By Tử Vi Chân Cơ| 20:17 18/11/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Xem Tử Vi Phải Có Thêm Vài Nét Tướng Mới Đúng Lời Chỉ

Trần Việt Sơn trình bày

"Diệc sinh đồng niên, đồng nguyệt, đồng nhật, đồng thời, nhi phú quý thọ yểu bất đồng, khán trường chân, trường giã, nhiên hậu suy tinh đẩu xung chiếu Mệnh cung" (Trần Đoàn)

Nếu sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, mà phú quý thọ yểu khác nhau, thì hãy xem nét tướng rồi hãy suy ra tinh đẩu xung chiếu cung Mệnh.

Đây cũng là một lối giải thích đặc biệt để giải thích vì sao sinh cùng ngày, giờ mà số khác nhau.

Một bất ngờ

Tôi được biết cụ Giang Hồ Bốc Phệ từ lâu. Viết trên Giai phẩm Khoa Học Huyền Bí, cụ đã sử dụng một biệt hiệu ít người biết đến là vì một lý do riêng nào đó mà chúng tôi không biết, dĩ nhiên chúng tôi tôn trọng lý do đó.

Cụ coi bói, coi tướng và coi Tử Vi. Nhiều lúc, ngồi chơi với Cụ, chúng tôi thấy Cụ coi Tử Vi cho khách hàng mà đồng thời cũng coi tướng. Điều này không có chi lạ vì nhiều ông thầy khác nhau phù hợp với các nét trên lá số Tử Vi có giống nhau không (nếu có giống nhau thì mới là đúng số), hoặc để xét coi giờ trên lá số có đúng không?

Trong mục tiêu đi cầu kinh nghiệm của các cụ tướng số, một bữa chúng tôi hỏi:

- Cụ coi Tử Vi là Tử Vi, mà Tướng là Tướng, sao lại coi cả Tử Vi và cả Tướng? Nếu cụ có kinh nghiệm gì về Tử Vi, trong khi coi Tướng để làm phù hợp với Tử Vi, xin cụ cho các bạn đọc của Giai phẩm KHHB được biết.

Cụ trả lời:

Đâu có phải coi tướng để tìm sự phù hợp giữa hai khoa coi số mạng? Đây là coi tướng để đoán Tử Vi cho đúng.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe lời đó (xin lỗi quý cụ khác cũng có đồng kinh nghiệm, nhưng tại vì chúng tôi chưa thỉnh ý quý cụ nên chưa được biết).

Xem Tử Vi, phải xem nét tướng, mới đúng

Cụ Giang Hồ Bốc Phệ nói:

- Lời nói đó nghĩa là thế này: khi tôi coi lá số, tôi biết những nét chính, nhưng có thể là nét chính không đúng. Thí dụ cung Mệnh của một người có sao Phá Quân, nhưng đã chắc gì sao Phá Quân là của người đó? Phải kiểm tra lại bằng nét tướng, xem Phá Quân có phải là của người đó không?

- Lạ quá, thưa cụ. Phá Quân thủ Mệnh, mà lại không phải là của mình? Hay là tại chính tinh đó hãm? Hay là hành Mệnh của mình khắc chính tinh đó?

- Không phải vậy. Chính tinh có hãm, mình vẫn chịu ảnh hưởng của cái hãm đó. Nhưng Phá Quân lại có thể không phải là của mình. Đây, tôi xin đưa thí dụ.

Một thí dụ đặc biệt

Và cụ Giang Hồ Bốc Phệ đã đưa ra thí dụ đặc biệt: một lá số từng được đăng trên giai phẩm Khoa Học Huyền Bí (như thế, quý vị có thể kiểm tra lại lá số này dễ dàng. Giai phẩm G-1 (KHHB - Số 42), có hình bìa có Phương Ánh, trang 61, chúng tôi đã ghi về lá số của cụ Kỷ Mùi, ngày 27, tháng 7, giờ Thìn như sau:


Lá số Tử Vi - Cụ Kỷ Mùi

"Phá Quân Thìn Tuất không phải là bất nhân theo cái nghĩa người ta thường tưởng, nghĩa là xấu xa, gian xảo mà có thể là "khi làm lớn không cần đến người cũ, trèo lên người cũ mà tiến". Nhưng đúng như cụ Ba La nói, chính tinh mà khắc Mệnh, thì không còn chủ về Mệnh nữa (cụ Ba La coi như Vô Chính Diệu). Vả lại, cũng còn cần xét hình tướng xem Phá Quân đó có ăn vào Mệnh không? Nếu hình tướng đó không đúng với Phá Quân, không kể là Phá Quân thủ Mệnh".

Chúng tôi chỉ ghi sơ sài như vậy, nhưng cụ Giang Hồ Bốc Phệ đã nói thêm rằng:

"Cụ Kỷ Mùi đó có Phá Quân thủ Mệnh ở Thìn Tuất, theo phú đoán thì cụ là người bất nhân, nhưng cụ lại là người rất tốt. Như thế, tức là Phá Quân không phải là sao của cụ, mặc dù sao đó thủ Mệnh. Tôi xin khẳng định như vậy" và nói thêm rằng: có khi Phá Quân đó là sao thủ Mệnh của đương số (nhưng cũng có khi không phải là sao thủ Mệnh của đương số). Muốn biết Phá Quân có phải là sao thủ Mệnh của đương số, phải xét tướng đương số, xem có đúng cách Phá Quân không. Và cụ Kỷ Mùi là người lành tốt, cho nên tôi chắc rằng tướng của cụ không phải là tướng Phá Quân thủ Mệnh.

Và cụ Giang Hồ Bốc Phệ bật mí:

- Chính tôi có Phá Quân thủ Mệnh, tại Thìn Tuất. Nhưng ông coi, tôi lành hiền sống lương thiện. Ông lại coi hình tướng của tôi: gầy ốm, yếu đuối, không phải gương mặt người có uy, thì đâu phải Phá Quân thủ Mệnh của tôi?

- Nhưng thưa cụ, như thế có nghĩa là gì?

- Phá Quân ở Thìn Tuất là bám lấy cái lý là sao Thủy ở cung Thổ, và bị cung Thổ khắc. Nhưng tuy Phá Quân hãm, mà vẫn có ảnh hưởng. Bây giờ, ta lại xem sách cổ của Trần Đoàn, thấy có ghi rõ ràng "Duy Phá Quân Thìn Tuất mà người "to lớn", mắt tròn, tính thô bạo, tiếng dữ, thì thành đạt mà là đại bất nhân".

- Như vậy, tôi đã hiểu ý cụ nói. Nghĩa là Trần Đoàn không có bảo rằng người có Phá Quân Thìn Tuất thì to lớn, mắt tròn, thô bạo...Trần Đoàn bảo rằng các người có Phá Quân Thìn Tuất thì hoặc là to lớn thô bạo, hoặc là không thế. Mà chỉ ai to lớn, thô bạo, mới là bất nhân.

- Đúng như vậy đó. Một chính tinh thủ Mệnh không bắt buộc đem lại cho ta một nét tướng nhất định: nhưng nếu ta có nét tướng ấy, thì ta chịu ảnh hưởng của sao đó. Như tôi người nhỏ, gầy ốm, tính hiền, thì mặc dù có Phá Quân thủ Mệnh, tôi không ăn về Phá Quân, không bất nhân, và cũng không được hiển hách.

Những sao khác

Tôi mới hỏi thêm:

- Như thế, đối với các chính tinh khác cũng vậy?

- Cũng thế.

- Xin thưa với cụ một cách:

Cự Cơ Mão Dậu thâm môi

Sát Tham Vũ Phá là người có uy

Nếu theo kinh nghiệm của cụ, thì phải hiểu câu trên như thế nào?

- Trước hết tôi xin nói rằng đây không phải là kinh nghiệm của tôi, mà là điều tôi học được của sách Trần Đoàn.

"Cự Cơ Mão Dậu thâm môi, là cách của những người nói giỏi" thì phải hiểu rằng những người có Cự, Cơ thủ Mệnh ở Mão, Dậu nếu là thâm môi, thì ăn về bộ chính tinh đó, và cũng là người nói giỏi; còn nếu không phải thâm môi, thì không ăn về hai chính tinh đó, và không phải nói giỏi. Còn "Sát Tham Vũ Phá là người có uy" thì phải hiểu thế này: Người nào có Sát, Tham, Vũ, Phá mà người có uy, tức là tướng uy nghi khiến cho người khác phải dễ sợ, thì đó là người hiển đạt về võ cách. Nếu người đó không uy nghi, mà lại có vẻ lành hiền, thì không hiển đạt về võ cách. Tức là có uy nghi mới có hiển.

Cụ Giang Hồ Bốc Phệ lại nói thêm:

- Như thế là xem nét tướng để đoán đúng Tử Vi, chứ không phải xem tướng để kiếm điểm hay là để tìm xem điều mình đoán có đúng không? Thí dụ như lá số Kỷ Mùi mà các ông nêu ra trong số giai phẩm trước, tức là số Kỷ Mùi, mồng 8, tháng 4, giờ Thìn, Mệnh có Tham Vũ chiếu về có Liêm Phá, Thất Sát, Tử Vi, bình thường thì người ta đoán là phát võ. Nhưng chúng tôi không đương nhiên đoán như thế. Chúng tôi phải xem người trước, nếu thấy là người có uy võ, vẻ mặt sát phạt, mới đoán là phát võ. Nếu không thế, thì phát văn, hoặc là không ăn về bộ Sát, Phá, Liêm, Tham.

Chính Trần Đoàn đã dạy

Chúng tôi còn thắc mắc quan trọng:

- Thưa Cụ, Cụ có nói rằng đó không phải là kinh nghiệm của cụ, mà là lời dạy của Trần Đoàn, ông tổ Tử Vi. Vậy chắc cụ có thể cho độc giả của giai phẩm chúng tôi được biết.

- Có một thí dụ như chúng tôi đã kể về sao Phá Quân. Sách cổ Trần Đoàn có ghi rằng "Phá Quân miếu, vượng thủ Mệnh thì đắc cách, đương số hiển đạt, Phá Quân Thìn Tuất là hãm thì không tốt, nhưng người nào mà to lớn, mắt tròn, tính thô bạo, tiếng nói dữ, thì đó là người đại bất nhân mà hiển đạt".

- Cụ Trần Đoàn có cho những câu nào đặc biệt để chỉ vẽ trong toàn bộ điều cụ nêu lên?

- Có, đó là câu "Diệc sinh đồng niên, đồng nguyệt, đồng nhật, đồng thời, nhi phú quý thọ yểu bất đồng, khán trường chân, trường giã, nhiên hậu suy tinh đẩu xung chiếu Mệnh cung". Câu đó nghĩa là: "Nếu sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, mà phú quý thọ yểu không giống nhau, thì phải xem xét nét tướng, rồi sau mới suy ra tinh đẩu xung chiếu Mệnh cung".

- Lạ thật chứ. Như vậy thì hai người sinh cùng ngày giờ không đương nhiên có vận mạng giống nhau.

- Đúng vậy, Trần Đoàn có nói vậy.

Sinh cùng ngày giờ, chưa chắc đã cùng số mạng

Và cụ Giang Hồ Bốc Phệ giải thích:

- Sinh cùng ngày giờ, số mạng có thể khác nhau, như người ta thường biết. Nhiều người giải thích rằng đó là vì con người còn có hoàn cảnh, có phúc phận cha mẹ để lại, có hiệp với số người hôn phối, và có sự cố gắng của chính mình nữa, như làm việc phúc đức để hoán cải số mạng...Đó là những kinh nghiệm đặc biệt của nhiều vị lão thành, chúng tôi không dám nói đến. Về phần chúng tôi thường dựa vào câu nói trên của Trần Đoàn tiên sinh, để luôn luôn xem coi nét tướng là thế nào đã, rồi mới xét xem sao nào thủ Mệnh. Nếu đương số ngay cung Mệnh có cả Tử Vi, và Đà La, thì phải xét tướng xem người trọng hậu thì ăn về Tử Vi, mà mặt thô, da xám, lông tóc rậm rạp, răng hô thì ăn về Đà La. Như thế, hai người tuy cùng sinh một lúc, nhưng một người ăn về Tử Vi, một người ăn về Đà La, thì số mạng hai người phải khác nhau.

Một bằng chứng

- Cụ có thể cho chúng tôi bằng chứng về lời của Trần Đoàn?

- Sách cổ Trần Đoàn, chúng tôi có được đọc tại nhà cụ Đặng Hữu Dự, nguyên là giáo sư của giám thị tại Trung học Chu Văn An. Chúng tôi sẽ xin phép cụ Dự được chụp trang sách của bộ sách cổ đó, để quý vị nhàn lãm.

Chúng tôi xin cáo từ, và hẹn một lần khác đến thỉnh thêm ý kiến cụ Giang Hồ Bốc Phệ về kinh nghiệm của cụ, lấy nét tướng để kiểm điểm chính tinh, chứ không phải đọc thấy chính tinh là đoán ngay nét tướng.


Nguồn: KHHB 

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ