Đế Tọa Thiên La; Thân Cư Triết Xứ; Tử Vi Nam Hợi; Nữ Dần Cung...
Phong Nguyên
Trên Giai phẩm KHHB này tôi đã có dịp trình bầy với quý bạn một số câu phú thông thường, nay xin quý bạn cùng tôi đi sâu vào khu rừng phú Tử Vi để lượm lặt những câu khó khăn và lý thú hơn. Tôi cố gắng bàn kỹ càng và tỉ mỉ từng câu, với kinh nghiệm riêng và sau khi đã tham khảo ý kiến của nhiều bậc cao thủ về Tử Vi, để giúp quý bạn áp dụng được chính xác và linh động hơn. Qua bài này quý bạn sẽ hiểu lý do tại sao tôi đã thúc đẩy quý bạn học thuộc lòng cách an sao trên bàn tay, vì chỉ có cách đó mới thấu hiểu được mau lẹ các câu phú và mới giải đoán được đúng mức.
1. Đế tọa Thiên La, Thân cư Triệt xứ, cư Giáp Kỷ nhân, chung niên nan toại chí, đa trái thê nhi:
Giải nghĩa: Nếu Mệnh đóng tại Thìn (Thiên La) có chính tinh Tử Vi (Đế) tọa thủ mà "Thân" (không phải cung Thân) lại đóng tại cung bị Triệt án ngữ và gặp tuổi Giáp, Kỷ thì suốt đời không toại nguyện về công danh sự nghiệp, ngay cả vợ con cũng phải chịu nhiều trở ngại ngang trái.
Nhận xét: Sau khi hiểu rõ nghĩa câu này, quý bạn thắc mắc chung như sau:
Tại sao chỉ đề cập đến Triệt án ngữ tại Thân chứ không nói đến Triệt án ngữ tại Mệnh, vì Mệnh có hai chính tinh Tử Vi và Thiên Tướng là các sao sợ Triệt nhất?
Tại sao chỉ có hai tuổi Giáp, Kỷ mới bị ảnh hưởng xấu như vậy?
Sau hết, tại sao cách trên gây trở ngại cho vợ con mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến các cung Thê và Tử Tức?
Về điểm một, quý bạn thấy rằng nếu Triệt án ngữ ngay tại Mệnh thì tuy xấu thật nhưng chỉ cản trở cho tiền vận là thời thường chưa có công danh, cho nên câu phú chỉ đề cập đến trường hợp Triệt án ngữ tại "Thân", tức là khoảng thời gian hợp lý cho công danh. Hơn nữa Triệt án ngữ tại cung Quan Lộc mới hại trực tiếp cho công danh, còn ở Mệnh thì cản trở chung cho mọi phương diện. Ngoài ra, vì các tuổi Giáp, Kỷ (có Triệt án ngữ tại Thân Dậu) là hai tuổi chịu ảnh hưởng xấu cho nên không thể đặt vấn đề Triệt án ngữ tại Mệnh vì như thế những điểm xấu khác (mà tôi nêu ra dưới đây) sẽ không có nữa.
Còn về điểm 2 và 3 (tôi bàn chung cho tiện vì có sự liên quan mật thiết với nhau), ngoài sự tai hại của Triệt án ngữ ngay tại cung Quan Lộc như đã nói ở trên, hai tuổi Giáp, Kỷ còn chịu thêm nhiều điểm bất lợi khác chứng tỏ sự lận đận trên đường công danh. Như trường hợp tuổi Giáp là phải có Lộc Tồn cư Dần và theo câu phú thì Mệnh cư Thìn là cung Thê cư Dần (có Tham Lang tọa thủ theo cách bố cục đương nhien). Khi cung Thê có Lộc Tồn mà cung Quan bị Triệt án ngữ thì cách xấu, chứng tỏ người chồng phải về... xua gà cho vợ. Ngoài ra, cung Thê còn có chính tinh Tham Lang thu hút các sao Hóa Lộc ở cung Quan, Hóa Quyền ở Thiên Di chiếu về lại càng nói lên sự quán xuyến của người vợ khiến cho người chồng phải bị lệ thuộc quá nhiều vào vợ, và đáng tiếc là người vợ lại không được đàng hoàng, nết na vì Tham Lang hội Lộc Tồn chủ về lòng ích kỷ, tham lam vô bờ bến, luôn luôn đặt đồng tiền lên trên hết, tình nghĩa vợ chồng chỉ là thứ yếu. Có lẽ nên hiểu "đa trái" trong câu phú là chồng phải chịu nhiều sự ngang trái về vợ hơn là chính người vợ phải bị lận đận, vất vả. Sau hết ta còn lưu ý về điểm đại hạn ở giai đoạn ngoài 40 tuổi lại ở ngay cung Quan Lộc bị Triệt (tuổi khác đại hạn này cũng ở cung Quan nhưng không bị Triệt), cho nên công danh càng bị kẹt, nhất là mạng có Tử Vi, Thiên Tướng tối kị hạn có Triệt án ngữ.
Đối với tuổi Kỷ tránh được Lộc Tồn cư Thê thì lại có Hóa Quyền nhảy vào (Quyền đồng cung với Tham Lang), như thế còn nhục nhã hơn vì Tham Lang hội Hóa Quyền cư Thê chứng tỏ người chồng hoàn toàn bị vợ nắm đầu, không có quyền quyết định bất cứ việc gì. Phải chi cung Quan không bị Triệt thì có thể ở nhà sợ vợ nhưng ra ngoài xã hội vẫn có địa vị, uy quyền. Như vậy, nói tóm lại tuổi Kỷ còn tệ hơn cả tuổi Giáp.
Còn về phương diện con cái bị "đa trái", chúng ta có thể suy luận ra là khi người cha đã lận đận trên đường công danh đến nỗi phải trông cậy vào vợ thì đương nhiên con cái phải chịu ảnh hưởng, nhất là khi cha lại vất vả đúng vào thời kỳ con cái đã khá lớn. Nếu nói rằng con cái có thể nhờ mẹ được trong trường hợp kể ra cũng không được hữu hiệu vì mẹ có Tham Lang kia chắc gì đã hết lòng với con cái mà còn có thể hướng tâm hồn về những chuyện ám muội khác. Riêng về khía cạnh Tử Vi thì cung Tử Tức chỉ có Nhật, Nguyệt cư Sửu mà không được cách gì tốt bổ túc thì đương nhiên con cái phải vất vả (tuổi Giáp còn đỡ một chút vì có Hóa Kị đồng cung với Nhật Nguyệt).
2. Tử vi nam Hợi, nữ Dần cung, Nhâm Giáp sinh nhân phú quý đồng:
Giải nghĩa: Câu này cũng không có gì mới lạ với quý bạn, vì nhiều sách Tử Vi có đề cập tới. Nhưng đáng tiếc là sách nào cũng đều nói chung là tuổi Nhâm, Giáp áp dụng cho cả nam lẫn nữ, chỉ có khác là cung Dần dùng cho Nữ và cung Hợi dùng cho Nam. Thực ra chữ Nhâm chỉ áp dụng cho Nam và chữ Giáp áp dụng cho Nữ mà thôi.
Nhận xét: Thực vậy, nếu xét về cách bố cục của các sao, ta thấy trường hợp nam có Tử Vi cư Hợi (có Thất Sát đồng cung), tức là được cách "Tử Sát đồng lâm Tị, Hợi nhất triều phú quý song toàn", nếu tuổi Nhâm mới thực là tốt vì có Lộc Tồn đồng cung thêm cả Hóa Quyền (tuổi Nhâm theo câu "Lương Vi Tả Vũ" về cách an Tứ Hóa). Cung Tài có Hóa Kị (Kị nằm cung này rất đúng chỗ), còn Hóa Khoa thì tùy theo Tả Phù nên không thể xét đến. Như thế làm gì không quyền quý. Còn gặp tuổi Giáp thì kém hay hẳn vì Lộc Tồn sẽ chạy sang cung Điền chứ không còn ở Mệnh nữa (Tử Sát mất Lộc Tồn thì kém nhiều), còn Hóa Lộc, Hóa Quyền chạy sang cung Quan gặp Liêm Phá hãm địa cũng không hợp, mà nhất là tại xung chiếu về cung Thê làm cho vợ lấn áp chồng thì cũng không hay (vì có sẵn Thiên Tướng mà được Quyền Lộc xung chiếu sẽ trở nên oai quyền hơn nhiều, nếu chỉ có Thiên Tướng không thôi, như trường hợp tuổi Nhâm, thì lại là vợ đảm đang, nết hạnh).
Về trường hợp phụ nữ cũng vậy, chỉ áp dụng chữ Giáp mà thôi, vì như thế mới có Lộc Tồn tại Mệnh hội Tử Phủ cư Dần thì còn gì phúc hậu cho bằng. Còn về bộ Tứ Hóa (theo câu an "Giáp Liêm Phá Vũ Dương"). thì Hóa Lộc cư cung Quan, Hóa Quyền cư cung Phu Quân, Hóa Khoa cư cung Tài Bạch, Hóa Kị cư cung Phụ Mẫu. Khi Hóa Lộc cư Quan thì đương số được cách Song Lộc, như thế tiền để đâu cho hết, nhất là hội Tử Phủ là cách vượng phu ích tử lại càng hay cho chồng con, dù có nằm nhà cũng ích lợi cho chồng vì Hóa Lộc xung chiếu về cung Phu có Hóa Quyền đóng ở đó là chồng đủ khả năng nuôi dưỡng vợ và có uy với vợ. Đó cũng là cách hay cho người đàn bà. Ngoài ra, còn Hóa Khoa cư Tài Bạch lại càng chứng tỏ phong thái, tư cách trọng hậu của người đàn bà về phương diện tiền tài. Nếu áp dụng cả chữ Nhâm, ta thấy lệch lạc hẳn vì khi đó Lộc Tồn ở cung Tử Tức (là điều không hay). Hóa Lộc ở cung Nô Bộc, Hóa Quyền ở cung Mệnh cũng là cách dở (người xưa quan niệm đàn bà không nên có Hóa Quyền tại Mệnh vì như thế là lấn áp chồng làm mất hạnh phúc gia đình), do đó chỉ còn trông cậy vào Hóa Khoa cho thêm phần tốt đẹp thì lại chưa thể chắc có sao đó tại Mệnh hoặc Tài, Quan hay không, vì Hóa Khoa tùy thuộc vào Tả Phù tức là tùy theo tháng sinh). Như vậy, tuổi Nhâm đâu có gì là hay.
Sau hết, còn một điểm tối kị, là tuổi Nhâm thì Triệt đóng ngay tại cung Dần, Mãi tức là Tử Phủ bị Triệt trực tiếp án ngữ, như thế khó lòng phú quý được. Tóm lại, ta không thể dùng cả chữ Nhâm cho phái nữ trong trường hợp câu phú nêu trên.
3. Thất Sát Tí, Ngọ, Dần, Thân thọ khảo:
Giải nghĩa: Câu này rất dễ hiểu và thông thường, có nghĩa là Mệnh tại các cung Tí, Ngọ, Dần, Thân nếu có Thất Sát (đương nhiên là độc thủ) thì sống lâu.
Nhận xét: Về phương diện tìm hiểu ý nghĩa cho tỉ mỉ thì chẳng có gì nhưng về phương diện ứng dụng thì quả thực câu này là con dao hai lưỡi vì tôi đã nghiệm được khá nhiều lá số chỉ vì cách này mà chết non hoặc chết bất đắc kỳ tử. Có thể nói câu này sai nhiều hơn là đúng. Không những thế lại còn có câu phú trái ngược với câu này "Thất Sát đơn thủ Mệnh viên vô khả cứu trung tâm chi hạn" (nghĩa là Mệnh có Thất Sát đơn thủ thì khi vào hạn La Võng thì khó cứu nổi), như thế ta lại càng cần dè dặt khi áp dụng câu phú trên. Thực tế, khi Mệnh có Thất lại hội đủ cả Kình, Hổ, Khốc, Hư, Tang, Đà hoặc hạn gặp những sao đó dù cho không phải cung La Võng cũng rất khó bảo toàn tính mạng. Tôi đã từng được coi những lá số Mệnh có Thất Sát độc thủ mà hạn chỉ gặp có một Kình Dương cư Ngọ (đại tiểu trùng phùng) thế mà cũng bị chết phí mạng.
Nói tóm lại, câu trên tôi nêu ra không phải để quý bạn dùng mà thực ra để quý bạn đề phòng khi áp dụng.
4. Đế tọa La Võng hoàn vi phi nghĩa chi nhân:
Giải nghĩa: Mệnh tại Thìn, Tuất nếu có Tử Vi tọa thủ (tức là có Thiên Tướng đồng cung) là người chỉ làm những chuyện phi nghĩa.
Nhận xét: Câu này cũng vậy, về ý nghĩa chẳng có gì cần tìm hiểu, nhưng về việc ứng dụng ta cũng cần dè dặt, vì tôi đã gặp nhiều trường hợp chẳng có gì là thủ đoạn, gian manh cả. Thực ra, Tử Vi - Thiên Tướng là hai sao trượng phu, đôn hậu dù bị Thiên La cũng chỉ giảm khả năng chứ tại sao lại đổi tính tình đi được. Sở dĩ cách này bị kết án vì có Phá Quân cư Thiên Di là sao lưu manh, thủ đoạn cứ lôi kéo 2 chính tinh trên hoài. Vậy khi thấy có thêm cách làm cho Tử Vi, Thiên Tướng vững trở lại thì chớ vội quyết đoán theo câu phú. Tỷ dụ như người tuổi Nhâm thì có Hóa Quyền tại Mệnh (vì Quyền đồng cung với Tử Vi) nên 2 chính tinh Tử Vi, Thiên Tướng "hồi sinh" trở lại, nghĩa là có đủ uy quyền và bản lĩnh để đối phó với sao Phá Quân ở cung xung chiếu, và sao Phá Quân lúc đó đâu còn khả năng lôi cuốn mà lại còn bị Tử Tướng chi phối. Tuy nhiên, trong trường hợp này chưa hẳn là hanh thông cho Tử Tướng vì có Kình Đà hội chiếu về Mệnh (tuổi Nhâm Lộc Tồn tại Hợi, thì Kình ở Tí, Đà ở Tuất), nhưng về phương diện "phi nghĩa" thì không đúng mấy. Chỉ ngại trường hợp Tử Tướng bị Tuần, Triệt án ngữ thêm (như tuổi Bính, Tân có Triệt tại Thìn Tị) hoặc có Hóa Quyền đồng cung với Phá Quân thì sao Phá Quân lúc đó tha hồ thao túng Tử Tướng và do đấy vấn đề "phi nghĩa" mới đặt ra được. Ngoài ra, ta cũng nên nhớ rằng thời phong kiến bên Trung Hoa, vấn đề trung thành với vua gần như tuyệt đối, hễ ai làm phản là bị kết tội bất trung, dù cho vị vua đó là hôn quân chăng nữa, chẳng thế còn có câu phú "Tử Tướng - Thìn Tuất, quân thần bất nghĩa", nhưng thời đại này mà còn áp dụng câu phú trên một cách máy móc thiết tưởng không còn hợp thời nữa...
Vì mỗi câu phú được mổ xẻ tỷ mỷ nên mới có được 4 câu đã hết một bài, mong quý bạn đừng sốt ruột. Tôi sẽ tuần tự nêu ra nhiều câu khác trên giai phẩm này theo chiều hướng như trên và trong tương lai, nếu có thể tôi sẽ in riêng một tập về các phú Tử Vi có chú giải thật kỹ lưỡng. Quý bạn sẽ được thông báo kịp thời khi đó.
Nguồn: KHHB - Số 74-H1
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh