Cuộc Đời Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Qua bài tựa quyển "Bạch Vân gia phả" của tiến sĩ Vũ Phương Đề, đồng các họa sĩ đời vua Lê Ý Tôn
- HOÀNG PHONG -
Từ xưa đến nay, người ta đã nói rất nhiều về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng theo tôi về cuộc đời của cụ, bài này đúng hơn cả, vì đây là bài của vị đại khoa thời Lê đã đề vào gia phả cho con cháu của cụ. Vậy xin trích dịch để độc giả nhã giám và rộng đường tham khảo...
Trình quốc công trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tự Hanh phủ đạo hiệu Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại tiên tổ ngày xưa tu nhân tích đức đã nhiều (nay không thể khảo cứu được) chỉ biết từ đời cụ Tổ thì được tập phong Thiếu bảo Tư quận công, mỹ tự là Văn Tĩnh. Cụ bà được phong Chinh phu nhân Phạm Thị Trinh Huệ. Nguyên trước đây các cụ lập gia cư ở nơi có sông núi bao bọc, hợp với kiểu đất của Cao Biền.
Phụ thân được phong Thái bảo Nghiêm Quận Công, mỹ tự là Văn Định, đạo hiệu là Cừ Xuyên tiên sinh, nguyên người học rộng tài cao, lại có đức tốt, được xung chức Thái học sinh.
Thân mẫu họ Nhữ được phong Từ Thục phu nhân, nguyên người ở An Tử hạ thuộc huyện Tiên Minh là con gái quan Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lân.
Bà vốn là người thông minh, học rộng văn hay; lại tinh cả môn tướng số, ngay thời Hồng Đức mà bà đã tính được rằng: vận mệnh nhà Lê chỉ sau 40 năm nữa thì sẽ suy đồi. Vì có một chí hướng phò vua giúp nước của bậc trượng phu muốn chọn một người vừa ý mới chịu kết duyên, nên bà chờ đợi đến ngót 20 năm trời, khi gặp ông Văn Định có tướng sinh quý tử, mới lấy.
Nhưng sau lại gặp một trang thiếu niên trong lúc sang bến đò Hàn thuộc con sông Tuyết, thì bà ngạc nhiên than rằng: "Lúc trẻ chẳng gặp, ngày nay tới đây làm gì?"
Những người theo hầu không hiểu ra sao, cầm roi đánh đuổi thiếu niên ấy đi, rồi sau bà hỏi lại tính danh mới biết người ấy tên là Mạc Đăng Dung, khiến cho bà phải sinh lòng hối hận đến mấy năm trời.
Bỉnh Khiêm sinh vào năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm Tân Hợi 1491) lúc sơ sinh vóc người có vẻ hùng vĩ, khi chưa đầy năm đã biết nói, một hôm vào buổi sáng sớm Văn Đinh đang bế cậu ở trên tay bỗng thấy cậu nói ngay rằng: "mặt trời mọc ở phương Đông" ông lấy làm lạ rồi năm lên bốn thì phu nhân dạy cậu học kinh truyện, hễ dạy đến đâu thì cậu thuộc lòng đến đấy, và thơ quốc âm cậu đã nhớ đến mấy chục bài.
Lại một hôm bà đi vắng. Ông ở nhà bày trò kéo dây đùa với lũ trẻ, nhân đọc bỡn một câu rằng:
"Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung", rồi ông muốn đọc tiếp câu nữa nhưng chưa kịp nghĩ thì cậu đứng lên đọc luôn ngay rằng: "Vén tay tiên nhẫn nhẫn rong". Ông thấy cậu mẫn tiệp như vậy có ý mừng thầm, đợi khi bà về thuật lại cho nghe. Bà lấy làm bất mãn, nói với ông rằng: "Nguyệt là tượng bề tôi, cớ sao ông lại dạy con như thế?". Ông cả thẹn xin lỗi nhưng bà vẫn không nguôi, giận bỏ về ở bên nhà cha mẹ đẻ, cách ít lâu thì mất.
Lại có truyền ngôn rằng: Lúc tiên sinh để chỏm cùng với lũ trẻ tắm ở bến đò Hàn, khi ấy có một chủ thuyền buôn người Tàu nhìn thấy tướng mạo ông, chú bảo với mọi người rằng: "Cậu bé này có tướng rất quý chỉ hiềm một nỗi là da hơi thô về sau chỉ làm đến trạng nguyên tể tướng mà thôi, vì thế ai cũng đoán chắc rằng: Bỉnh Khiêm sẽ là bậc tề phủ của quốc gia sau này.
Như tiên sinh còn lúc thiếu niên, học vấn sở đắc ngay tự gia đình, đến khi lớn tuổi, nghe nói có quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, nổi tiếng văn chương quán thế, ông bèn tìm đến để xin nhập học Lương Công là người làng Hội Trào, thuộc huyện Hoàng Hóa, lúc ngài phụng mệnh sang sứ nhà Minh, có học được phép Thái Ất thần kinh của người cùng họ, tức là dòng dõi Lương Nhữ Hốt (ông Hốt trước hàng nhà Minh được phong tước là Lăng Lăng Vương). Lương Công rất thông minh về lẽ huyền vi, đem truyền lại cho tiên sinh đến khi ngài bị ốm nặng lại đem cho con là Lương Hữu Khánh ký thác với tiên sinh, tiên sinh săn sóc dạy dỗ chẳng khác chi con mình, sau này ông Khánh cũng được thành đạt.
Năm Quang Thiệu (1516 - 1526) gặp lúc hoạn nạn tiên sinh về ẩn cư để dạy học lấy làm vui, chẳng cầu danh tiếng, nhưng sang đến thời đầu niên hiệu Thống Nguyên (tức Lê Hoàng Đệ Thung) thì Trịnh Tuy và Mạc Đăng Dung cũng đều có ý hiếp chế Thiên tử, để sai khiến chư hầu hai bên gây cảnh nội chiến khiến cho trong nước chịu cảnh lầm than lúc ấy tiên sinh có cảm hứng một bài thơ rằng:
Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu
Hổ chiến giao tranh tiểu lưỡng thù
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu
Uyên ngư từng tước vị thùy khu
Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu
Thế sự đáo đầu lưu thuyết trước
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du
(Bản dịch của ông Phan Kế Bính)
Non sông nào phải buổi bình thời
Thù đánh nhau chỉ khéo nực cười
Cá vực chim rừng ai khiến đuổi
Núi thây sông máu thảm đầy nơi
Ngựa phi ắt có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẩm cuộc đời chỉ nói nữa
Bên đầm say hát nhẩn nhơ chơi
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Sở dĩ có bài thơ trên, vì tiên sinh biết rõ là Lê sẽ trung hưng, dẫu rằng ngày nay phải tạm tìm kế an thân, nhưng rồi sau đấy tất nhiên sẽ lại khôi phục đất nước, mà câu thú dữ nên phòng lúc cắn người chỉ là nói kín thôi.
Quả nhiên về sau nhà Lê trung hưng, bốn phương trời trở lại yên tĩnh. Bấy giờ bạn hữu đều khuyên ông ra làm quan, đến năm 44 tuổi ông mới chịu ra ứng thí khoa hương thi ấy tiên sinh được đỗ đầu, rồi năm sau tức là năm thứ sáu đời nhà Mạc (1535) lại ra tỉnh thì được đỗ thứ nhất, khi vào đình đổi thì lại đỗ Tấn sĩ đệ nhất danh, được bổ chức Đông Các Hiệu Thư, trong đời Thái Tông nhà Mạc, ông có làm bài thơ "Xuân thiên ngự tửu", đều dự hạng ưu, rồi y thăng chức Hữu Thị Lang Hình bộ, sau thời gian lại thăng chức Tả Thị Lang kiêm chức Đông Các Đại học sĩ.
Trong 8 năm ở triều, tiên sinh dâng sớ hạch tội 18 kẻ nịnh thần, xin đem chém để làm gương, bởi vì bổn tâm tiên sinh chỉ muốn trăm họ đều được an vui, những người tàn tật mù lòa cũng cho họ các nghề ca hát bói toán, nhưng rồi gặp phải con rể là Phạm Dao Y ỷ thế lộng hành vì sợ liên lụy đến mình, nên tiên sinh cáo quan xin về trí sĩ.
Thế là giữa năm Quảng Hòa thứ 2 (1542) tiên sinh mới 52 tuổi đã xin trí sĩ, treo mũ về làng, dựng am Bạch Vân ở phía tả chỗ làng ở, và vẫn lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ khi ấy tiên sinh có bắc hai chiếc cầu Nghịnh Phong và Tràng Xuân để khi hóng mát, dựng một ngôi quán là Trung Tân ở bến Tuyết Giang có bia để ghi sự thực.
Ngoài ra tiên sinh còn tu bổ chùa chiền; có lúc cùng các lão tăng đàm luận, có khi thả một con thuyền dạo chơi Kim Hải Úc để xem đánh cá. Còn chỗ danh sơn thắng cảnh, như núi An Tử, Ngọa Vân, Kính Chủ, Đồ Sơn, nơi nào tiên sinh cũng chống gậy trèo lên, thừa hứng ngâm vịnh quên cả sớm chiều mỗi khi thấy chỗ rừng xanh tốt chim đổi giọng ca, tiên sinh lại hớn hở tự đắc, quả là một vị Lục địa Thần tiên.
Nhưng trong thời gian dưỡng lão ở chốn gia hương, tuy rằng không dự quốc chính, thế mà họ Mạc vẫn phải kính trọng như một ông thầy, những việc trọng đại thường sai sứ giả về hỏi, có khi lại đón về kinh thành để hỏi, tiên sinh đều ung dung chỉ dẫn, nhờ được bổ ích rất nhiều. Xong rồi lại trở lại am cũ, họ Mạc ân cần giữ lại cũng chẳng được, về sau phải liệt vào hạng nhất công thần, phong tước là Trình Tuyền Hầu, dần dần thăng đến Lại Bộ Thượng Thư Thái Phó Trình Quốc Công, bà nhị đại cũng được phong ấm, 3 người thê thiếp với 7 người con thứ tự cũng được phong hàm.
Năm cảnh lịch thứ 111 thời nhà Mạc (tức Mạc Phúc Nguyên 1550, Thư Quốc Công người xã Khoa Hoạch huyện Thanh Oai tên là Nguyễn Thiếu con là Quyện và Mỗi về hàng Quốc triều, tiên sinh có làm bài thơ gửi cho Thiếu trong có câu:
Cô ngã tôn cô duy nghĩa tại,
Tri quân xử biến khởi tâm can.
Nghĩa là ta giúp con côi vì trọng nghĩa, ông khi xử biến há cam lòng.
Lại có câu:
Khí vận nhất chu ly phục hợp
Trường giang khởi hữu hạn đông nam.
Nghĩa là: Vận chuyển một vòng tan lại hợp, Trường Giang đâu có hạn đông nam.
Thiếu xem thơ trong lòng cảm thấy bứt rứt, còn Quyện cũng có tướng tài, luôn lập được chiến công. Phúc Nguyện lấy làm lo ngại; hỏi kế, tiên sinh thưa rằng: "Cha Quyện với thần là chỗ bạn thân từ trước và đã ở trong nhà thần, hiện nay được ra trấn thủ Thiên trường ở vào tình thế bán tín bán nghi, nay muốn dùng kế bắt lại thực chẳng khác chi thò tay vào túi để lấy một vật gì mà thôi.
Rồi tiên sinh xin với Mạc Phúc Nguyên trao cho 100 tráng sĩ, sai đi phục sẵn ở bên Bắc Ngạn, đoạn gửi thư cho Quyện, hẹn sang bên thuyền nâng chén rượu nhạt kể lại tình xưa rồi nhân lúc đã quá say phục binh nổi dậy bắt cóc đưa về Nam Ngạn, tiên sinh mới đem ân nghĩa quốc gia ra khuyên nhủ. Quyên cảm động khóc nức nở, tiên sinh bèn dẫn về quy thuận họ Mạc, rồi sau trở thành viên danh tướng, nhờ đó mà Mạc duy trì thêm mấy chục năm nữa.
Trong thời gian ấy, đức Thế Tổ đã dấy binh thanh thế vang khắp xa gần, đánh nhau mấy trận ở cửa Thần Phù, Khiêm Vương, Mạc Kính Điển đại bại Thế tổ thừa cơ tiến binh theo đường Tây Sơn ra đánh kinh Bắc, khiến cho trong ngoài nơm nớp lo sợ, ông hiến cách hư thực cho họ Mạc theo đó thi hành, bấy giờ trong cõi mới tạm ổn định.
Năm Diên Thanh thứ 8 (1585) đời vua Mạc Mậu Hợp tiên sinh lâm bệnh, Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi về quốc sự. Tiên sinh chỉ trả lời: "Tha nhật quốc hữu sự cố Cao Bằng tuy tiểu khả duyên số thế". Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ cũng giữ thêm được mấy đời.
Quả nhiên cách 7 năm sau họ Mạc mất rồi các chúa nhà Mạc như Càn Thống, Long Thái, Thuận Đức, Vĩnh Xương, rút lên giữ Cao Bằng được 7 chục năm nghĩa là sau ba bốn đời mới hoàn toàn bị diệt; coi đó là lời của tiên sinh dự đoán chẳng sai chút nào.
(còn nữa)
Nguồn: KHHB
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Thực Là Một Nhân Tài Đáng Tiếc
Lá Số & Cuộc Đời Của Nữ Nghệ Sĩ Bích Huyền
Hai Vị Chúa Tể Đáng Sợ Trên Lá Số: Tuần & Triệt
Những Câu Phú Tử Vi Ứng Nghiệm Thế Nào? Đẩu Quân Ở Tử Tức; Nhật Nguyệt Đồng Minh Sửu Mùi...
Thuyết Nhân Quả Căn Bản Giải Thích Tử Vi
Ý Nghĩa Đặc Biệt Của Vòng Tràng Sinh Trong Lý Học Đông Phương