Sao Nào Chiếu Mệnh Thì Được Làm Vua?
Bài của Ân Quang
Có một vị giáo sư Trung Học, ở Nha Trang, từng nghiên cứu Tử Vi tìm hỏi tôi và nêu thắc mắc về lá số của ông Bảo Đại, in trong sách Tử Vi của Vân Đằng Thái Thứ Lang, và cũng có đăng trong một số báo Xuân Công Luận.
Tôi xin sơ lược vài nét: tuổi Quý Sửu, sinh tháng 9, ngày 23, giờ Dần, Thân cư Quan Lộc, có Liêm Tướng ngộ Triệt.
Lá số Tử Vi - Vua Bảo Đại (1913 - 1997)
Thế mà Thân cư Quan Lộc có Liêm Tướng ngộ Triệt. Vậy lá số đó có phải thật là lá số của Bảo Đại không, hay chỉ do một học giả Tử Vi nào đó đặt ra cho có chuyện vậy thôi.
Cũng có một vị giáo sư Cử Nhân Toán học, nghiên cứu Tử Vi, từ Quy Nhơn vào Nha Trang gặp tôi mấy lần, nói chuyện về Tử Vi, hứa tặng tôi một số tài liệu về Toán học Thiên văn của Trung Hoa xưa kia, và cũng nêu lên một số thắc mắc tương tự.
Những câu chuyện ấy, những thắc mắc ấy, đã đưa tôi đến ý nghĩa viết bài này.
Có lẽ vì vua ở ngôi cao nhất, có nhiều quyền uy nhất, hưởng nhiều tiện nghi nhất, cho nên dù không có mộng làm vua, ai cũng có thể có lần tự hỏi: "Có ông sao nào chiếu Mệnh mà lại được làm vua, sung sướng thế".
Vua Bảo Đại (1913 - 1977)
Nhìn vào các sách Tử Vi, có sách nói đến bộ sao làm vua, có sách lại gọi tổng quát là phi thường cách.
"Mệnh hội Tử Phủ Vũ Tướng cách"
"Thân hội Sát Phá Liêm Tham cách, lại thêm Tả Hữu, Khôi Việt, Xương Khúc, Long Phượng, Đào Hồng, Khoa Quyền Lộc..."
Vua ở ngôi cao nhất, có nhiều quyền uy nhất, hưởng nhiều tiện nghi nhất...cái gì cũng phải hạng nhất. Quan niệm này đã đưa đến việc gom những bộ sao tốt nhất rồi nói rằng đó là cách các bộ sao làm vua. Thật là một quan niệm giản dị, không cần nhiều suy luận, dẫn chứng. Thật là một quan niệm "Quân (vua) vi quý - Xã tắc thứ chi - Dân vi kính".
Đứng về phương diện nghiên cứu Tử Vi, chúng ta không thể chấp nhận một cách thức giản dị như vậy được. Vì những lý do sau đây.
Nếu Mệnh, Thân đã gom hết tất cả các sao, ắt chi còn sao xấu dành cho các cung khác. Mệnh, Quan, Tài, Di, Phúc đã quy tụ quá nhiều, đã vơ hết các sao tốt thì khi Đại Hạn đi đến các cung Huynh, Tử hay Phụ, Điền ắt chỉ còn các sao xấu dồn lại, lúc ấy làm vua với ai. Một lá số mà cứ một cung này được quá nhiều sao tốt chiếu vào, đến một cung kế đó lại chỉ có toàn các sao xấu, là một lá số mất quân bình, cứ một Tiểu Hạn quá tốt lại đến một Tiểu Hạn quá xấu, thì còn làm ăn được việc gì lâu dài.
Do đó, chúng ta không thể làm một công việc giản dị như là tưởng tượng ra một công thức toàn các sao tốt quy tụ về những cung Mệnh, Quan, Di, Phúc rồi nói rằng có những sao này thì làm được vua, là phi thường cách.
Đến đây chúng ta cần chú trọng sự quân bình trong một lá số. Mất sự quân bình trong các cung Đại Hạn thì khó thành việc lớn, hay nếu có thành thì cũng chỉ trong nhất thơi mà thôi. Cần chú trọng tới sự quân bình, sự kết hợp đúng cách giữa các bộ sao ở cung Mệnh và các sao ở Đại Hạn.
Xin lấy một ví dụ khác cho dễ hiểu. Tôi đã xem nhiều lá số, Mệnh có chính tinh đắc địa, hội khá nhiều bộ sao Xương Khúc, Long Phượng, Khôi Việt, Quang Quý, Tam Hóa...thế mà cũng chẳng đỗ đạt cao, chỉ vì Đại Hạn tuổi thanh niên ở cung Huynh hoặc cung Phụ, lại có quá nhiều sao xấu (Mệnh đã gom hết cả sao tốt rồi, còn gì cho những cung khác) thế là việc học bị gián đoạn nửa chừng. Đó chỉ là những người thông minh để mà thông minh vậy thôi, chứ chẳng đạt được gì cả. Trái lại, những người đỗ đạt cao, đến Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ...là những người được chính tinh miếu vượng thủ Mệnh hay có tính cách thông minh như Thiên Cơ, Nhật Nguyệt...Mệnh chỉ cần một bộ văn tinh như Khôi Việt hay Xương Khúc liên tiếp đại hạn kế đó như ở cung Huynh, Thê hay Phụ, Phúc có chính tinh miếu vượng và các sao khác (hợp cách với các bộ sao có sẵn ở Mệnh) như Long Phượng, Phụ Cáo, Ấn, Khoa Lộc...thì đỗ đạt rất cao.
Đó là sự kết hợp giữa Mệnh và Đại Hạn, Mệnh đã chứa sẵn sự thông minh, đi đến những Đại Hạn có các sao thuận lợi cho sự thi cử, thì mới đỗ đạt cao. Mệnh có quá nhiều văn tinh mà đi đến Đại Hạn kế tiếp toàn các sao xấu thì cũng chẳng thành đạt gì.
Một khía cạnh trong việc nghiên cứu một lá số Tử Vi là cần chú ý đến sự quân bình, tương xứng giữa các cung. Một cung gồm toàn các sao tốt, lại tiếp theo một cung có quá nhiều sao xấu, lại đến một cung quá tốt, rồi lại một cung quá xấu, là một lá số quân bình. Có khi là người có tài mà ba chìm bảy nổi, không thành công lớn được. Về khía cạnh này chúng ta cần chú ý đến sự kết hợp đúng cách giữa cung Mệnh và các sao trong cung Đại Hạn để có thể thành sự nghiệp lớn. Mệnh viên thì Viên là bức tường thấp xây quanh một khu đất, chỉ về một cái cõi, cái trung tâm, cái căn bản, cái nền tảng. Gọi là Mệnh viên hoặc gọi là cung Mệnh. Nếu gọi là cung Mệnh viên, thì hoặc là thừa chữ Cung, hoặc là thừa chữ Viên, chẳng khác nào khi nói dư chữ như là Nhà Văn Sĩ. Trong một số những lá số Tử Vi xưa kia, học giả còn dùng chữ Bản Mệnh để gọi thay cho chữ Mệnh Viên.
Những bộ sao ở Mệnh Viên là những tính chất cát hung đã có sẵn trong cái Mệnh của mình, lại kết hợp với những bộ sao tốt, xấu ở Đại Hạn thì sẽ thành kết quả tốt nhiều hay xấu nhiều.
Đây không phải là phương pháp luận đoán Tử Vi của riêng tôi, mà phương pháp này đã thể hiện qua các câu Phú Trần Đoàn. Tôi xin trích một vài câu làm thí dụ:
"Đế tinh tại Thủy, nan giải tai ương. Hạn hữu Sát tinh Thìn Tuất, hình lao khôn vị thoát..."
"Tử Phá mộ cung, vô ưu hạn ách. Vận lai Phụ Bật Thổ cung, nguyện vong đắc như cầu..."
Dĩ nhiên khi áp dụng các câu Phú vào việc luận đoán một lá số thì luôn luôn phải chú ý đến sự Chế Hóa. Nhưng, những câu Phú kể trên, cũng như còn nhiều câu Phú khác nữa, cho chúng ta thấy rằng cần kết hợp các sao ở cung Mệnh và cung Đại Hạn để luận đoán.
Thí dụ như Tử Vi cư Ngọ nhập miếu. Đại Hạn lại đến cung Mão có Nhật (và Nguyệt ở Hợi). Thế là Tử Vi gặp Nhật Nguyệt, rất rực rỡ được bộ chính tinh quá tốt đã, nếu lại được các sao khác cũng hợp cách thì sự nghiệp thật là to lớn khó tả. Đó là cách Tử Vi gặp Nhật Nguyệt. Chứ nào có phải như là "công thức ma"; Tử Vi có Thái Dương, Thái Âm hợp chiếu, ở các cung tam hợp chiếu lên (như tôi đã có dịp đọc thấy trong một vài cuốn sách Tử Vi, và trong một tờ tuần báo nói về Tử Vi).
Vì vậy mà cần chú trọng đến ý nghĩa tên gọi các vị sao khi nhận xét kết hợp các bộ sao ở cung Mệnh và cung Đại Hạn. Các ông vua chỉ lên ngôi và chỉ cầm quyền trong một khoảng thời gian nào đó, khi có quần thần khánh hội, khi có các sao ở cung Mệnh và cung Đại Hạn hợp thành bộ, hợp cách. Chứ nào phải là cứ có hành chục bộ sao tốt, bao nhiêu sao tốt, bao nhiêu cách tốt gom hết vê cung Mệnh rồi vừa mở mắt chào đời đã lên ngôi vua, làm vua cầm quyền cho đến lúc chết.
Đặt ra một công thức gồm toàn các sao tốt rồi nói rằng đó là cách làm vua, là phi thường cách chỉ là một sự tưởng tượng không kiểm chứng. Những công thức tưởng tượng này không giúp ích gì cho người nghiên cứu khi muốn tìm ra phương pháp luận đoán một lá số. Những công thức tưởng tượng này còn có cái hại là làm cho người nghiên cứu xa rời sự Chế Hóa, xa rời sự kết hợp luận đoán mạch lạc ảnh hưởng các sao ở Mệnh Viên và Đại Hạn.
Vua cũng có năm bảy đường vua. Có những ông vua u mê, văn chương chẳng giỏi, sáng suốt cũng không, chỉ thừa hưởng sự nghiệp của Tiên đế, rồi nghe theo lời nịnh thần, đánh mất ngai vàng là không có các bộ sao thông minh ở cung Mệnh. Có những ông vua gần trọn đời khổ công chiến đấu lập quốc, lại có những ông vua mãi quốc cầu vinh. Có những ông vua uy danh lừng lẫy, và cũng có những ông vua không mấy có thực quyền.
Sao lại có thể đưa ra một công thức các bộ sao làm vua?
Một vài người không biết Tử Vi lại gặp phải ông thầy Tử Vi phỉnh nịnh: "Mệnh của ông chỉ thiếu một vị sao này, một vị sao nọ là làm Vua". Không hiểu mấy ông Thầy đó tính cho người ta làm Vua gì đây? Vua Nghiêu, vua Thuấn hay vua Trụ, vua Kiệt, vua Lê Thái Tổ hay vua Lê Chiêu Thống?
(Hết phần 1)
-----------------
Ân Quang
Trong bài trước, tôi đã trình bày nhiều lý do vì sao không thể tưởng tượng đặt ra một công thức bao gồm toàn các bộ sao tốt ở cung Mệnh, rồi nói rằng đó là cách làm vua, là phi thường cách.
Không thể nào có một công thức gom tất cả các bộ sao tốt vào cung Mệnh, và đương số vừa lọt lòng mẹ đã làm vua, rồi cứ thế tiếp tục cầm quyền cho đến mãn đời.
Tôi cũng đã dựa vào những câu Phú để dẫn chứng, một trong những phương pháp luận đoán lá số, là việc nhận xét sự tương ứng, hợp cách, giữa những bộ sao ở Mệnh Viên và những bộ sao ở Đại Hạn. Sự tương ứng, hợp cách đó có thể tạo thành ảnh hưởng xấu, hoặc đem lại kết quả tốt đẹp, sự nghiệp lớn lao, tùy theo ảnh hưởng và ý nghĩa các bộ sao. Nhờ vậy, người nghiên cứu có thể luận ra những giai đoạn mà một ông Vua thành công, lên ngôi trị vì, thoái vị hoặc mất ngôi.
Dù không có phượn tiện làm một cuộc thống kê, thì chúng ta cũng vẫn có thể tin chắc rằng xưa nay các vị Vua đều không có ngày giờ sinh giống nhau (dù cho có chăng nữa, thì cũng là trường hợp quá ít). Vậy những vị Vua ấy không có lá số Tử Vi giống nhau, và lẽ tất nhiên là không có các cách giống nhau trong lá số. Không có ông Vua nào giống nhau trong cuộc đời, trong sự nghiệp, và cũng chẳng có cái phi thường nào giống nhau. Người thì phi thường về văn (Tự Đức), người phi thường về võ (Quang Trung), người lại phi thường về...dâm (Ngọa Triều) cũng là phi thường vậy!
Dù không làm một cuộc thống kê chúng ta cũng có thể tin chắc là có nhiều vị Vua không phi thường chút nào, nếu không nói là tầm thường, học không siêu việt, tài không xuất chúng. Chỉ "tà tà" hưởng sự nghiệp của Tiên Đế. Chắc là những lá số ấy không có gì nổi bật cho lắm. Ấy thế mà vẫn làm vua.
Để giải tỏa những thắc mắc này, chúng ta cần xét đến ba yêu tố Thiên Văn, Nhân Sự và Địa Lý.
Tôi xin nói về yếu tố Nhân sự trước rồi sẽ nói đến yếu tố Thiên văn sau, để tiện việc so sánh Tử Vi và Địa lý.
Về phương diện Nhân sự, con người chịu ảnh hưởng tương quan của gia đình, gia tộc, vận nước, hoàn cảnh xã hội. Ở xã hội quân chủ chuyên chế thì cha truyền, con nối, kế tiếp nhau giữ ngôi vua. Cùng có lá số thượng cách, có đủ quần thần tá sử, mà con Vua thì lại làm Vua...con của gia đình thường dân thì không làm vua những cũng được hưởng một cuộc sống dồi dào, kẻ hầu người hạ...vào bực thượng lưu. Tử Vi là một khoa Lý số luận về tính cách của vận mệnh chứ không phải là dùng để luận về phần lượng của vận mệnh.
Lá số của ông Bảo Đại, dù cho Mệnh lập tại Tuyệt địa, dù cho Thân cư Quan Lộc có Liêm Tướng ngộ Triệt, thì đó chỉ là những cái Triệt, cái bế tắc, trở ngại, thăng trầm của một truyền thống Đế Vương.
Ở vào thời quân chủ chuyên chế, nếu vận nước không gặp hồi đảo lộn, không có những lá số soán nghịch, những lá số cách mạng, thì một vị Thái Tử có lá số trung bình, an hưởng, cũng có thể kế tiếp Vua cha, trị vì thiên hạ.
Xem các vị sao trong lá số của một vị Vua cũng là để đoán thêm về sự thịnh suy, no ấm của toàn dân gặp những Tang Điếu, Hư Khốc, Hỏa Linh thì dễ có sự binh đao, dầu sôi, lửa đỏ. Tùy thêm nơi cát tinh, quyền tinh, dũng tinh, gia hội mà luận về sự ưu thế, hay thất thế gặp lúc có Thiên Tai, Đại họa, cũng có lắm vị Minh quân trai giới, làm lễ tế cáo trời đất, cầu cho quốc thái dân an. Đó cũng là một trong những giải pháp tìm cách sống cho thuận Thiên Lý, định đường lui tới cương nhu.
Luận về Tử Vi là đi tìm một đáp số Lý giải, chứ không phải để đi tìm một đáp số máy móc. Tử Vi nói lên tính cách, giới hạn thượng, trung, hạ cách, văn võ, công, thương...Tử Vi không quy định một công thức các bộ sao làm Vua. Tử Vi không phải là cái máy, cái khuôn đúc nên con người.
Nếu ở Việt Nam không có, thì trong toàn vùng Đông Nam Á này ắt phải có người cùng ngày giờ sinh với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Người ấy không thể đem lá số Tử Vi đến trước Dinh Độc lập khiếu nại rằng: "Tại sao cùng ngày giờ sinh mà ông thì làm Tổng thống còn tôi thì không được ngồi trong dinh Độc lập?".
Xưa nay đã có hằng ngày, hàng vạn vị Vua ra đời trên khắp thế giới. Chúng ta không thể nào quan niệm rằng cứ đến ngày giờ sinh của vị vua đã ra đời, thì toàn thể sản phụ trên thế giới phải nhịn để kỷ niệm hoặc để nhường những ngày giờ sinh độc đáo cho các vị vua ấy. Quý bạn nào dày công nghiên cứu, xin cứ ghi nhận rằng, chỉ còn hai năm nữa là đến năm Giáp Dần, tháng 3, ngày 7, giờ Dần là ngày giờ sinh của Lã Hậu, và còn chín năm nữa là đến năm Tân Dậu, tháng 4, ngày 10, giờ Tuất, là ngày giờ sinh của Khổng Minh. Chúng ta thử tìm xem có bao nhiêu Lã Hậu, bao nhiêu Khổng Minh ra đời?
Không có công thức các bộ sao làm vua, mà chỉ có những lá số thượng cách, xuất sắc. Rồi cũng còn nhờ các yếu tố tương quan, gia tộc, địa lý...mà cái thượng cách ấy được trợ lực thêm, và trở thành siêu việt.
Không có công thức các bộ sao làm vua. Lá số của ông Ngô Đình Diệm tuy ở vào thượng cách, cực phẩm phú quý, nhưng cũng phải đến Đại Hạn tốt nào đó mới phát đạt, và cũng còn nhờ thêm ảnh hưởng tương quan của các lá số ông Nhu, bà Nhu mà tạo nên những thành công vượt bậc (xin xem lại mục 1001 chuyện Tử Vi, đăng trong Khoa học huyền bí số 9).
Dù cho lá số không xuất sắc cho lắm, mà được các tương quan gia tộc, địa lý tốt...thì vẫn được nhiều sự trợ lực đáng kể. Dù cho lá số của ông Bảo Đại, Mệnh lập tại Tuyệt địa, Thân cư Quan Lộc có Liêm Tướng ngộ Triệt thì các sự trắc trở bế tắc, hoặc thăm trầm ấy vẫn nằm trong những tương quan gia tộc, địa lý...của một Hoàng Triều.
Trong những bài sau này, tôi sẽ trình bày thêm về sự tương quan ảnh hưởng đến vận mệnh trong vận tiểu nhi (từ 13 tuổi trở xuống) và sự tương quan ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp, vận mệnh trong vận Mộ Khố (từ 40 tuổi trở ra) cùng là lý do khiến cho có sự thay đổi tính tình, tướng dạng, qua các giai đoạn của cuộc đời.
Bây giờ tôi xin nói về giá trị Toán học thiên văn trong Tử Vi.
Toàn bộ Khoa học Tử Vi đã dựa vào các yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái, Thập Can, Thập Nhị Địa Chi, và trên một trăm sao.
Chưa có ai tính Tử Vi mà không an sao, không luận về các vị sao. Vì vậy, chúng ta phải nhận thấy rằng Tử Vi đã dựa một phần đáng kể vào Khoa Thiên Văn, một nền Thiên Văn Toán học, vì những bộ sao đều có hệ thống và được an theo những quy tắc nhất định (không ai an sao Thiên Quan ở cung Tý, không ai khởi giờ Tý ở ucng Tuất để an sao Địa Không...). Những hệ thống, những quy tắc ấy cho thấy là Khoa Tử Vi đã dựa một phần đáng kể vào Toán học thiên văn. Một số đồ biểu an sao, trình bày trong một số sách Tử Vi (trình bày dưới những hình thức có vẻ toán học) đã khiến người nghiên cứu hiểu lầm rằng Khoa Tử Vi chỉ có giá trị duy nhất là giá trị toán học thuần túy.
Nền Toán học thiên văn xưa kia không nhằm mục đích đưa con người đi chinh phục những cái gì xa xăm trong vũ trụ. Xét như trong việc tìm ra Can, Chi, quan sát sự vận chuyển của vầng Thái Dương, Thái Âm, quan sát chu kỳ thay đổi thời tiết, đặt ra lịch pháp, cũng không nhằm mục đích mổ xẻ, phân tích, chế biến cái gì, mà chỉ là để tổ chức cuộc sống cho hợp với Thiên Lý, gieo giống, làm mùa thuận theo sự vận chuyển của vũ trụ thêm phần êm đẹp.
Do đó, tiến trình của Lý học xưa kia là: Quan sát vũ trụ đối chiếu nhân sinh rồi suy ra những nguyên lý tổ chức cuộc sống cho hợp lẽ trời đất để "xu cát tỵ hung" (nương theo phần tốt, lánh phần xấu). Cứu cánh là thuận theo lẽ trời đất là hòa đồng, chứ nào có phải là phân tích để mà phân tích, để mà mổ xẻ đến rốt ráo vô cùng tận, để phục vụ lòng hiếu kỳ vô bờ bến, hoặc là để đưa con người đứng ra ngoài, đứng lên trên vũ trụ để chinh phục, khắc phục một cái gì.
Tiến trình của Khoa học Tử Vi cũng vậy. Quan sát vũ trụ, dựa vào những nguyên lý Âm Dương, Ngũ Hành toán học thiên văn, đối chiếu nhân sinh luận đoán tính cách của vận mệnh, rồi tìm một giải pháp thuận theo Thiên Lý để "xu cát tỵ hung". Cứu cánh vẫn là thuận theo lẽ trời đất chứ nào có phải để nâng cao bản ngã, phục vụ tham vọng cá nhân mà chỉ là để định lẽ tiến thoái, cương nhu, xuất xử cho phải lúc.
Có thể tạm ví tiến trình ấy với tiến trình của một chiếc hỏa tiễn bắn lên cao, nhưng không phải chỉ lên cao mãi mãi, đi vào không gian vô cùng tận, mà chỉ lên cao đến một độ vừa đủ để có thể chuyển hướng, trở thành một vệ tinh quay xung quanh quả đất.
Chỉ vì không nhận định rõ khác này, chỉ vì không nhận định rõ cái tiến trình từ khởi điểm Toán học thiên văn chuyển đến cái cứu cánh hòa đồng, thuận theo thiên lý, mà một số người đã có ước vọng lạc hướng, toan dùng Tử Vi trong chiều hướng phân tích đến rốt ráo vô cùng tận, dùng Tử Vi để phục vụ lòng hiếu kỳ vô bờ bến, mong chẻ sợi tóc làm tư, làm tám, làm 16, tính cả đến ngày nhổ răng, ngày sửa mũi...ngày nào chết...để rồi hoang mang, lúng túng, không sao ra được một đáp số toán học máy móc về sự chênh lệch vận số của những người có cùng ngày giờ sinh.
Khởi điểm của Tử Vi là toán học thiên văn nhưng đây không phải là một nền toán học phục vụ tham vọng, phục vụ cho lòng hiếu kỳ vô bờ bến. Tử Vi đã đi từ khởi điểm toán học đến cận cảnh luận lý hòa đồng vì vậy Tử VI không đưa những công thức máy móc tuyệt đối và cũng chẳng có công thức các bộ sao làm vua.
Nhìn lên trời cao vời vợi, xưa kia con người không dám mơ ước chinh phục một cái gì trên cao ấy mà chỉ tìm ra nguyên lý hòa đồng, những nguyên lý "xu cát tỵ hung" thì nhìn xuống đất thấp gần gũi, con người đã tích cực dựa vào những yếu tố Địa lý để tranh thủ, tổ chức cuộc sống của mình.
Đến đây chúng ta thấy rằng Tử Vi và Địa lý đôi khi gần như mâu thuẫn. Nếu trong Tử Vi không có công thức những bộ sao làm vua, nếu trong Tử Vi con người thụ động mong chờ đưa con ra đời vào một ngày giờ sinh tốt, thì trong Địa lý lại có những cuộc đất phát Khoa giáp, phát Đế Vương...
Tôi có một người trong họ không quả quyết là tuyệt tự nhưng số rất hiếm con lại chọn phải một căn nhà mà nền đất nổi lên từng cục gồ ghề, tục gọi là vảy rồng.
Lấy vợ năm 16 tuổi đến ngoài hai mươi tuổi thì sinh hai người con gái, từ đó đến năm 41 tuổi không có con trai, và đẻ người con gái nào sau này cũng không nuôi được. Đến năm 42 tuổi, cụ tôi và mấy người bạn chọn hộ một hướng nhà mới qua năm 43 tuổi thì sinh được một người con trai chỉ có một người ấy rồi thôi (số người cha tuổi Bính Ngọ, tháng 3, ngày mùng 6, giờ Tý).
Trong trường hợp này, Địa lý tuy không đảo ngược được ảnh hưởng Tử Vi, từ lá số không con thành ra có nhiều con, nhưng cũng góp phần cải thiện lá số, ít ra cũng có một người con.
Thực ra không có gì là mâu thuẫn, vai trò của Tử Vi và Địa lý có thể hiểu được qua thuyết "Âm Dương tương đối, năng lượng trợ" trong Dịch Lý.
Số Tử Vi hơi kém mà được Địa lý tốt thì cũng cứu ván được phần nào. Số Tử Vi tốt mà gặp Địa lý kém thì cũng giảm đi phần nào. Có lẽ, đó cũng là một lý do khiên cho có người cùng ngày giờ sinh với ông Vua, mà vẫn không được làm Vua. Số Tử Vi không tốt lắm có khi lại không được hưởng đất Đại Phát. Có lẽ là một trong nhiều lý do khiến cho nhiều thầy Địa lý chỉ để được mả Đại Phát cho người thiên hạ mà thôi. Số Tử Vi đã tốt lại gặp Địa lý tốt thì thật là xuất chúng, phi thường.
Suy cái lý "Âm Dương tương đối năng lượng trợ" thì có thể thấy rằng Địa lý đã góp một phần đáng kể trong việc đưa những lá số quyền quý thượng cách lên bậc làm vua vậy.
Nguồn: KHHB - Số 28 + 29
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Tìm Hiểu Về Hai Sao Cô Thần & Quả Tú Qua 12 Cung
Nguyễn Tường Tam: Văn Hào Hay Chính Khách?
Nhận Định Nghề Nghiệp Qua Tử Vi
Những Vị Có Liêm Trinh Tại Mệnh, Tướng Mạo Như Thế Nào?
Từ Điển Tử Vi - Những Cách Chính Về Cung Tài Bạch
Chúng Ta Đã An Sai Vòng Tràng Sinh?