Vòng Tràng Sinh Trong Khoa Thiên Văn
CAO TRUNG
LỜI GIỚI THIỆU: Từ trước đến giờ ta ít để ý đến cái lý chung của các Khoa Học Huyền Bí Đông Phương, bởi chúng ta học môn nào chỉ biết môn đó. Sự thật thì, Đông Phương Lý Học chỉ có một, tùy môn khoa áp dụng khác nhau, ví dụ: vòng Tràng Sinh kỳ này chúng tôi trình bầy một số kiến thức thiên văn về vòng Tràng Sinh, để quý vị nghiên cứu Tử Vi thử xem nó có ích gì thêm cho quan niệm cũ của vòng Tràng Sinh trong Tử Vi không.
Vòng Tràng Sinh còn áp dụng vào nhiều môn và khoa khác, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày một cách vô tư, xem có thể đóng góp thêm được gì trong sự giải đoán Tử Vi.
Tác Giả
1 - Đại quan tinh tú của Đông Phương
Khoa Thiên Văn của Á Đông nói đến tên trên ba ngàn ngôi sao. Trong đó có nhiều ngôi có chung một tên nhưng đóng ở những vị trí khác nhau. Những lý do nhiều sao và lý do trùng tên như sau:
a) Lý do có nhiều sao, Đông Phương xưa kia quan niệm như trên trời là một đại quốc gia, chỗ nào vua ở, chỗ nào vua đi tuần, chỗ nào vua ngự triều tiếp sứ...Rồi xung quanh có các cận thần, triều thần và ngoài các quan ải trấn giữ bởi các quan, mỗi vị trí có một chức vụ lớn và nhiều chức vụ nhỏ phụ thuộc.
b) Lý do trùng tên vì mỗi vùng tuy có một chức vụ lớn trấn giữ dưới quyền phải có các ty, sở, phòng, ban mà chức vụ ty sở phòng ban. Chỗ nọ phải trùng tên với ty, sở, phòng, ban chỗ kia.
2 - Những tinh tú thường dùng nhất
Những tinh tú thường dùng nhất có hai bộ:
A) MỘT BỘ GỒM 28 SAO:
28 sao này chia nhau trấn giữ quanh vòng Chu Thiên. Ta gọi nó là vòng nhị thập bát tú. Gồm có:
1 - Chòm Thanh Long (đóng từ Dần đến Thìn) như các sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
2 - Chòm Chu Tước (đóng từ Tỵ đến Mùi) như các sao: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Trinh, Truy, Dực, Chấn.
3 - Chòm Bạch Hổ (đóng từ Thân đến Tuất) như các sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
4 - Chòm Huyền Vũ (đóng từ Hợi đến Sửu) như các sao: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
Nhìn chung ta thấy 28 sao này chia làm 4 hướng:
- Hướng Đông chòm Thanh Long có 7 sao.
- Hướng Tây chòm Bạch Hổ có 7 sao.
- Hướng Nam chòm Chu Tước có 7 sao.
- Hướng Bắc chòm Huyền Vũ có 7 sao.
Cộng lại là 28 sao.
B) BỘ 7 SAO:
Bộ này nằm trong bộ sao Đại hùng tinh của Tây phương và 2 sao nằm ngoài. Bộ này liên quan đến vòng Tràng Sinh ở Tử Vi, Địa Lý và Mệnh lý học, Lịch số học...
1) Bẩy sao nằm trong bộ Đại hùng tinh của Tây phương gồm:
- Sao Tham Lang là sao Dubhé
- Sao Cự Môn là sao Mérak
- Sao Lộc Tồn là sao Phecda
- Sao Liêm Trinh là sao Alioth
- Sao Văn Khúc là sao Megrez
- Sao Vũ Khúc là sao Mizar
- Sao Phá Quân là sao Alkaid
2) Ngoài 7 sao trên còn có 2 sao Phụ, Bật nữa, vị trí của nó nằm ở cung Khôn.
3 - Cửu tinh với vòng Tràng Sinh
A) VÒNG TRÀNG SINH TẠI CHÍNH CUNG (chỉ nói đến 10 cung)
- Cung Dưỡng và cung Tràng Sinh thuộc sao Tham Lang (tốt)
- Cung Mộc Dục và cung Quan Đới thuộc sao Văn Khúc (xấu)
- Cung Suy thuộc sao Cự Môn (tốt)
- Cung Bệnh và Tử thuộc sao Liêm Trinh (xấu)
- Cung Thai và Tuyệt thuộc sao Lộc Tồn (xấu)
- Cung Mộ thuộc sao Phá Quân (xấu)
B) VÒNG TRÀNG SINH TẠI CUNG CHIẾU (nói đến cả 12 cung)
- Cung Dưỡng và Tràng Sinh thuộc sao Tham Lang (tốt)
- Cung Mộc Dục thuộc sao Văn Khúc (xấu)
- Cung Quan Đới cũng thuộc sao Văn Khúc (xấu)
- Cung Lâm Quan thuộc sao Vũ Khúc (tốt)
- Cung Đế Vượng cũng thuộc sao Vũ Khúc (tốt)
- Cung Suy thuộc sao Cự Môn (tốt)
- Cung Bệnh, cung Tử thuộc sao Liêm Trinh (xấu)
- Cung Mộ thuộc sao Phá Quân (xấu)
- Cung Tuyệt, cung Thai thuộc sao Lộc Tồn (xấu)
Nhận xét để tìm mối tương quan với Tử Vi
1) SỰ KIỆN THỨ NHẤT:
a) Với cung chiếu ta thấy ảnh hưởng của tinh tú với cả 12 cung của vòng Tràng Sinh
b) Với cung chính ta chỉ thấy nói đến ảnh hưởng đến có 10 cung là:
- Cung Dưỡng và Tràng Sinh (2 cung)
- Cung Mộc Dục và Quan Đới (2 cung)
- Cung Suy (1 cung)
- Cung Bệnh và Tử (2 cung)
- Cung Thai và Tuyệt (2 cung)
- Cung Mộ (1 cung)
Cộng 10 cung.
Gợi ý sự kiện thứ nhất:
- Khí đoán Tử Vi ở cung chính và cung chiếu có nên chỉ nghĩ đến 10 cung ở cung chính và bỏ không xét đến 2 cung không nói đến của cung chính không?
VÍ DỤ 1: Ở cung chính nếu thấy Dưỡng và Tràng Sinh ta nghĩ đến sao Tham Lang của thiên văn và ảnh hưởng tốt của Tham Lang.
Nhưng nếu cung Chính cung Lâm Quan ta không cần nghĩ đến ảnh hưởng tốt của sao Vũ Khúc tại cung này....
VÍ DỤ 2: Nếu đoán cung Chính có Đế Vượng ta không cần nghĩ là Đế Vượng làm tốt cho cung tại cung chính (Vũ Khúc tốt) như là ta xét cung chiếu có Đế Vượng không?
2) NHẬN XÉT THỨ HAI:
Sao Phụ, Bật ở Tử Vi là 2 sao Tả Phù và Hữu Bật nhưng theo thiên văn nó chỉ là một: "Phụ Bật", ý nghĩa của nó ở thiên văn là Phục Vị có nghĩa là khôi phục địa vị. Sao Phụ Bật ở Thiên Văn chỉ nằm ở một cung Khôn tức là cung Thân của Địa Bàn hoặc Thiên Bàn của Tử Vi.
Gợi ý sự kiện thứ 2:
a) Ta có nên quan niệm ở Tử Vi rằng: chính tinh ở cung nào mà lạc hãm, vô quyền, hễ có Phụ Bật thì 2 ông này Khôi Phục lại quyền uy cho chính tinh không?
Nếu uy quyền tốt nó khôi phục lại uy quyền tốt và uy quyền xấu nó cũng khôi phục lại uy quyền xấu?
3) NHẬN XÉT THỨ 3:
Trong Tử Vi có một Thiên Bàn và một Địa Bàn. Nếu xét một Địa Bàn có Tả Phù và Hữu Bật ở chính cung và 3 cung chiếu (chính chiếu và hợp chiếu) thì ta cho là đủ bộ. Còn không như thế là thiếu bộ đôi Phụ - Bật.
Gợi ý sự kiện thứ ba:
Ở Tử Vi có khi ta thấy đủ bộ Phụ Bật có khi thiếu. Vậy ta có nên thấy ở cung chính và 3 cung chiếu của cả Thiên Bàn và Địa Bàn mà có đủ cả Tả Phù và Hữu Bật thì ta cũng nên coi như đủ cả bộ Phụ Bật không?
Ví dụ Dần ở địa bàn có Tả Phù và Dần ở Thiên Bàn có Hữu Bật ta cũng coi như có đủ Tả Hữu?
4) NHẬN XÉT THỨ TƯ:
Ở thiên văn cung Dưỡng và Tràng Sinh tốt ngang nhau
Cung Mộc Dục và Quan Đới xấu ngang nhau
Cung Bệnh và Tử xấu ngang nhau
Cung Thai và Tuyệt xấu ngang nhau
Ở Tử Vi ít chú trọng đến sự kiện này
Gợi ý sự kiện thứ 4:
Ta có nên đặt lại vấn đề quan niệm lại ở các cung đó ở Tử Vi hay không. Kết lại nếu ta gọi Tử Vi là chiêm tinh thì Thiên Văn là chiêm tinh đúng nhất.
Nguồn: KHHB - Số 31
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)