By Tử Vi Chân Cơ| 21:03 27/11/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Nhận Định Về Cuốn Tử Vi Ảo Bí Của Hà Lạc Dã Phu - Việt Viêm Tử

PHONG NGUYÊN

Trong suốt thời gian tìm hiểu về khoa Tử Vi, tôi có thói quen là hễ có cuốn Tử Vi nào xuất bản là mua liền, bất kể hay hoặc dở vì tôi nghĩ cuốn nào dù tầm thường tới đâu, tất cũng phải có 1-2 điều đáng chú ý. Do đó, khi đọc 1 vài nhật báo đăng quảng cáo về cuốn Tử Vi Ảo Bí, tôi vội ra tiệm sách mua liền và trong thâm tâm cũng chỉ cho rằng cuốn này cũng lại chỉ tổng hợp tất cả các sách Tử Vi khác đã xuất bản với phần trình bày ngoài bìa cổ kính để hấp dẫn độc giả. Nhưng sau khi đem về nhà nghiền ngẫm, tôi rất đỗi ngạc nhiên và sung sướng vì cuốn này đã vượt xa các cuốn khác và chứa đựng những điều rất khác lạ về chi tiết, khiến tôi bất giác chứa chan hy vọng sẽ thấy hiểu hơn nữa về Tử Vi và chẳng ngại ngần gì dành riêng 1 bài này để nêu ra 1 số nhận định về Tử Vi Ảo Bí, mặc dầu có thể bị 1 số người hiểu lầm là tôi gián tiếp quảng cáo cuốn Tử Vi trên. Tôi xin chấp nhận mọi điều phê phán và còn dám nói thêm rằng cuốn Tử Vi Ảo Bí còn xứng đáng hơn nữa.

Tôi xin nêu ra dưới đây vài điểm độc đáo trong cuốn này để quý bạn nhận định, đồng thời bổ túc và điều chỉnh những điều mình đã biết về Tử Vi.

1. ĐẠI HAO, TIỂU HAO:

Theo các sách Tử Vi đã xuất bản và theo sự hiểu biết của tôi, 2 sao Đại Tiểu Hao thuộc hành Hỏa, nhưng ông HLDP đã cho rằng 2 sao này thuộc hành Thủy, ông đã nêu ra cách Song Hao Mão Dậu (chúng thủy triều đông) để chứng minh, vì "chúng thủy" là tất cả các dòng nước chứ đâu có phải là chúng Hỏa, đồng thời Tý, Ngọ, Mão, Dậu là tứ chính Thủy, chỉ Song Hao mới miếu ở đó. Kể ra như vậy rất hợp lý. Nếu Song Hao là Hỏa, sao lại miếu ở ucng Kim (Dậu)?

Ngoài ra, ông còn nêu lên Song Hao tượng cho cái mũi (các sách khác không nói tới), nếu cư Mệnh là mũi bị hếch lên 1 chút.

2. TƯỚNG QUÂN NGỘ TRIỆT:

Bất cứ ai đã hiểu về Tử Vi đều biết câu Phú: "Tướng Quân ngộ Triệt trước miền, khi ra trận mạc ắt liền tan thây", và ông thầy nào khi gặp cách này cũng lo ngại cho thân chủ. Chính tôi khi xem cho 1 người nhà, thấy có cách này cũng rất lo âu mặc dù cho tới ngày nay, người đó đã sắp về già mà vẫn chưa thấy có tai nạn gì xảy ra. Nhưng sau khi đọc cuốn Tử Vi Ảo Bí, tôi thấy yên lòng và mới nhận thấy mình biết 1 mà không biết 2.

Ông HLDP đã xét đến Triệt Tuần theo lý Âm Dương, người Dương thì tuận mà Âm thì nghịch. Ông có nêu ví dụ: người Dương, Mệnh ngồi cung Mão có Tướng Quân ngộ Triệt, thời Triệt kia đâu có đủ sức mà làm hại Tướng Quân, vì Triệt ở sau lưng ông Tướng Quân (Triệt án ngữ 2 cung Dần, Mão, tức Mão ở trước Dần trong trường hợp này). Nếu người Âm thì đương nhiên Triệt cản Tướng Quân vì lúc đó Triệt ở trước mặt, và lúc đó câu Phú thường lệ sẽ rất ứng nghiệm.

3. TUẦN TRIỆT:

Thường thường khi đoán Tử Vi cho ai mà cung Mệnh có chính tinh bị Tuần Triệt, tôi áp dụng câu "Tuần Triệt đương đầu, thiếu niên tân khổ" và cho rằng "đương đầu" có nghĩa là án ngữ tại cung đó. Sau khi đọc TVAB tôi mới biết đương đầu không phải vậy, vì ông HLDP đã theo Dịch lý: "Dương hành tam thất (3/7) - Âm quy nhị bát (2/8) - Định lý này hoàn toàn mới lạ đối với tôi).

Ông có nêu ví dụ: Triệt Tuần ở 2 cung Dần Mão.

a. Người sinh thuộc Dương thì cung Dần ảnh hưởng 7 phần, cung Mão 3 phần.

b. Người sinh thuộc Âm thì cung Mão ảnh hưởng 8 phần, cung Dần 2 phần.

Do đó nếu Mệnh của người Dương cư Dần thì bị hại lớn vì chịu 7 phần, nếu ở Mão thì chỉ chịu 3 phần. Trái lại cung Mệnh của người Âm ở cung Mão lại chịu 8 phần, nếu cư Dần chỉ chịu 2 thôi. Ngoài ra cũng phải xét theo Âm nghịch Dương thuận (như trường hợp Tướng Quân ngộ Triệt) để biết Tuần Triệt có ở phía trước mặt hay không rồi mới có thể cho là "đương đầu". Vì vậy có những trường hợp Tuần Triệt đương đầu mà vẫn phú quý, hưởng thụ là như thế.

Ngoài ra TVAB còn nêu ra vấn đề "Tuần Triệt ảnh hưởng các cung xung hợp" rất độc đáo cùng nhiều chi tiết khác lạ nữa mà tôi xin miễn nêu trong bài này để khỏi dài dòng về cùng 1 mục (xin quý bạn coi từ trang 572 đến 577 nếu đã có cuốn TVAB).

4. TẢ PHÙ - HỮU BẬT:

Trong các sách tôi không thấy nói đến sự khác biệt giữa 2 sao Tả Hữu nhưng TVAB đã nêu ra rất chi tiết các dị biệt giữa 2 sao đó như sau:

- Tả Phù thuộc hàng văn, bàn tính mưu cơ chiến thuật, nên chữ Hán viết chữ Phụ có chữ Xa (là xe) tức là ngồi cùng xe với ông Vua để giúp về kế hoạch, ông Vua cũng chỉ có thể ở chung với văn quan mà thôi, nên sao Tả Phụ đồng cung với Tử Vi là tốt.

- Sao Tả Phụ đồng cung với Thiên Phủ ở Tuất là Tả Phủ cách, thượng cách vì Thiên Phủ miếu ở Tuất mà Tả Phụ cũng miếu ở đó.

- Sao Hữu Bật thuộc hàng võ quan, nên chữ Hán viết chữ Bật có bộ Cung (tức là cung tên) một thứ võ khí. Đã là võ tất phải đi bên ngoài mà đánh đông dẹp bắc, không nên ở cung 1 cung  (ví như 1 nhà) với ông vua, vì hàng võ bao giờ tính nết cũng cương cường, có thể đoạt ngôi giết chúa, thường lộn xộn, không thâm trầm như các văn quan.

5. CÁC CÁCH CỦA ĐẨU SỐ:

Theo ý tôi thì phần độc đáo nhất trong TVAB là phần nói về các cách của đẩu số: Trong các sách khác, khi nói về các cách, chỉ có liệt kê: Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Tham, Cự Nhật, Cơ Nguyệt Đồng Lương với phần giải nghĩa rất đơn sơ, tổng quát. Nhưng trong cuốn TVAB thì phần này rất chi tiết, khác lạ. Ông HLDP đã nêu ra tương quan giữa ngũ hành của bản Mệnh với từng cách, rồi còn nêu ra sự quan hệ của các cung liên hệ tới cách cùng với các sao phối hợp với các cách...Tôi không dám nêu ra chi tiết nơi đây, chỉ xin các bạn coi phần trên (chương 8) thì sẽ thấy tôi không hề quá khen.

6. TAM HỢP CỤC:

Mỗi khi bàn đến vấn đề Miếu, Vượng, Đắc, Hãm, ai cũng chỉ xét đến cung có sinh sao hay không. Có người lại cho rằng Trần Đoàn đã ấn định sao nào Miếu, Vượng, Đắc, Hãm ở cung nào thì cứ theo như thế, miễn bàn tới cho thêm lộn xộn (ví dụ như tại sao Thiên Phủ miếu tại Tuất, Tử Vi tại Ngọ thì hiểu được vì cung Tuất thuộc Thổ hợp Thổ là Thiên Phủ, cung Ngọ là Hỏa thì sinh Thổ là Tử Vi nhưng nếu hỏi tại sao Thiên Phủ lại miếu vượng ở Dần cách "Tử Phủ Dần Thân" thì khó trả lời, vì cung Mộc đâu có hợp với Thổ là Thiên Phủ). Nhưng nếu đọc mục Tam hợp Cục trong TVAB thì thấy có đáp số cho bài toán kể trên, và còn thấy điểm lạ lùng nữa là vòng Trường Sinh không an như thường lệ (khởi Trường Sinh ở 4 cung Dần Thân Tị Hợi) mà còn có khi ở cung khác nữa.

Tuy nhiên tôi rất tiếc và thú thực với quý bạn là chính tôi cũng không thấu hiểu mục này nên đành chịu, không thể bàn gì thêm hơn nữa. Quý bạn có chê, kẻ hèn này không biết nói sao. Tôi chỉ mong soạn giả của cuốn TVAB trình bày tỉ mỉ hơn nữa thì may ra mới hiểu thấu. Tôi có tiếp xúc với soạn giả bằng điện thoại (ghi trong TVAB trang chót) để xin giảng giải rõ ràng thì được biết soạn giả đang đau yếu nặng, không thể tiếp khách được. Chừng nào có dịp may được biết tường tận, tôi sẽ nêu ra trên KHHB để quý bạn lấy làm tài liệu.

Trước khi chấm dứt bài này, tôi xin nêu 1 vài tiểu tiết sơ sót trong cuốn TVAB để giữ tinh thần khách quan:

(mất trang)


Nguồn: KHHB - Số 72-L2

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ