Ý NGHĨA SAO KÌNH DƯƠNG - ĐÀ LA
ĐẶC ĐIỂM SAO KÌNH DƯƠNG:
- Phương vị: Bắc Đẩu tinh, Kim đới Hỏa
- Hành: Kim - Dương Kim
- Loại: Hình Tinh, Hung Tinh
- Chủ về: Sát phạt, cô đơn, bần hàn, bệnh tật, tai nạn
- Tên gọi tắt: Kình
- Tên gọi khác thường gặp: Dương Nhẫn, Yểu Thọ Sát
- Hóa Khí: Hình
Vị trí Kình Dương ở các Cung:
- Đắc Địa: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Hãm Địa: Tý, Dần Mão, Tỵ, Ngọ, Mùi, Hợi.
Kình Dương với Đà La một sao an trước Lộc Tồn, một sao an sau Lộc Tồn còn gọi là bộ Kình Đà. Thêm nữa, Kình Dương còn có tên gọi là Dương Nhẫn. Ở các vị trí đắc địa, hay hãm địa Kình Dương sẽ có tác động khác nhau đến các cung mà nó tọa thủ, xung chiếu, hội họp.
Ý nghĩa cơ bản sao Kình Dương:
Người mệnh có Dương Nhẫn, mặt có sắc đỏ trắng, hình lưỡi cày (còn gọi là mặt chữ Giáp), thân hình cao vừa, miếu vượng thì mập, hãm nhược thì gầy mà lại có thương tật hoặc phá tướng, phần lớn là mắt ti hí, mặt không biểu lộ cảm giác, tính gian xảo mà lại ưa gây chuyện thị phi, cứng rắn mạnh bạo nhưng cô đơn, coi người thân như người dưng, phản ân thành thù, nhập miếu thì tính cứng rắn, quả quyết, có quyền uy và cơ mưu, lợi người sinh vùng Tây Bắc. Người tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, lập mệnh ở tứ mộ (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi) là phúc, cũng chủ về bỏ quê cha đất tổ mà đi xa, lục thân không nơi nương tựa, nếu cư tứ bại (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) thì hình khắc cực nặng, nhất là ở cung Dậu, chủ chết thê thảm, chết yểu, cung Mão thì đỡ hơn, cung Tý, Ngọ thì nếu cát tinh nhiều có thể giải cứu.
Nữ mệnh gặp sao này, nếu nhập miếu lại thêm cát tinh, cũng là không hoàn mỹ, gặp Phá Quân, Thất Sát xung phá, thì phần nhiều là cô quả, hạ tiện. Sao này cùng với Liêm Trinh, Hỏa Tinh đồng cung, hoặc Cự Môn và sao Kỵ hội hợp nhập mệnh, chủ về bị quan phạt hình, thân có thương tật, lại không được chết yên ổn, chỉ làm sư tăng đạo sĩ mới có thể tránh khỏi.
Sao này hội Nhật Nguyệt ở thân mệnh, nam thì khắc vợ, còn nữ thì khắc chổng, lục thân bất lợi, tiền tài không tụ. Nếu hội Tả Hữu, Xương Khúc thì có nốt ruồi kín và vết bớt.
Dương Nhẫn ở cung tật ách, chủ về bệnh ở phế kinh, miệng méo, mắt lệch, bạch biến, chân yếu, bệnh thần kinh, bị thương do sắt hay đá.
Ở điền trạch, chủ phá tài hình khắc người ở trong nhà. Bên cạnh có tường sập, ngã ba, địa hình chia hai, như thế là hung.
Sao này nhập cung thân, thì nhà ở phần nhiều là ở ven đường hay gò mã.
* Trường hợp Kình Dương:
Ai cũng biết rằng có cách Hình, Sát thì oai hùng. Hình là Thiên Hình. Sát là Thất Sát. Được cách Hình Sát tại Mệnh thì phát công danh lớn, thường về võ nghiệp.
Kình, Sát (Kình Dương, Thất Sát) cũng được hưởng như Hình, Sát (vì Kình đóng vai hình)
Về cách này, xin chú ý:
- Kình Dương phải đóng tại Mệnh cùng với Sát mới được.
- Hoặc là Mệnh có Thất Sát, thì đến Đại Vận có Kình Dương là ăn. Nếu chỉ gặp Đại Vận có Kình chiếu thì cũng hưởng, nhưng kém hơn.
- Phải là Thất Sát mới chỉ huy được Kình, tức là mới vận dụng được Kình. Trong bộ Sát, Phá,Tham chỉ có Sát mới chỉ huy được Kình, còn các sao khác kém hơn, không đủ sức chỉ huy.
- Kình phải đắc địa tại Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mới có ảnh hưởng tốt.
* Kỳ trước, chúng tôi đã ghi rằng bộ Phá Quân, Không Kiếp đắc địa rất mạnh. Bộ Thất Sát, Kình cũng mạnh, nhưng kém hơn bộ Phá Quân, Không Kiếp. Nhưng kinh nghiệm lại cho biết rằng bộ Sát, Kình tuy ảnh hưởng kém mạnh, nhưng lại hay hơn bộ Phá Quân, Không Kiếp, là vì nó “phù hẳn”,chứ không “tráo trở” không phù mạnh rồi hạ xuống.
* Nếu không có Thất Sát:
Mệnh phải có Thất Sát, mới vận dụng được Kình.
Nhưng nếu không có Thất Sát, thì có Phá Quân cũng tạm được, nhưng ảnh hưởng tốt kém Thất Sát.
Họa hại vì Kình
Kình Dương kị các tuổi : Dậu, Tuất, Hợi.
Ba tuổi đó đến Đại vận có Kình Dương là gặp họa hại, phải coi chừng.
Ba tuổi đó, Mệnh có Kình Dương, cũng phải coi chừng những họa hại.
Ý nghĩa sao Kình Dương ở các cung:
* Kình Dương tại cung Phụ Mẫu:
- Cha mẹ và con cái không hợp tính nhau. Cha mẹ và con cái khắc nhau.
* Kình Dương ở Cung Phúc Đức:
- Họ hàng ly tán, cuộc đời may rủi thường đi liền nhau, trong gia tộc có người đau bệnh, tàn tật, chết non, cô độc.
* Kình Dương ở Cung Điền Trạch:
- Sáng sủa tốt đẹp: cơ nghiệp trước phá sau thành
- Mờ ám xấu xa: không có nhà đất. Nếu có chút ít cũng không giữ gìn lâu bền được.
- Đồng cung Không, Kiếp: hủy hoại tổ nghiệp. Nếu buổi đầu mua tậu được nhà đất, về sau cũng bán đến hết.
* Kình Dương ở Cung Tài Bạch:
- Kình Dương đắc địa: Dễ kiếm tiền lúc náo loạn.
- Kình Dương hãm địa: Thiếu thốn và phá tán, dùng bạo cách.
* Kình Dương ở Cung Tật Ách:
- Mắc bệnh ở tai, thường có bệnh trĩ, nếu không, cũng có tỳ vết ở chân.
- Tọa thủ tại Ngọ, Sát, Hình: mắc tù tội hay tai nạn đao thương.
- Kỵ đồng cung tại Hợi, Tý: mù lòa.
- Hỏa, Linh, Không, Kiếp: tự sát hay bị giết.
- Hổ đồng cung: chó dại cắn.
- Cái, Không, Kiếp: phát ban hay lên đậu sởi rất đáng lo ngại.
- Hình: bị đánh đập, mang thương tích, nếu không cũng mắc tai nạn về xe cộ hay máy móc.
- Hình, Không, Kiếp: bị giết chết, nếu không cũng mắc tù tội khốn khổ.
- Tuế đồng cung: mắc kiện cáo, tù tội.
ĐẶC ĐIỂM SAO ĐÀ LA:
Sao Đà La là một trong lục bộ sát tinh hạng nặng trong khoa Tử Vi. Đà La luôn được đi cặp với Sao Kình Dương. Lục sát tinh bao gồm Kình Đà, Không Kiếp, Linh Hỏa. Kình Dương và Đà La là hai lục sát tinh có tính chất tương tự nhau, có một số điểm chung giống nhau do được An sao theo Lộc Tồn. Kình Dương luôn đứng trước Lộc Tồn và Đà La luôn đứng sau Lộc Tồn. Dưới đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tính chất của Sao Đà La, ở vị trí nào đẹp và vị trí nào xấu.
Cách an sao Đà La: Đà La đứng sau Lộc Tồn, vì thế vị trí của Đà La được an như sau:
- Phương Vị: Bắc Đẩu tinh
- Hành: Kim - Âm Kim
- Loại: Hung Tinh, Ánh Tinh
- Hóa khí: Kỵ.
- Chủ Về: Bệnh tật, liều lĩnh, nham hiểm, mưu mẹo, tai nạn, bần hàn.
- Tên gọi tắt: Đà
- Tên gọi khác thường gặp: Kỵ, Mã Tảo Sát
Vị trí sao Đà La ở các cung:
· Đắc đia tại: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
· Hãm địa tại: Dần, Tỵ, Thân, Hợi.
Ý nghĩa cơ bản sao Đà La:
Người mệnh có Đà La, mặt có sắc xanh trắng, hình tròn hơi vuông, gò má hơi rộng, thân hình cao vừa, miếu vượng thì mập, hãm nhược thì gầy mà lại có thương tật hoặc môi răng bị thương tổn, lợi người sinh vùng Tây Bắc. Người tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, lập mệnh ở tứ mộ (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi) là phúc, nếu hãm địa thì tính cách gian xảo, tâm địa bất chính, làm việc lúc tiến lúc lùi, thành đó phá đó, một đời phiêu lãng không ổn định. miếu vượng thì uy mãnh, có cơ mưu, lợi nếu làm chức võ quan vì sẽ được vinh hiển, còn chức văn thì không bền.
Sao này nếu đơn thủ thân mệnh thì chủ về cô đơn, bỏ quê cha đất tổ mà đi xa, thích hợp gửi rể, làm con nuôi, làm nghề thủ công để mưu sinh, càng kỵ ở lâu nơi chôn nhau cắt rốn, vì sẽ bị chết dữ, đi xa thì không sao.
Nữ mệnh gặp sao này, bề ngoài không có gì nhưng bên trong hung dữ, hại chồng khắc con, lục thân bất hòa mà lại là kẻ vô liêm sỉ.
Đà La và Tham Lang đồng cung thì nhân vì tửu sắc quá độ mà lao lực, đồng thời nhân vì sắc mà phạm hình, đồng cung với Hỏa Tinh thì chủ về thương tật mà lại bị ghẻ lở. Đồng cung với Nhật Nguyệt thì nam khắc vợ, nữ hại chồng, lục thân bất hòa, nếu cùng Dương Nhẫn chia ra đóng ở hai cung thân mệnh thì hình khắc càng nặng, không tránh khỏi tật mắt. Đồng cung với Phá Quân thì chủ về đi ǎn mày.
Sao này ở cung tật ách, chủ về bệnh phổi, thổ huyết, khuôn mặt bị thương, nội nhiệt, lang ben, cột sống nhô ra, bị thương do sắt hoặc đá và gân cốt nhức mỏi.
Ở Điền trạch, chủ phá tán, hình khắc. Bên cạnh nhà dột nát, xưởng xay xát, tường đổ. Không được luận là cát.
Sao này nhập cung Thân, thì nhà ở có đá lở, đá vụn lởm chởm, gò mã.
* Trường Hợp Đà La:
- Đà La đắc địa tại : Dần, Thân, Tỵ, Hợi, ở cung Mệnh vô chính diệu, không có Tuần Triệt là Đà La độc thủ, rất anh hùng. Tức là cho đương số phát mạnh, phát lớn, phần nhiều về võ nghiệp. Nhưng phải là người Kim Mệnh hay Thủy Mệnh thì mới ăn; chứ người Hỏa thì lại không được.
- Trong trường hợp trên, Đà La độc thủ đã trở thành chính tinh, rực rỡ, cho nên phải không có Tuần Triệt tại đó mới được, có Tuần Triệt lại hỏng mất cách hay.
* Trường hợp xấu của Sao Đà La:
- Đà La ở hai cung Thìn, Tuất đóng vai trò La Võng chi địa.
- Không phải cứ hai cung Thìn, Tuất là Thiên La, Địa Võng, tức là lưới trời ràng buộc các đương số, phải có Đà La đóng đó mà Đà La là lưới trời, thì hai cung đó mới là hai cung lưới trời trói buộc. Do đấy đừng thấy Mệnh đóng tại Thìn Tuất mà bảo rằng Mệnh bị ràng buộc. Mệnh tại Thìn Tuất, mà có Đà La thì mới bị ràng buộc (phải Đà La ngay cung Mệnh, chứ Đà La chiếu sang Mệnh cũng không sao)
- Đà La là lưới tại Thìn, Tuất thì các sao khỏe ở đấy như như Tử Tướng, Phá Quân bị trói lại, không thi thố được nữa. Những sao yếu, hiền lại không bị Đà La trói buộc.
- Cũng như Kình đóng vai trò của Thiên Hình, Đà đóng vai trò của Hóa Kị.
Ý nghĩa sao Đà Là ở các cung:
* Đà La ở cung Mệnh:
- Một đời đa tai đa nạn, thân thể dễ bị thương.
* Đà La ở cung Phụ Mẫu:
- Khắc cha hoặc khắc mẹ.
* Đà La ở cung Huynh Đệ:
- Khắc anh chị em, hoặc anh chị em không ưa nhau, cũng không giúp đỡ nhau.
* Đà La ở cung Phu Thê:
- Chắc chắc vợ chồng không yêu thương nhau, đồng sàng dị mộng, nếu không sinh ly thì cũng tử biệt.
* Đà La ở cung Tử Tức:
- Duyên phận đối với con cái rất bạc, hoặc khắc con cái, hoặc con cái không nên người, hoặc tuyệt tử tuyệt tôn.
* Đà La ở cung Tài Bạch:
- Không thể phát tài, tiền bạc phần nhiều bị phá hao, hoặc suốt đời phải bôn ba vì tiền, nếu có thêm Thiên Không, Địa Kiếp là suốt đời phải sống trong cảnh bần cùng.
* Đà La ở cung Tật Ách:
- Có bệnh kín kéo dài triền miên.
* Đà La ở cung Thiên Di:
- Không được cấp trên hoặc quý nhân ưa thích và đề bạt, nếu đồng cung với Phá Quân, Thất Sát thì sẽ gặp nạn binh đao giặc cướp.
* Đà La ở cung Nô Bộc:
- Người dưới quyển hoặc đầy tớ không đắc lực, thậm chí còn oán hận mình, có khi còn ra tay dùng dao gây thương tích cho mình.
* Đà La ở cung Quan Lộc:
- Không nên theo nghiệp chính trị, ăn lương nhà nước sẽ không phát triển, tham dự thi tuyển công chức chắc chắn rớt.
* Đà La ở cung Điền Trạch:
- Bán luôn tổ nghiệp.
* Đà La ở cung Phúc Đức:
- Cả đời không có phúc khí, có nhiều ưu sầu khổ muộn, không thể sống sung sướng, vui vẻ.
Các cách Cục liên quan đến Kình Dương - Đà La:
1. Duơng Hỏa đồng cung, quyền uy xuất chúng:
Hai sao này đồng cung ở Tứ Mộ là lấy ác chế ác, thành có uy quyền, nên lại là cát. Nhập vào cung Sửu là số một, cung Tuất số hai, cung Mùi số 3, cung Thìn số 4, nhưng nếu không có chính tinh miếu địa đồng cung, tuy cát nhưng hình khắc cực nặng, e rằng không chết yên lành. Chỉ nên làm chức quan võ sẽ được vinh hiển. Nếu có Tham Lang, Vũ Khúc đồng hành thì càng cát. Cổ thư nói rằng: “Dương Hỏa đồng cung, quyền uy xuất chúng. Tham Vũ đồng hành, trấn ngự biên cưong.”
2. Dương Đà hiệp Kỵ là bại cục:
Mệnh có Hóa Kỵ tọa thủ, Dương Đà hiệp, mà lại rơi vào hãm địa, thì gọi là bại cục, một đời nghèo hèn. Nếu Chính tinh miếu vượng thì còn có thể duy trì, nhưng cũng gặp nhiều phen lên xuống, hình khắc nặng, thị phi nhiều, rốt cuộc vẫn không tốt.
3. Dương Đà Hỏa Linh thủ thân mệnh, người lưng gù, lưng vẹo:
Bốn sao này thủ thân mệnh, chủ về tàn tật mới có thể sống lâu, nếu Chính tinh đồng hành lại lạc hãm thì sẽ chết sớm. Nếu Tứ Sát này hiệp cung mệnh, mà mệnh miếu vượng thì phần nhiều bị thương, vất vả, nhưng nói chung là không hề gì. Nếu lạc hãm thì gọi là bại cục.
4. Đà La Dần, Thân, Tỵ, Hợi, không chết yểu cũng hình thương:
Cục này coi trọng chuyện đơn thủ, nếu rời quê hương đi xa mà có cát tinh phù trợ thì cũng có phú quý, nhất là ở cung Tỵ, vì đây là miếu địa, lại là chủ về quyền lệnh. Cho nên có câu nói rằng: “Đà La diệc phát tài” (Đà La cũng có khi phát tài).
5. Đà La Thiên Hình với Đào Hoa, phong lưu mang họa:
Tham Lang mà gặp Đà La, vốn là “Phong lưu thái trượng”, thêm Thiên Hình thì càng hung, vì tham sắc nên mang họa lớn, hành hạn mà gặp thì cũng vậy, tam hợp thì đỡ hơn.
6. Dương Đà gặp ác tinh, là tôi là tớ:
Thân mệnh gặp Dương Đà tọa thủ, mà chính tinh lại là ác tinh như Cự Môn hoặc Liêm Trinh, Phá Quân, Tham Lang, Thất Sát..,hãm địa lại không có cát tinh thì là mệnh đầy tớ. Nếu ở vượng địa, có thêm cát tinh, dù phú quý nhưng người đó vẫn có tính đầy tớ, đội trên đạp dưới, thích nịnh bợ, theo đóm ăn tàn và dùng điều đó làm lợi thế.
7. Mệnh, Hạn gặp Dương Nhẫn, mưu sự bất thành:
Duong Nhẫn nhập mệnh hoặc đối xung, chắc chắn hình khắc phá hao, đồng thời chủ về những điều định làm mười thì bất thành hết chín. Hành hạn nếu gặp cũng không thuận lợi.
8. Dương Nhẫn gặp Lực Sĩ, Lý Quảng bất phong:
Dương Nhẫn nhập miếu có thêm cát tinh, chủ về làm quan võ sẽ được vinh hiển, nếu có Lực Sĩ đồng cung ở bản mệnh, thì tuy có tài vũ dũng thao lược, nhưng phần nhiều không được quý hiển như Lý Quảng đời Hán. Cách này là của người sinh năm Giáp lập mệnh tại Mão, người sinh năm Bính lập mệnh tại Ngọ, người sinh năm Nhâm lập mệnh tại Tý, người sinh năm Canh lập mệnh tại Dậu, nếu là Âm Nam sinh năm Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý, thì hai sao này không thể đồng cung.
9. Hình Ám đồng hành, vừa bị bệnh kín, vừa tổn hại lục thân:
Duong Nhẫn (Hình), Cự Môn (Ám) đồng cung nhập mệnh, bất kể vượng hay nhược, giàu hay nghèo, đều có bệnh kín quanh nǎm suốt tháng, rồi lại còn gây tổn hại cho lục thân.
10. Hình Tù hợp Sát, tật bệnh tai:
Dương Nhẫn (Hình) gặp Liêm Trinh (Tù), Thất Sát (Sát) đồng cung, bất kể là vượng hay nhược, đều chủ về có nhiều bệnh, mà lại gặp tai ách, bị thua kiện, hành hạn nếu gặp, thêm Hung Sát, nếu không bị tai họa lao ngục thì ắt có bệnh hiểm nghèo, bị giải phẫu, nếu nặng thì tử vong.
11. Quan Phù cùng Hình Sát ở Thiên Di, bị đày biệt xứ:
Nếu cung Thiên Di của bản mệnh có Quan Phù và Dương Nhẫn, Thất Sát đồng cung thì chủ về bị đày ra ngoài đảo để quản huấn, nếu hành hạn gặp Thiên Di có Hình Sát, có lưu niên Quan Phù đồng cung, cũng luận đoán như thế, Nếu có cát tinh Lộc Mã đến cứu thì nhẹ bớt, nhưng không tránh khỏi tai họa bị quan phạt.
* NÓI THÊM VỀ SAO ĐÀ LA:
CÁCH CỤC PHONG LƯU THÁI TRƯỢNG:
Đà La là một trong Tứ Sát, trợ tinh của Bắc Đẩu, hóa khí gọi là Kỵ, đọc tên suy ra nghĩa thì biết sao này bản chất không tốt.
Nam mệnh nếu cung mệnh hoặc cung thân có sao này thì người này cá tính cứng rắn mạnh mẽ, nhưng có phá tướng tức là mặt hoặc đầu có sẹo, không giữ tổ nghiệp, thích phiêu lãng khắp nơi, nếu cùng Tử Vi, Văn Xương đồng cung thì thích hợp làm quân cảnh.
Nữ mệnh nếu có Đà La ở cung mệnh hoặc cung thân, thì sẽ lấn hiếp chồng, nhu cầu sinh hoạt tính dục nhiều, cá tính cố chấp, không thích quy tắc thông thường, rất thực tế, cô độc, chỉ biết một mình mình, kết hôn muộn.
Đà La tối kỵ cùng Tham Lang đồng cung tại cung Dần, cổ thư gọi đây là cách “Phong lưu thái trượng”, ý nghĩa của cách này là vì hẹn hò với đàn bà con gái mà mang họa, hoặc vì tửu sắc mà mất mạng, chết trong vòng tay đàn bà, như cổ thư nói “làm con quỷ phong lưu” (dân gian cũng thường gọi là “thượng mã phong”).
Nếu là nữ mệnh thì sẽ vì chồng hoặc bạn trai kinh doanh thất bại, nợ nần chồng chất khiến cho phải trầm luân vào chốn phong trần.
Trên báo chí cũng có đăng một số trường hợp nam sinh viên lừa gạt tình cảm của các thiếu phụ giàu có để có tiền tiêu xài. Loại phụ nữ này như thế là cũng do mệnh có Đà La, Tham Lang đồng cung khiến cho phải vừa thất tiết vừa mất tiền.
Phàm Đà La, Tham Lang đồng cung cũng sẽ vì tửu sắc quá độ mà bị lao lực, sức khỏe cạn kiệt. Hoặc vì đàn bà ghen tuông lẫn nhau mà dùng đến dao súng để giải quyết, khiến cho thân thể phải mang thương tật, có khi còn phải ngồi tù. Hoặc vì phải cung phụng tiền bạc cho đàn bà phung phí, phải không ngại ngần làm những chuyện nguy hiểm, chẳng hạn như ăn cắp công quy dẫn dên vướng lưới pháp luật. Hoặc vì một đêm vui vẻ với đàn bà mà phải dính bệnh hiểm nghèo như giang mai, aids. Hoặc bị truy tố về tội hiếp dâm, làm tổn hại hạnh phúc gia đình.
* Đà La và Tham Lang đồng cung sẽ phát sinh “Phong lưu thái trượng”, nhưng dù có đồng cung với các sao khác cũng sẽ phát sinh rất nhiều điều bất hạnh:
- Đà La đổng cung với Vũ Khúc sẽ vì tiền mà mất mạng.
- Đà La đồng cung với Thái Dương, một đời nghèo khổ, mà lại còn đoản mệnh, mắt bị thương.
- Đà La đồng cung với Thiên Đồng tại cung mệnh, cả đời không ngóc đầu lên nổi.
- Đà La đồng cung với Liêm Trinh, sẽ có chuyện kiện cáo, hoặc chết trên đường đi xa, hoặc chết ở tha hương.
- Đà La đồng cung với Thái Dương, khắc cha, khắc chồng, mắt bị nhiều bệnh.
- Đà La đồng cung với Thái Âm, khắc mẹ, khắc vợ, mắt bị thương.
Theo: Phan Tử Ngư - tổng hợp
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh