Thái Cực Tử Vi Bí Pháp: Khảo Luận Về Thân Và Mệnh
HƯƠNG VÂN cư sĩ
Trong khoa đoán số Tử Vi, việc đầu tiên phải làm là tính giờ sinh và an trí các cung Mệnh và cung Thân trên Thiên bàn tức là trên vòng mười hai Ô của tờ giấy.
Muốn định các cung Mệnh và Thân cần phải biết tháng sinh và giờ sinh đúng theo Âm lịch.
Chúng ta đều biết rằng Giờ sinh là một dữ kiện quan yếu, nhất là trong việc an Mệnh và định Cục.
Để hiểu được tháo đáo căn nguyên của vấn đề này, cũng là vấn đề then chốt, ta sẽ lần lượt tìm hiểu các lý thuyết căn bản mà rất ít người có dịp đề cập đến. Trong tinh thần khảo sát khoa học dù là khoa học huyền cơ, những lý thuyết khởi đầu, những phương pháp lý luận và diễn tả đều là những yếu tố để minh định giá trị khoa học của một bài luận. Vì thế nên trong các phần sau đây, chúng tôi cố gắng trình bày theo đúng phương pháp khoa học:
"Lý thuyết là khởi đầu và kết thúc của mọi công cuộc Khảo Sát Khoa Học".
I - Lý thuyết về bào thai và tượng hình. Ảnh hưởng của giờ sinh.
Theo kinh nghiệm của Đông Phương Y lý mà Y học Âu Tây cũng công nhận, Đạo gia Thái cổ đã lập nên một lý thuyết được diễn tả sơ lược như sau:
Ngay sau khi một phôi noãn (cái trứng) đã thụ khí trong tử cung thì cái mầm sống bé nhỏ ấy bắt đầu lớn lên, và chuyển biến theo các chu trình tự nhiên. Tại trung đạo giữa các chu kỳ (thời gian) thì bào thai lại có một hình tượng đặc biệt và càng ngày càng tiến hóa, trong khi các chu kỳ càng ngày càng dài, như trong bảng sau đây:
1) Kể từ chu trình thứ 7 đến thứ 13, độ dài chu kỳ sẽ đều đặn là 1 tháng âm lịch, nghĩa là theo chu kỳ kí huyết của con người do ảnh hưởng của mặt trăng (Nguyệt kỳ).
2) Tuy nhiên chu kỳ hành khí căn bản do ảnh hưởng của mặt trời (Nhật kỳ) vẫn còn tồn tại. Mỗi chu tuần này đúng 24 giờ mặt trời tức là 12 giờ Tử Vi. Trong chu tuần một ngày, hành khí chuyển vận có lúc mạnh lúc yếu, lúc vượng lúc suy.
Tùy theo đứa trẻ lọt lòng vào lúc trùng với giờ vượng hoặc suy mà tính khí cũng như số mệnh của nó thay đổi khác nhau. Do đó, giờ sinh làm một yếu tố quyết định trong khoa Tử Vi.
Tương tự như vậy, ngày sinh trong tuần trăng (tức là tháng âm lịch) sẽ ảnh hưởng đến số mệnh, được biểu hiện trong phép an các bộ Tử Vi và Thiên Phủ. Soạn giả sẽ bàn đến trong loạt bài kế tiếp, sau khi bàn về phép lập Cục theo ngũ hành.
II - Lý thuyết về phương vị trong không gian. Phép định cung Thân
Trong phần lý thuyết này, tùy theo tháng sinh và giờ sinh, mà người ta chịu ảnh hưởng tại một vùng trời nhất định trong không gian.
Điều này sẽ được diễn tả theo Thiên văn Học để độc giả tân học tiện theo dõi.
Vị trí của mặt trời trong giải Ngân Hà
Sông Ngân Hà, gồm có hàng tỉ tỉ sao đủ loại, chiếm một khoảng không gian rộng lớn, tương đối ít thay đổi, được xem như bất di dịch. Mặt trời cùng với vòm sao, mà ta thấy được trong những đêm tốt trời, chỉ chiếm một khoảng thật nhỏ trong Ngân Hà.
Vị trí của quả đất đối với Mặt Trời trong Ngân Hà
Trong khoảng vòm sao này, Mặt Trời xem như đứng yên và địa cầu lại chạy vòng quanh Mặt Trời.
Chung quanh Mặt Trời được chia ra làm 12 vùng hình quạt được đánh số theo chiều kim đồng hồ, từ số 1 đến số 12. Đó là 12 vùng của Ngân Hà hoặc của không gian.
Cần phải chú ý rằng: Người Trung Hoa ở về phía Bắc, khi nhìn lên bầu trời, họ thường quay về phía Nam, và vì vậy họ lấy trục từ Bắc đến Nam, do đó chiều quay của địa cầu được thấy trong hình vẽ từ phải sang trái. Hình này là hình lật ngược của hình vẽ trong sách Thiên Văn của Tây Phương, nhưng vẫn hoàn toàn đúng với thực tế.
Trong hình vẽ này, địa cầu đang ở vùng số 8 âm lịch. Trong tháng 8 này, tùy theo giờ sinh (đối với vị trí mặt trời) mà kẻ ra chào đời chịu ảnh hưởng tại một vùng của Ngân Hà.
Thí dụ:
Sinh tháng 8:
Vào giờ Tí, thuộc vùng 8
Vào giờ Sửu, thuộc vùng 9
Vào giờ Dần, thuộc vùng 10
Vào giờ Mão, thuộc vùng 11
Vào giờ Thìn, thuộc vùng 12
Vào giờ Tị, thuộc vùng 1
Vào giờ Ngọ, thuộc vùng 2
và vân vân.
Phép định cung THÂN
Căn cứ vào lý thuyết và dữ kiện thiên văn nói ở trên, người ta đặt 12 vùng vào 12 cung của Thiên Bàn, rồi tùy theo tháng sinh và giờ sinh mà tìm cung nào chịu ảnh hưởng: đó là cách định cung Thân vậy.
Muốn tìm phương vị của Thân, thì hãy đặt hình vẽ ở trang trước vào khoảng trống ở giữa Thiên Bàn, sinh tháng nào thì quay cho mũi tên giờ Tí chỉ vào số ấy (sinh tháng 11, mũi tên chỉ vào số 11). Rồi xem giờ sinh chỉ ở cung nào, là Thân đóng tại cung đó.
Muốn cho tiện lợi và nhanh chóng, xin xem bảng kê ở cuối bài này để tra tìm cung Thân và cung Mệnh luôn thể.
Tuy thế, cách tìm cung Thân và Mệnh theo lối xưa, là lối đếm cung, vẫn dùng được mà không có gì bất tiện lắm.
III - Lý thuyết về vũ trụ siêu hình. Sự phân biệt Thân với Mệnh
Trong các phần trên đây, chỉ nói đến cách tìm phương vị trong không gian và suy ra cách tìm cung Thân. Tất cả các điều ấy nằm trong phạm vi của thế giới vật chất hay vũ trụ hữu hình. Theo thuyết lý của Đạo gia học thuật thì song song với vũ trụ hữu hình còn có thế giới vô hình hay vũ trụ siêu hình. Vũ trụ siêu hình cũng có các hình tướng riêng mà ta không cảm biết được với những giác quan thông thường. Nhưng hai thế giới vô hình và hữu hình vẫn liên hệ với nhau bởi các nguyên lý siêu việt mà kết quả là hai thế này liên lạc với nhau rất chặt chẽ bằng những luật tự nhiên.
Sau đây là vài nguyên tắc khởi đầu:
1 - Hữu hình kết tụ thì siêu hình giải tán và ngược lại.
2 - Hữu hình tiến thì siêu hình thoát và ngược lại.
3 - Hữu hình và vô hình nhất động nhất tĩnh và ngược lại.
4 - Chiều chuyển hóa của hữu hình và vô hình luôn luôn ngược nhau trong không gian và thời gian tương đối.
Trên đây chỉ là những nguyên tắc hỗ đoán dùng làm căn bản trong việc tu luyện của Đạo gia để cảm thông với Vũ trụ siêu nhiên.
Soạn giả đã trình bày theo hình thức diễn dịch của khoa học hiện đại để bạn đọc theo dõi được dễ dàng. Các nguyên tắc này sẽ còn được đề cập đến luôn trong bài khảo luận này.
Chính các nguyên tắc này đã được áp dụng vào việc định Mệnh Vị trong khoa Tử Vi Khí Vận:
1 - Theo đó thì khi quả đất quay theo chiều kim đồng hồ, khoảng thế giới siêu hình thiết cận của nó cũng quay theo chiều nghịch lại, trong khoảng thời gian tương đối.
2 - Theo giải lý của Khoa Tử Vi, chính ảnh hưởng của Vũ trụ siêu hình mới thực sự quyết định Mệnh vận, vì nó cảm ứng trực tiếp vào Thần khí và Tuệ giác của con người.
Do hai lẽ nêu trên, người ta an cung Mệnh bằng cách tính nghịch lại với chiều quay quả đất.
Trong thí dụ, một người sinh tháng 8, mặt trời ở cung Mão (số 2), nếu sinh giờ Dần (chẳng hạn) thì từ số 8 theo chiều thuận mà an Thân ở cung Hợi (số 10) và theo chiều nghịch mà an Mệnh ở cung Mùi (số 6).
Về sau này, khi luận đoán vận hạn, chúng ta sẽ căn cứ vào các lý thuyết trên đây để phân biệt sự quan hệ của Thân và Mệnh.
PHỤ THÍCH VỀ CÁC LUẬT SIÊU HÌNH:
1 - Sự hiện hữu của Thế Giới Siêu Hình
Theo đúng tinh thần khoa học, muốn chối bỏ cái sự hiện hữu của Siêu hình giới, ta cần phải mình chứng rằng "không thể có được" một thế giới siêu hình.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, chưa có một nhà khoa học nào chứng tỏ được thế cả. Mà trái lại, có quá nhiều dữ kiện (soạn giả chưa dám dùng chữ: bằng chứng) của thế giới siêu hình hiển nhiên đã xảy ra. Lẽ tất nhiên là với những phương tiện hữu hình người ta khó lòng minh chứng được sự hiện diện của vũ trụ siêu hình.
Mặc dù vậy, thế giới siêu hình vẫn có thể có vì không ai chứng tỏ được là chỉ có thể không. Trong tinh thần ấy, và xuyên qua những kết quả mà soạn giả đã thu hoạch được về siêu hình học, tôi xin trình bày sự giải thích các nguyên tắc khởi đầu đã nêu lên ở đoạn trước.
2 - Thứ nhất: Hữu hình kết tụ thì Siêu hình giải tán và ngược lại
Khi con người chết đi, hình hài tan rã, thì linh khí hay thần khí lại kết tụ và rời khỏi hình hài để trở về với vô hình giới.
Trong trường hợp lăng mộ của người chết gặp nơi hội tụ thần khí của cõi vô hình thì phần khí chỉ kết tụ mà không hẳn rời khỏi hình hài (di cốt) quá xa.
Trường hợp ngược lại, khi bào thai nẩy nở thì vật chất hữu hình kết tụ thành hình vóc, càng ngày càng lớn, thì phần thần khí của nó càng ngày càng phân tán. Kết quả là người ta càng lớn lên theo không gian (vóc) hoặc theo thời gian (tuổi) thì phần thần khí bị tản mát nhiều; nếu không biết cách tu luyện để giữ vững thì khả năng thần hóa càng ngày càng kém. Vì lẽ đó, mà trẻ con học tập nhanh hơn người già, và người ta thường chọn trẻ con là xác đồng. Tương tự như thế, trẻ con lúc ngủ dễ mộng mị hơn và trẻ chết non rất linh ứng. Bạn đọc có thể tìm những thí dụ khác rất dễ dàng.
3 - Thứ hai: Hữu hình tiến thì Siêu hình thoái và ngược lại
Sự tiến thoái ở đây có thể là không gian hoặc thời gian tương đối. Thí dụ về sự tiến hóa của bào thai là thuộc về không gian tương đối.
Khi con người càng tiến về tương lai thì càng già, đồng thời thần khí siêu hình của con người lại càng thoái về quá khứ. Cho nên, càng về già, con người càng dễ cảm thông với quá khứ hơn. Nguyên tắc thứ hai này cũng được dùng để giải thích các trường hợp về luân hồi quả báo. Tuổi trẻ gặp quả báo cho những duyên nghiệp của quá khứ gần và lúc già phải chịu quả báo của quá khứ xa.
4 - Thứ ba: Hữu hình và Vô hình: nhất động, nhất tĩnh và ngược lại
Theo luật này khi hình xác hóa động thì thần khí siêu hình phải tĩnh, và nghịch lại.
Điều này chúng ta thường gặp và thường dùng luôn mà không cảm biết. Muốn suy tưởng thì phải có phần hữu hình thật yên tĩnh để cho phần siêu hình động, tư tưởng sẽ được dồi dào và phát triển dễ dàng. Cũng vì lẽ này mà khi ta ngủ thường chiêm bao.
Ngoài ra, nguyên tắc thứ ba này là căn bản của phương pháp tu luyện của mọi môn phái siêu linh học, cổ cũng như kim.
Độc giả có thể tự tìm lấy các thí dụ và những áp dụng thông thường của nguyên tắc này.
5 - Thứ tư: Chiều chuyển hóa của hữu hình và vô hình luôn luôn ngược với nhau
Nguyên tắc này rất giống với nguyên tắc thứ hai, nhưng khác nhau ở chỗ là vô hình và hữu hình tương đối là cùng động cả.
Ta có thể dùng Hình Học hiện đại để dễ dàng hiểu được điều này:
- Hữu hình là hình Vị Tự của Vô hình (hay ngược lại).
- Tỉ số vị tự k < 0 là số âm (II)
- Trị số tuyệt đối |k| thay đổi một chiều (I)
- Ảnh của 2 hình vị tự âm phải nghịch nhau (III)
(CÒN NỮA)
Nguồn: KHHB - Số 10
====================================
Phần thứ tư: Phép luận đoán Thân và Mệnh (Tiếp theo)
Trong các phần trước, bạn đọc dễ tìm thấy các nguyên lý và quy tắc định cách cung Thân và Mệnh. Trước khi sang phần luận đoán, xin hãy túm lược các điều nói trên để làm các tiêu chí cho mọi phép đoán sau này.
Tóm lược:
1. Do sự phát triển tuần tự của bào thai theo nguyệt kỳ và nhật kỳ mà giờ sinh là một yếu tố quan trọng để xác định vận số.
2. Cung Thân là phương vị qui chiếu trong vũ trụ hữu hình, giúp ta định rõ ảnh hưởng của vũ trụ hình vào số mệnh con người.
3. Cung Mệnh là vị trí qui chiếu trong thế giới siêu hình giúp ta định rõ phương cách ảnh hưởng của vũ trụ siêu hình và số mệnh.
Nhờ các lý thuyết được trình bày ở trên đây, chúng ta sẽ phân định ảnh hưởng của các chính tinh vào các phi tinh đối với Thân và Mệnh trong khi luận đoán số Tử Vi. Để bạn đọc có thể theo dõi đầy đủ mọi khía cạnh của phép đoán Thân và Mệnh, chúng tôi tuần tự trình bày thành ba mục, vừa là ba phép đoán theo ba quan niệm khác nhau, vừa là ba giai đoạn tiệm tiến từ chi tiết đến tổng quát.
A. Luận đoán riêng biệt các phần Thân và Mệnh:
Dựa theo phần số 2 tóm lược lý thuyết, cung Thân là phương vị mà tại đó sẽ qui chiếu các ảnh hưởng cảm ứng của Vũ trụ siêu hình. Thế cho nên ta dùng cung Thân để luận định về vóc dáng, sức khỏe, bệnh khí và tính tình con người.
Theo kinh nghiệm và cũng theo yếu quyết tính vận căn bản của môn phái Vô cực. Thêm chịu ảnh hưởng cảm ứng của hệ thống Thái Tuế là hậu thiên khí vận tuần hoàn và của hệ thống chính tinh: Tử Vi, Liêm Trinh, Thiên Đồng, Vũ Khúc, Thái Dương, Thiên Cơ (các trường hợp ngoại lệ sẽ được nói đến trong các bài khảo luận về tinh vận).
Tử Vi ảnh hưởng trực tiếp vào Thân thì người ta sẽ có sắc da xám đen hay tía. Nếu tại nhị hợp với Thiên Cơ thì mặt xanh, uống rượu không say và tính tình thâm trầm sâu sắc.
Liêm Trinh thủ Thân thì tính khắc khổ và chịu đựng, lại dễ thành ngoan cố và cương nghị nhưng dễ bị câu thúc thân thể hoặc tù đày.
Thiên Đồng đóng tại cung Thân thì được khỏe mạnh, sắc mặt trẻ trung, nếu lại nhị hợp với Vũ Khúc thì sinh ra đã có nốt ruồi kín, thích mạo hiểm, chân tay khéo léo.
Vũ Khúc thủ thân thì có nhiều nốt ruồi, dễ mắc bệnh nan y (ung thư) tính tình vui vẻ, ham đỏ đen, thích nghệ thuật.
Thái Dương đóng cung Thân thì rất khỏe mạnh nhưng dễ có bệnh do vượng khí gây ra như mờ mắt, nhức đầu suốt đời khó chữa. Tính tình nóng nảy, uống rượu dễ say.
Thiên Cơ tọa thủ cung Thân dễ bị bệnh phong, rất linh mẫn, sớm hiểu đời, ưa tính toán lợi hại.
Ngoài các chính tinh này, còn có bộ Thái Tuế là vòng hậu thiên khí vận ảnh hưởng vào Thân rất mạnh mẽ.
Khác với cung Thân, cung Mệnh là phương vị mà tại đó sẽ qui chiếu ảnh hưởng cảm ứng của vũ trụ siêu hình. Cho nên người ta căn cứ vào cung Mệnh để đoán về tâm hồn, tình cảm, tài nghệ, học nghiệp và sự thành tựu công danh.
Cung Mệnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các Bộ Chính Tinh: Tử Vi, Thiên Phủ, bộ Lộc Tồn và hầu hết các phi tinh khác.
Bạn đọc có thể tìm thấy dễ dàng trong bất kỳ tài liệu nào về Tử Vi những phép luận đoán riêng cho cung Mệnh. Soạn giả sẽ trở lại vấn đề này sau khi cho in xong các bài về thuyết lý học cục bộ và thuyết lý tính vận.
B. Luận đoán tương đối Thân và Mệnh:
Một khi đã xét qua Thân và Mệnh riêng biệt thì người ta có thể xét sự liên hệ tương đối của Thân và Mệnh. Phần trình bày sau đây sẽ giúp bạn đọc theo dõi phép toán tương đối (Không quan trọng).
1. Người nào sinh nhằm giờ Tí và Ngọ hoặc Mão và Dậu ắt phải có Thân cư Mệnh hoặc Thân cư Thiên Di. Đa số những người này đều lập sự nghiệp nhờ thời vận và mệnh vận. Đây là cách đắc thời vận.
2. Những người nào sinh nhằm các giờ Thìn, Tuất và Sửu, Mùi ắt phải có Thân cư Phúc Đức và Thân cư Tài Bạch. Đa số được tạo tựu công danh nhờ phúc ấm mồ mả tổ tiên. Đây là cách đắc phúc vận.
3. Những người nào sinh nhằm vào các giờ Dần, Thân và Tị, Hợi ắt phải có Thân cư Quan Lộc và Thân cư Phu Thê. Đa số những người này được tạo sự nghiệp nhờ vào Tài Trí và học thuật hay nghề nghiệp. Đây là cách đắc nghiệp vận.
Đắc phúc vận thì được bền bỉ lâu dài, được xem là tốt hơn cả. Đắc thời vận thì được nhanh chóng nhưng chỉ thích ứng cho thời vận đột biến mà thôi. Đắc nghiệp vận thì phải bôn ba, thăng trầm, lao tâm khổ trí mới tạo được sự nghiệp.
C. Phép luận đoán chú trọng một phần:
Các phần luận đoán trên, riêng biệt Thân và Mệnh, chỉ được xem là căn bản khởi đầu mà thôi. Vì lẽ rằng cách luận giải riêng biệt ấy sẽ không đưa tới một kết luận đơn thuần cho số mệnh của một người. Bởi thế, ta cần phải biết lựa chọn một phần Thân hoặc Mệnh mà thôi để đạt đến kết thúc của việc đoán số Tử Vi.
Muốn được như thế, cần phải lý giải vấn đề theo một quan điểm rõ rệt. Ở đây soạn giả đưa ra cách giải quyết vấn đề theo quan điểm của Giải lý Thái Cực Tuần Hoàn. Điều này đã được trình bày đại cương và tổng quát trong bài trước, số mệnh của một tập thể dự phần quyết định trong số mệnh của cá nhân. Chính vì lẽ này mà khoa đoán số Tử Vi cần phải được tham bác với khoa xem Tướng, xem Tượng (điềm tượng), Địa lý và Dương cơ, Âm phần, thì sự giải đoán mới hợp lý và hiệu nghiệm tốt đẹp. Các khoa này được coi là bổ túc cho khoa Tử Vi, Khí Vận, nhờ các phép chiêm đoán điềm triệu này ta mới có thể nhận định sự tốt xấu của vận mệnh chung của một tập thể. Giả thuyết rằng điều này đã được nghiệm biết xong, ta hãy xét đến phần phải chú trọng: Thân hay Mệnh.
Có tất cả bốn trường hợp mà ta phải xem xét đến để lần lượt trình bày sau đây:
Trường hợp 1: Thân và Mệnh sáng
Trong trường hợp này, lý đoán chung là tốt đẹp. Nhưng vẫn còn nhiều điểm phải cứu xét đến, vì lẽ theo đạo lý Vô Toàn (thiên đạo học) mặc dù Thân và Mệnh đều được tốt đẹp và sáng sủa, con người vẫn không thể được hoàn hảo về mọi bề. Vậy chúng ta phải căn cứ vào đâu để đoán quyết sự bất toàn. Để đáp ứng, sau đây là phép nghiệm đoán theo lý thuyết của Thái Cực Môn.
Trường hợp Thân và Mệnh đều sáng tốt, nếu sự nghiệm xét các điềm tượng cho thấy rằng cái tập thể của cá nhân này đang diễn tiến trên một "Thái Cực tiến trình" thì chính sự phát khởi tốt đẹp của Mệnh vị mới bao gồm được các vẻ sáng chói của Thái Cực tiến trình vậy. Còn lại những nét bất toàn phần lớn sẽ ảnh hưởng vào Thân. Đây là trường hợp đã xảy ra cho các vị Nguyên thủ quốc gia, các tay kiệt xuất của nhân quần, tuy công danh được hiển phát tột bực và Thân Mệnh đều sáng tốt, thế mà tóc phải sớm bạc, lại thường mang các tâm bệnh hoặc các chứng nan ý (như bệnh tim, ung thư...)
Có người thì đoán mò, mà phải chết dự như bị tai nạn thảm khốc hoặc bị ám sát.
Đó chính là bất toàn đạo đã hãm vào Thân vậy. Kết luận cho trường hợp này: "Mệnh toàn, Thân bất toàn".
Trường hợp ngược lại, Thân Mệnh đều sáng tốt nhưng lại gặp phải đại vận hạn của tập thể quán ám như trong hồi Thái Cực toàn qui hay Thái Cực Thoái trào. Ở đây Mệnh tốt mà trở thành không tốt vì các nét sáng của cung Mệnh thật là không phương pháp hay đến tột đỉnh, ta thường gọi là "sinh bất phùng thời". Trong trường hợp này ta có thể luận rằng "Mệnh bất như Thân và cá nhân này tuy không được tột bậc hiển vinh, nhưng cũng được một đời phong lưu phúc thọ nhờ Thân vậy".
Trường hợp 2: Mệnh sáng mà Thân xấu
Cũng theo lý thuyết của Thái Cực tuần hoàn, người ta chiệm nghiệm vận mệnh của tập thể trước khi luận đoán số hạn cho cá nhân.
Nếu tập thể đang ở trong Thái Cực tiến trình và tính tượng của cá nhân cũng đang trong lúc doanh phong (khí tượng đang đầy) thì chắc chắn phải được hưởng mọi điều tốt đẹp của cung Mệnh. Chẳng những thế, theo đạo lý Vô Nhất, không phải chỉ một mình Mệnh vận tốt đẹp mà thôi, chính Thân cũng được hưởng cái doanh khí của Mệnh vậy.
Đối với trường hợp này, thể tất cung Mệnh là quan hệ nhất, hiển nhiên là "Thân dữ Mệnh đồng" hay "Thân phải theo Mệnh" vậy.
Trái lại Mệnh sáng mà Thân xấu lại gặp hồi Thái Cực thoái trào hay quốc gia dân tộc đến hồi mạt vận, dù ảnh hưởng của Mệnh có tạo nên một lúc hanh thông, thì cộng nghiệp cũng như tang hải phù vân, bể dâu mây nổi mà thôi. Chẳng những thế đạo lý Vô Nhất còn được quyết đoán rằng: Thân xấu lại còn kéo theo Mệnh xấu. Bởi vậy, ta kết luận cho trường hợp này là "Thân át phù vân chi Mệnh".
Trường hợp 3: Mệnh xấu mà Thân tốt
Nếu gặp được vận hạn của tập thể quốc gia dân tộc đến hồi tốt đẹp hay chuyển vận trên một tiến trình, thì ít ra Thân tốt cũng giúp cho cá nhân qua được những cơn bĩ cực để còn toàn tiết mà hưởng được hồi thái lai. Đây là nhờ Thân tốt mà Mệnh cũng tốt theo, vì vậy ta chú trọng đến Thân hơn Mệnh. Phần lớn cách này, hậu vận chẳng bao giờ xấu.
Cũng trong trường hợp này, nếu tập thể đang đến hồi suy bại, thoái hóa, thì cho Thân có tốt đẹp đến đâu cũng không kéo được Mệnh vận. Như thế Mệnh được xem là quan trọng vậy.
Trường hợp 4: Mệnh xấu Thân cũng xấu
Khi gặp trường hợp này, đa số người luận đoán số Tử Vi thường cho rằng, Mệnh vận cố cùng, chỉ còn tìm lời an ủi cho số phận (của thân chủ).
Thật ra đạo Trời không đóng cửa đối với một ai bao giờ, đạo Vô Cùng sẽ mở cửa khác vậy. Khi gặp vận hạn của tập thể đang hồi sáng sủa tốt đẹp thì Mệnh vận của cá nhân dù có xấu đến đâu vẫn chẳng bao giờ đến chỗ cố cùng. Chúng ta hẳn đồng ý rằng ở tại các nước mà Mệnh vận đang tốt đẹp, dân tộc phú cường thì chẳng có ai là đến mức cố cùng, hạng người thấp kém nhất trong xã hội ấy hẳn là "chẳng được phú quý nhưng vẫn được một đời sống bình ổn và dễ thở. Lúc bấy giờ người ta chỉ còn lo ngại cho "Thân bất thương toàn" mà thôi. Nói như vậy trong trường hợp này cung Thân đáng được chú trọng hơn cả.
Cũng thuộc vào trường hợp này, Thân Mệnh cố cùng nếu gặp hồi mạt vận của tập thể đang trên đà tán vong thì quả thật là Thân không còn phương giải cứu. Tuy nhiên đất trời dễ có đạo Vô Cùng mà cũng có dành sẵn một con đường, ít nhất là một con đường giải phóng cho Mệnh vận. Trong trường hợp này, chúng ta phải chú trọng đến cung Mệnh, những cách cứu giải của phi tinh hội chiếu cho cung này: đặc biệt nhất là phép cứu giải của Thái Cực ở trung đạo tứ môn.
Đến đây là kết thúc phần luận đoán về Thân Mệnh, mà trong khuôn khổ của bài này, soạn giả chú trọng đến thuyết ý và phương pháp nhiều hơn là chi tiết luận giải theo tinh vận.
Tổng kết: Đạo lý và khoa học số mệnh
Cùng bạn đọc thân mến, chác quý vị cũng đã nhận thấy, qua các phần trình bày trên đây, rằng chúng tôi đã trình tự các phép luận về Thân Mệnh mặc dù phải gò bó trong khuôn khổ hình thức, vẫn luôn luôn không rời xa đạo lý, nhất là Thiên Đạo. Chúng tôi tự xét thấy rằng có trách vụ phải bàn thêm về điều này.
Khoa đoán số mệnh phải được xây dựng trên căn bản lý thuyết mà chủ yếu là:
* Con người có số mệnh tiền định có nghĩa là phải tuân theo luật định của thiên nhiên.
Như thế tìm hiểu được các định luật của thiên nhiên (tạo hóa, đất trời, vạn vật) người ta có thể biết được số mệnh. Đây hẳn là tiền đồ của khoa học về số mệnh, nếu có thể gọi là khoa học. Hơn nữa dù thế nào thì khoa học cũng không thể xa rời đạo lý nếu không muốn nói rằng số bắt nguồn từ đạo lý. Khoa học mà không có đạo lý chỉ là khoa học của ma quỷ mà thôi. Ngoài ra, trở lại lý thuyết tiền định, nếu ta quan niệm một cách cứng nhắc, thì số mệnh của con người ta bất di bất dịch, không thay đổi được vậy chẳng hóa ra mọi cố gắng của con người hướng đến Chân lý đều là vô ích cả hay sao?
Câu trả lời là: Không. Vì lẽ Thiên Đạo vốn là vô thường và vô duy, vô nhất thì số mệnh của mọi vật cũng không phải là không thể đổi thay. Tuy nhiên, việc dời đổi số mệnh không phải dễ dàng. Cần phải biết đến học thuật của đạo, đồng hóa được Đạo với Tâm thì mới hiểu được là Di Tâm Dịch Mệnh. Nói cách khác Thiên Đạo vẫn luôn luôn dành sẵn một cánh cửa tự do, và cái Tâm là có thể thoát ra ngoài lẽ thường. Tâm chính là chìa khóa để mở cánh cửa này. Một khi con người biết Di Tâm Khởi Nghiệp thì tâm nghiệp Tùy Duyên Mà Tạo Phúc và cảm ứng vào số mệnh. Tâm đạo là cánh cửa tự do trong Thiên Đạo vậy.
Để kết luận cho bài này, chúng tôi kính mời bạn đọc cùng thưởng thức hai câu tiêu đề của Đạo Gia học thuật:
"Thân Mệnh tổng giai hư
Duy Tâm chân tự tại"
HƯƠNG VÂN CƯ SĨ - 1972
Nguồn: KHHB - Số 13
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh
Lá Số & Cuộc Đời Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp
Trung Tín Nghĩa Khí Là Quan Vân Trường