Giải Thích Cách Phú: "Thạch Trung Ẩn Ngọc" Để Xác Định Hình Tượng Của Nhật - Nguyệt
Bài của Nghi Nghi - Trần Nhật Tường
Bài sau đây có những ý tưởng lạ khác với những cách giải đoán cũ, kính xin quý vị cao thủ thấy không thể tán đồng, cho chúng tôi ý kiến...Những người trẻ đi tìm Tử Vi ngày nay khá đông, nghĩ sao là cứ nêu ra, nhưng còn vấn đề kinh nghiệm nữa...
Trước khi trình bày lá số của Thạch Sùng tôi xin giải thích một câu phú ghi trong tập Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư của đức Hi Di Trần Đoàn sau đây thì mới thấy cái hay, cái lạ và cái vô cùng lý thú của Tử Vi được:
"Cự Môn Tý Ngọ: Khoa Quyền Lộc, Thạch Trung Ẩn Ngọc, Phúc hưng long"
Nghĩa chính của câu phú thế này "Mệnh ở Tý Ngọ có Cự Môn tọa thủ gia thêm Khoa Quyền Lộc nữa là cách: "Thạch trung ẩn ngọc" (Ngọc ẩn trong đá) sẽ được hưởng phúc lớn.
Đó là ý chính còn muốn hiểu rõ ngọn nguồn và cho chính xác câu phú trên, ta phải tự hỏi: Cự Môn là một sao thuộc hành Thủy, đóng tại cung Tý là Thủy địa hay vào cung Ngọ là Hỏa hướng, tại sao lại coi như "Ngọc ẩn trong đá?" Ngọc ở đâu và đá ở đâu? Trong khi chỉ thấy có Thủy, Hỏa, Nước với Lửa không lẽ thành ngọc, thành đá được?
Để trả lời cho thỏa đáng câu hỏi này, tôi phải ghi lên đây một vài nhận xét mà trong dân gian thường dùng làm biểu tượng hay để ví von...Như câu: "Song long tranh châu" chẳng hạn, tức là nói đến hình vẽ hai con rồng tranh ông mặt trời hoặc "Ngọc thố thanh kỳ" là con thỏ ngọc trông đẹp lạ lùng: ý chỉ mặt trăng sáng sủa rực rỡ...
Từ đó nói chung: Châu, Ngọc là hình tượng của Mặt Trời, Mặt Trăng (Nhật, Nguyệt) theo quan niệm của Á Đông ta vậy.
Hiểu như trên rồi, câu phú mới có thể giải thích được:
A) Trường hợp thứ nhất:
Cự Môn ở Tý: Cự Môn ở Tý luôn luôn kết hợp với Thái Dương (ngọc) ở Thìn (Thổ thạch) để thành cách Cự, Nhật (Mệnh sẽ chịu ảnh hưởng sự chi phối của hai sao này).
Chú thích:
Ngọc: là hình tượng của Thái Dương.
Thạch: là đá, thuộc Thổ, là cung Thìn
Cho nên: Thái Dương ở cung Thìn mới chính là "Ngọc ẩn trong đá" (Thạch trung ẩn Ngọc) vậy. Sao Cự Môn (Thủy) trong mạng chính là cái mầm mống dùng để câu hút Thái Dương (Hỏa) ở cung Thìn cho bản Mệnh được sáng sủa, không có nó không xong. Một Thủy một Hỏa, một Âm, một Dương thu hút lẫn nhau. Suy rộng ra giống như luật hấp dẫn vũ trụ "Attraction d'univers" của Newton ngày xưa vậy.
Cự Môn ở Tý theo các sách Tử Vi khác: "Nếu Mạng được Tuần/Triệt án ngữ hoặc Hóa Lộc đồng cung (Kỵ ngộ Lộc Tồn) thì vẻ đẹp sáng sủa tốt đẹp mới được rõ rệt, cũng như đá đã được phá vỡ, ngọc lộ hẳn ra ngoài".
Câu này được rút trong sách Tử Vi Đẩu Số tân biên của cố Biên giả Vân Đằng Thái Thứ Lang trang 56, nói về sao Cự Môn. Hay nói chung các cụ ta cũng đều giảng như thế cả. Không hiểu các cụ đã căn cứ vào đâu để giảng giải như vậy? Theo tôi thấy thì nó có hơi kỳ cục! Nếu nói: "Gặp Tuần/Triệt án ngữ hoặc Hóa Lộc đồng cung thì ngọc mới lộ được ra ngoài và đã coi như đã bị phá vỡ...". Một khi ngọc lộ ra ngoài là hết còn ẩn nữa rồi, mà hết còn ẩn thì coi như cách "Thạch trung ẩn Ngọc" đã hỏng cho nên theo sự hiểu biết riêng của tôi thì: chữ Ẩn trong câu phú này chỉ có một dụng ý cho ta biết vị trí của sao Thái Dương đóng vào cung Thìn mà thôi. Còn điều cốt yếu trong cách này là: bản Mệnh có nhận được sức sáng của Thái Dương hay không? (do sao Cự Môn câu hút). Để được tốt đẹp hơn, có thể thêm vào những phần phụ sau đây:
- Cần được Tuần, Triệt án ngữ ở Mệnh (trường hợp Cự Môn ở Tý) để làm giảm, mất đi cái tính chất (che, khuất) của Cự Môn, Mạng mới sáng được.
- Kỵ ngộ Lộc Tồn: không phải sao này làm cho ngọc cứ mãi mãi chìm trong đá. Mà vì nó có đặc tính giữ chặt lấy (Tồn) tính chất ám của Cự Môn nên không có lợi cho bản Mệnh.
- Không cần sao Hóa Lộc trong trường hợp này để cho vào trường hợp sau ở Ngọ.
B) Trường hợp thứ hai:
Cự Môn ở Ngọ: Theo tôi thấy, Cự Môn ở Ngọ tuy vẫn là cách "Thạch trung ẩn Ngọc" song trường hợp này đã mất đi hết cái hay của cách rồi. Mấy điểm xấu có thể kể ra là:
1. Cự Môn ở Ngọ bị sai vị: thất cách vì Cự Môn là Bắc đẩu thủy tinh cư vào cung Ngọ thuộc Hỏa là Nam vị. Mặc dù Thủy Hỏa vẫn kết hợp được theo nguyên tắc của Âm, Dương, Cự Môn, vốn Vượng địa ở đấy nhưng...
2. Đưa đến tình trạng Thái Dương ở Tuất thất huy (không sáng sủa) nên không thể ghi "Phúc hưng long" được.
3. Khi cho Hóa Lộc đồng cung: Không giải thích nổi tại sao lại tốt?
Vậy, tôi xin đưa ra một đề nghị: sửa lại câu này một chút như sau:
"Cự Cơ, Tý Ngọ, Khoa Quyền Lộc
Thạch trung ẩn Ngọc, Phúc Hưng Long"
Bỏ chữ Môn đi thay bằng chữ Cơ để giải thích cặp sao Cơ, Cự ở bốn vị trí: Tý, Ngo, Mão, Dậu.
Tý, Ngọ: Thạch trung ẩn Ngọc
Mão, Dậu: Chúng thủy triều đông
Cự Môn ở Tý, Thiên CƠ ở Ngọ
Bắc đẩu tinh Cự Môn vào Bắc vị mới hay và Nam đẩu tinh Thiên Cơ của Nam vị mới đúng. Khi đó cặp Nhật - Nguyệt mới sáng sủa tốt đẹp được.
Ghi chú thêm: Cơ, Cự ở Mão mới đúng cách "chúng thủy triều đông". Còn ở Dậu không phải, có chăng chỉ là:
"Cơ Cự Dậu thượng hóa cát giả
Túng ngộ Tài Quan dã bất vinh"
Cũng như Cự ở Tý mới tốt, Cơ ở Ngọ mới hay còn ngược lại Cự ở Ngọ và Cơ ở Tý thì cũng quá, cũng lại "dã bất vinh" mà thôi, không thể "phúc hưng long" được.
Vậy bây giờ xét trường hợp: Thiên Cơ ở Ngọ. Khi Thiên Cơ ở Ngọ thì bao giờ cũng vậy, Thái Âm (Ngọc) ở Tuất (Thổ thạch).
Chú thích:
Ngọc: là hình tượng của Thái Âm
Thạch: là đá, thuộc Thổ, là cung Tuất, cho nên "Thạch trung ẩn Ngọc" cũng là cách của Thái Âm đóng vào cung Tuất vậy.
Tính chất của Mộc là thu hút Thủy nên Nam đẩu Thiên Cơ (Mộc) với Bắc đẩu Thái Âm (Thủy); một Nam một Bắc, một Âm, Dương: Thiên Cơ (Mộc) thu hút lấy Thái Âm (Thủy) để biến sinh, nuôi dưỡng bản Mệnh vậy.
Phần phụ thêm
Bây giờ nếu thêm vào sao Hóa Lộc đồng cũng nữa sẽ thấy cái rất hay của cách phú:
Khi có Hóa Lộc đồng cung thì Thiên Cơ (Mộc) được Hóa Lộc (Thổ) bồi đắp Thái Âm (Thủy) dinh dưỡng, sẽ đâm chồi, nẩy lá (Hóa Lộc).
Cái cảnh cây xanh lá non với trăng sáng giữa trời còn gì đẹp bằng.
Đến đây coi như ta đã hiểu được thế nào là cách "Thạch trung ẩn Ngọc" rồi. Bây giờ chỉ còn một đoạn chót phải tìm hiểu thêm tại sao với cách này, Lão tổ Hi Di lại không ghi chẳng hạn như "Quan cư Hầu Bá" hoặc "Cự thương Cao Mại"...mà lại ghi là "Phúc hưng long"!.
Ta thấy, vì trong thiên "Đẩu số cốt tủy". Lão tổ Hi Di dạy rằng:
"Âm Dương duyên thọ tăng bách phúc"
Mà ảnh hưởng chính của cách này lại do cặp Âm Dương ở hai cung Thìn, Tuất tạo nên. Do đó, bắt buộc ngài phải ghi thêm vào cái đuôi "Phúc hưng long" vậy.
Sở dĩ tôi phải giải thích câu phú trên là chỉ có một mục đích, muốn nêu lên một minh chứng rõ rệt để xác định về hình tượng của Nhật Nguyệt: đến khi giải thích sang lá số của Thạch Sùng, quý vị mới thấy cái linh diệu và cái vô cùng lý thú của Tử Vi được.
Nguồn: KHHB - Số 74L2
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Thực Là Một Nhân Tài Đáng Tiếc
Lá Số & Cuộc Đời Của Nữ Nghệ Sĩ Bích Huyền
Hai Vị Chúa Tể Đáng Sợ Trên Lá Số: Tuần & Triệt
Những Câu Phú Tử Vi Ứng Nghiệm Thế Nào? Đẩu Quân Ở Tử Tức; Nhật Nguyệt Đồng Minh Sửu Mùi...
Thuyết Nhân Quả Căn Bản Giải Thích Tử Vi
Ý Nghĩa Đặc Biệt Của Vòng Tràng Sinh Trong Lý Học Đông Phương