By Tử Vi Chân Cơ| 12:23 30/11/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Truyền Thuyết Về Tử Vi Đẩu Số

1. ĐẠI CÔNG TỬ HÓA THÂN THÀNH THỎ TRẮNG

Hơn 3000 năm về trước, vương triều nhà Ân của Trung Quốc có một vị bạo quân là Trụ Vương. Trụ Vương là con của Đế Ất, tên gọi Ân Thọ, là một ông vua nổi tiếng dâm đãng, hống hách, bạo ngược, cuối cùng khiến cho triều Ân diệt vong.

Một ngày nọ, Trụ Vương dẫn binh mã đi săn. Khi trở về gặp cơn mưa lớn liền cùng binh mã vào trú mưa trong một ngôi miếu gần đó. Vị thần được thờ phụng trong miếu này chính là Cửu Thiên Huyền Nữ.

Trụ Vương vốn là kẻ háo sắc lại thô tục, nhìn thấy tượng thờ của vị nữ thần tôn kính này cảm thấy mỹ lệ khác thường đã không kiềm chế được ngọn lửa dục vọng và sự bạo ngược trong lòng mình mà hạ lệnh đưa bà về hậu cung.

Vốn dĩ, mệnh lệnh của vua phải tuyệt đối nghe theo và không thể kháng chỉ, nhưng đối tượng lại là một vị nữ thần tôn nghiêm không thể mạo phạm. Vì thế, quân lính ra sức khuyên Trụ Vương thu hồi mệnh lệnh. Trụ Vương tuy nghe theo nhưng trong lòng cảm thấy không vui.

Cửu Thiên Huyền Nữ vốn là một vị nữ thần từ bi, nghe thấy những lời loạn ngôn này của Trụ Vương thì cực kỳ phẫn nộ, buông lời thề sẽ tiêu diệt triều Ân. Bà liền gọi thuộc hạ của mình là một con yêu tinh hồ ly đến, ra lệnh cho nó hãy biến thành một mỹ nữ xinh đẹp nhất thiên hạ đi mê hoặc Trụ Vương mà khiến triều Ân diệt vong.

Yêu tinh hồ ly nghe theo mệnh lệnh đã hóa thân thành Đát Kỷ, tiếp cận Trụ Vương và trở thành vương phi được sủng ái nhất.

Lúc đó, thần thánh trên thiên giới rất ít lại thường bận rộn cai quản mọi việc trong vũ trụ, Ngọc Hoàng đại đế biết Cửu Thiên Huyền Nữ buông lời thề tiêu diệt triều Ân cảm thấy đặc biệt vui mừng. Vì trong thời loạn có thể xuất hiện rất nhiều bậc trung thần anh hùng hy sinh vì nước. Ngọc Hoàng đại đế phái Thái Bạch Kim Tinh đến Nam Thiên môn - ranh giới giữa trời và đất, để ý đến đại loạn của triều Ân. Nếu như có trung thần anh hùng qua đời lập tức mời về trời làm thần, ban cho tọa ngự mãi mãi ở các tinh tòa trên thiên giới.

Ở phía Tây triều Ân có nước chư hầu họ Chu, cư dân nơi đây từ sớm đã làm nông nghiệp, đời sống tương đối ổn định, là sự đe dọa lớn nhất đối với triều Ân. Lo sợ trước sự lớn mạnh của chư hầu nên Trụ Vương có ý định thâu tóm, liền ngụy danh bàn chính sự mà cho gọi Văn Vương - người đứng đầu của nước chư hầu tới.

Chu Văn Vương tinh thông Dịch và Bát Quái, thông minh hơn người. Ông đặt nền móng cho xã hội nông nghiệp, thống nhất bộ lạc, khởi xướng văn hóa. Cho nên, sự tồn tại của ông là mối lo lớn trong lòng Trụ Vương. Trụ Vương nghĩ, nếu như loại bỏ được Văn Vương thì nước Chu không những không thể lớn mạnh trở lại mà tự nhiên cũng sẽ sụp đổ.

Văn Vương phụng mệnh vào yết kiến Trụ Vương. Chớp lấy cơ hội này, Trụ Vương liền hạ lệnh bắt Văn Vương, nhốt vào ngục Dữu Lý. Để tránh sự phản ứng của các bộ lạc, Trụ Vương liền mượn cớ nói là Văn Vương tạo phản.

Con trai lớn của Văn Vương là Bá Ấp đã ngày đêm phi ngựa đến gặp Trụ Vương để minh oan cho cha mà không biết được mưu đồ trong đó. Bá Ấp là vị công tử thông minh tuấn tú, khí khái hiên ngang hơn người lại giỏi gảy đàn, nổi tiếng là người con hiếu thuận. Bá Ấp đến kêu xin vô tội, dám xin thả phụ thân. Trụ Vương lại không thể đưa ra bằng chứng phản bội của Văn Vương, chỉ đành mời Bá Ấp ở lại trong cung 2 - 3 ngày sau đó sẽ gọi đến bàn về việc này.

Nửa đêm lặng lẽ, trải qua hơn một tháng đi đường đài mới đến được cung điện của triều Ân lại không thể lập tức gặp mặt phụ thân, trong lòng Bá Ấp buồn rầu không vui liền mang đày ra gảy. Tiếng đàn như nước chảy trên đá, buồn như chim đỗ quyên hót nhiều đến mức rớm máu mắt, vang tới mọi nơi trong cung điện, khiến Đát Kỷ thức giấc lắng nghe và lần theo tiếng đàn mà tới phòng của Bá Ấp.

Khi đó, Đát Kỷ trên người chỉ khoác một chiếc áo lụa mỏng, qua khe hở nhỏ trên cửa lén nhìn vào bên trong phòng, cô ta không tin vào mắt mình khi thấy dung mạo tuấn tú của người thanh niên gảy đàn. Đát Kỷ quên mất sứ mệnh quan trọng nhất là Cửu Thiên Huyền Nữ giao cho mình, bản tính dâm dục của hồ ly tinh dần dần trỗi dậy, cuối cùng cô ta đi nhè nhẹ vào phòng Bá Ấp. Bá Ấp chuyên tâm đánh đàn, không hề biết Đát Kỷ đã đến bên cạnh, vẫn mượn tiếng đàn nói thay tâm tư trong lòng.

Với bản tính dâm đãng vốn có Đát Kỷ đã dùng cử chỉ lả lơi nhằm quyến rũ mê hoặc Bá Ấp. Bá Ấp là quý công tử của một nhà danh giá, thông hiểu đạo lý nên đã hết sức khuyên Đát Kỷ giữ gìn phẩm tiết. Tuy nhiên Đát Kỷ vẫn không chịu từ bỏ ý định mà càng nổi lòng dâm đãng. Bá Ấp đang lúc buồn rầu không vui, cuối cùng cũng nổi giận và lớn tiếng nói Đát Kỷ là dâm phụ.

Sau một hổi náo loạn, Bá Ấp bị quân lính bắt lại. Bạo quân Trụ Vương ép Đát Kỷ nói ra chân tướng. Đát Kỷ vốn là con yêu tinh hồ ly thâm độc nham hiểm, liền đem mọi tội ác đổ lên đầu Bá Ấp, cô ta nói rằng mình đến trước phòng Bá Ấp để nghe đàn nhưng lại bị người này buông lời chòng ghẹo và có những cử chỉ vô lễ.

Trụ Vương nghe xong những lời đó đã nổi giận không cần hỏi han cơ sự thực hư mà lập tức hạ lệnh giết chết Bá Ấp. Trụ Vương tàn ngược đã thành tính, lại hạ lệnh đem thân thể Bá Ấp làm thành rất nhiều khối, dùng thịt làm thành viên đưa tới cho phụ thân của công tử là Văn Vương ăn.

Văn Vương trong nhà lao, tinh thông thuật chiêm tinh đã đoán được kết cục bất hạnh của con trai mình, trong mắt lệ tuôn trào. Trong thức ăn sáng đưa đến có viên thịt làm bởi xương cốt người con thân yêu nhất của mình. Văn Vương vờ như không biết và ăn những viên thịt đó.

Trụ Vương biết được Văn Vương ăn những viên thịt của chính con trai mình thì rất đắc ý, cho rằng Văn Vương là một nhân vật không có gì đáng sợ, tài năng mà người đời truyền tụng chỉ là hư danh, nhân đó liền thả Văn Vương.

Văn Vương được thả về nước, mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn đi qua cả một hành trình dài. Khi đi tới một thảo nguyên lớn liền dùng thần lực đem cốt nhục thân sinh đã ăn vào mà biến hình tái thế. Ông liền há miệng móc họng để nhả ra những viên thịt đó. Trong chớp mắt, những viên thịt đó đã biến thành một động vật nhỏ rất đáng yêu, toàn thân trắng như tuyết, đôi tai dài, mắt đỏ màu hồng ngọc, chạy nhảy tung tăng trên bãi cỏ. Truyền thuyết này chính là nói, chú thỏ trắng này là biến thân của Bá Ấp. Thỏ trắng quay mình, hướng tới Văn Vương hành lễ rồi hướng về đồng cỏ rậm rạp mà biến mất.

Xương thịt Bá Ấp tuy đã biến thân thành thỏ trắng, nhưng linh hồn đã được Thái Bạch Kim Tinh giữ lại ở Nam Thiên môn, sau đó đưa công tử về thiên giới. Công tử là người đầu tiên hy sinh trong sự nghiệp diệt vong triều Ân của Cửu Thiên Huyền Nữ. Sau khi linh hồn của công tử về thiên giới được phong làm chủ quản sao Tử Vi, là vị thần nắm giữ sự "tôn quý", vĩnh viễn ở trong vườn tường vi màu tím.

2. SAO TỬ VI

Bá Ấp ở trong vườn tường vi màu tím, được gọi là "sao Tử Vi". Lấy sao Tử Vi này làm chủ, suy đoán vận mệnh con người. Phương pháp này gọi là Tử Vi Đẩu Số hoặc Tử Vi Suy mệnh thuật.

Sao Tử Vi trong Suy Mệnh thuật nắm giữ sự tôn quý, hàm nghĩa là thiện lương cao quý.

Văn Vương sau khi về tới quê nhà thì thề rằng sẽ báo thù, dốc sức rèn luyện binh mã. Nhưng những nỗ lực của ông vẫn chưa đạt được mục đích thì không may mắc trọng bệnh mà qua đời. Em trai của Bá Ấp kế thừa di nguyện của phụ vương, tự là Vũ Vương, chăm lo nông nghiệp, huấn luyện binh sĩ khiến cho nước nhà ngày càng hùng mạnh. Lại có được quân sư vĩ đại là Khương Thượng mà đánh bại Trụ Vương, tiêu diệt triều Ân. Vũ Vương sở dĩ có thể lật đổ Trụ Vương, xưng bá thiên hạ, kiến lập triều Chu, có thể nói một phần lớn nhờ vào sự đắc lực của đại quân sư Khương Thượng.

3. SAO THIÊN CƠ

Khương Thượng còn có tên là Khương Tử Nha, sống trong rừng sâu của núi Côn Luân, tu tiên học đạo, trí tuệ hơn người. Trước khi vận khí chưa đến thì bất luận là vị anh hùng, hiền triết, quân sư nào cũng hoàn toàn giống như người bình thường. Cuộc sống của Khương Thượng cho đến già vẫn nổi tiếng là một người có tài nhưng không gặp thời. Bất hạnh của ông có thể nói là nhận ảnh hưởng từ vợ. Vì vợ chồng không hòa hợp, cho nên cả đời nghèo nàn cơ cực. Đến khi về già, mỗi người một đường riêng thì vận may của ông mới bắt đầu. Mỗi ngày ông đều một mình câu cá bên hồ, vì trí tuệ hơn người, có thể đoán trước tương lai, thích ứng với hiện tại, cho nên ông được Văn Vương trọng dụng và ban làm quân sự của nước Chu.

Sau khi Vũ Vương xưng bá thiên hạ, Khương Thượng được phong cho nước Tề, không lâu sau đó thì qua đời. Linh hồn của ông được Thái Bạch Kim Tinh giữ lại đưa về thiên giới, vĩnh viễn tọa ngự ở sao Thiên Cơ. Từ đó, sao Thiên Cơ chưởng quản "trí tuệ" trong Tử Vi Đẩu Số.

Chú: Việc buông câu của Khương Thượng là để tu tâm dưỡng tính, không phải để câu cá. Đến nay, ở Nhật Bản dùng "Thái Công Vọng" để kính xưng ông.

4. SAO THÁI DƯƠNG

Trụ Vương cuối triều Ân tuy là một vị bạo quân nổi tiếng tàn ngược nhưng những trung thần của ông ta cũng không ít. Trong đó có một vị chí sĩ tận trung nổi tiếng là Tỷ Can. Trụ Vương lúc sủng ái Đát Kỷ mà không chăm lo chính sự, Tỷ Can đã dốc sức mình khuyên can. Nhưng Trụ Vương chìm đắm trong hương sắc nên coi những lời khuyên đó như gió thoảng bên tai, cho là vô lý. Tỷ Can không sợ bạo quân nổi giận, thường nói lời khó nghe khuyên can Trụ Vương vì dân mà thi hành chính trị. Tuy nhiên, trái lại bị Trụ Vương coi là gian thần. Lúc này, Tỷ Can vẫn không oán không giận mà nói rằng: "Nếu như bệ hạ không tin tưởng, thần xin được moi tim mình cho bệ hạ xem".

Nói xong, ông liền rút kiếm phanh ngực, moi tim mình ra cho Trụ Vương xem, sau đó nhẹ nhàng mà nhắm mắt. Thái Bạch Kim Tinh vô cùng cảm động về tinh thần trung liệt hy sinh thân mình vì nghĩa của Tỷ Can, liền mời linh hồn ông về tọa ngự ở sao Thái Dương của thiên giới, nắm giữ sự "quang minh chính đại" trong thiên hạ.

5. SAO VŨ KHÚC

Vũ Vương sai khi đăng cơ, một mặt theo nghiệp diệt Ân phục thù, mặt khác thì hành đức chính, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, bản thân hưởng đủ thiên thọ sau mới qua đời. Thái Bạch Kim Tinh khâm phục võ công anh dũng thảo phạt Trụ Vương của Vũ Vương, liền mời linh hồn ông về ở sao Vũ Khúc, nắm giữ việc "tài phú" và "võ dũng" (vì lúc còn ở trần gian ông có võ công cái thế, lại tích cực mưu cầu tài phú cho nhân dân).

6. SAO THIÊN ĐỒNG

Vũ Vương sở dĩ có thể đánh bại Trụ Vương thành công, xưng bá thiên hạ, vốn là nhờ vào cống hiến và phúc khí lớn của phụ thân là Văn Vương. Về sau, giúp đỡ phò trợ Vũ Vương có rất nhiều quân sư, tướng quân, trung thần nổi danh khắp nơi, họ đều là những người mà Văn Vương trọng dụng. Văn Vương giỏi về điều hòa dung hợp, khiến cho thuộc hạ đều một lòng ái quốc. Cho nên, tuy tráng chí chưa đạt được nhưng sau khi Văn Vương qua đời, Thái Bạch Kim Tinh đã mời linh hồn ông về tọa ngự ở sao Thiên Đồng, nắm giữ "dung hòa ôn thuận".

7. SAO LIÊM TRINH

Nếu như xung quanh Trụ Vương đều là chí sĩ tận trung ái quốc có thể sẽ không dẫn đến sự diệt vong của triều Ân. Cũng có thể nói là có rất nhiều gian thần luôn hỗ trợ ông ta hại người hại mình. Trong đó có đại gian thần là Phí Trọng, người này đã vu oan làm hại rất nhiều trung thần hiền sĩ trong triều, là kẻ hống hách, lộng quyền.

Sau khi triều Ân diệt vong, Khương Thượng đã hạ lệnh chém đầu Phí Trọng. Thái Bạch Kim Tinh biết thần trên thiên giới không đủ nên đã mời linh hồn Phí Trọng đến trú ở sao Liêm Trinh, phong làm thần tà ác, chủ về tà ác, sai trái.

8. SAO THIÊN PHỦ

Trước khi phong Đát Kỷ làm phi, Trụ Vương đã có chính thất là Khương Hoàng Hậu. Khương Hoàng Hậu là người phụ nữ hiền lương, tài trí, đã từng trợ giúp Trụ Vương trị lý triều Ân một thời gian. Nhưng từ sau khi Đát Kỷ theo lệnh của Cửu Thiên Huyền Nữ nhập cung, làm hỗn loạn hậu cung, mọi sự sủng ái của Trụ Vương đều về tay Đát Kỷ. Vô hình trung, Khương Hoàng Hậu bị tước đoạt mất quyền lực, sau vì chịu sự đố kỵ của Đát Kỷ mà phải chết thảm.

Quê hương của Khương Hoàng Hậu có sản vật phong phú. Sau khi được thăng làm hoàng hậu, ngoài đối xử nhân từ với kẻ dưới bà còn ban tặng họ những sản vật địa phương và cống hiến tài năng ưu việt của mình cho xã tắc. Vì thế, sau khi mất, linh hồn bà được thụ phong làm sao Thiên Phủ, chủ về tài năng, sản vật và nhân từ.

9. SAO THÁI ÂM

Hoàng Phi Hổ là tướng quân rất mực trung thành của Trụ Vương. Phu nhân của ông là Giả thị có nhan sắc vô cùng xinh đẹp, xem khắp thiên hạ triều Ân chỉ có sắc đẹp của bà mới có thể sáng ngang với Đát Kỷ. Vì thế, Đát Kỷ trong lòng ôm hận không vui.

Theo quy tắc triều Ân, vào ngày mùng 1 Tết, bá quan văn vỡ cùng các phu nhân đều phải vào cung bái mừng quân vương. Đây là một thông lệ truyền thống. Giả phu nhân cũng theo Hoàng Phi Hổ vào cung bái mừng Trụ Vương. Lúc này, Đát Kỷ dậy lòng thù hận nên đã ngầm xin Trụ Vương cho nàng ta và Giả phu nhân lui về hậu cung nói chuyện. Hoàng tướng quân một mình trở về nhà trước.

Đát Kỷ lúc này mới dụ Giả phu nhân lên lầu cao, khéo léo tạo cơ hội để một mình Giả phu nhân tiếp rượu Trụ Vương. Trụ Vương sai khi uống rượu liền mất đi lý trí, bản tính lại háo sắc nên đã có lời nói và hành động trái lễ với mỹ nhân tuyệt thế này. Giả phu nhân là một người phụ nữ nổi tiếng về đức hạnh nên đương nhiên đã cự tuyệt lời nói và hành động tà dâm của Trụ Vương. Trụ Vương mượn cớ say rượu bức ép Giả phu nhân khiến bà vì muốn thoát thân, giữ gìn trinh tiết nên đã tuẫn tiết. Thái Bạch Kim Tinh thấy bà là người trinh tiết hơn người nên đã đưa linh hồn bà lên thiên giới.

Giả phu nhân ngoài trinh tiết còn là người thanh khiết, bất luận để bà tọa ở tinh tòa nào bà cũng không đồng ý. Thái Bạch Kim Tinh đành mời bà đến tọa ở nơi nguyệt cung thanh tĩnh và gọi nguyệt cung là sao Thái Âm. Tọa ở tinh tòa này, Giả phu nhân nắm giữ về sự thanh khiết, an nhàn.

Câu chuyện này đã xuất hiện không ít những nhân vật quan trọng mà sau khi mất, linh hồn của họ đều được lên thiên giới, chủ quản một tinh tòa. Nhưng trong các nhân vật chủ chốt còn có cả Đát Kỷ vì nàng ta cũng là một nhân vật chính trong truyện.

Đát Kỷ vốn là thuộc hạ của Cửu Thiên Huyền Nữ, cũng là một con hồ ly tinh. Nàng ta gánh vác một sứ mệnh quan trọng đó là hủy diệt nhà Ân. Đát Kỷ đã nhập vào thân xác con gái của Ký châu hầu Tô Hộ để thành người và biến thành một mỹ nữ dung mạo xuất chúng với khuôn mặt trái xoan, đầy đặn, da dẻ mịn màng, hồng hào. Đặc biệt, đôi mắt có mê lực hút hồn và đôi môi đậm sắc hoa đào là điểm khiến tất cả nam giới đều phải si mê. Trụ Vương đam mê nữ sắc, tính tình dâm đãng đã triệu nàng ta nhập cung, ngày đêm quấn quýt, đặc biệt sủng ái. Lúc này, Trụ Vương không quan tâm đến Khương Hoàng Hậu, cũng chẳng bận lòng với việc triều chính. Phàm ai can gián tình cảm của ông ta và Đát Kỷ sẽ đều bị xử tử. Trụ Vương vốn đã là một vị hôn quân bạo ngược, nay càng ngày càng trở nên tàn bạo mà giết hại trung thần, ân sủng gian thần.

Cửu Thiên Huyền Nữ vốn chỉ muốn tiêu diệt nhà Ân nhưng Đát Kỷ lại muốn tác oai bản tính hồ ly của mình nên đã gieo bao tai họa cho nhiều người.

10. SAO THAM LANG

Khi nhà Ân diệt vong, Đát Kỷ cũng bị bắt và bị xử tội chết. Thái Bạch Kim Tinh đã đưa linh hồn Đát Kỷ lên thiên giới và cho tọa ở sao Tham Lang, chủ về dục vọng.

Sở dĩ Thái Bạch Kim Tinh cho Đát Kỷ tọa ở sao Tham Lang (sói tham) là do ngài lo sợ Đát Kỷ sẽ làm nhiều việc ác hại người. Bên ngoài điện thần của Đát Kỷ có một đàn sói dữ canh cổng, nhằm canh cho Đát Kỷ ở yên trong cung. Có thể thấy, Thái Bạch Kim Tinh đã tiên liệu trước được mọi việc vậy.

11. SAO CỰ MÔN

Trong cõi trần thế, nếu người phụ nữ luôn phá hoại vận thế của chồng, lại thường hoài nghi, đố kỵ với người khác và hiềm khích với cả người thân và bạn bè của chồng sẽ chẳng ai muốn trợ giúp chồng bà ta. Vì thế mà chồng bà tất cũng sẽ mất đi những cơ hội thăng tiến tốt đẹp.

Vợ của quan sư Khương Thượng nổi tiếng chính là người như thế. Từ sau khi Mã Thiên Kim được gả làm vợ Khương Thượng, vận mệnh của Khương Thượng luôn gặp bất hạnh, quanh năm sống trong bần cùng nghèo khó.

Thường ngày, Mã Thiên Kim thường hay oán trách, lăng mạ Khương Thượng, không hề mảy may trợ giúp chồng thành danh. Đến năm 68 tuổi vì không chịu được cuộc sống bần hàn nên đã đề nghị mỗi người một đường riêng. Chính từ sau đó, Khương Thượng mới bắt đầu gặp vận tốt. Khi ngồi câu cá ở bên sông Vị Thủy, ông đã gặp được Văn Vương. Vì cảm phục trước trí tuệ, tài năng và nghị lực của Khương Thượng nên Văn Vương đã mời ông về triều giữ chức quân sư triều Chu. Sau khi nghe được tin này, Mã Thiên Kim vô cùng hối hận nên đã tự vẫn.

Thái Bạch Kim Tinh sau khi thấy bà tự vẫn đã đưa linh hồn bà lên thiên giới và cho tọa ở sao Cự Môn, chủ về thị phi.

Chú thích: Sao Cự Môn có cửa lớn, giống như Mã Thiên Kim thường hay mở miêng gây chuyện thị phi, lắm lời, cho nên có tên như vậy.

12. SAO THIÊN TƯỚNG

Trụ Vương có rất nhiều trung thần, trong đó có trung thần nổi tiếng là Văn Thái Sư. Văn Thái Sư không những nắm toàn quyền về văn mà còn kiêm chức đại nguyên soái.

Nhưng trong trận quyết chiến của hai nhà Ân, Chu, Văn Thái Sư đã bị quân đội nhà Chu tấn công nên tử trận. Thái Bạch Kim Tinh cảm động trước tấm lòng trung dũng của ông nên đã dẫn linh hồn ông lên thiên giới, để ông tọa ở sao Thiên Tướng chủ quản từ ái, trung thành và tận tụy.

13. SAO THIÊN LƯƠNG

Những chủ hân của các sao kể trên đều là sau khi chết, linh hồn họ được Thái Bạch Kim Tinh dẫn lên thiên giới. Trong đó, có 1 nhân vật dù chưa qua đời cũng vẫn được lên thiên giới, đó chính là tướng quân nguyên soái nhà Chu là Lý Thiên Vương. Lý Thiên Vương anh dũng trải qua trăm trận chiến mà không tử trận, nhưng vì khuyết thiếu 1 thiên thần nên Thái Bạch Kim Tinh đã đưa Lý Thiên Vương lên thiên giới, chủ tọa sao Thiên Lương.

14. SAO THẤT SÁT

Giả phu nhân (chủ quản sao Thái Aam0 là người trinh tiết, đức hạnh, có phu quân là tướng quân anh dũng Hoàng Phi Hổ. Sau khi Hoàng Phi Hổ từ hoàng cung trở về, nghe tin người vợ yêu bị Trụ Vương bức tử đã nổi giận, huy động ngàn quân theo về triều Chu, nguyệt diệt nhà Ân để báo thù cho vợ.

Hoàng Phi Hổ mỗi lần ra quân đều bách chiến bách thắng nhưng bất hạnh thay trong trận chiến cuối cùng ông lại tử nạn ở huyện Dẫn Trì, Thái Bạch Kim Tinh đã đưa linh hồn ông lên thiên giới, tọa ở sao Thất Sát, chủ quản về chiến tranh.

15. SAO PHÁ QUÂN

Trụ Vương lên ngôi chưa được bao lâu đã có các bề tôi trung thần là Tỷ Can, Văn Thái Sư giúp sức, cho nên nước Ân cũng một thời được hòa bình yên ổn. Nhưng từ khi Đát Kỷ xuất hiện trở về sau này thì tính cách của Trụ Vương lại thay đổi. Ông ta suốt ngày mê đắm trong tửu sắc, không màng đến chính sự, giết hại nhiều trung thần, cuộc sống của người dần ngày càng trở nên khốn quẫn.

Xét về một phương diện khác, nước Chu vì có Văn Vương, Vũ Vương dùng đức chính nên đất nước ngày càng hùng mạnh, do đó mà đã đánh bại được quân nhà Ân. Trụ Vương là kẻ vô cùng tà ác dâm loạn biết thế cục đã hết, nên đã lên lầu phóng hỏa tự sát.

Sau khi Trụ Vương qua đời, Thái Bạch Kim Tinh bèn triệu linh hồn của Trụ Vương lên thiên giới, bắt ông ta vĩnh viễn phải ở sao Phá Quân, chuyên cai quản những việc "phá tổn".

Phần trên là nói về vai trò quan trọng của 14 sao Tử Vi đoán mệnh. Dựa theo những việc làm từ kiếp trước của họ để họ nắm giữ những công việc liên quan.

1. Tử Vi: Bá Ấp (con trưởng của Văn Vương), chủ quan tôn quý, phẩm cách.

2. Thiên Cơ: Khương Thượng (tên khác của Khương Tử Nha, quân sư của Văn Vương), nắm giữ trí tuệ, tinh thần.

3. Thái Dương: Tỷ Can (trung thần của Trụ Vương), chủ quản về quang minh, bác ái.

4. Vũ Khúc: Vũ Vương (con thứ của Văn Vương, em của Bá Ấp, người dựng nên triều đình nhà Chu), chủ về võ dũng, tài phú.

5. Thiên Đồng: Văn Vương (cha của Bá Ấp và Vũ Vương), chủ về dung hòa, ôn thuận.

6. Liêm Trinh: Phí Trọng (gian thần của Trụ Vương), chủ về tà ác, gian trá.

7. Thiên Phủ: Khương Hoàng Hậu (hoàng hậu của Trụ Vương), chủ về tài năng.

8. Thái Âm: Giả Phu Nhân (vợ của Hoàng Phi Hổ - trung thần của Trụ Vương) chủ quản sự thanh khiết, nhà cửa.

9. Tham Lang: Đát Kỷ (vương phi được sủng ái nhất của Trụ Vương, hồ ly tinh của Cửu Thiên Huyền Nữ, mượn thân xác con gái của Ký châu hầu Tô Hộ), chủ về dục vọng, vật chất.

10. Cự Môn: Mã Thiên Kim (vợ của Khương Tử Nha - quân sư của Văn Vương) chủ về nghi hoặc, thị phi.

11. Thiên Tướng: Văn thái sư (trung thần của Trụ Vương), chủ về nhân từ, trung thành, tận tụy.

12. Thiên Lương: Lý Thiên Vương (trung thần của Vũ Vương), chủ về lãnh đạo và sự bền vững.

13. Thất Sát: Hoàng Phi Hổ (bề tôi của Trụ Vương, sau đi theo Vũ Vương), chủ về dũng mãnh và sát khí.

14. Phá Quân: Trụ Vương (bạo quân triều Ân), chủ về phá tổn, tiêu hao.


Nguồn: Thiên Tinh Đẩu Số Điển Phạm

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ