Lập Đại Vận Từ Cung Mệnh Hay Từ Cung Kế Cung Mệnh?
(Nghi Nghi Trần Nhật Tường)
- Nghi vấn lớn đặt ra với lá số Hạng Võ
- Luận về các cách lập Đại vận khác nhau
Trước khi giải thích về hai cái chết này, tôi xin lập lại qua cách ghi Đại hạn. Thường thường có hai cách lập Đại hạn như sau:
1. Theo số Cục, bắt đầu khởi ghi từ cung Mệnh trở đi rồi Dương Nam, Âm Nữ ghi thuận. Âm Nam, Dương Nữ ghi nghịch, mỗi cung tăng lên 10 năm.
2. Cũng theo số Cục, nhưng lại bắt đầu từ cung Phụ Mẫu hay cung Huynh Đệ tính đi. Dương Nam, Âm Nữ tính thuận từ cung Phụ Mẫu. Âm Nam, Dương Nữ tích nghịch từ cung Huynh Đệ. Thí dụ: người Mộc Tam Cục, Dương Nam thì ghi số 3 vào cung Phụ Mẫu, rồi 13 vào cung Phúc Đức...
Ngày nay người ta thường dùng lối ghi thứ nhất. Như các sách Tử Vi của các tác giả sau:
- Tử Vi nghiệm lý của Thiên Lương
- Tử Vi ảo bí của Việt Viêm Tử
- Tử Vi đẩu số tân biên của Thái Thứ Lang
- Tử Vi chỉ nam của Song An Đỗ Văn Lưu
- Tử Vi đẩu số của Nguyễn Mạnh Bảo...
Đó là những sách của những tác giả mà ta có thể lấy làm tiêu biểu lớn nhất.
Riêng ông Vũ Tài Lục khi bình chú cuốn Tử Vi Đẩu Số toàn thư của đức Hi Di Trần Đoàn thì lại cho rằng: Xưa nay vẫn có sự tranh luận giữa hai phái:
a) Một phái khởi Đại hạn bắt đầu từ Mệnh cung tính đi.
b) Một phái căn cứ vào chính thư (?) - tức là cách ghi Đại hạn theo lối thứ hai nói trên.
Không biết phái nào đúng? Không thể lấy gì mà quyết đoán, vấn đề lại rất quan trọng vì nó chênh lệch những 10 năm trong một đời người. Đây thật là cái kẹt lớn cho khoa Tử Vi, vô hy vọng xóa bỏ được! (trích Tử Vi đẩu số toàn thư trang 201).
Cụ Thiên Lương trong cuốn Tử Vi nghiệm lý cho rằng cách ghi thứ hai là sai 100%. Rồi cụ dùng vòng sao Thái Tuế để nghiệm chứng. Lập luận này theo thiển ý lấy làm thắc mắc, vì chính nguyên cái vòng Thái Tuế, tự nó cũng đã có nhiều cái khác thường của nó rồi. Chẳng hạn như: ở vị trí Tam hợp hai sao Điếu Khách, Tang Môn hợp thành một bộ - có Tang thì phải có Điếu, rõ ràng hợp lý. Bây giờ nếu cho thêm một sao Tuế Phá nữa mà tính chất của nó theo cụ "là bất mãn, hận lòng, muốn đả phá quật ngược". Thì cặp Điếu Khách, Tang Môn mất hẳn đi cả thứ tự, tính chất của nó: ưu tư, sầu bi phá hỏng mất cặp Điếu Khách, Tang Môn còn gì?
Vì chẳng đặng đừng nên phải trình bày như trên kính xin cụ Thiên Lương thứ lỗi cho.
(Sẽ bàn về vòng sao Thái Tuế sau)
Cho nên theo ý kiến riêng của tôi, thì cách ghi Đại hạn thứ hai mới trúng 100%. Vì có ghi như vậy mới có thể giải thích được câu phú đoán sau đây ghi trong tập Tử Vi đẩu số toàn thư của Đức Hi Di Trần Đoàn: "Kiếp Không lâm hạn, Sở Vương táng quốc, Lục Châu vong".
Có nghĩa là: hạn đến hai sao: Không, Kiếp, Sở Bá Vương Hạng Võ táng mạng, mất nước. Thạch Sùng có người ái thiếp là nàng Lục Châu nhảy lầu tự vẫn.
Tức là ta đã căn cứ trên hai lá số để định rõ trắng, đen chứ không phải chỉ bằng vào một lá số của Hạng Võ mà giải thích cầu may.
Câu này có nhiều vị ghi lại là "Sở Vương táng quốc Duyên Châu vong" rồi dẫn giải rằng: hạn gặp Không Kiếp Sở Vương bị chết để mất Duyên Châu, đất đai Hạng Võ! Giảng như thế là chẳng hiểu gì về câu phú cả. Mà nó chỉ có một nghĩa rõ ràng như thế này: hạn đến Không Kiếp Sở Vương bị chết mất nước, Thạch Sùng thì bị tan cửa nát nhà, mất nàng Lục Châu vậy.
Sau, câu này được sắp xếp, soạn lại cho đối chỉnh trong bài Phú Ma Thị để ghi dấu về hai cái chết này như sau:
"Hạng Võ" anh hùng "hạn chí Thiên Không" nhi táng quốc.
Thạch Sùng "hào phú" hạn hành Địa Kiếp dĩ "vong gia".
Xin nhắc lại: trong tập Tử Vi đẩu số của Hi Di Trần Đoàn không có sao Địa Không mà chỉ vì cách an sao sai lạc cảu sao Thiên Không nên không thể giải thích nổi do đó có nhiều vị đã tự động đổi câu phú thành: "Hạn chí Địa Không nhi táng quốc" đổi Thiên Không thành Địa Không. Đổi như thế là sai. Phải để Thiên Không đi với Địa Kiếp câu đối mới chỉnh cũng như táng quốc đối với vong gia và thay bằng câu này: "Đã anh hùng thì phải chôn thây vì nước, là hào phú thì sẽ có ngày mất của sạt nghiệp: tan nhà, mất của mất vợ: mất nàng Lục Châu.
Bây giờ đi vào cái chết của Hạng Võ.
Sở Bá Vương Hạng Võ chết năm 32 tuổi.
Nếu sao Thiên Không được an tại cung Thìn (trước Thái Tuế) và Đại hạn được khởi từ cung Mệnh thì không thấy Hạng Võ chết vì hạn Thiên Không, hạn đó mới từ 22 tuổi đến 31 tuổi: sai lệch hẳn đi.
1) Bảo rằng: Hạng Võ chết vào năm Tuất. Tiểu hạn đóng tại cung Phúc (cung Thân) gặp Địa Không, Thiên Không, Địa Kiếp là sai. Vì như thế không thấy có sự phối hợp giữa Đại, Tiểu hạn. Cái vòng Tiểu hạn này cũng gây nên nhiều rắc rối không ít. Vì khuôn khổ của đề mục, tôi xin tạm không bàn về vấn đề này và sẽ xin có một bài xác định lại sau: cách an Tiểu hạn.
Cho nên:
- Phải an lại sao Thiên Không, cho thay vào vị trí của Địa Không tại cung Thân (sinh giờ Mão).
- Và phải ghi Đại hạn bắt đầu từ cung Huynh Đệ (vì Hạng Võ tuổi Âm Nam).
Như thế, sang 32 tuổi, Đại Tiểu hạn trùng phùng, lâm Không Kiếp. Câu Phú trên mới có thể giải thích thỏa đáng được.
2) Bảo rằng: Hạng Võ chết ở Đại hạn 32-41 tuổi đóng tại cung Tử Tức với lối giải thích: Đại hạn đi vào cung Mão, Mộc có: "Vũ Sát Phá Liêm cư Mão địa, Mộc áp lôi kinh".
Cung Mão thuộc quẻ Chấn mà Chấn vi Lôi. Chấn là sấm sét nên tượng là lôi định, kinh sợ - lại bị Mộc Không (Triệt) ắt gãy.
Giải thích như thế, nghe thì thấy hay lắm, lạ lắm. Nhưng thực ra thì lại không đúng.
- Đành rằng cung Mão thuộc Mộc (lợi cho Hỏa Mệnh) bị Vũ Khúc (Kim) khắc hại song Thất Sát (Hỏa) đứng đó, cộng với Thái Tuế, Đại Tiểu hao (đa số những Hỏa tinh) đâu có cho Vũ Khúc (Kim) rảnh tay để mà khắc Mộc được.
(Bản Mệnh Hỏa lại rất hợp với những sao này).
- Sau là: Triệt đứng ở vị trí này và gọi là Mộc không, lại cũng kỳ nữa. Xin nói rằng: Triệt là một sao thuộc Dương, đứng ở vị trí Dần, Mão không có tác dụng vào trong cung, nên không thể gọi là Mộc không được.
Nếu hỏi, sao biết Triệt là sao Dương thì xin giải thích sơ khởi về Tuần, Triệt như sau:
Triệt di chuyển theo chiều nghịch (chiều Dương) và có 5 vị trí trên thiên địa.
Tuần đi theo chiều thuận (chiều âm) và có 6 vị trí trên thiên địa bàn.
Tỷ lệ 5/6 là tỷ lệ của Thiên Địa, Âm Dương.
Cũng như: 10 Can/ 12 Chi = 5/6
Âm chẵn, Dương lẻ. Nên xếp loại:
Tuần: Âm
Triệt: Dương
Còn tại sao không có tác dụng của Triệt vào hai cung Dần, Mão thì lại cả một vấn đề dài dòng không thể ghi hết ở đây được. Loạt bài này sẽ được giải thích từ từ để gửi đến quý vị độc giả sau. Ta cứ tạm thử nghiệm lại xem: thí dụ: Thái Dương là mắt bên trái, có trường hợp gặp Tuần mà nó vẫn bị thương vào mắt bên trái, đáng lẽ ra theo nguyên tắc phải lộn ngược lại thành mắt bên phải mới đúng. Đấy cũng là một trường hợp có Tuần mà không có tác dụng của Tuần vậy.
Triệt không có tác dụng vào, trong cung làm sao có Mộc Không được? ắt Hạng Võ không thể chết khi hạn đi vào cung này mà ngược lại: nếu ghi Đại hạn bắt đầu từ cung Huynh Đệ thì khoảng 22 đến 31 tuổi của Hạng Võ đi vào cung Tử Tức mới là thời gian huy hoàng, đắc chi nhất của Sở Vương (vị trí Thái Tuế. Hết lòng kính phục cụ Thiên Lương ở điểm này). Thời gian này là thời gian của: Vũ, Sát, Thái Tuế, Khốc Hư, Đại Tiểu hao với Khôi Việt, Khúc Long Phượng Hổ Cái...Một bầy võ tinh, hung tinh đắc địa...Hạng Võ đánh đông, dẹp bắc, bình nam, chiếm thành phá ải, trăm trận, trăm thắng không ai địch nổi, gồm thâu thiên hạ rồi tự xưng là: Tây Sở Bá Vương.
Nếu để Đại hạn 22 đến 31 tuổi vào cung Thê Thiếp tại Thìn, gặp sao Thái Dương là văn tinh thì có đánh đấm gì nổi! Nếu có tác oai tác quái gì thì cũng chỉ là cái âm thầm của sao Thái Âm bị Tuần câu hút bên cung Tuất chiếu lên, còn ngoài ra không thể làm nên nổi cái sự nghiệp Bá Vương của Hạng Võ được.
Câu phú đoán sau đây mới đúng trường hợp:
"Tam phương xung sát, hạnh nhất Triệt nhi khả bằng" (ba phương gặp xung sát, nếu được một Triệt thì kể như huề).
- Có lẽ câu: "Vũ Sát Phá Liêm, Mộc áp lôi kinh..." này là do sự giải thích sai lầm về cái chết của Hạng Võ mà có: nó là một câu phú giả vậy.
Nếu cứ luẩn quẩn với hai câu như: "Vũ Sát Phá Liêm..." làm Hạng Võ phải táng mạng rồi lại "...hạnh nhất Triệt nhi khả bằng": có Triệt án ngữ Liêm Phá không làm gì được. Và không giải thích cho thỏa đáng, cho rõ trắng đen được thì chỉ có nước "Adieu Tử Vi" cho lẹ chứ học riết cũng phát khùng!.
Lời dạy của Trần Đoàn lão tổ sau đây mới thâm thúy và linh diệu:
"Không Vong đinh yếu tắc dụng,
Thiên Không tới vi hệ yếu".
(Tuần Triệt Không Vong cũng có chỗ đắc dụng của nó và Thiên Không cũng cực kỳ quan trọng vậy).
Nguyên nhân cái chết của Hạng Võ
Ở Đại hạn này (cung Mão) ta thấy rõ được đối phương của Hạng Võ là sao Thiên Phủ, tuy không đắc địa (phải vào nơi tồi tàn, hiểm trở: đất Quan Trung) nhưng cũng lung linh đáng sợ ở Phương Tây (cung Dậu). Lấy cái đức độ thuần hòa của sao Thiên Phủ để thắng cái cương cường vô biên của cặp Vũ Sát: đó là Lưu Bang, Hán Bái Công (Mệnh: Tử Phủ) ở Quan Trung, Tây Xuyên mà Hạng Võ phải nể sợ vậy.
Mạng số của Hạng Võ là sao Thiên Cư cư Ngọ đắc vị, lại rất lợi cho người mệnh Hỏa (Mộc sinh Hỏa) nên phải có mưu trí, vũ lược siêu quần. Song vì Đại hạn đi đến cung gồm toàn những sao thuần võ, như: Vũ Sát, Thái Tuế, Khốc Hư...nên Hạng Võ bị Hàn Tín chê là: "thằng trẻ con, hữu dũng vô mưu có gì đáng sợ!" thật đúng hạn, đúng số. Và Hàn Tín đã biết đến tận gan tận ruột của Hạng Võ ắt Hạng Võ phải chết về tay Hàn Tin vậy.
Cho nên, nết xét về hai vị thế của Hán, Sở lúc bấy giờ (chân chủ, khách) thì thế của Hạng Võ vẫn là thế của "Thất Sát ngưỡng đẩu". Do đó mặc dù đã đả bại được Lưu Bang Hán Bái Công tới 72 lần song cuối cùng vẫn phải nhường thiên hạ, để lại ngôi Đế cho Hán Cao Tổ.
Bước sang tuổi 32, Đại Tiểu hạn trùng phùng tại cung Tài. Vì Triệt không giữ nổi để cặp Kiếp, Không tác dụng với sao Thiên Đồng mà Hạng Võ phải táng mạng bên bờ Ô Giang (Thiên Đồng, Thiên Lương, chỗ Thủy, Thổ giao nhau: bờ sông), để lại giang sơn cho Lưu Bang Hán Bái Công lập nên nhà Đại Hán sau này.
Và lời Phú ghi:
"Kiếp, Không lâm hạn Sở Bá Vương táng quốc".
Không thể sai trật được nữa.
Phụ giải:
Nếu Nhật - Nguyệt với bộ Đào Hồng Hỉ là những tinh đẩu kết hợp lại để coi về hạn hôn nhân cưới hỏi thì Thiên Đồng với Kiếp Không hoặc Cự Môn với Đà Kị là các linh diệu để coi về hạn chết.
Ta thấy:
Lời Phú ghi:
"Thiên Đồng ngộ Kiếp Không bất cát
Cự Môn phùng Đà Kị tối hung".
Có như thế, chữ "tối" mới đúng nghĩa "super" của nó.
Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn đến: hạn sạt nghiệp, mất vợ của nhà Phú gia địch quốc Thạch Sùng.
Nguồn: KHHB - Số 74-K2
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh