By Tử Vi Chân Cơ| 07:43 16/09/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Có Áp Dụng Tử Vi Cho Người Ngoại Quốc Được Không?

Chúng tôi nhận được bài sau đây của một vị độc giả, đặt ra những vấn đề thảo luận với cụ Quản Văn Chính, nhà học giả lão thành về Tử Vi và Chỉ Tay.

Nghĩ rằng thảo luận là phương tiện đưa đến chân lý, chúng tôi xin đăng bài này có nhiều dẫn giải rõ ràng và dĩ nhiên cũng xin mong cụ Quản Văn Chính lại có lời minh xác lại để chúng tôi được tiếp thu. Các vấn đề được nêu ra là: Tử Vi chính xác về khoa học, nhưng Tử Vi không áp dụng được cho người ngoại quốc.

Cụ Quản Văn Chính, trong một bài viết liên quan đến Tử Vi, Tướng Số đăng ở KHHB Số DJ, ra ngày 8-4-1974 vừa qua, đã viết đại cương như sau:

- Hệ thống Tử Vi Trần Đoàn vô hình, không có thực. Tử Vi được áp dụng cho tất cả mọi người, bất cứ ở đâu.

- Con người là một.

- Diện giác không còn giá trị.

- Những chỉ tay trên bàn tay của Thánh Gandhi có thực.

Tôi nhận thấy bài viết trên luận cứ có nhiều điểm đáng thảo luận với tác giả.

A) Hệ thống Tử Vi Trần Đoàn và con người:

a) Bảo rằng hệ thống Tử Vi Trần Đoàn là một hệ thống không có thực và chỉ giao huy trên một tờ giấy, trong 12 cung: Tí, Sửu...bất chấp cả thời gian và không gian là sai với nguyên lý của Tử Vi.

Nguyên lý của Tử Vi là Dịch Lý.

Khởi đầu của Dịch lý, đã được vua Phục Hy - 4480 trước Kỷ nguyên - diễn dịch như sau:

- Nhất thể Thái Cực

- Thái Cực sinh lưỡng nghi: Âm nghi và Dương nghi

- Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng: Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Dương.

- Tứ Tượng sinh Bát Quái: Khôn, Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoàn, Kiền.

- Bát Quái sinh 16 quái

- 16 quái sinh 32 quái

- 32 quái sinh 64 quái...

Đó là Tiên Thiên Bát Quái.

Đến thời Vua Hạ Vũ - 2205 trước Kỷ nguyên - Hà Đồ được bổ túc thêm Lạc Thư và tiếp đó, đến đời nhà Thương - 1142 trước Kỷ nguyên - Lạc Thư được vua Văn Vương diễn dịch thành Hậu Thiên Bát Quái.

Tiên Thiên thiếp lập từ Hà Đồ, Hậu Thiên thiết lập từ Lạc Thư.

Về chuyện Hà Đồ, xuất xứ từ chuyện vua Phục Hy thấy con Long Mã nổi lên ở Sông Hà, trên lưng có những hình số phù hợp với TTBQ; Lạc Thư xuất xứ từ chuyện Vua Hạ Vũ bắt được con Kim Quy ở song Lạc trên lưng nó có những hình số phù hợp với HTBQ. Sông Hà, Sông Lạc thuộc Quận Tam Xuyên xưa, nay là Hà Nam; Song Lạc phát xuất từ Thiểm Tây và đổ vào sông Hà.

Tiên Thiên ngũ hành và Hậu thiên ngũ hành trên chuyển vận hình thành nên vạn vật.

Quy luật của Vũ trụ bao hàm trong quy luật của Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát Quái.

Thiên Văn, Địa Lý, Tử Vi, Tướng Số và ngay cả Y học nữa cũng đặt trên nền tảng của quy luật biến dịch đó.

Đến Trần Đoàn, thời mạt Đường. Trần Đoàn sau khi nghiên cứu trên 1000 lá số dựa trên nền tảng Dịch lý, đã thiết lập ra phép Tử Vi Đẩu Số, căn cứ vào phương vị tinh đẩu, biến dịch của Âm Dương ngũ hành mà biết vận hành họa phúc của con người.

Như thế bảo rằng hệ thống Tử Vi của Trần Đoàn là không có thực thì cũng chẳng khác chi là bảo Trời Đất là không có thực.

Còn bảo rằng vì nó vô hình nên không có thực lại càng tỏ ra phản Dịch lý hơn nữa.

Điện tử nó có hình đâu sao nó vẫn là thực.

Khí Oxy, khí Carbonic và ngay cả hàng trăm chất khí khác đang vận chuyển trong bầu không khí chúng ta thở cũng có hình gì đâu?

Phải chăng những khí này cũng là không có thực?

Tiên Thiên hay cái Thể cái thuở hỗn mang chi sơ, Hậu Thiên hay cái Dụng của Tiên Thiên, cả hai sinh hóa theo quy luật thuận nghịch, theo thời gian mà hình thành nên Thiên, Địa, Nhân, Vật và Ngũ Hành.

Tương quan Ngũ hành vô phối hợp tạo nên Lịch Số của thời gian. Từ lịch số của thời gian có Vận số của con Người.

Như thế, tùy theo từng cơ cấu thời gian tùy theo quy luật của Tiên Thiên, Hậu Thiên sinh hóa tạo Ngũ hành, con người có những số mệnh khác nhau, những Quốc gia có những định mệnh khác nhau, chủng tộc có những vận mệnh khác nhau.

Của con người Trung Quốc và Việt Nam:

Trần Đoàn khi nghiên cứu phương vị tinh tú ảnh hưởng, đã chỉ nghiên cứu ảnh hưởng của nó trên con người Trung Quốc.

Những chứng nghiệm đó, vì thế đã chỉ có giá trị tùy theo vị trí địa lý, phong thổ...của Trung Quốc.

Những kết quả của chứng nghiệm đó cố định với giới hạn của Trung Quốc.

So sánh Hậu thiên BQ và Địa lý Trung Quốc, ta thấy:

Ly vi Hỏa, Ly (Lửa) NAM: Nam Trung Quốc giáp Xích đạo.

Khảm vi Thủy, Khảm (Nước) BẮC: Bắc Trung Quốc giáp Bắc Băng Dương

Chấn vi Lôi, Chấn (Sấm) ĐÔNG: Đông Trung Quốc giáp Thái Bình Dương

Đoài vi Trạch, Đoài (Nhà) TÂY: Tây Trung Quốc giáp Tây Tạng

Như vậy, dù có lấy một Mặt Trời ở chỗ cao nhất làm chính Ngọ, Mặt Trời ở đâu chả chính Ngọ thì cao nhất, thì ta cũng chỉ lấy được một lá số giả tạo cho người ngoại quốc đó mà thôi.

Nghĩa là một lá số cho người đó, nhưng những ảnh hưởng phương vị tinh tú ở trên lá số đó thì đã bị thay đổi, không còn giống như một lá số như thế của một người ở Trung Hoa nghĩa là sai...

Phong thổ, khí hậu, địa lý...đã trái ngược hiển nhiên thủy chung, thịnh suy, họa phúc cũng phải trái ngược.

Riêng người Việt Nam, theo lịch sử, xuất phát từ giòng Dương Tử Giang, nguyễn là một trong những bộ lạc đầu tiên trên đại lục Trung Quốc, có cùng một huyết thống và phong thổ tương tự như Trung Quốc, nên Tử Vi có thể áp dụng được.

Những căn bản trong Dịch:

b) Thái Dương cư Tí hãm, theo Trần Đoàn là cách "Nhật trầm thủy bể loạn thế phùng quân" nghĩa là cách "Đời loạn gặp anh quân", một trong những cách tốt của Thái Dương.

Phú Trần Đoàn ghi: "Nhật tại Tí cung hiệu viết Nhật trầm thủy bể, loạn thế phùng quân..."

Muốn hiểu tại sao "mười giờ đêm Mặt Trời lặn từ lâu rồi mà Thái Dương còn ở Tí" thì lại phải trở lại nguyên lý của Dịch.

12 cung Tí, Sửu, Dần...không phải là "tờ giấy" mà là Vũ trụ theo diễn dịch của Kinh Dịch. Đường hoàng đạo (Zodiaque) của Vũ trụ đó: Dần, Thân, Tị, Hợi. Đường xích đạo (Équateur céleste) của nó: Tí, Ngọ, Mão, Dậu. (Chòm Thái Tuế quay vòng theo Mặt Trời theo chu kỳ 12 năm và trực xạ vào địa cầu theo đường Hoàng Đạo Dần Thân đó tức Đông Bắc Tây Nam).

Theo nguyên lý của Dịch, Âm Dương sinh hóa theo quy luật:

a) Vãng phản thuận nghịch:

Âm cực Dương sinh

Dương cực Âm sinh

Vua Phục Hy đã diễn dịch cái định luật Âm Dương tiêu trưởng luân hồi đó như sau:

Phục - Lâm - Thái - Đại Tráng - Quải - Kiền - Cấu - Độn - Bỉ - Quan - Bác - Khôn - Phục.

- Từ Phục, giờ Sửu, Khí Dương tượng (1 Dương).

- Đến Lâm, giờ Dần, bắt đầu sáng (2 Dương)

- Lớn lên dần dần đến Kiều, giờ Ngọ, Dương cực thịnh (6 Dương).

- Dương cực Âm sinh: Cấu, giờ Mùi (1 Âm)

Lớn lên dần dần đến nửa đêm giờ Tí, Khôn, Âm cực thịnh...cứ như thế mãi mãi không ngừng.

Nguyên lý đó đã cắt nghĩa cái nguyên nhân của Thái Dương cư Tí, hãm.

Không phản Khoa Học:

c) Bảo rằng Tử Vi "phản khoa học" thì đó chỉ là một luận cứ bất công. Xin minh chứng luận cứ đó chỉ là hàm hồ bằng hai dẫn chứng dưới đây:

1) "Khoa Tử Vi lý học là một khoa học nhân sinh tinh diệu, đầy khoa học tính, vốn dĩ thoát thai từ Dịch học, là một khoa triết lý tinh hoa của nền Triết học Đông Phương..."

2) "Trong khi người Việt còn ít biết đến Kinh Dịch như Thánh kinh của họ, như cuốn sách căn bản mở đường vào các khoa học".

Câu dẫn chứng 1 trích từ bài "Triết học Đông Phương trong Văn hóa dân tộc" của cụ Hà Lạc Giã Phu Việt Viêm Tử, một Bắc Đẩu của Tử Vi ở Việt Nam và câu dẫn chứng 2 dưới, trích ra từ bài của ông Trần Việt Sơn, giai phẩm KHHB, giới thiệu bài "Chu Dịch thuyết minh" của cụ Nguyễn Thọ Dục, một nhà Dịch học lỗi lạc của Miền Nam.

Tử Vi như vậy, khoa học hay là phản khoa học?

B - Diện giác:

Bảo rằng diện giác không còn giá trị vì quá xưa là theo một thuyết mới mà chưa có chứng minh. Phú của Trần Đoàn xưa như Trái Đất, nguyên lý của Tử Vi Đẩu Số lại còn xa xưa hơn nữa chắc cũng không còn giá trị ứng dụng gì cho Khoa Tử Vi ngày nay?

C - Những đường chỉ tay trên bàn tay Thánh Gandhi:

Có 2 bàn tay Thánh Gandhi.

1 - Bàn tay Thánh Gandhi của cụ Quản Văn Chính chép ra từ sách của Dr.Ranald.

2 - Bàn tay Thánh Gandhi của cụ Đẩu Sơn chép của Louis Fischer.

Không biết bàn tay này mới chính là bàn tay của Thánh Gandhi?

Theo cụ Quảng Văn Chính thì bản tay của Cụ chép mới đúng là bàn tay của Thánh Gandhi. Giả thiết bàn tay Thánh Gandhi của cụ Quản Văn Chính chép đúng là bàn tay của Thánh Gandhi thì cũng không thể căn cứ vào bàn tay trên sách vở đó để quyết đoán bí mật đời người đó.

Sự quyết đoán đó như thế là thiếu. Xin dẫn chứng lời của J.Ranald, một bậc thầy về khoa chỉ tay:

"Muốn tìm hiểu trọn vẹn bí mật của một đời người, khám phá các chi tiết bàn tay không vẫn chưa đủ. Mà phải mật thiết tìm liên hệ giữa khuôn mặt, vóc dáng, cử chỉ, tướng đi và giọng nói cười nữa, mới có thể gọi là hoàn toàn được là khám phá trọn vẹn bí mật của một đời người".

Kết luận:

Cũng trong bài "Triết học Đông Phương trong văn hóa dân tộc" của cụ Hà Lạc Giã Phu Việt Viêm Tử đã nói ở trên, cụ Việt Viêm Tử còn viết "Phải nhìn nhận một sự thực là: không một nho gia tên tuổi nào dính dáng vào công việc xuất bản loại sách Tử Vi ấy cả. Chung quy những cuốn sách ấy đều dịch lại mấy cuốn Tử Vi Đẩu Số của người Tầu, một loại man thư được tung ra trong thời Càn Long nhà Mãn Thanh đem qua Việt Nam, cho nên nội dung có nhiều sai lạc tai hại, từ căn bản đến chi tiết, khiến cho những người mộ mến khoa Tử Vi lý học, vì đã tìm hiểu Tử Vi qua sách ấy, chẳng hề thụ đắc được phần vi diệu của khoa Tử Vi học cao diệu và xác nghiệm tuyệt vời".

Vì cụ Quản Văn Chính đã tự giới thiệu là có "30 năm nghiên cứu và kinh nghiệm về Tử Vi" nên tôi không dám hoài nghi Cụ có là nạn nhân của sách vở Càn Long song những thuyết lý của Cụ về nguyên lý của Tử Vi thì tôi không thể không tự hỏi:

1) Phải chăng là Cụ cố ý thuyết lý sai lầm về nguyên lý Tử Vi đẩu số với một dụng ý nào đó?

2) Hoặc phải chăng trong một lúc quá phẫn nộ nên Cụ đã viết về nguyên lý trên không được khúc triết?

Hay là không phải như vậy?


Nguồn: KHHB - Số 74-H2

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ