By Tử Vi Chân Cơ| 16:08 31/08/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Thần Khê Định Số Một Bộ Phú Tử Vi Của Cụ Lê Quý Đôn

Ngoài tập Phú Ma Thị, cụ bảng Đôn còn một bộ Phú Tử Vi rất quý

Tài liệu của Đông Nam Á - Trần Việt Sơn trình bầy

Bữa cuối tháng ba 1974, chúng tôi có đến thăm cụ Đông Nam Á, nhân nói chuyện Tử Vi, chúng tôi thấy cụ Đông Nam Á đọc lên một số những câu Phú, tức là những câu thơ giải sẵn các cách trong Tử Vi. Thật là lạ! Chúng tôi có được đọc những bài Phú cổ, nhất là bài Phú Ma Thị, tục truyền của cụ Lê Quý Đôn làm ra, cho nên những câu Phú này, chúng tôi mới hỏi:

- Ủa, những câu Phú nào mà nghe lạ tai vậy?

- Sao lại không lạ tai vì có thấy ai phổ biến bao giờ đâu?

- Lại bí mật như vậy nữa? Nhưng Phú gì vậy?

- Phú Thần Khê Định Số, nghe cái tiếng Thần Khê là phải biết của ai rồi. Của cụ bảng Lê Quý Đôn đấy. Bí mật lắm, có thể là đã thất truyền.

- Nhưng tại sao mà cụ Đông Nam Á lại có?

- Đây là cả một câu chuyện kể ra phải dài dòng

- Dài dòng đến 10 pho sách, cụ cũng cứ kể ra cho bạn đọc Khoa học huyền bí chứ. Rồi xin cụ trình bày luôn những câu Phú đó ra. Chúng ta làm công việc sưu tầm lại mọi điều trong các Khoa thuật số xưa kia, để những tài liệu quý báu khỏi bị mai một.

Cụ Đông Nam Á vốn đồng ý ấy. Nên cụ viết bài mở đầu sau đây để kể vì sao cụ có bộ Thần Khê Định Số. Xin nói ngay rằng cụ Đông Nam Á, lúc còn nhỏ, là cháu và cũng là người chép những lá số cho thầy Bói Lợn (thần Tử Vi)(Quý bạn đã nghe kể tài của cụ Bói Lợn xem số cho cô bé Tý Hàng Bạc, trong một số giai phẩm trước, cụ ngồi coi ở chợ Đường Cái - Hưng Yên và cũng nổi danh cũng như thầy Kế).

Trần Việt Sơn

Về cuốn Thần Khê Định Số, tôi đã phải sử dụng cả phương pháp hối lộ và biện pháp mạnh mới có, và cũng phải có chút gian manh, và một chút cơ duyên nữa. Hồi đó là 1925, tuổi tôi mới 14, và tôi thường chép những lá số cho chú tôi là thầy bói Lợn.

Ông chú tôi có đứa con là Khang, lúc đó 12 tuổi. Chúng tôi cùng học tại trường Tuân Di tại xã sở tại. Do lệnh của cha tôi, tôi thường ra cửa hàng chú bói Lợn viết lá số kiếm thêm tiền. Tiền công chép một lá số với lời giải đoán bằng một tập vở là 10 xu, nhưng 10 xu khi ấy đủ ăn quà sáng 10 ngày. Dĩ nhiên tôi không thích lắm, vì tuổi trẻ là tuổi đánh bi, đánh đáo, bắt chuột đồng, câu cá chứ không phải để ngồi còm cọm viết số Tử Vi.

Cũng không phải là tôi đã nghĩ đến bói toán và số Tử Vi, để đi tìm những cuốn như Thần Khê Định Số. Cho nên phải nghĩ là có duyên may. Nguyên do là bên cạnh nhà chú tôi, có ông Khóa Soạn, bán thuốc bắc.

Ông Khóa Soạn thèm cuốn Thần Khê Định Số

Ông Khóa Soạn ở giáp vách nhà cụ bói Lợn, ông thường sang bên nhà cụ bói Lợn nhắm rượu. Nhiều khi, lúc trưa, cụ bói Lợn gọi vọng sang bên cạnh:

- Cụ Soạn ơi! Ngọ rồi, sang đây đưa cay.

Ông Soạn sang uống rượu, với vài hạt đậu phộng. Cụ bói Lợn cười khà khà, khịt mũi và chề môi ra như cái mỏ vịt ngáp khi trời nắng gắt.

Tôi đã thầm nghĩ: "Cụ này cũng hiểm ra phết!". Và không cần phải học bói, tôi cũng đoán được thế nào cụ Lợn cũng sắp sửa nhờ ông Khóa Soạn vừa nhai, vừa đọc các sách bói số để cụ Lợn nghe bao nhiêu điều trong sách.

Lạ một điều, là các sách dạy bói số ông Soạn mượn về nhà để đọc, cụ Lợn cho mượn ngay, không cần ông Soạn phải hỏi tới hai câu. Duy có một cuốn ông Khóa Soạn hỏi mượn là không được, có những lần ông Soạn bỏ tiền mua rượu, đậu phộng, bánh đa, cả bún chả, để thết đãi cụ Lợn, và trong bữa rượu, các cụ nói chuyện Thánh Hiền, chuyện bè bạn đối xử với nhau, tương thân tương trợ đúng vẻ nho gia...để rồi ông Soạn cất tiếng hỏi mượn xem cuốn sách kia, là rồi cụ Lợn chẳng còn tình bạn hoặc tính Thánh Hiền nào, cụ Lợn từ chối phắt.

Cuốn sách đặc biệt đó là cuốn Thần Khê Định Số.

Cụ Lợn giải thích:

- Cụ thầy tôi đã giao phó cho tôi cuốn sách, trước khi cụ từ trần, cụ đã dặn tôi rằng cuốn Thần Khê Định Số đó là sách đắc truyền do chính Thần Khên Bảng nhãn Lê Quý Đôn biên khảo, cụ Thầy tôi bảo phải giữ như của gia bảo, không thể cho ai biết.

Cụ Lợn lại nói thêm:

- Cụ Thầy tôi là cụ Các, đã dặn kỹ: "Chỉ vì các con của tôi không đủ tài để sử dụng nên mới trao sách cho trò".

Và cụ Lợn nói một câu giải thích thêm nữa rằng phải khổ công và tốn nhiều tiền biếu tôn sư rồi mới được cuốn sách. Ông Soạn đành chịu.

Ông Soạn cố đoạt sách

Một bữa, đi qua nhà, tôi thấy ông Soạn nháy mắt và vẫy tôi vào nhà. Ông Soạn đưa tôi vào mãi trong cùng vách rồi ghé tai tôi mà bảo:

- Anh Quang cùng học với thằng Khang phải không?

- Vâng

- Nghe thằng Khang nói chuyện, nó sợ anh lắm phải không? Vì anh làm trùm ở trường...

Tôi hơi ngượng, vì quả có làm trùm ở trường thật. Ông Soạn móc túi đưa cho tôi đồng ván 20 xu và bảo:

- Tôi đưa anh tí tiền ăn quà, anh thế nào, để cho thằng Khang nó lấy cuốn sách Thần Khê Định Số cho tôi mượn. Tôi sẽ thưởng anh một đồng.

Tôi giúp cụ Soạn ngay. Nhưng mất 10 xu cho Khang cả 5 ngày mà không được, tôi đã định "thụi" nó thì nó nói:

- Để bữa nào thầy tớ say rượu, tớ sẽ lục tráp lấy sách cho mượn. Nhưng anh mượn sách làm gì?

- Thì tao muốn biết xem sách đó có phải là sách bói gia truyền không?

Ông Soạn tốn thêm 2 đồng nữa để tôi đút lót cho thằng Khang, cuối cùng tôi nắm được cuốn Thần Khê Định Số trong tay. Ông Soạn đọc để tôi chép ra quốc ngữ. Tôi ma lanh, viết tháu cho khóa đọc và để lấy cớ về nhà chép lại, để chép thêm bản nữa cho tôi. Thấy người lớn quý sách, tôi cũng a dua, chứ chẳng có mục đích chi cả.

Lai lịch cuốn Thần Khê Định Số

Cụ Khóa Soạn có kể cho tôi nghe về lai lịch cuốn Thần Khê Định Số. Theo cụ, cuốn Thần Khê Định Số hoàn tất sau cuốn Phú Ma Thị, do chính cụ Lê Quý Đôn tìm hiểu ở cuốn Trần Đoàn đẩu số, cộng với các kinh nghiệm riêng mà viết thành. Cụ Lê Quý Đôn viết nên bộ Phú khi tuổi đã lớn, nên sách để lại cho gia đình, không truyền bá ra ngoài.

Sau khi thi đậu liền Tam Nguyên Đại Khoa, cụ Đôn tỏ ra mình có tài trong mọi bộ môn, nên học đủ thứ. Cụ học và chiêm nghiệm Tử Vi. Thời đó, chúa Trịnh đã phải phán câu "Thiên hạ vô tri, vấn bảng Đôn" nghĩa là "ai có điều gì không biết, hỏi cụ bảng nhãn Lê Quý Đôn" đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, kèm chiếc bảng đề 5 chữ "vô tri vấn bảng Đôn" đủ tỏ ra cụ kiêu hãnh đến chừng nào.

Một bữa, cụ Lê Quý Đôn đi kinh lý. Bỗng có cụ già quần nâu áo vải, đứng chắn ngang giữa đường. Toán tiền quân chặn hỏi "Cụ già kia có việc gì kêu cầu đến quan thượng?". Cụ già râu bạc trắng, tuy quần áo lam lũ, nhưng vẫn có vẻ tiên phong đạo cốt. Cụ nói:

- Lão có việc cần xin hỏi quan Bảng nhãn.

Bảng Đôn ngồi kiệu đi tới, dõng dạc hỏi:

- Lão có điều chi muốn hỏi?

- Lão tứ cô vô thân ở Tổng có nhà phú hộ ra vế câu đối. Lão muốn nhờ quan Bảng đối cho vì lão đối không được. Quan Bảng có tấm biển "vô tri vấn bảng Đôn" tất là phải biết.

- Câu đối ra như thế nào?

Ông cụ đọc:

- Ba ba mà nấu nồi ba, tam tam như cửu hỏi là chín chưa?

Câu đối ra khá hóc búa, và gồm những cuộc chơi chữ nôm và chữ hán độc đáo, con ba ba, nồi ba, ba lần ba là chín, chín lại nghĩa là nấu chín.

Bảng Đôn không đối được, bấm ngay quẻ độn. Quẻ độn chỉ ông già là vị tiên ở núi Tản Viên hiện lên để cảnh cáo cáo cái tính kiêu ngạo của mình. Bảng Đôn toát mồ hôi, truyền dẹp tấm bảng, tạ lỗi với ông cụ, và từ đó chuyên tâm tìm hiểu về số mạng để tự an ủi về chỗ tài cao mà đỗ thấp của mình (không được đậu Trạng Nguyên).

Sự chuyên tâm của cụ bảng Lê Quý Đôn còn nhắm vào chỗ giải quyết những cái khó khăn trong việc đoán số, những cái tưởng như phi lý, làm cho khoa Tử Vi mất đi sự chính xác. Như khi hai người sinh cùng giờ, một người giầu sang, một người nghèo hèn, là tại sao, và làm thế nào đoán cho chính xác được? Cụ Bảng Đôn đã tìm hiểu tất cả. Và công trình tìm hiểu của Cụ được tập trung lại trong bộ Thần Khê Định Số.

Chúng tôi sẽ thành tâm trình bầy những câu phú chính trong Định Khê Thần Số để trình bầy với quý bạn đọc và những câu chuyện liên quan chứng minh rằng phú Thần Khê Định Số giúp cho đoán chính xác hơn.


Nguồn: KHHB - Số 74E2

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ