thỉ với tôi:

- Khi anh bị giam cầm, anh Soạn cứ bắt mẹ đuổi chị và các cháu đi ở riêng. Nhưng mẹ khóc mà không chịu. Trong thời gian tản cư, vợ chồng anh Soạn nhất định ăn riêng. Anh chị ấy gây được hai cửa hàng, bán tạp hóa và bán thuốc lào mà không đỡ mẹ được bữa cơm nào.

Thế rồi một biến cố xảy đến: Pháp oanh tạc chợ Thắng, Hiệp Hòa. Trời run rui làm sao, bom rơi trúng hai cửa hàng của cậu Soạn, may mà người không ai việc gì. Hai cửa hàng bị ném bom rồi, người ta đến hôi của hết sạch, Soạn lại thành trắng tay.

Lại tay trắng lần thứ ba:

Hiệp định Giơ Neo ký ngày 20-07-1954, tháng 8, vợ Soạn lên Hà Nội và cho tôi biết "Vợ chồng em trắng tay, thế mà lại gây dựng lại được. Bây giờ, nhà em đã có vốn, định tậu xe đò chở khách".

Tôi chưa kịp khen chê vợ Soạn đã tiếp:

- Chẳng gì chúng em cũng có công theo kháng chiến 10 năm".

Tôi bấm bụng cười thầm: Bán buôn làm giầu mà cũng khoe là có công theo kháng chiến.

Năm 1955, chuyến tầu di cư cuối cùng chở đầy người di cư vào Nam, tôi gặp anh Long, người cùng xã cụ bói Lợn, kể chuyện về Soạn như sau:

"Cuối năm 1954, Soạn về Hà Nội, tậu chiếc xe chạy đường Hà Nội - Hải Phòng". Soạn buôn xe nhân bán cho Pháp, rồi mua các thứ hàng ở Hải Phòng đưa về Hà Nội. Chỉ trong chuyến đầu, Soạn lời 300 ngàn. Chuyến thứ 2, xe về tới ga Phạm Xá, cán bộ thuế giữ lại và đánh thuế 1 triệu 900 ngàn. Soạn vét tất cả sản nghiệp không đủ tiền nộp thuế, liền đành chịu cho cả chiếc xe đò và hàng hóa đi vào nha Quan thuế. Vợ chồng Soạn lại tay không về quê, mắt đỏ hoe vì khóc.

Lúc nghe kể, tôi đương ăn cơm, và nghẹn ngào, bâng khuâng, không biết nên thương hay nên giận người em vợ ấy. Tội lại nghĩ nếu ở chế độ tự do, Soạn đâu đến nỗi như vậy? Một lần nữa, Thần Khê Định Số quả là đúng.

"Người nào thuộc tuổi Tân Canh

Âm Dương, Mùi Sửu, tượng hình diệp thanh

Mắt ti hí, môi thâm, vai nhỏ

Chân tay thô, như vẻ nông phu

Nói năng đi đứng lầm lì

Lòng ti tiện, lại có bề tham lam

Tiền tài, công tựa dã tràng

Đời đa lao lực, tân toan khó lường".


Nguồn: KHHB - Số 74-J1

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ