By Tử Vi Chân Cơ| 10:12 20/04/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

Ý NGHĨA SAO THÁI ÂM

Phương Vị: Bắc Đẩu Tinh

Tính: Âm

Hành: Âm - Âm Thủy

Loại: Phúc Tinh, Phú Tinh

Đặc Tính: Tiền Bạc, Điền Trạch, Đôi Mắt, Mẹ, Vợ

Tên gọi tắt thường gặp: Âm, Nguyệt

Vị trí của sao Thái Âm ở các cung:

- Miếu Địa: Dậu, Tuất, Hợi

- Vượng Địa: Thân, Tý

- Đắc Địa: Sửu, Mùi

- Hãm Địa: Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ

Thái Âm, vốn là mặt trăng, đóng ở cung ban đêm (từ Thân đến Tý) thì rất hợp vị, có điểu kiện để phát huy sức sáng. Đóng ở các cung ban ngày cần phải có Tuần, Triệt, Thiên Không, Thiên Tài đồng cung mới sáng lại.

Riêng tại 2 cung Sửu / Mùi lúc giáp ngày đêm, Thái Âm thiếu ánh sáng, cần có Tuần / Triệt án ngữ mới thêm rực rỡ. Bằng không phải có sao Hóa Kỵ. Ở cung Mùi, Thái Âm tốt hơn ở cung Sửu, vì tại Mùi, mặt trăng có triển vọng đang lên, hứa hẹn ánh sáng, trong khi ở Sửu, mặt trăng sắp tàn, nên Thái Âm không đẹp bằng.

Ngoài ra, vốn là sao Âm , nên Thái Âm sẽ chính vị ở các cung Âm, nhất là rất phù hợp với các người tuổi Âm. Nguyệt lại càng phù trợ mạnh hơn nhữngngười sinh ban đêm, đặc biệt vào các đêm có trăng - từ 10 đến 20 âm lịch gọi là thượng huyền - Kỳ dư, sinh vào các đêm khác, vào giai đoạn hạ huyền, sức tốt không bằng. Mặt khác, sinh vào các giờ trăng lên, số tốt hơn các giờ trăng tàn.

Sau cùng về mặt ngũ hành , Thái Âm thuộc Thủy, sẽ phù trợ đắc lực cho những người mạng Thủy, mạng Mộc và mạng Kim, vì các hành này tương hòa và tương sinh với hành Thủy của Thái Âm.

Ý nghĩa cơ thể:

- Thái Âm chỉ 4 bộ phận: mắt bên phải, bộ óc hay trí tuệ, bộ thần kinh và lương tâm. Ngoài ra, đối với phái nữ, Thái Âm chỉ kinh nguyệt. Những nhận xét về ý nghĩa cơ thể của Thái Dương đểu áp dụng cho Thái Âm.

Ý nghĩa bệnh lý:

- Xem sao Thái Dương. Riêng phái nữ, Nguyệt hãm còn có nghīa kinh nguyệt bất thường.

Ý nghĩa tướng mạo:

a. Thái Âm Đắc Địa trở lên:

- Thái Thứ Lang cho rằng, Thái Âm sáng thì “thân hình to lớn, da cao, mặt vuông vắn (đúng hơn là mặt tròn) đầy đặn, mắt sáng, đẹp đẽ.”

b. Thái Âm Hãm Địa:

- Người có thân hình nhỏ, hơi cao, mặt dài, mắt kém, thần sắc u tối.

Ý nghĩa tính tình:

a. Thái Âm Miếu, Vượng hay Đắc Địa:

- Rất thông minh.

- Tính nhu thuần, nhân hậu, từ thiện.

- Nổi bật nhất là năng khiếu văn chương, mỹ thuật.

* Năng khiếu này phát xuất từ bản tính giàu tình cảm, khả năng tiếp phát tình cảm mạnh mẽ và sâu sắc. Thái Âm sáng sủa tượng trưng cho người hữu duyên,hữu tình, đa tình. Do đó, về mặt tâm tính, và lý luận cũng như hành xử theo tình cảm (Type sentimental). Đây là ngôi sao của văn sĩ, thi sī, của tâm hồn đàn bà, biểu hiện dưới nhiều hình thái:

+ Khuynh hướng bộc lộ tình cảm trong lời nói hay thi văn: đặc tính của văn nghệ sĩ phái lãng mạn.

+ Khuynh hướng lãng mạn, trong đó có tính âu sầu ủy mị, khao khát đời sống nội tâm.

+ Khuynh hướng mơ mộng viển vông, không tường, ảo vọng, không thực tế.

* Các đặc tính này làm cho đương sự rất dễ bị xúc cảm, dễ sa ngã, nhất là khi gặp các sao đa sầu, lãng mạn, đa dâm khác. Nếu đi với Xương Khúc, thì khuynh hướng lãng mạn, tình tứ càng nổi bật. Nếu đi với Thiên Đồng thì càng nông nổi, hay thay đổi, thích mới bỏ cũ.

b. Thái Âm Hãm Địa: (Thái Âm Hãm Địa ưa Triệt Lộ hơn Tuần, vì Triệt thuộc Kim, còn Tuần thuộc Hỏa).

- Kém thông minh.

- Tính ương ngạnh, bướng bỉnh, ngoan cố.

- Thích ngao du chơi bời.

- Ưa chuộng thi văn, du lịch.

- Không ham danh lợi, an phận, mơ mộng viển vông.

- Không bền chí, chóng chán, nhất là ở 2 cung Sửu, Dần (trăng tàn).

Thái Âm cư Tý: Thủy trừng quế ngạc.

Thái Âm cư Hợi: Nguyệt lãng thiên môn.

Ý nghĩa công danh, tài lộc:

Thái Âm là phú tinh nên có nhiều ý nghĩa tài lộc nhất. Nếu đắc địa, vượng hay miếu địa, và tùy sự hội chiếu với Thái Dương và cát tinh khác, người có Thái Âm sáng sẽ có:

- Dồi dào tiền bạc, điền sản.

- Có khoa bảng cao, hay ít ra rất lịch lãm, biết nhiều.

- Có danh tiếng, quý hiển.

* Thái Âm đóng ở cung Tài hay Điền thì tốt nhất. Thái Âm sáng mà bị Tuần/Triệt coi như bị hãm địa, trừ phi ở Sửu / Mùi thì tốt.

* Nếu hãm địa thì:

- Công danh trắc trở, không quý hiển được.

- Lập nghiệp phương xa, bôn ba.

- Khoa bảng dở dang.

- Bất đắc chí.

- Các trường hợp này cũng xảy ra nếu Thái Âm vượng hay đắc địa, mà gặp nhiều sao mờ ám, nhất là Sát tinh, Diêu, Đà, Kỵ, Hình.

- Nếu Nguyệt hãm địa ở cung Âm thì cũng hưởng được lợi ích của luật âm tương hợp: Tuy không quý hiển nhưng cũng đủ ăn và ít phiền muộn. Nếủ được nhiều cát tinh hội chiếu, thì sẽ được quý hiển, có danh vọng, tài lộc.

- Cũng như đối với Thái Dương, Thái Âm ở Sửu / Mùi gặp Tuần / Triệt án ngữ, thêm Hóa Kỵ càng hay, sẽ được vừa phú, vừa quý như được miếu địa. Tại 2 cung này, Thái Âm còn sáng hơn cả Thái Dương đồng cung, vì tọa thủ nơi cung Âm hợp vị. Danh tài càng hiển đạt vì Thái Âm sáng ăn về hậu vận.

- Thái Âm: Nghề kiến trúc, liên quan đến nhà cửa, nghề này cần có sao Thái Âm chỉ bất động sản.

Ý nghĩa phúc thọ, tai họa:

Phúc thọ, tai họa xảy ra đối với các trường hợp:

- Thái Âm hãm địa.

- Bị sát tinh, dù miếu địa xâm phạm (như Kình Đà, Không Kiếp, Diêu, Hình, Kỵ).

* Ngoài ra, có thể bị:

- Tật về mắt, hay tay chân, đau bụng.

- Mắc tai họa khủng khiếp.

- Yểu tử.

* Riêng phái nữ còn chịu thêm bất hạnh về gia đạo như muộn gia đình, lấy lẽ, cô đơn, khắc chồng, xa cha mẹ.

Ý nghĩa Thái Âm và một số sao khác:

1. Thái Âm cư Tý là cách "Thủy trừng quế ngạc", người sinh ban đêm ngày Bính Đinh phú quý trung lương:

Thái Âm cư Tý, có Phúc tinh Thiên Đồng đồng cung, tất cả đều là nhập miếu. Nếu sinh ban đêm thì người sinh năm Bính, lại có thêm Quyền Lộc hội (thêm Văn Xương càng cát), nhưng do Dương Đà tại Ngọ, Thìn xung chiếu, phần nhiều do chức quan võ mà vinh hiển, nêu có nhiều sát, e rằng có dấu hiệu chết bất đắc kỳ tử. Người sinh năm Đinh có Khoa Quyền Lộc tam hợp, Lộc Tồn chiếu lại, thì phú quý song toàn, lại là người trung nghĩa lương thiện, phúc hậu. Nếu người sinh năm Quý có Lộc Tồn đồng cung, nhờ vượng nên chủ về phú quý.

2. "Nguyệt lãng thiên môn" ở Hợi địa, lên mây giữ chức nắm đại quyền:

Thái Âm tại Hợi vượng địa là cách “Nguyệt lãng thiên môn” (Trăng soi cửa trời), đã phú quý còn nắm quyền lớn. Cách này ở nguời sinh năm Nhâm có song Lộc hội hợp, đồng thời Khôi Việt gặp nhau là thượng cách. Còn người sinh năm Ất, có song Lộc hội hợp, Hóa Kỵ nhập cung mệnh, là vượng địa nên không kỵ, nhiều phú ít quý. Ở người sinh năm Bính có Thiên Khôi nhập cung mệnh là vượng địa, lại có Lộc Tồn triều về, cung tài bạch vô chính tinh, mượn Hóa Lộc ở cung đối để dùng, cũng là chủ về quý.

3. Thái Âm cùng Văn Khúc ở cung Thê, là cách "Thiểm cung chiết quế":

Hai sao này nhập miếu ở cung Thê mới thành cách cục "Thiểm cung chiết quế", chủ về quý, cung thê chiếu thẳng cung quan lộc, do đó có được trợ lực, nhưng nếu chính tinh của quan lộc bị ác sát xung phá, thì không thể quý được. Cách cục này chủ về có vợ xinh đẹp, hiền thục, mà lại suốt đời nhiều lần gặp phụ nữ đẹp, người này văn chương rất hay, nếu thêm Khôi Việt thì chủ về có được tài sản của vợ.

4. Sao Tài cũng là sao mẹ, sao vợ:

Nếu gặp Hình (Dương Nhẫn) hoặc Kỵ (Đà La, còn có tên là Yểu Thọ Sát), thì phá tài mà người trong nhà thương tổn hoặc tử vong. Nếu ở nơi miếu vượng thì nói chung không hại gì, nhưng cư hãm nhược thì hình, hao, táng, tung (bị thương, hao tài, chết chóc, thưa kiện) cứ đến liên miên như người ta nói là “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, dẫn đến thất bại sạt nghiệp.

5. Thái Âm cư Tuất không có sát tinh tụ hội, người sinh năm Đinh, Kỷ đã giàu lại thọ:

Cung Tuất là miếu địa, người sinh nǎm Đinh có Khôi Việt hiệp mệnh, tam hợp Hóa Khoa, Quyền, Lộc, cùng Lộc Tồn ở cung tài bạch, thì trong phú có quý. Gặp người sinh năm Kỷ có Minh Lộc Ám Lộc, cung quan lộc có Thiên Lương, Hóa Khoa hội hợp cũng cát, đồng thời nam mệnh nghịch hành đại hạn, nên sau 26 tuổi, vô cùng thuận lợi, phần nhiều là giàu.

6. Nguyệt Diệu Thiên Cơ, nữ dâm bần:

Nếu nữ mệnh gặp hai sao này (Nguyệt Diệu tức Thái Âm và Thiên Cơ) bị hãm ở cung thân, cung mệnh, chẳng hạn như Thiên Cơ cư Sửu, Thái Âm cư Mão thì không phải chỉ nghèo mà còn dâm quá mức. Hoặc cho dù miếu vượng như Thái Âm tại Tuất, Thiên Cơ tại Ngọ (thân, mệnh tại Tuất, Ngọ), cũng có phú quý nhưng không tránh khỏi dâm dục, có thêm Sát thì kết hôn ba lần mà trong lòng vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.

7. Nhât Nguyệt ở tật ách, cung mệnh gặp Không, lưng gù, mắt mù:

Thất Sát nhập mệnh, đơn thủ ở cung Tý hoặc cung Ngọ, lại có Triệt Không hoặc Tuần Không ở mệnh, mà cung tật ách ở Sửu hoặc Mùi có Nhật Nguyệt đồng cung, ắt chủ về mắt bị mù, hoặc bị tật gù lưng. Còn mệnh gặp Không, mà Thái Âm hoặc Thái Dương đơn thủ thì cũng có tàn tật nhưng nhẹ hơn.

8. Nhật Nguyệt Dương Đà, đa khắc thân (phần nhiều khắc người thân):

Nghĩa của câu này giống câu “Thái Âm Dương Đà, tất chủ nhân ly tài tán” (Thái Âm Dương Đà ắt chủ về người chia ly, tiền của phá tán), nếu thêm Thái Dương nữa thì nam khắc cha, nữ khắc chồng, nếu hành vận mà gặp thì toàn gia bất an, lại có hình thương.

9. Nhật Nguyệt hiệp mệnh, hiệp tài, không quyền cũng quý:

* Nhật Nguyệt hiệp có bốn cách cục:

- Một là Thiên Phủ cư Mùi, Nhật tại Ngọ, Nguyệt tại Thân hiệp Thiên Phủ.

- Hai là Vũ Khúc, Tham Lang cư Sửu, Thái Dương, Cự Môn tại Dần, Thái Âm, Thiên Đồng tại Tý, Thái Dương, Thái Âm hiệp Sửu. Hai cách cục này đều nhờ ở vượng địa nên chủ về quyền và phú, nếu ở tài bạch, cũng chủ về giàu có đầy đủ, cho dù có Hóa Kỵ hoặc một hai sát tinh xung chiếu cũng không sao.

- Ba là Thiên Phủ cư Sửu, Nhật tại Tý, Nguyệt tại Dần hiệp Thiên Phủ.

- Bốn là Vũ Tham tại Mùi, Nhật tại Thân, Nguyệt tại Ngọ hiệp Mùi, hai cách cục này Nhật Nguyệt gặp hãm địa, chủ hư danh, không quý. Nếu bản mệnh có thêm cát tinh, thì luận theo cách cục khác, nếu không thì chưa chắc đã đúng.

10. Âm Dương hội Xương Khúc, xuất thế vinh hoa:

Xuất thế ý nói ra ngoài đời, chưa chắc xuất thân ở nhà phú quý. Nhật Nguyệt vượng địa, có Văn Xương, Văn Khúc đồng cung hoặc hội hợp, chủ về một đời ở vào giai cấp thượng lưu, vinh hiển, lại có tiếng tốt, hưởng thụ cũng tốt, nếu Nhật Nguyệt hãm địa gặp Xưong Khúc thì hào nhoáng nhưng bên trong rỗng tuếch.

11. Thái Âm, Hỏa, Linh đồng cung, lại thành thập ác:

Câu này chỉ tính cách của người ta, vừa có Quý Thủy của Thái Âm gặp hãm nhược, vừa có Hỏa Tinh xung phá thì gian giảo xảo trá lại hung tàn, loại này phần nhiều làm nội gián.

Nếu là Linh Tinh đồng cung, là người cơ trí lanh lợi, không được luận là hung.

Nếu Thái Âm vượng địa có Hỏa Tinh đồng cung thì tính nết mạnh mẽ, bướng bỉnh, ương ngạnh, không luận đoán là hung được.

Còn Thái Âm vượng địa gặp Linh Tinh càng không được luận là xung phá, có khi chủ về trong đời gặp nhiều cơ duyên một cách tình cờ.

12. Nhật Nguyệt là sao quang minh lỗi lạc, là dấu hiệu của trong sáng vô tư:

Hai sao này là sao có ánh sáng rực rỡ, vì thế người nào chịu ảnh hưởng ắt là người lỗi lạc trong sáng. Hơn nữa, vì hai sao này vận hành không nghỉ bất kể ngày đêm, do đó cũng chủ về suốt đời trôi nổi vất vả khó nhọc, ở bên ngoài nhiều hơn ở nhà, nếu tại hãm cung có thêm sát tinh, cũng có bề ngoài thành thật, đôn hậu, trong sáng, nhưng bên trong ẩn chứa một con người gian trá.

13. Thái Âm hãm cung:

Lục thân duyên bạc, có bệnh về nội tiết. Nếu thêm sát thì thường u uất, không vui, mê đắm tửu sắc, thường uống thuốc để bổ trợ sức khỏe.

14. Thái Âm Khúc Xương, có dự cảm:

Thái Âm cùng Văn Xương hoặc Văn Khúc đồng cung thì giác quan thứ sáu vô cùng nhạy bén, thích hợp nghiên cứu tâm linh học, siêu tâm lý học, thuật chiêm tinh hoặc nhà tôn giáo.

Thái Âm tại cung Dần, Thân, ắt đồng cung với Thiên Cơ, thủ thân mệnh, thích hợp đi xa quê để phát triển, nữ mệnh thì phú quý, nhu cầu về sinh hoạt tính dục nhiều.

Thái Âm tại miếu vượng mà tọa cung điền trạch, chắc chắn là một đại địa chủ. Nếu tọa cung tài bạch, thì là đại phú hộ.

Thái Dương, Thái Âm xung chiếu cung phúc đức hoặc cung mệnh, ắt là người đào hoa.

Thái Âm tại hãm cung lại có thêm sát tinh, người này làm việc theo tình cảm, tay chân sẽ bị thương tật tàn phế, lại mê đắm tửu sắc.

Nữ mệnh Thái Âm hội Thái Dương, chồng chắc chắn làm quan to.

Nữ mệnh có Thái Âm tọa mệnh tại hãm địa, thêm sát tinh, bất lợi đối với chồng, đối với con cái cũng không tốt. Không làm vợ lẽ thì cũng luân lạc phong trần. Nếu tọa mệnh tại cung Dần, ắt đồng cung với Thiên Cơ, chắc chắc hy sinh vì sắc tình.

Bất luận nam hay nữ, bất luận miếu vượng hay hãm lạc, hễ Thái Âm tọa mệnh, chắc chắc sớm mồ côi mẹ.

Người có Thái Âm tọa mệnh, ngoài là người thông minh ra, còn là người ưa sạch sẽ.

Nam mệnh Thái Âm tại hãm cung, lưu niên nếu gặp sẽ có chuyện đào hoa không bình thường, nhưng chỉ trong thời gian tương đối ngắn.

Thái âm ở các cung:

Cung Mệnh:

- Thái Âm là tinh hoa của Thủy, cùng với Thái Dương là nghi biểu của Trời.

- Người cung Mệnh có Nguyệt đắc địa, sinh ban đêm, từ ngày10 đến 20 thì toàn mỹ.

- Nguyệt đắc địa gặp nhiều sao sáng sủa tốt đẹp hội hợp như Xương Khúc, Khôi Việt, Tả Hữu, Khoa Quyền Lộc, Đào Hồng Hỷ, tất phú quý tột bục và nổi tiếng.

- Nguyệt đắc địa bị Tuần/Triệt án ngữ thì mất tốt đẹp, hãm địa rất cần Tuần/Triệt hoặc Thiên không để sáng ra, hãm địa gặp được Thiên Tài hay Khôi Việt càng tốt.

- Nguyệt rất sợ Không Kiếp, Kình Đà, Riêu, Kỵ gây cô đơn cùng khổ và tai nạn, Nguyệt hãm địa gặp Hóa kỵ cũng như mặt trăng mờ ám còn bị mây đen che lấp (nữ Mệnh thiết kỵ hắc vân), sợ Liêm Trinh, Thất Sát củng chiếu.

Cung Huynh Đệ:

- Nhật, Nguyệt giáp Thai có anh em song sinh.

Cung Phu Thê:

- Nhật Nguyệt đắc địa: sớm có gia đình.

- Nguyệt, Xương Khúc: vợ đẹp.

- Nguyệt, Quyền cư Thân: sợ vợ.

Thái Âm Nam mạng ca:

Thái Âm nguyên thị thủy chi tinh

Thân Mạng phùng chi phước tự sanh

Dậu, Tuất, Hợi viên vi đắc địa

Quang huy dương hiển tánh danh hanh

Thái Âm nhập miếu Hóa Quyền tinh

Thanh tú thông mình mai đẳng luân

Bẩm tánh ôn lương cung kiêm nhượng

Vi quan thanh hiển liệt triều thân

Dần thượng Cơ Xương Khúc Nguyệt phùng

Túng nhiên cát củng bất phong long

Nam vi bộc tòng nữ vi kỹ

Gia sát xung sát đáo lão cùng

Thái Âm hãm địa ác tinh trung

Đà - Hỏa tương phùng định khôn cùng

Thử mạng chỉ nghi tăng dữ đạo

Không môn xuất nhập đắc trung dung

Nghĩa là:

- Thái Âm là tinh hoa của hành Thủy, đóng ở cung Thân Mệnh phước lộc tự sinh, ở cung Dậu, Tuất, Hợi là đắc địa, sáng rực rỡ và tiếng tăm.

- Thái Âm nhập miếu biến thành Quyền tinh, con người thanh tú siêu quần, bẩm tánh ôn lương cung kiệm, khiêm nhượng, làm quan thanh hiển trong triều.

- Thái Âm tại Dần, Hợi cùng Thiên - Cơ - Xương - Khúc, dù có các sao tốt phù trợ, cũng khó lòng làm nên cơ nghiệp, đàn ông đi hầu, đàn bà làm đĩ, nếu gặp ác sát xung phá bần cùng đến già.

Thái Âm Nữ mạng ca:

Nguyệt hội Đồng Dương tại mạng cung

Tam phương cát cũng tất doanh phong

Bất kiến hung sát lai xung hội

Phú quý song toàn bảo đáo chung

- Sao Thái Âm cùng Thiên Đồng hoặc Thái Dương tọa thủ Mệnh cung, được nhiều cát tinh cùng chiếu vào không bị ác sát tinh xung hãm, chủ được huởng thụ phú quý song toàn và bền vững trọn đời.

Thái Âm hãm tại Mạng hòa Thân

Bất hỉ tam phương ác sát xâm

Khắc hại phu quân, hựu yểu thọ

Cách ư huyết khí, thiểu tinh thần

- Sao Thái Âm lạc hãm tại Thân, Mệnh cung lại ngộ các sao ác sát tam phương xung chiếu, thường mắc chứng “huyết biến vi tà” khiến  cho thân xác bải hoải, rã rời, chẳng những sớm góa chống, ngay bản thân cũng không thọ nữa.

Phú Nôm về Nữ mạng:

Nguyệt miếu vượng là người to lớn

Gặp hãm cung hơi ốm mà cao

Nữ lưu Nguyệt vượng số sang

Là người nhan sắc, đảm đang lợi chồng

Tham Lang với Nguyệt cùng ngồi

Ở cùng hãm địa ấy người dâm bôn

Thái Âm Mạng ở Mão, Dần

Lo đường kinh nguyệt chẳng phần thong dong

"Thanh Kỳ ngọc thỏ tuy lạc hãm nhi bất bần"

Câu phú trên là câu phú thứ hai trong câu “Phì Mãn Kim Ô Tuy Gia Sát Nhi Chi Phú, Thanh Kỳ Ngọc Thỏ Tuy Lạc Hãm Nhi Bất Bần”.

Đọc câu trên ai cũng hiểu “Phì mãn” là miếu địa, phát huy trọn vẹn năng lực, tức là mặt trời sáng chói (ở cung Tỵ, Ngọ) thì dẫu có gặp sát tinh cũng vẫn giàu có. Có người còn cho rằng ở cung Dần, Mão cũng gọi là “phì mãn”, nhưng nghiệm ra thấy không vững mấy. Riêng câu sau nhiều người thắc mắc không hiểu sao mặt trăng đã “Thanh kỳ” (đối với phì mãn), tức là sáng mà lại còn “tuy lạc hãm”. Không lẽ cổ nhân đã đặt ra một câu phú đầy mâu thuẫn? Thực ra 2 chữ “Thanh kỳ” đúng ra là “Thanh Trì” (Thanh Long và LongTrì) tiêu biểu cho 2 con rồng chầu. Và khi mặt trăng đã có 2 con rồng chầu thì dù có ở cung lạc hãm cũng không nghèo nàn được. Với ý nghĩa như thế chúng ta mới hiểu thấu được câu phú và mới thấy không có mâu thuẫn. Có nhà Tử Vi cho rằng 2 sao Thanh Long và Long Trì phải giáp Thái Âm (Ngọc Thỏ) mới đúng cách, chớ nếu đồng cung với Thái Âm sẽ không phải là “rồng chầu” nhưng tôi nghiệm thấy dù đồng cung cũng vẫn đúng như thường.

PHONG NGUYEN

* Nhật Mão, Nguyệt Hợi, an Mạng Mùi cung đa triết quế”

- Mạng tại cung Mùi, cung Mão có Nhật, cung Hợi có Nguyệt chiếu là người tài hoa, đa thê thiếp, vợ là con nhà trâm anh thế phiệt.

* “Nhật Nguyệt cư Quan Lộc, phú quý nan danh”

- Cung Quan Lộc cư tại các cung Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ có Nhật tọa thủ, hoặc cư tại các cung Dậu, Tuất, Hợi, Tý, có Nguyệt tọa thủ là vào cách “ Nhật Nguyệt tịnh minh” thì phú quý vô kể.

Theo: Phan Tử Ngư - Dương Thành - Bùi Quang Nhuận

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ