By Tử Vi Chân Cơ| 13:16 07/09/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Thần Khê Định Số Của Lê Quý Đôn Với Câu Mở Đầu...

Đông Nam Á

Qua 4 bài về Thần Khê Định Số, cuốn sách giảng bí quyết Tử Vi của cụ Bảng Lê Quý Đôn, chúng tôi đã trình bầy mấy trường hợp điển hình phải cần đến nét tướng mới giải được Tử Vi, là bởi vì bí quyết của cụ Bảng Lê Quý Đôn cho hay rằng mỗi người ăn về một chính tinh trên cung Mệnh của mình, cũng có thể thuộc vào một hung tinh tại cung Mệnh đó, và phải trông hình tướng mới thật biết số của người đó tốt (nếu tướng theo chính tinh) hay xấu (nếu tướng theo hung tinh).

Điều này không lạ cho lắm, vì các bạn cứ giở các cuốn sách Tử Vi ra mà coi, sẽ thấy giải đoán sẵn mạng có một chính tinh thì hình tướng thế nào; mà mạng có một hung tinh, thì tướng thế nào?

Tuy nhiên có cái lạ, là nếu Mệnh có cả hung tinh và chính tinh (thí dụ có Kình Đà và Tử Vi) thì hình tướng sẽ thế nào? Hình tướng theo về chính tinh thì đương số ăn theo chính tinh; hình tướng theo về hung tinh thì đương số bị về hung tinh. Cụ Bảng Lê Quý Đôn bảo vậy. Chúng tôi đã yêu cầu cụ Đông Nam Á trình bầy đại cương bộ sách Thần Khê Định Số, rồi sau đó lại nói tiếp các bài phú trong bộ sách đó (TVS)

Vài lời nói đầu về căn nguyên cuốn sách

Về cuốn Thần Khê Định Số, tôi đã trích ra mấy đoạn và kể về trường hợp có thật trong đời. Như thế tạm gọi là chu đáo trong một lối trình bầy. Nhưng còn một nguyên tắc nữa: làm sao để các bạn khảo cứu số Tử Vi thông suốt được thật sự căn bản cách giải đoán?

Về điều này, chúng tôi đang sửa soạn phóng theo các hình vẽ giải thích rõ. Trong Thần Khê Định Số, có những hình vẽ, nhưng khó ý hội được, cần vẽ lại. Đã đành rằng trí óc chúng tôi không thể sánh được với Thần Khê tiên sinh (Lê Quý Đôn), nhưng chúng tôi nghĩ rằng các cụ ngày xưa chỉ quan niệm Tử Vi như một môn bí truyền trong gia đình hay trong bè bạn thân, chứ không truyền bá rộng rãi, cho nên chỉ vài ba nét gạch trong bộ sách là đủ để chỉ dẫn, chứ không có những hình vẽ dẫn giảng cẩn thận và rõ ràng. Ngay cả các câu phú Tử Vi mà chúng ta thường biết, cũng chỉ là những câu rút gọn, thiếu hẳn phần chân xác, nhiều khi còn sai lầm nữa, khiến người đời nay muốn nghiên cứu gặp khó khăn, mà nếu không cẩn thận là gặp sai lầm tệ hại.

Thằng bé và câu phú Tử Vi

Số là thằng Ban (lúc còn nhỏ 2 tuổi) con anh Sước (anh em họ với tôi lúc đó 41 tuổi) được các cụ Tử Vi chiếu cố thật kỹ. Mệnh có Tử Phủ đồng cung, lại có cả Hóa Quyền, Hóa Khoa. Thế là ngon rồi!

Anh Sước mê số Tử Vi và Địa Lý đến nỗi trong đời tôi, tôi chưa thấy ai mê như thế. Một bữa, ba tay thầy Tử Vi, Địa Lý là cậu ấm Tân, cụ Phó Tường, ông Cổn cùng đụng đầu tại nhà cha tôi. Cụ Tường là người cùng làng, còn hai ông kia ở Khoái Châu và Phù Cừ, được anh Sước coi như gia sư.

Thật là "tam kiệt đáo gia". Bữa ăn đầy rượu bỗng trở thành náo nhiệt quanh câu phú "Tử Phủ ngộ Khoa, Quyền, Lộc hựu gia Tuần Triệt, Kiếp Không, Hình Hỏa phú như bất quý hữu hư danh" mà anh Sước nêu lên để thỉnh ý các cụ.

Một cụ giảng rằng: "Tử Vi, Thiên Phủ gặp Khoa Quyền Lộc là ngon, nhưng nếu lại thêm Tuần, Triệt, Kiếp Không, Hình Hỏa thì giầu cũng như sang (làm lớn) đểu không có được, chỉ là hư danh thôi???"

Cụ khác lại bảo:

- Nhưng phải gia thêm cả 6 sao Tuần, Triệt, Không Kiếp, Hình Hỏa thì mới hỏng.

Cụ khác lại bảo:

- Không cứ! Có khi chỉ gặp 1 trong 6 sao đó cũng là hỏng rồi.

Câu chuyện rồi lại xoay ngay ra chỗ khác

Cụ Cổn nói:

- Câu Phú đúng ra là "phú nhi bất quý" chứ không phải là "phú như bất quý". Có nghĩa là giầu mà không làm lớn. Không phải là hỏng tuột đâu, không sang thì còn được cái giầu.

Cụ phó Tường bèn cười hè hè mà nói:

- Câu Phú ghi là "phú như bất quý" có nghĩa là giầu cũng như sang, chẳng có con cóc khô gì cả. Nhưng còn "Đức năng thắng số" và "đắc địa mới sinh nhân", được đất mới thành người có tài năng, thì vứt đi đâu. Có biên trong "Địa Lý chính phả", cụ Tả Ao còn phải công nhận nữa là.

Anh Sước tôi có vẻ không bằng lòng, còn cha tôi thì cố khỏa lấp. Tôi mới nghĩ rằng thằng bé mới hai tuổi, mà các cụ đem một câu phú ra tranh luận không, phỏng để làm gì? Làm sao mà kiểm chứng? Cho nên tôi chỉ coi môn Tử Vi như một cái gì không chính xác, cả đến Thần Khê Định Số, tôi cũng chỉ để nó một xó.

Những cơn trầm luân

Cuốn Thần Khê Định Số đã không được tôi quý chuộng, lại gặp phải thời ly loạn mà bị những bước trầm luân, mấy năm 1946 - 1947, tội bị những bước tù đầy, đưa tôi đến trại giam Bắc Kạn.

Bà xã nhà tôi không rõ cuốn sách có giá trị gì, nhưng đó là di tích của người chồng lúc ấy 9 phần chết thì chỉ còn 1 phần sống, cho nên lúc tản cư, có thu vén cuốn sách mang theo. Vì thế, cuốn sách càng thêm nhuốm bụi đời, lem nhem khá bộn cho nên đôi khi những câu phú có thiếu chữ hay sơ suất một hai chữ, xin quý vị cũng cảm thông cho (tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ để cho câu phú sai nghĩa).

Câu mở đầu của bộ Thần Khê Định Số

Câu mở đầu của bộ Thần Khê Định Số là:

Lục giáp tất tri ngô

Ngô tri lục Giáp

Tượng đồ về đâu?

Câu văn nửa nôm nửa chữ là thơ lạ, nửa là thơ lục bát đó, có nghĩa là? 

Xưa kia, tôi cũng có hỏi ông bói Lợn, nhưng ông cười khà khà mà đáp:

- Cháu hỏi làm gì câu ấy?

Có lần, tôi hỏi nữa, thì ông bảo:

- Con thông minh đáo để, con thử tự nghĩ ra mới là đúng, chứ cứ đi mót của người ta, chắc gì người ta bảo thật cho mình, có phải không con?

Ông Lợn thật là sỏ lá kềnh!

Ông Khóa Soạn giải thích

Nhưng ông Khóa Soạn đã giải thích cho tôi như sau:

- Đó là mấy câu căn bản đầu tiên để giải lá số Tử Vi, mỗi người sinh ra trong một năm. Năm ấy thuộc vào một Giáp nào đó, như Giáp Dần, Giáp Thân, có 6 con Giáp chắc cậu phải biết, mỗi Giáp thuộc vào một hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ. Câu phú đó có nghĩa là xem 6 con Giáp tất biết mình, tức lafp hải xem đương số chịu ảnh hưởng nào trong 6 con Giáp, hay là Mệnh mình thuộc hành nào mà lại sinh vào Giáp nào.

Tôi bảo chưa hiểu rõ, thì ông Khóa Soạn lấy một thí dụ để giải thích:

- Thí dụ tuôi Nhâm Tuất thuộc Thủy và nó nằm trong Giáp của Giáp Dần, thuộc Thủy thì đương số sinh năm Nhâm Tuất có hai phần Thủy. Thế là hợp.

- Xin ông một ví dụ nữa

- Nếu đứa trẻ sinh vào năm Bính Thìn hay Đinh Tị, tức là Thổ Mệnh, mà năm sinh lại thuộc vào con Giáp thuộc Mộc mà Mộc khắc Thổ, thì có thể coi như Mệnh không phù hợp mà còn bị phá đi phần nào. Tuy nhiên, mỗi lá số còn gồm những yếu tố căn bản khác, phải hòa với nhau rồi mới đủ điều kiện xác định.

Từ vài câu căn bản đầu tiên tiến dần ra, tôi hiểu dần dần và được nhiều phen kiểm chứng thấy đúng.

Việc chính là tìm xem một người sinh ở năm nào đó, là thuộc con nhà Giáp nào (tất cả có 6 Giáp gồm 60 năm). Rồi phải xét xem Hành của mình thuộc Hành gì so sánh với Hành của con nhà Giáp mà tuổi mình nắm được trong tay một yếu tố đầu tiên (trong số những yếu tố căn bản khác) để xác định được rằng số mạng của mình khá hay dở.

Tất nhiên đã nguyện phục vụ bạn đọc và để cho một khoa Thần Khê Định Số của Lê Quý Đôn khỏi bị mai một, tôi sẽ xin cố gắng trình bày từng điểm trong phần I của cuốn Thần Khê Định Số, cũng như sẽ lần lượt trình giải phần II của bộ đó, về hình thể con người ứng hợp hay không ứng hợp với các bộ sao trên lá số Tử Vi.


Nguồn: KHHB - Số 74- H1

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ