Giải Đoán Về Đại Tiểu Hạn
Phong Nguyên
Trên bước đường nghiên cứu và học hỏi về Tử Vi, tôi có thể nói rằng việc giải đoán vận hạn khó khăn, phức tạp nhất vì ta phải cân nhắc và phối hợp quá nhiều yếu tố, mặc dù trong nhiều sách số có bàn tới khía cạnh này nhưng tôi rất tiếc là hơi tổng quát và không được rõ ràng. Thực vậy, nếu cứ tra trong sách thì đại tiểu hạn gặp sao này bị nạn, gặp sao kia phát tài, hoặc đại hạn nhiều sao tốt hơn là sao xấu là tốt, hoặc đại hạn xấu mà tiểu hạn tốt cũng không hay...như thế chúng ta làm sao có thể đi tới kết luận và như thế cũng quá giản dị, dễ dàng và thiếu linh động, uyển chuyển, trái hẳn với tinh thần Tử Vi.
Vì vậy tôi cố gắng thử trển khai cách giải đoán đại tiểu hạn (trong bài này tôi không đề cập tới nguyệt và nhật hạn vì đi quá sâu vào chi tiết rất khó khăn, dễ sai lầm và dễ bị thất vọng) nhưng sẽ bỏ qua những nguyên tắc thường được các sách nêu ra cho khỏi rườm rà.
1/ ĐẠI HẠN:
Nếu so sánh với tiểu hạn thì đại hạn dễ giải đoán hơn nhiều vì đại hạn bao trùm chu kỳ 10 năm, do đó tổng quát hơn và nhất là các đại hạn không bao giờ giống nhau vì ở đại hạn ở 1 cung không trùng nhau như tiểu hạn (tiểu hạn cứ 12 năm lại trở về cung trước). Tuy nhiên khi so sánh với cách giải đoán tổng quát Mệnh - Thân thì đại hạn vẫn khó tìm hiểu vô cùng.
Nói chung, khi giải đoán đại hạn, quý bạn nên lưu tâm tới những điểm sau (theo thứ tự):
- Tương quan giữa các sao hoặc các cách (nhất là chính tinh) của Mệnh, Thân với các sao hoặc các cách của đại hạn.
- Tương quan giữa ngũ hành của bản Mệnh (hoặc Cục) và ngũ hành của cung nhập đại hạn.
- Ảnh hưởng sớm hoặc trễ của các sao Nam đẩu hoặc Bắc đẩu
- Phối hợp cung Phúc với đại hạn
- Phối hợp cung liên hệ đến hoàn cảnh xảy ra trong đại hạn (nếu cần)
- Lẽ tất nhiên quý bạn phải xem xét tới ý nghĩa tốt xấu của các sao mà tôi không nêu ra vì các sách đã có bàn tới, ngoài những nguyên tắc nêu trên.
Bây giờ xin đưa ra những ví dụ cụ thể để quý bạn hiểu rõ các nguyên tắc tổng quát liệt kê trên đây:
* Sau khi đã nhận định về ý nghĩa tốt xấu của các sao nhập đại hạn, quý bạn cần xem sao hoặc nhóm sao của Mệnh (nếu chưa quá 30 tuổi) hoặc Thân (nếu trên 30 tuổi) có hợp với các sao nhập đại hạn không. Đây là điểm quan trọng nhất mà nhiều người biết Tử Vi thường hay bỏ qua. Thực thế, có khi cách hoặc sao nhập hạn rất hay mà vẫn chẳng tốt hoặc chẳng ứng nghiệm, chỉ vì không hợp với cách của Mệnh, Thân. Ví dụ như: Mệnh hoặc Thân có cách Sát Phá Liêm Tham mà cung nhập hạn có các Cơ Nguyệt Đồng Lương thì không sao dung hòa với nhau được và do đó cuộc sống phải gặp nhiều khó khăn, trở ngại, mâu thuẫn, đối kháng dù cho Cơ Lương đắc địa Thìn Tuất chăng nữa. Còn như Mệnh Thân có cách Tử Phủ Vũ Tướng mà hạn gặp Cơ Nguyệt Đồng Lương thì nhất định là hay rồi với điều kiện đừng có Không Kiếp lâm vào vì Tử Phủ rất kị 2 sao này, dù gặp gián tiếp. Ngoài ra, còn cần phải xem ngũ hành của chính tinh tọa thủ tại cung nhập hạn (nếu có). Ví dụ như Mệnh có Tham Lạng thuộc Thủy, nếu đại hạn có Tử Phủ Dần Thân thì vẫn xấu như thường vì Tử Phủ thuộc Thổ khắc với chính tinh Tham Lang.
* Điểm quan trọng thứ nhì là phải xem xét ngũ hành của Mệnh (nếu chưa quá 30t) hoặc của Cục (nếu quá 30t) có hợp với ngũ hành của chính tinh và của cung nhập hạn hay không. Hay nhất là được cung và sao sinh bản Mệnh hoặc Cục (tùy theo trường hợp). Hoặc nếu không, phải tương hòa, nghĩa là cùng 1 hành (có nhà Tử Vi lại cho rằng cùng 1 hành là thuận lợi nhất). Còn trường hợp sinh xuất, tức là Mệnh sinh sao hoặc cung nhập hạn, và khắc nhập, tức là sao hoặc cung khắc Mệnh, thì đều xấu cả. Riêng trường hợp khắc xuất tuy cũng vất vả nhưng mình vẫn khắc phục được hoàn cảnh, và do đó chưa hẳn là xấu. Ví dụ Mệnh của mình là Thủy đi đến đại hạn Cự Kị, Không Kiếp cũng chẳng hề gì, nếu có xảy ra cũng chỉ sơ qua. Trong khi đó, nếu mình Mệnh Hỏa hoặc Kim thì đương nhiên dễ bị hiểm nghèo về họa phước. Hoặc là Mệnh mình Kim, đi đến cung nhập hạn có Vũ Khúc hội Song Lộc, Tử Phủ...thì làm gì không giàu có. Trong khi Mệnh Mộc thì có khi khổ vì tiền.
* Về ảnh hưởng sớm trễ của chính tinh, chắc quý bạn đều biết là Nam Đẩu tinh ứng về 5 năm sau của đại hạn, còn Bắc đẩu tinh ứng về 5 năm trước. Tuy vậy, vẫn có bạn chưa hiểu phải áp dụng giải đoán như thế nào. Tôi xin đơn cử 1 thí dụ: Mệnh có Đào Hoa, Mộc Dục, Hoa Cái, đại hạn có Tham Lang, Riêu, Hồng, Kình, Hình thì gần như chắc chắn trong 5 năm đầu đương số sống 1 giai đoạn rất lả lướt, bay bướm vì Tham Lang (Bắc đẩu tinh) cũng như cái đầu tầu lôi kéo tất cả các sao phụ kia, nhưng với điều kiện đương số phải Mệnh Thủy, Mộc hoặc Kim mới ứng nghiệm nhiều, vì Tham Lang thuộc Thủy hợp với ngũ hành trên. Nếu chính tinh nhập hạn là Thiên Lương (Nam đẩu) thì các nhóm sao phụ đó lại phải hoạt động chậm lại theo với ảnh hưởng của chính tinh, tuy nhiên cuộc sống không bừa bãi bằng Tham Lang nhập hạn vì dù sao Thiên Lương vẫn là sao đứng đắn, đàng hoàng hơn (trừ trường hợp Thiên Lương cư Tị, Hợi mới xấu).
* Nhiều khi phối hợp Mệnh Thân với đại hạn cũng chưa đủ. Quý bạn còn cần xét đến cung Phúc và đừng bao giờ nên quan niệm cung Phúc chỉ biểu tượng đơn thuần về âm đức của ông cha để lại hoặc của chính mình tạo ra hoặc mối liên hệ tinh thần cả dòng nội của mình vì thực ra cung Phúc Đức có thể được coi như cung Mệnh thứ nhì, đôi khi còn quan trọng và ảnh hưởng hơn. Có nhiều nhà Tử Vi chỉ xét riêng cung Phúc Đức mà có thể tìm ra được khá nhiều nét về cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của mọi người, nhất là trong trường hợp Mệnh, Thân không có đủ yếu tố nhận định rõ ràng hoặc bị coi như là "nhược" khiến cho ta không thể bám víu mà đoán. Ví dụ như 1 người có Tả Hữu, Đào Hồng chiếu Thê và cung Mệnh có Riêu, Mộc, Cái hội chiếu thì đương nhiên có lòng tà dâm, dễ có nhiều vợ, nhưng nếu cung Phúc có Vũ Khúc, Cô Quả, Lộc Tồn thì dù có gặp đại hạn có yếu tố đa tình, lả lướt chăng nữa cũng khó chung sống thêm với 1 người đàn bà nào khác 1 cách chính thức, chỉ có thể giỡn chơi trong 1 thời gian ngắn là cùng.
* Điểm sau chót quý bạn nên lưu tâm là cung liên hệ đến hoàn cảnh xảy ra hoặc cần giải đoán trong đại hạn. Trong phần nguyên tắc tổng quát nêu trên, tôi có nói là nếu cần thì mới xét tới vì khi mình giải đoán chung vận hạn thì ít khi phải nhận định khía cạnh này, chỉ trừ khi nào cần biết 1 điểm riêng biệt nào mới phải ngó tới cung liên hệ. Ví dụ như đương số đã có vợ hoặc chồng mà cần biết về đường con cái trong đại hạn đang diễn tiến thì ngoài các điểm cần phối hợp nêu trên, ta phải quan tâm đến cung Tử Tức (tức là cung liên hệ tới hoàn cảnh) trước đại hạn. Nếu cung Tử Tức quá hiếm hoi, như có Đẩu Quân, Cô Quả, Kình Đà, Lộc Tồn, Vũ Khúc, Không Kiếp chẳng hạn thì dù cho đại hạn đó có đủ Đào Hồng Hỉ, Thai, Nhật Nguyệt đắc địa, Long Phượng cũng chưa chắc gì đã sinh con đẻ cái đầy đặn hoặc may mắn về công danh, tiền tài. Còn nếu gặp trường hợp cung Tử Tức không bị các sao hiếm mà lại còn có Tả Hữu chiếu thì đại hạn trên sẽ sinh liên tiếp, có khi năm 1 không chừng.
2/ TIỂU HẠN:
Bàn về tiểu hạn (tức là vận hạn trong 1 năm) quý bạn sẽ thấy khó khăn, phức tạp hơn đại hạn nhiều vì phải phối hợp với nhiều yếu tố hơn. Tôi bất giác thương hại các thầy Tử Vi hành nghề cứ phải giải đoán cấp kỳ theo như yêu cầu của thân chủ, vì dù cho các thầy có giỏi đến đâu cũng không thể kết hợp được đúng mức, sau có 1 vài phút đồng hồ, nhất là khi phải bấm trên tay (trường hợp thiếu thị giác) và như thế làm sao chính xác được. Ngay cả khi rảnh rang, cứ ngồi mà cân nhắc, kết hợp cũng chưa chắc đã giải đoán được chính xác vì yếu tố này bổ túc hoặc chế hóa yếu tố khác thì ta đi đến kết luận nào. Do đó, dù có được biết đủ các nguyên tắc để giải đoán tiểu hạn, việc đoán cao thấp tùy thuộc óc kết hợp, nhận định tinh vi của người giải đoán.
Nếu đặt vấn đề nguyên tắc thì tiểu hạn tạm căn cứ vào các điểm sau (mà 1 vài điểm theo quy tắc đã được các sách nêu ra):
- Tương quan giữa đại hạn và tiểu hạn.
- Tương quan giữa ngũ hành bản Mệnh với các chính tinh (nếu có) và cung nhập hạn.
- Tương quan giữa lưu đại hạn, địa bàn và thiên bàn.
- Tương quan giữa ngũ hành của năm nhập hạn với cung và sao nhập hạn.
- Các phi tinh (tức là các sao lưu) ngoài ý nghĩa xấu tốt của các chính tinh và phụ tinh mà các sách thường nêu ra.
Dưới đây tôi xin triển khai các điểm ghi trên để các bạn hiểu rõ ràng:
a. Khi xét đến tương quan giữa đại hạn và tiểu hạn là đương nhiên ta đã tìm hiểu kỹ đại hạn theo các nguyên tắc đã nêu ra. Tôi có thể nói mối tương quan này rất quan trọng, cũng như mối tương quan giữa đại và tiểu hạn nên ta không bao giờ giải đoán 2 tiểu hạn giống nhau mặc dù 12 năm lại trở lại 1 cung, tức là cùng các sao và ngũ hành. Riêng mục này tôi xin đưa ra nhiều ví dụ vì mục này rất quan trọng:
- Ví dụ đầu tiên là các sao bao giờ cũng phải có đủ bộ mới làm nên chuyện hoặc mới hoạt động. Chẳng hạn như đại hạn có Thái Tuế, Bạch Hổ, Quan Phù, Không Kiếp, Khốc Hư thường chỉ đoán tranh chấp, kiện cáo, khẩu thiệt. Khi tiểu hạn có Cô Quả, Kình Đà, Hình, Linh Hỏa thì dễ bị tai họa...nếu không có không sao. Tiểu hạn đó vẫn chẳng tai hạn gì, có thể chỉ bị đau yếu sơ qua, hoặc bị xa gia đình...
- Đó là bàn về chuyện tốt xấu, còn về việc làm ăn thịnh vượng thì nếu đại hạn có Vũ Khúc, Thiên Phủ hợp Mệnh mà tiểu hạn có Song Lộc thì đương nhiên làm ăn phát tài, dễ dàng. Hoặc giả đại hạn có Tử Vi cư Ngọ (nhất là có Quan Lộc hoặc Tài Bạch đứng ở đó) hợp Mệnh mà tiểu hạn có Khôi Việt, Thai Tọa, Tả Hữu, Long Phượng, Đào Hồng Hỉ, Xương Khúc...thì dễ có chức phận lớn, dễ chỉ huy hoặc kinh doanh quy mô.
- Nếu thấy các sao nhập Đại và Tiểu hạn họp thành bộ rồi, cần phải xét xem các chính tinh (không bao giờ xét đến phụ tinh) của đại hạn có phù hợp hoặc đối kháng với các chính tinh của tiểu hạn hay không. Nếu đại hạn có Cơ Nguyệt Đồng Lương thì tiểu hạn cần có Cự Nhật hoặc Tử Phủ Vũ Tướng chứ không nên có Sát Phá Tham...Về điểm này, quý bạn nên xem phần tiểu luận trong sách Tử Vi đẩu số tân biên của VĐTTL cũng đầy đủ và dễ hiểu. Vì thế, tiểu hạn tốt cũng chưa chắc ăn mấy.
- Nếu chú ý về cá nhân mình thì cần đại hạn tốt đi vào 1 trong những cung liên hệ trực tiếp để mình thời tiểu hạn mới xứng ý (như cung Tài, Quan, Di, Điền, Phúc). Ví dụ mình muốn làm ăn, kinh doanh lớn mà đại hạn còn ở cung Phụ Mẫu hoặc cung Tử Tức thì dù cho tiểu hạn có tốt vẫn chưa phát huy được đúng mức, nhất định là phải chờ đại hạn chuyển sang cung Tài Bạch (nhưng nếu xui xẻo, gặp cung Tài xấu thì cũng như vô vọng) mới hanh thông được.
- Sau hết tôi xin nêu ra 1 trường hợp rất khó đoán: đương số Mệnh Tham Lang cư Thìn, tức là tổng quát là lả lướt và đào hoa, cung Thê có Đào Hồng, Tả Hữu chiếu tức là có sự lựa chọn, mai mối nhiều và đại hạn lai jđi tới cung Thê, như thế là đủ hết các yếu tố đi tới hôn nhân. Do đó các thầy Tử Vi đều đoán đương số lấy vợ ở các tiểu hạn có Đào Hồng Hỉ, Tả Hữu, Xương Khúc...nhưng ai ngờ đương số lại lập gia đình trong tiểu hạn có Cô Quả, Tang Hổ, Nhật Nguyệt hãm hội Hóa Kị, vả lại không thấy ngó thấy đại hạn ở cung Thê (vì thông thường các nhà Tử Vi hay lựa tiểu hạn hội chiếu với cung Phối hoặc trùng phùng ngay vào cung Phối để đoán hôn nhân). Tuy trường hợp này hơi kì lạ nhưng nếu suy luận 1 chút là thấy hợp lý vì theo nguyên tắc "tồn hữu dư, bổ bất túc" trong Dịch học, ta thấy các yếu tố về hôn nhân quá nhiều (tức là dư) thì cần phải có sao tiết giảm như Cô Quả, Tang Hổ, Kị thì con thuyền mới có bến đậu được, chứ không "trăm mối tối nằm không", nhất là tiểu hạn lại vào cung Tật Ách, tức là tránh né, không nhìn thấy cung Phối là cung đại hạn đi tới để khỏi chịu ảnh hưởng quá mạnh của các sao Hỉ. Điều may là trường hợp này ít khi xảy ra hoặc ít khi gặp nên quý bạn cũng đừng quá hoang mang, cứ đoán như thường lệ.
b. Thường thường, đoán Tử Vi ai cũng thích các chính tinh sinh bản Mệnh. Điều này chưa hẳn đã hay hoàn toàn vì nếu gặp chính tinh như Phá Quân hoặc Tham Lang nhập hạn và Mệnh mình có Cơ Nguyệt Đồng Lương thì nên lựa Mệnh khắc 2 sao này hơn là được 2 sao này sinh (lẽ dĩ nhiên 2 sao này khắc Mệnh là điều tối kị) vì bộ CNĐL không ưa 2 chính tinh này nên tốt hơn hết là mời 2 sao đó đi chỗ khác, tức là trường hợp mình có Mệnh khắc 2 sao này. Ngay cả trường hợp Mệnh mình có bộ sao chế ngự được Tham Phá (như bộ TPVTL chẳng hạn) cũng không nên liên kết đến 2 sao này vì dù sao chúng cũng chủ về tham vọng, ích kỷ, phá tán, bừa bãi, trừ khi đương số là loại người thích đi vào con đường đó thì không kể. Còn như chính tinh nhập hạn như Tử Phủ, Đồng Lương...bao giờ cũng cần sinh bản Mệnh hoặc ít ra cũng 1 hành với Mệnh, dù cho đại hạn có bộ sao đối kháng với các sao tiểu hạn.
Về tương quan giữa ngũ hành bản Mệnh với cung nhập hạn thì bao giờ cung sinh bản Mệnh cũng tốt đẹp, thuận lợi hoặc nếu được tương hòa thì vẫn hay, chỉ ngại nhất cung khắc bản Mệnh, còn như Mệnh sinh cung hoặc khắc cung cũng có khi dung được tuy không phải là hay. Ví dụ như hạn đến cung Tử Tức có các sao tốt nếu sinh được cung tức là mình lo được cho con cái thành công hoặc đầy đủ, chứng tỏ mình có phương tiện, tuy mình phải vất vả 1 chút vì con cái nhưng nếu cung Tử Tức xấu đi thì đương nhiên là mình khổ vì con (hoặc vì chúng đau yếu, chết non, hay cao bồi, du đãng mình vẫn thương yêu chúng). Còn gặp trường hợp khắc cung cũng vậy, có khi hay mà có khi dở, nếu gặp tiểu hạn đi tới cung Nô Bộc thì lại hay vì mình khắc phục được người dưới quyền hoặc hoàn cảnh. Còn như tiểu hạn đi tới cung Phụ Mẫu thì mình hay bất hòa với cha mẹ (nếu cung Phụ Mẫu xấu quá có thể mình phải xa cách cha mẹ)...Những điểm trên đây quý bạn có thể áp dụng cho cả đại hạn.
c. Về vấn đề lưu đại hạn, Địa bàn (tức là tiểu hạn theo vị trí cố định của các cung như năm nay Quý Sửu, xem địa bàn ở cung Sửu) và Thiên bàn (tức tiểu hạn theo hàng chi an ở ô giữa lá số), tôi thấy không quan trọng lắm vì thật ra chỉ xét kỹ cung Thiên bàn là đủ và đỡ rắc rối quá mức. Chỉ trừ khi nào ta thấy Thiên bàn quá xấu hoặc không rõ chút nào mới cần kết hợp thêm lưu đại hạn và địa bàn để xem có yếu tố gì cứu giải hoặc soi sáng thêm không. Về cách lưu đại hạn trong cuốn TVĐSTB có ghi rõ rồi.
d. Về ngũ hành của hàng can năm nhập hạn ảnh hưởng tới tiểu hạn nhiều hay ít thì cụ Song An Đỗ Văn Lưu khi còn sinh tiền có cho tôi hay là rất quan trọng. Cụ có nêu 1 ví dụ cho dễ hiểu như sau: 1 người Mệnh Kim có Cự Kị thủ Mệnh, đại hạn có Không Kiếp, Tả Hữu, SPT (tức là hạn Trúc La) đã chết đuối trong tiểu hạn năm Nhâm Thân vì chữ Nhâm là Thủy và cung nhập hạn cũng là Thủy, trong khi đó Mệnh Kim lại sinh Thủy, cho nên nước quá nhiều, Kim phải chìm lỉm. Suy ra những trường hợp khác cũng dễ: ví dụ tiểu hạn đến cung Điền có Tang Hỏa và nhiều sao Hỏa nếu gặp năm Nhâm hoặc Quý thì vẫn không đáng ngại về hỏa hoạn vì đã được Thủy dập tắt rồi. Như vậy, mục (d) này quý bạn cũng không nên bỏ qua khi đoán tiểu hạn, và đây cũng là 1 điểm cho thấy là 2 tiểu hạn cùng 1 cung đã có sự khác biệt.
e. Phần chót là về các phi tinh (sao lưu). Tôi thấy các phi tinh không quan trọng lắm, chỉ là để xác định thêm 1 chút những yếu tố đã tìm ra. Ví dụ như biết hạn xấu rồi thì nếu có thêm lưu Kình Dương gặp KD cố định đồng cung ta có thể tin chắc là nguy nan. Nếu tiểu hạn tốt thì dù có 2 sao này cũng chẳng hề hấn gì. Cũng có nhà Tử Vi căn cứ vào vòng trường sinh (lưu) để tìm ra vận hạn cho những người liên hệ trực tiếp với mình (như cha, mẹ, vợ, con...) nhưng tôi thấy chưa có gì chính xác và hợp lý nên xin miễn bàn trong mục này.
Qua những điều tôi trình bày trên đây, quý bạn hẳn thấy việc giải đoán vận hạn rất rắc rối, khó khăn, có thể làm ta chán nản vì không biết đúc kết các yếu tố tìm ra như thế nào, do đó dễ bị sai lầm. Nhiều khi ta đành phải chờ sự việc xảy ra mới thấy rõ cái hay của Tử Vi, và vì thế tôi thấy học Tử Vi không gì hay bằng việc chiêm nghiệm thật nhiều lá số mà mình đã theo dõi. Chứ nếu chỉ cố học thuộc các câu phú hoặc nguyên tắc giải đoán thì chẳng bao giờ có thể giải đoán được vững vàng.
Nguồn: KHHB - Số 47
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh