By Tử Vi Chân Cơ| 19:06 11/11/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Thái Cực Tử Vi Bí Pháp

Hương Vân cư sĩ

LGT - Hương Vân cư sĩ là một cái tên mới, như mầu sắc của một bông hoa lạ, tiếng hót của một loài chim lạ trong khu rừng "Huyền Bí".

Với "Thái cực Tử Vi bí pháp" trên tay, Hương Vân cư sĩ sẽ đưa chúng ta vào những khám phá mới trong khoa Tử Vi, tầm nhìn của chúng ta sẽ vượt qua khỏi những đầu móc của những con sao, của từng cung số, mà từ lâu đã "vô tình" đóng khung sự suy luận, sự diễn giải của ta về cuộc đời của một người vào đó qua lá số Tử Vi của họ.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc Hương Vân cư sĩ và tin tưởng rằng, với trình thức và sự luận giải có tính cách nghiêm chỉnh cũng như khoa học của ông trong loạt bài "Thái cực Tử Vi bí pháp" sẽ mở ra được những khung cửa mới của ngành Tử Vi để chúng ta cùng bước vào và nghiên cứu thêm.

THIÊN KHÔI

Trong khoảng mấy chục năm gần đây, khoa xem số Tử Vi đã được nhiều người thuộc mọi giới chú ý đến và đã có nhiều sách xuất bản đề cập đến phép lập thành và luận đoán số Tử Vi. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu về khoa huyền cơ này chỉ chấp nhận các phép an sao, lập Cục và định cách gần như máy móc và xem là những huyền cơ bí pháp không thể hiểu được nguyên lý của chúng.

Nay để cống hiến độc giả một phần nào các bí pháp của môn Thái cực Tử Vi, bổn sơn nhân sẽ trình bầy sau đây các uyên nguyên giải lý của khoa này, ngõ hầu đáp ứng sự đòi hỏi của khá nhiều người muốn chứng tỏ rằng việc xem số Tử Vi có thể luận đoán được vận mệnh, chăng những của cá nhân mà còn của cả dòng họ, dân tộc hay quốc gia nữa.

I - Lược trình của khoa Tử Vi

Theo hóa thuyết của Bình An Chân Nhân, chưởng quản đời sau cùng của Thái Cực Môn, đã lưu lạc từ Vân Nam sang Việt Nam vào khoảng năm 1910, thì khoa Tử Vi có xuất xứ là đạo gia tối cổ Thái Cực phái, cùng với Vô Cực phái, đều phát tích từ vùng Cực Bắc Trung Hoa. Các môn phái này cũng thừa hưởng di sản của một nền văn minh tiền cổ Trung Hoa, có trước cả thời đại Tam Hoàng nhiều ngàn năm. Riêng Thái Cực môn phái ít chú trọng vào việc tu luyện các phép biến hóa mầu nhiệm, mà lại quan tâm về các học thuật có tính cách hữu dụng cho các lãnh vực văn hóa, kinh tế, quân sự, vũ thuật...

Trong lịch sử Trung Hoa, Thái Cực môn đã đào tạo nên các bậc minh sư, lương tướng còn lưu danh hậu thế như Phong Hậu (4000 năm trước Tây lịch), Khương Thượng (1.000 trước Tây lịch), Trương Lương (200 năm sau Tây lịch)(kể cả Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Việt Nam).

Ngoài ra, hầu hết các học thuật kinh bang tế thế binh lược chiến pháp của Cổ Trung Hoa đều xuất từ hệ thống học thuật của Thái Cực môn (Xin độc giả đón xem Khảo luận về Tối cổ Đông Phương Binh Lược).

Nói riêng về khoa Tử Vi khí vận cũng xuất từ Thái Cực môn do Hiên Viên Trần Đoàn Tiên sinh hậu lục và tham bác với Tinh vận yếu quyết của Võ cục môn mà soạn ra vào đời Sơ Tống (900 sau Tây lịch).

Vậy trong phần tiếp theo đây bổn sơn nhân sẽ nói đến Thái Cực yếu quyết áp dụng vào Khoa Tử Vi, đã trải qua hơn nghìn năm không phổ biến ra ngoài môn phái.

II - Thái Cực tuần hoàn và Thái Cực trung đạo

Theo học thuật của Thái Cực môn, thì Vũ Trụ xoay vần theo "Vô Cực tuần hoàn đại Chu trình" và vô hạn, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người về không gian và mọi hình tướng.

Trong khi đó, đời sống của con người cùng vạn vật lại chuyển vận theo "Thái Cực tuần hoàn tiểu Chu trình" hữu hạn và năm trong tầm tưởng ước của con người, được biểu thị như sau:

- Tiến đạo là lối sinh hóa của vạn vật, tuần hoàn.

- Thoái đạo là lối quy chân của vạn vật, tuần hoàn.

- Trung đạo là lối biến dịch đặc biệt, không theo định luật tuần hoàn, mà theo lối đột xuất, đột biến, cấp ứng và dòng lưu. Trung đạo chính là đường chuyển hóa của thần khí, gốc linh hồn của sinh vật. Theo đó, sự sống, sự chết, có tính cách đột ngột và ngang qua trung gian là ngũ hành (5) mà gốc là hành Thổ.

Cách an Thái Cực tại Trung Đạo tứ môn

Theo sự giải thích ở ý trên, Thái Cực trung đạo vô cùng quan trọng, vì đó là lối chuyển hóa của sinh khí, lại chỉ xuất nhập bất thường qua hành Thổ. Do đó, người ta phải ghi Thái Cực ở Trung Đạo tứ môn, là bốn cửa ngõ để xuất nhập, chính là 4 cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, và theo cách định khí như sau:

- Tiên thiên dương khí xuất nhập Thìn, Tuất.

- Tiên thiên âm khí xuất nhập Sửu, Mùi.

- Hậu thiên Nam tinh xuất nhập Thìn, Mùi.

- Hậu thiên Nữ tinh xuất nhập Tuất, Sửu.

Hoặc là gọn hơn:

- DƯƠNG NAM xuất nhập Thái Cực tại Thìn.

- DƯƠNG NỮ xuất nhập tại Tuất.

- ÂM NAM xuất nhập tại Mùi.

- ÂM NỮ xuất nhập tại Sửu.

III - Thái Cực Tổng Quy

Theo học thuật của bản môn, Thái Cực khí là những trạng thái khởi đầu và chấm dứt của một chu trình tuần hoàn. Như vậy, ảnh hưởng của Thái Cực chỉ xuất hiện trong các thời kỳ đầu và cuối của chu kỳ thiên mệnh, đối với cá nhân, dòng họ, tập thể cũng vậy.

Điều rất quan hệ là với phép đoán Thái Cực, ta có thể tìm hiểu vận mệnh của cá nhân trong một tập thể, dựa vào các hiển tích hoặc điểm triệu của chúng ta đã và đang xảy ra. Muốn dễ dàng thông suốt phần này, bổn sơn nhân trình bày trước hết, về cách nhận định (ba đời Thái Cực) hay Thái Cực tam đại và hiển tích của mỗi đời.

1. THÁI CỰC NHẤT ĐẠI - (Thái Cực toàn quy)

Các cung Phúc Đức và Tài Bạch chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thái Cực trung đạo.

Trong đời này, vận mệnh cá nhân (và tập thể) khởi sự chuyển biến, theo lối quy hồi Thái Cực, cuối chu trình, và các hiển tích gồm có:

- Mồ mả kết phát từ các đời trước bị bế tắc, thất lạc, chuyển dịch hoặc phá hãm.

- Để gặp thầy dời mộ, sửa nhà...

- Các điểm triệu chứng xẩy ra: động đất, núi lửa phun, biển cạn, sơn băng, lụt to, đất sụt, mưa đá, chướng khí, cháy nhà, dời nhà, đám cưới, chạy tang, trùng tang liên táng, loạn luân, xuất gia, bất đắt kỳ tử...

2. THÁI CỰC ĐỆ NHỊ ĐẠI (Thái Cực hiểu phát)

Các cung Mệnh và Thiên Di chịu ảnh hưởng trực tiếp của trung đạo.

Trong đời này, ảnh hưởng của Thái Cực rất mạnh mẽ về dương cơ và nhân tánh:

- Nhà cửa thay đổi, tổ nghiệp tán thất.

- Anh em họ hàng ly tán tha phương.

- Cá nhân bị biến tính, nam nữ đảo điên

- Dễ xuất hiện các bệnh tật rắc rối về đường tình dục và thai sản.

- Các cá nhân được Thái Cực quyết có thể phú quý đến mức độ khá cao, nhưng thăng giáng thất thường và không thể hiển quý tột bực được.

3. THÁI CỰC ĐỆ TAM ĐẠI (Thái Cực doanh khai)

Các cung Quan Lộc và Phối ngẫu (Phu Thê) chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trung đạo. Trong đời này, ảnh hưởng của Thái Cực đã giảm và không làm thay đổi nhân tính, ngoại trừ những lá số "Thân cư Quan Lộc".

Các hiển tích của đời này:

- Thường thay đổi người phối ngẫu

- Thường đổi tướng nhiều lần (phát tướng, hồi tướng, phá tướng) theo từng thời kỳ (xem Thái Cực Tướng Pháp).

- Đường công danh hiển phát tột bực. Nếu hoàn toàn đắc Ngũ Quyết và hợp thiên mệnh (vận mệnh chung của tập thể) thời có thể đến bậc nguyên thủ hoặc hưng khởi đế nghiệp.

- Đệ tam đại có thể kéo dài nhiều thế hệ, đó là trường hợp chung theo đúng luật tuần hoàn.

Tóm lại, theo THÁI CỰC TỔNG QUY, nếu ba đời liên tiếp đắc Thái Cực theo thứ tự đệ nhất, đệ nhị rồi đến đệ tam, như thế là dòng họ hoặc cá nhân theo THÁI CỰC TIẾN TRÌNH, danh nghiệp sẽ càng ngày càng tấn phát, nhất là đến thế hệ tam có thể đến tột đỉnh vinh hoa, phúc lộc thọ, phú quý quyền toàn bộ.

Trái lại, nếu sau thế hệ tam Thái Cực, lại đến đệ nhị rồi đệ hất, thì dòng họ sẽ lụn bại dần theo THÁI CỰC THOÁI TRÀO.

Cũng có khi đệ tam đại đột ngột xuất hiện ở một cá nhân mà các thế hệ khác của dòng họ chưa có, đó là trường hợp THÁI CỰC TRUNG ĐẠO ĐỘT XUẤT. Thông thường chỉ xảy ra sự đột xuất này ở cuối các thời kỳ thiên mệnh; để đáp ứng cấp thời cho lịch sử, tất nhiên dương cơ phải đột biến, cho nên sau đời này thì công nghiệp tiêu tán nhanh chóng và không theo Thái Cực Thoái Trào. Đây là trường hợp của các cá nhân như Hạng Vũ ở Trung Hoa, Hitler ở Đức Quốc, Đinh Bộ Lĩnh (gần đúng thôi) ở Việt Nam. Sự đột hiện của ba anh em Nguyễn Huệ (Quang Trung) ở Việt Nam cũng vào trường hợp này, nên công nghiệp không tựu tồn lâu dài như đối với Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long).

Các điều tổng quy nói ở trên đây đều xuất phát từ đạo lý và học thuật của môn phái Thái Cực Tối cổ đạo học của Đông Phương. Các điều này có thể áp dụng cho mọi khuôn khổ từ cá nhân, đến bộ tộc, quốc gia và đến cả nhân loại nữa. Muốn đi sâu vào các chi tiết hoặc mở rộng đến các lãnh vực, xin độc giả đón xem các bài khảo cứu về Thiên Mệnh, sẽ được trình bày tiếp theo loạt bài này.

IV - Thái Cực nguyên lý các các thượng cách

Trong phần luận đoán số Tử Vi các THƯỢNG CÁCH của chính diệu theo kinh nghiệm cổ truyền, được đặt tên hiệu cho dễ chú ý, như là Nhật Xuất Lôi Môn, Thạch Trung Ẩn Ngọc...Nhưng tất cả đều có uyên nguyên giải lý từ Thái Cực trung đạo. Các thí dụ được nêu ra trong bảng sau đây sẽ giúp độc giả tự tìm giải lý cho tất cả các trường hợp khác.

Căn cứ vào phép đoán "Thái Cực tiến trình hoặc thoái trào" cùng với "Thái Cực tổng quy", phần này có mục đích hệ thống hóa và tổng quát hóa tất cả các điều luận đoán Mệnh vận trong khoa Tử Vi.

Ngoài ra, tất cả các cách Vô Chính Diệu đều thuộc về một trong ba trường hợp của Thái Cực tam đại.

Qua các phần trình bày ở trên đây, độc giả chư tôn đã tìm thấy phần nào các uyên nguyên giải lý của Tử Vi khí vận pháp môn, mà trong đó Thái Cực tổng quy được coi là chìa khóa quan trọng nhất để luận đoán đại cuộc của cá nhân trong một dòng họ bộ tộc hoặc quốc gia.

Nhất là trong giai đoạn hiện thời, vận mệnh của nhân loại đang trên đà quy hồi Thái Cực, mà quốc gia dân tộc Việt Nam này cũng đang hồi sóng gió ngửa nghiêng, lãnh thổ qua phân, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi, bao gia đình phải ly hương vong tổ, thì việc tìm hiểu học thuật và đạo lý cổ truyền của Đông Phương không hẳn là vô ích vậy.

Sài Gòn 1972

Thái Cực Môn

Đại Hồng Đồ Thư Tâm Truyền

Hương Vân Cư Sĩ


Nguồn: KHHB 

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ