NHỮNG TRẠNG THÁI DIỄN BIẾN CỦA 6 CHỮ GIÁP
Khổng Phu Tử xưa kia đã nói: “Ngũ thập nhi chi tri thiên Mệnh”. Ý nghĩa là đến tuổi 50 mới rõ được chân lý của Trời. Với bộ óc sáng suốt của một vị Thánh có thể thừa thời gian để tìm biết. Còn người trần thế với cái thông minh bình thường, thiết tưởng phải đến tuổi tròm trèm 70 mới rõ được lẽ huyền diệu việc đời. Tiếc thay mấy ai đã sống đến thời gian đó (nhân sinh thất thập cổ lai hi).
Người ta nhập thế cuộc 10 năm đầu còn là tiểu nhi. Bắt đầu từ 11 đến 70 mới đủ 60 tuổi (10 năm chót bì qua 10 đầu, Can và Chi y hệt) ngắm lại đời người những đổi thay biến dịch dễ mấy ai có thể tự hào là tri thiên mệnh. Chuỗi thời gian 60 năm cổ nhân đặt ra 2 bộ phận (10 thiên Can và 12 địa Chi) sắp xếp theo thứ lớp phân tách ra Âm Dương đầy đủ ý nghĩa và riêng biệt. Âm Dương là không gian, Ngũ hành là thời gian. Từ cái bất dịch đến cái giao dịch thành biến dịch. Sinh khắc chế hoá là guồng máy tinh vi của lý học.
Thiên Can là gốc, Địa Chi là ngọn. Can là Phúc Đức, Chi là thân thế. Từ Giáp Tý đến Quý Hợi biết bao bình diện nhân sinh nối tiếp tuần tự lớp lang (xem bảng 70 năm tuổi thọ) khiến cuộc sống nhân thế khác gì thuỷ triều sáng tối. Mười Thiên Can chia làm hai phái Âm Dương thành 5 cặp. Mỗi cặp có 1 thế chất riêng là Ngũ hành:
Mộc là sơ bản tính vốn thiện chủ nhân từ. Mộc sinh Hoả là Nhân sẵn có thì dễ học để biết lễ (Hoả). Hoả sinh Thổ là Lễ đã biết thì Tín thực (Thổ) phát sinh. Thổ sinh Kim, Tín đã giữ được thì đương nhiên có nghĩa khí (Kim), hành động theo lẽ phải. Kim sinh Thuỷ là Trí suy nghĩ hiểu biết sự lý tức là trọn vẹn ngũ thường.
Từ Mộc (Giáp Ất) tuần tự xuống Hoả (Bính Đinh) Thổ (Mậu Kỷ) Kim (Canh Tân) Thuỷ (Nhâm Quý) là cả một hệ thống tương sinh, người trên chịu đựng hy sinh cho người dưới. Cuộc đời nếu biết kính người trên hy sinh cho mình và tự chịu đựng hy sinh cho người dưới, như Mộc được sinh nhập của Thuỷ và sinh xuất cho Hoả là cả một cuộc diện tương sinh thái bình Long Hoa. Nếu vội nhẩy cách bước muốn khắc phục người là khắc xuất (Mộc vượt qua Hoả khắc Thổ) bằng như quá trớn đuối sức thì đương nhiên bị khắc nhập, như Giáp Ất nhảy cách Bính Đinh uy hiếp Mậu Kỷ rồi qua Canh Tân bị khắc nhập lại. Phải chăng là thế chiến quốc, còn gì là hạnh phúc nhân sinh.
Những Dương hành Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm đáo hạn gặp nhau sự sinh khắc phải là tuyệt đối, còn so với Âm hành chỉ còn là tương đối. Những Âm hành Ất, Tân, Đinh, Kỷ, Quý cũng vậy khi đụng chạm nhau sự khắc chế cũng mạnh mẽ hơn khi gặp Dương hành:
- Giáp hợp Kỷ
- Ất hợp Canh
- Bính hợp Tân
- Đinh hợp Nhâm
- Mậu hợp Quý
Trong Địa Bàn Tử Vi sự sắp xếp thấy tinh vi từng vị trí chính yếu. Từ Mão đến Thân thuộc về Dương, từ Dậu đến Dần là tư thế của Âm. Tý Ngọ là 2 thế chính (lưỡng nghi) của Thái Dương và Thái Âm. Thêm Mão Dậu (tứ tượng) là Thiếu Âm và Thiếu Dương lập thành 2 thế khai sinh. Thìn Tuất là 2 thế nguồn chuyển biến.
Bánh xe 60 hoa giáp là một vòng kín gắn liền 6 con giáp Can Chi tuần tự phối hiệp Âm Dương riêng biệt ràng rẽ luân chuyển, khiến đời sống vạn vật phải chịu ảnh hưởng từ cái sáng đến cái tối, từ mối thịnh vượng đến lẽ suy vong.
Thường tình mà nói khi bắt đầu từ Tý phải tuần tự đến Dần, Thìn, Ngọ, Thân rồi đến Tuất. Nhưng khi tính ra thấy cái tinh hoa của 10 Can là tuyệt lý. Từ Giáp Tý đến Quý Dậu rồi nhảy qua Giáp Tuất chứ không thể là Quý Sửu nối Giáp Dần:
a- Giáp Tý 1 trong hai thế chính của lưỡng nghi là sơ khai trong cảnh tối âm u minh (Thái Âm). Chi sanh Can, gốc chưa bén rễ nhờ ngọn nuôi. Cuộc sống phải đơn sơ giản dị, gặp nhiều may do ngọn thu hút ở cõi hư vô đầy hơi nước (Tý Thuỷ). Đa số nằm trong thời gian này được Chi sanh Can.
b- Bước qua Giáp Tuất (Can khắc Chi) 1 trong 2 thế nguồn gốc chuyến biến. Gốc dành lấy sống, ngọn phải héo tàn, thời gian tranh sống gò ép, nguồn gốc phát sinh ra Giáp Thân.
c- Giáp Thân (Chi khắc Can) là thời gian quật khởi nhờ ánh sáng Thái Dương, tuy là chiều tà (20 năm từ Giáp Tuất đến Quý Tỵ là một chuỗi Can Chi tương khắc, triền miên tang thương diễn chuyển)
d- Giáp Ngọ là thế chính của Thái Dương, gốc tự hiểu lẽ sống phải nuôi ngọn để trường tồn (đa số năm Can Chi tương hợp).
e- Nhảy đến Giáp Thìn (Can lại khắc Chi). Ở đây không giống như Giáp Tuất là vì thuộc phạm vi của Thái Dương (Giáp Tuất thuộc Thái Âm). Đa số năm Can Chi tương sinh nhưng có nhiều dồn ép (Can Giáp khắc chi Thìn). Đây chỉ là nguyên lý để chuyển dần đến Giáp Dần.
g- Can Chi đồng hành là biểu tượng của Giáp Dần, một cảnh bình đẳng bằng liên hiệp, một thế huy hoàng hạnh phúc. Bánh xe luân lưu lại đến Giáp Tý, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ thời gian, bình dị may mắn vẫn là biểu tượng của Giáp Tý, tuyệt không một khắc chế, rồi Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần tuần tự nối nhau bất tuyệt.
Ngắm nhìn sự chuyển dịch giữa 6 con Giáp, nhận thấy có 2 đường lối riêng biệt:
1- Từ Giáp Tý bước qua Giáp Tuất, từ Giáp Tuất sang Giáp Thân, từ Giáp Ngọ nhảy tới Giáp Thìn, từ Giáp Thìn biến thành Giáp Dần tất cả là những khắc chế ghê gớm.
2- Còn từ Giáp Thân sang Giáp Ngọ, Giáp Dần sang Giáp Tý là tình tương sinh đằm thắm.
Nguyên tắc:
- Giáp Tuất (Hỏa) khắc Giáp Tý (Kim)
- Giáp Thân (Thủy) khắc Giáp Tuất (Hỏa)
- Giáp Ngọ (Kim) sinh Giáp Thân (Thủy)
- Giáp Thìn (Hỏa) khắc Giáp Ngọ (Kim)
- Giáp Dần (Thủy) khắc Giáp Thìn (Hỏa)
- Giáp Tý (Kim) sinh Giáp Dần (Thủy)
Ngày nay đời sống vật chất nhờ được khoa học tiến bộ, tuy có bỏ cách xa ngàn xưa muôn vạn dặm, thiết tưởng phần tinh thần không thể không giống nhau ở mỗi hoàn cảnh phải ưu tư hay đắc ý.
Trên Địa Bàn Tử Vi chia làm 12 cung Âm Dương xen kẽ nhau. Sáu cung dương là 6 chữ Giáp. Mỗi chữ Giáp là hiện tượng của mỗi thời đại. Giáp Tý là Thái Cổ. Giáp Tuất là thượng cổ. Hai thời đại này thuộc về ảnh hưởng của Thái Âm nên mọi sự đều ở trong vòng sơ khai bí hiểm. Phục Hy là vị Thánh thời Thái cổ phát minh ra dịch lý cũng phải chờ đến Khổng Tử ở thời Trung cổ mới san định được ra manh mối một phần lớn. Giáp Thân là Trung cổ, đây là thời gian đã thuộc Thái Dương nên đã sản xuất là những Thích Ca, Khổng Tử ra đời trước 500 năm dương lịch. Giáp Ngọ là Cận Cổ là thời đại khoa học dồn dập phát minh (Chữ Giáp sinh chữ Ngọ). Giáp Thìn là hiện thế rồi đến Giáp Dần là Hậu thế. Mỗi thời đại là 1080 năm tức là gồm 6 đại nguyên. Mỗi đại nguyên có 1080 năm chia làm thượng nguyên, trung nguyên và hạ nguyên (nghĩa là mỗi đại nguyên phải đi hết 1 vòng 6 Giáp mới là một thời đại)
Theo: Tử Vi Nghiệm Lý Toàn Thư
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Thực Là Một Nhân Tài Đáng Tiếc
Lá Số & Cuộc Đời Của Nữ Nghệ Sĩ Bích Huyền
Hai Vị Chúa Tể Đáng Sợ Trên Lá Số: Tuần & Triệt
Những Câu Phú Tử Vi Ứng Nghiệm Thế Nào? Đẩu Quân Ở Tử Tức; Nhật Nguyệt Đồng Minh Sửu Mùi...
Thuyết Nhân Quả Căn Bản Giải Thích Tử Vi
Ý Nghĩa Đặc Biệt Của Vòng Tràng Sinh Trong Lý Học Đông Phương