By Tử Vi Chân Cơ| 20:56 23/10/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Thuyết Nhân Quả Căn Bản Giải Thích Tử Vi

(Bài của Thu Giang - Nguyễn Duy Cần)

Con người sinh ra đã mạng sẵn một cái Nghiệp, tạo nên do những cái Nhân của mình tạo ra trong Kiếp trước, để rồi trong cuộc đời này, với cái Nghiệp ấy, mình phải trả Quả.

Thuyết Nhân Quả từ kiếp trước đến kiếp này, đã trùng hợp với thuyết nói rằng có Số Mạng (như qua số Tử Vi).

Tuy nhiên con người không phải hoàn toàn chịu đựng một Số Mạng không thể xê dịch, con người cũng có thể, bằng cách gây những Nhân mới, tạo nên một số Mạng mới, hay là thay đổi Số Mạng sẵn có của mình. Vấn đề nêu lên rất là phức tạp vì Nhân đời này trồng lên Nhân đời trước.

Bài sau đây của ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần phân tích thuyết Nhân Quả, cũng là một cái gốc để tìm hiểu Số Mạng và sự cải đổi Số Mạng.

Cái thuyết tin nơi Số Mạng của người Á Đông, về số Tử Vi, gồm có nhiều điều tin được nếu căn cứ vào lý Nhân Quả của tiền kiếp. Ta nên biết rằng Ta ngày nay là cái Quả một cái Nhân kiếp trước.

Người nào rành lý Nhân Duyên, nghiên cứu về Tử Vi, sẽ rất tinh. Toàn lý thuyết Nhân Duyên chi phối lý thuyết của Tử Vi. Cái mà ta gọi là Số Mạng, thực sự chỉ là cái Nghiệp Báo tự ta gây ra (tự nghiệp) chứ không phải do một quyền lực nào ngoài mình tạo ra cả. Và như vậy, cái gọi là Số Mạng không phải tuyệt đối không thay đổi, tự mình tạo ra thì cũng tự mình hủy đi...nếu muốn "Có Trời mà cũng có Ta". Chữ "Trời" ở đây là ám chỉ số mạng dường như của Trời kia sắp đặt. Số Mạng không phải là vấn đề cố định, nhất là về Tâm Pháp, chứ không phải là Sắc Pháp.

Đọc quyển "Le Livre Tibétain de la Grande Libération", có ghi: "Về Tâm Pháp, tức là các pháp mà Nhân thuộc về Tâm Thức tạo ra (người Tây Phương gọi là destinée intérieure), thì người ta có thể thay đổi ngay được. Còn những Quả đã chín mùi thuộc về "Sắc Pháp" có phần khó tránh hơn".

Lấy một thí dụ: người có tính tham, là vì có nhiều chủng tử "tham" huân tập nơi "tiềm thức" (a lại da), và khi mình quyết tâm sửa đổi, mình tạo ra những "thiện nhân bố thí" để mà tiêu trừ các sức tàn phá của những "ác nhân" trong túc nghiệp (nghiệp trong quá khứ). Nhất là khi mình từ chối, không tạo ra những "tiếp thụ nhân" thì các Nhân khác cũng khó lòng mà kết hợp để thành được ác nghiệp.

Cho nên mới bảo: Con người là đấng Tạo Hóa của chính mình, mà cũng là vật thụ tạo của chính mình.

Nhân duyên quả báo:

Bàn đến nguyên do sinh ra Vạn Tướng thì nhà Phật dùng đến thuyết Nhân - Duyên - Quả - Báo, thường gọi tắt là Nhân Quả.

Kinh dạy rằng "Nhất thiết pháp nhân duyên sinh", nghĩa là tất cả các pháp (vạn sự vạn vật) đều do nhân duyên mà sinh ra, lại cũng nói "Ly nhân duyên biệt vô ngã", tức là rời bỏ nhân duyên ra, không có gì gọi là ngã (ta) nữa cả. Nghĩa là tất cả sự vật: không cái nào có Tự Tánh (Nature propre, bản tánh của riêng mình), mà chỉ nhờ Nhân Duyên hội lại, mới thấy in tuồng như có. NHÂN (nguyên nghĩa là hạt giống) tức là những sự vậy có năng lực sinh sản ra Quả (nghĩa đen là trái).

DUYÊN là những sự vật bổ trợ cho NHÂN, giúp cho NHÂN sinh ra QUẢ, giúp cho NHÂN sinh ra QUẢ. Tỉ như hạt lúa có cái sức phát sinh ra cây lúa, thì hạt lúa là Nhân, cây lúa là Quả, mà tất cả những điều kiện thuận tiện như đất, nước, phân...giúp cho hạt lúa sinh ra cây lúa đều là Duyên.

Nhân duyên hòa hợp với nhau mới sinh ra vạn pháp. Nếu có Nhân mà không có Duyên, thì cái Nhân dù có rứa năng sinh làm sao sinh ra Quả được. Nếu chỉ có Duyên mà chẳng có Nhân thì cũng không thể nào sinh ra Quả được. Tóm lại, có Nhân mà có Duyên mới có thể sinh ra vạn pháp (vạn vật).

10 Nhân là gì?

(Đoạn này kể ra cũng để loài người nhận xét mà tìm lành tránh dữ; khi mình không tạo Nhân xấu thì không chịu Quả xấu).

Nhân và Duyên kể ra thì vô cùng. Thường thì cái Quả không bao giờ do một Nhân duy nhất mà thành, mà do nhiều Nhân hợp với nhau mới có được một cái Quả hiện ra. Nhân có nhiều thứ, mà Duyên cũng có nhiều loại thường lẫn lộn với nhau, cho nên mới nói rằng không vật nào sinh ra vật nào (vô sinh).

Phật nói về NHÂN, có hai thuyết, thuyết Sáu Nhân và thuyết Mười Nhân. Thuyết Sáu Nhân thì ở trong Cư Xá Luận, còn thuyết 10 Nhân là ở trong Du Già Luận. Thuyết 10 Nhân, thực sự là đem phạm vi của Nhân mà mở rộng thêm gồm cả Duyên, trong đó.

10 Nhân là:

1 - Tuyền thuyết Nhân 

2 - Quán đãi Nhân

3 - Khiên Dẫn Nhân 

4 - Nhiếp thọ Nhân 

5 - Sinh khởi Nhân 

6 - Dẫn phát Nhân 

7 - Định Dị Nhân 

8 - Đồng sự Nhân 

9 - Tương vi Nhân 

10 - Bất tương vi Nhân 

Sự chia Nhân ra làm 10 loại, kể ra cũng tinh tế thật. Tuy chia ra làm 10, nhưng kỷ luật, sự vật nào hiện ra đều đã gồm đủ cả 10 Nhân ấy, mặc dù mỗi Nhân có phận sự riêng khác nhau.

1 - Tùy Thuyết Nhân: Nghĩa là cái Nhân tùy lời nói. Bởi có nói ra, có danh từ để gọi, mới có sự vật ấy. Tỷ như có thiên hạ cùng gọi trái cam, nên mới thành trái cam. Nếu không ai gọi nó là trái cam, cũng không định tính chất nó là tính chất trái cam, thì không thể nào biết nó là trái cam. Tùy theo lời nói, cũng có thể tạo thành các pháp, nên mới gọi là Tùy Thuyết Nhân.

2 - Quán Đãi Nhân: là cái Nhân do chỗ trông đợi mà có. Cũng như có xét có được cái công dụng của trái cam đối với thân thể, sức khỏe của ta, ta mới trồng nó, và nhân đó mới có nó.

3 - Khiên Dẫn Nhân: là cái Nhân do sự dẫn dắt từ cái này sang cái khác. Như có hột cam mới có cây cam, và có cây cam mới có trái cam khác. Trái này sinh trái kia, cho nên gọi là Khiên Dẫn Nhân.

4 - Nhiếp Thọ Nhân: là cái Nhân do sự nhận lãnh các món. Như hột cam (là cái Khiên Dẫn Nhân), có nhận lãnh đất, nước, phân thì mới có thể sinh cây cam được...Có chịu nhận lãnh mới có thể phát sinh.

5- Sinh Khởi Nhân: là cái Nhân do sự bắt đầu sinh ra. Như hột cam có gặp đất, nước, phân mới bắt đầu sinh ra Mộng. Sự làm cho bắt đầu sinh ra là Sinh Khởi Nhân.

6 - Dẫn Phát Nhân: là cái Nhân dắt dẫn lần đầu từ lúc có phát sinh đến lúc có Quả. Như mộng cây cam lớn thành cây cam, rồi trổ bông, đâm trái, cho đến khi trái chín.

7 - Định Dị Nhân: là cái Nhân quyết chắc không khác biệt. Như hột cam giống sẽ phải sinh ra cay cam, chứ không thể sinh ra thứ cây khác. Hễ trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.

8 - Đồng Sự Nhân: là cái Nhân để đồng làm một việc. Các Nhân trước đây cùng đồng hợp với nhau, cùng làm một việc, nên mới có được kết quả. Chung nhau cùng tạo thành một việc, nên gọi là Đồng Sự Nhân.

9 - Tương Vi Nhân: là cái Nhân trái nghịch. Cũng giống như hột cam giống gặp đất khô, thiếu phân, thiếu nước...thì kết quả sẽ không được tốt đẹp, hoặc ít trái, hoặc chua...trái cam không được ngon ngọt, lại đèo đọt. Đó gọi là Tương Vi Nhân.

10 - Bất Tương Vi Nhân: là cái Nhân không trái nghịch. Khi ăn được quả cam ngon ngọt, là biết vì không có sự gì trở ngại cho sự phát triển tự nhiên của nó. Cái sự "không có trở ngại" đó, tạo thành các sự vật, nên gọi là Bất Tương Vi Nhân.

Căn nguyên của thuyết Luân Hồi:

Ta thấy rằng trên đây, tuy gọi là Nhân, nhưng thực sự cũng là Duyên. Là vì không có một cái Nhân nào là cái Nhân đầu tiên cả, mà trước cái Nhân, còn biết bao Nhân khác mà mình chưa truy tầm ra, cũng như không có một cái Quả nào là cái Quả sau cùng. Cũng như Cha ta, là cái Nhân sinh ra ta, nhưng lại là Con (Quả) của ông nội ta (Nhân). Nhân và Quả, vì vậy mới gọi là vô cùng vô tận. Nhà Phật sở dĩ thuyết phục đạo luân hồi, lý của nó căn cứ vào chỗ này; dù ta không đủ khiếu thần thông để nhận chứng, nhưng xét theo lý Nhân Duyên cũng có thể cho rằng thuyết này đáng tin cậy được.

Phụ ghi - Vài suy ngẫm của Trần Việt Sơn.

Bằng vài nét đơn giản, ông Thu Giang nêu lên thuyết Nhân Quả (bài này chưa hết, còn một kỳ về Duyên và những quan niệm về Nghiệp (Tự nghiệp và Cộng nghiệp).

Tây Phương cũng có thuyết Nhân Quả (Loi de cause à effet) cho nên ta không cần chứng minh rằng có Nhân thì có Quả. Cái hay của quan niệm Phật giáo Đông Phương là đã nghiên cứu thật sâu rộng cho thuyết Nhân Quả. Nhận xét về hột cam và trái cam, hoặc nhận xét theo khoa học Tây Phương, là nhận xét sơ đẳng để giải thích cho dễ hiểu. Thuyết Nhân Quả không phải chỉ giản dị có như vậy. Thuyết Nhân Quả còn đem áp dụng cho việc làm của con người. Chúng ta đã thấy ở quanh ta, biết bao con người làm việc hay rồi được giúp lại, biết bao con người ác độc rồi bị cảnh không hay xẩy đến cho họ. Làm phúc được phúc, làm ác gặp ác, lẽ đó rất thông thường. Thuyết Nhân Quả của Phật giáo, còn đi xa hơn thế, là vì những Nhân tạo nên, có thể chưa đưa đến những Quả báo vào kiếp này, mà sẽ đưa quả báo vào kiếp sau.

Có Quả báo nhãn tiền, tức là tạo Nhân rồi được Quả báo ngay (Quả báo ngay trước mắt). Cũng có Quả báo không nhãn tiền, tức là Quả báo chờ lâu ngày mới có, có khi phải chờ qua đời sau mới có.

Hai thứ Quả báo đó chập vào nhau, nghiên cứu cho rằng, khúc triết, thật là một sự khó khăn. Nhưng lý thuyết Nhân Quả của Phật giáo đã phân tích ra Nhân và Duyên, lại xét đầy đủ 10 Nhân (sẽ nói đến 4 Duyên), kể ra đã tìm tòi được đầy đủ.

Cũng vì Nhân đời này tạo thành Quả đời sau, cho nên mới có Số Mạng và mới có sự chứng minh về thuyết Luân Hồi, là những điều mà người Đông Phương tin tưởng. Nếu không có Nhân, Quả thì không thể giải thích tại sao một con người sinh ra lại mang sẵn những nét tướng ở mặt, những chỉ ở tay, và một lá số Tử Vi của mình. Không phải là mình phải chịu đựng một số mạng một cách phi lý mà chính là số mạng đó là Quả của những hành động của mình ở kiếp trước, tức là Quả của những Nhân mà mình đã tạo ra. Cũng bởi thuyết Nhân Quả như vậy, mà sự tập trung của những người con tốt, hiếu hạnh, có vận mạng, vào những gia đình phúc đức không có nghĩa là "các bậc cha mẹ phúc đức để lại đức cho con cháu và làm cho con cháu tốt lành" mà có nghĩa là "những người con mang sẵn nghiệp quả tốt, nhờ những Nhân của mình tạo ra trong đời trước, được chọn những gia đình phúc đức để sinh ra".

Dĩ nhiên cũng phải từ chỗ nhận hiểu về thuyết Nhân Quả mà con người hiểu rằng mình có thể cải đổi được số mạng.


Nguồn: KHHB

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ