By Tử Vi Chân Cơ| 20:06 31/05/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

HỌC CÁCH LẬP MẠNG

Khi ta còn nhỏ, cha ta đã qua đời. Mẹ ta muốn ta bỏ việc học hành khoa cử mà chuyển sang Y khoa. Bà bảo: "Học Y khoa thì có thể nuôi dưỡng sinh mạng, lại có thể cứu giúp người khác. Lại nữa, học Y thuật cho tinh thần thì có thể trở thành bậc danh y. Đấy là tâm nguyện của cha con trước kia".

Về sau đến chùa Từ Vân, gặp một vị lão nhân râu tóc rậm rạp, tướng mạo phi phàm, trông phiêu nhiên như bậc tiên phong đạo cốt. Ta bèn cung kính vái chào. Vị lão nhân nói với ta: "Anh là người thuộc chốn quan trường, sang năm đi thi là được, tại sao lại không lo học?". Ta bèn đem chuyện mẹ ta bảo ta bỏ việc học khoa cử mà theo học Y thuật kể cho lão nhân nghe, đồng thời hỏi tính danh, quê quán và trú xứ của cụ.

Lão nhân trả lời: "Ta họ Khổng, người ở Vân Nam. Thiệu tiên sinh là người tinh thông Hoàng Cực số, đã chính thức truyền nghề này cho ta. Cứ theo lý số mà tính thì ta nên đem Hoàng Cực số mà truyền lại cho anh". Do đó, ta thỉnh cụ về nhà thưa chuyện lại cho mẹ ta nghe. Mẹ ta khuyên ta nên khéo hầu cụ. Bà còn bảo: "Lão tiên sinh đã tinh thông ý nghĩa của lý số, hãy mời ngài suy đoán xem có linh nghiệm không!". Kết quả là những suy đoán của Khổng tiên sinh, tuy là những việc rất nhỏ nhưng tất thảy đều linh nghiệm vô cùng.

Ta nghe Khổng tiên sinh nói thì động lòng muốn học hành, liền bàn bạc với người anh cô cậu của ta là Trầm Xưng. Anh ấy bảo: "Úc Hải Cốc tiên sinh đang mở lớp dạy tại nhà Trần Hữu Phu, thu nhận học trò đến học. Anh đưa em đến đó trọ học thì tiện vô cùng". Do đó, ta bái Úc Hải Cốc tiên sinh làm thầy.

Khổng tiên sinh đã suy đoán số phận của ta rằng: Khi ta còn là đồng sinh (học trò chưa có danh phận), thi kỳ Huyện khảo, ta đỗ thứ 14, thi kỳ Phủ khảo ta đỗ thứ 71, thi kỳ Đề học ta đỗ thứ 9. Đến năm sau, quả nhiên trong cả ba kỳ thi, số thứ tự tên ta đều hoàn toàn đúng như thế.

Khổng tiên sinh còn suy đoán việc lành việc dữ suốt cả đời ta. Cụ bảo năm nào thi thì đậu thứ mấy, năm nào thi thì được bổ Bẩm sinh (được cho gạo), năm nào thi thì được làm Cống sinh. Cho đến khi được làm Xuất cống, thì vào năm nào được tuyển làm Tri huyện tại một huyện của tỉnh Tứ Xuyên. Khi tại chức được ba năm rưỡi thì vào giờ Sửu ngày 14 tháng 8 năm ấy, ta sẽ mệnh chung, đáng tiếc là chẳng có con cái gì! Mấy lời này ta đều nhất nhất ghi chép, lại còn cẩn thận nhớ kỹ.

Từ đó về sau hễ đến lúc dự kỳ thi nào, ta đỗ thứ hạng trước sau đều không khác gì với số mục mà Khổng tiên sinh đã dự đoán. Tuy nhiên, chỉ tính số lúa gạo mà ta lãnh thì theo Khổng tiên sinh, khi lãnh được 91 thạch 5 đấu thì ta mới được làm Xuất cống. Thế mà khi ta mới ăn được 71 thạch gạo thì vị Học đài Đồ Tông sư đã phê chuẩn cho ta làm Cống sinh rồi. Ta thầm hoài nghi những gì Khổng tiên sinh suy đoán có thể có vài điều không linh nghiệm.

Sau đó, quả nhiên vị Thư lý Học đài là Dương Tông sư phê bác, không chịu cho ta được bổ Cống sinh. Đến năm Đinh Mão, nhân Thu Minh Tông sư đọc được bài thi của ta, thấy không được đậu thì làm tiếc cho ta, mới cảm khái than rằng: "Năm thiên sách của bài thi này giống như năm thiên sách tấu nghị lên nhà vua, khác gì bậc nho gia uyên bác, sao lại để cho anh ta mai một đến già chứ?". Do đó ngài dặn quan huyện bảo ta đến mà phê chuẩn cho ta được bổ Cống sinh. Qua lần bị ngưng trệ ấy khiến phải lãnh gạo Bẩm sinh trở lại, tính ra trước đó ta đã lãnh được 71 thạch gạo, sau lại lãnh thêm nữa, cộng tất cả là 91 thạch và 5 đấu.

Vì phải chịu phen này lận đận, ta càng tin rằng sự thăng trầm về công danh của một người đều đã được ấn định trong số mạng; việc chuyển vần mau hay chậm cũng đều có lúc nhất định. Do đó mà ta xem nhẹ mọi sự, chẳng phải mong cầu gì nữa.

Đến khi ta được tuyển làm Cống sinh theo quy định, ta phải đến học tại Quốc Tử giám ở Bắc Kinh. Cho nên ta phải ở kinh thành một năm. Suốt ngày từ sáng đến tối, ta ngồi yên bất động, chẳng nói năng, suy nghĩ, chẳng xem chữ nghĩa. Đến năm Kỷ Tỵ, ta trở về học tại Quốc Tử giám ở Nam Kinh. Nhưng trước khi vào Quốc Tử giám ta đến núi Thê Hà bái kiến Thiền sư Vân Cốc Hội. Ta cùng thiền sư ngồi đối mặt trong một phòng Thiền, suốt ba ngày ba đêm không ai nhắm mắt. 

Thiên sư Vân Cốc hỏi ta: "Phàm người ta không thể là thánh nhân được chỉ vì do vọng niệm (nghĩ bậy tưởng bạ), trong tâm triền qua nhiễu nại. Thế mà ông ngồi yên suốt ba ngày, không hề khởi lên một vọng niệm nào, như thế là do đâu?".

Ta đáp: "Số mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán định rồi. Lúc nào sinh, lúc nào tử, lúc nào đắc ý, thất ý đều đã được định đoạt, không cách nào thay đổi được; thế thì muốn nghĩ bậy nghĩ bạ cũng không được gì, cũng chỉ là nghĩ suông; cho nên quả thực tôi chẳng suy tưởng, cũng chẳng có vọng niệm gì cả".

Thiền sư Vân Cốc cười đáp: "Thế mà ta cứ tưởng ông là bậc hào kiệt cao siêu, nay mới biết ông vốn chỉ là kẻ phàm phu hèn kém!".

Nghe nói xong, ta chẳng hiểu sao nên hỏi ngài nói như thế nghĩa là gì. Thiền sư Vân Cốc nói: "Một người bình thường thì không thể nói không có tâm ý thức về sự nghĩ bậy nghĩ bạ như thế; đã có cái vọng tâm không giây phút nào ngừng nghỉ như thế thì đó là do âm dương trói buộc; đã bị khí số âm dương trói buộc thì sao có thể nói không có số mạng được? Tuy bảo số mạng nhất định là có, nhưng chỉ người bình thường mới có số mạng trói buộc. Nếu là một vị cực thiện thì số mạng không thể câu thúc vị ấy được. Do vì người cực thiện đáng lẽ phải chịu khổ đau vốn đã được ấn định trong số mạng; nhưng người ấy làm những việc thiện vô cùng to lớn đó có thể biến khổ thành vui; cái phận nghèo hèn, đoản mạng biến thành giầu sang, trường thọ. Nhưng nếu người ấy làm việc ác cực lớn thì cái sức mạnh của việc ác lớn ấy có thể biến phước thành họa, giầu sang trường thọ thành nghèo hèn, đoản mạng. Đã hai mươi năm nay ông đều bị Khổng tiên sinh đoán định cả, chưa từng đem số mạng mà chuyển đổi tơ hào nào, trái lại bị số mạng câu thúc thì đấy là kẻ phàm phu. Xem như thế ông chẳng phải phàm phu thì là gì nữa chứ?".

Ta hỏi Thiền sư Vân Cốc: "Theo như ngài nói thì rốt cục có thể vượt qua được số mạng chăng?". Thiền sư đáp: "Số mạng do ta tự tạo, phước đức do mình tự cầu" (ta làm ác thì tự nhiên mất phước; mình tu thiện thì tự nhiên được phước).

Từ xưa những gì được nói trong các loại thi thư đều là những giáo huấn đích xác, rõ ràng. Trong kinh Phật của chúng ta có nói: "Một người mong cầu giầu sang thì được giầu sang, mong cầu con cái thì được con cái, mong cầu trường thọ thì được trường thọ, chỉ cần làm việc thiện thì số mạng không câu thúc anh ta nổi". Do vì "nói dối" là đại giới của nhà Phật, há đâu có chuyện Phật, Bồ Tát nói bậy nói bạ để dối gạt người ta?".

Ta nghe nói xong, lòng còn chưa rõ, bèn bước tới một bước mà hỏi: "Mạnh Tử từng nói: Hễ cầu là được; đấy là nói cái tâm lý của ta có thể làm được việc. Nếu không phải là sự việc trong tâm ta thì làm sao có thể cứ nhất định cầu cho được? Ví như nói đạo đức nhân nghĩa thì đấy đều là những gì ở trong tâm ta, ta lập chí muốn làm một người đạo đức nhân nghĩa, tự nhiên ta thành một người đạo đức nhân nghĩa; đấy là có thể dùng hết sức của ta mà mong cầu. Chứ công danh phú quý đâu phải là việc trong tâm ta, đấy là những gì ở ngoài cái thân ta. Nếu người khác chịu giúp ta thì ta mới có thể có được, chứ người khác không chịu giúp ta thì ta chẳng có cách nào đạt được. Thế thì rốt lại làm sao có thể bảo rằng ta cầu thì sẽ được?

Thiền sư Vân Cốc đáp: "Lời nói của Mạnh Tử không sai, nhưng ông giải thích sai. Ông há chẳng nghe thấy Lục Tổ Huệ Năng đại sư bảo: "Các thứ ruộng phước đều nhất định ở trong tâm mỗi người. Phước không xa lìa tâm, ngoài tâm không có ruộng phước nào có thể cầu tìm được. Cho nên trồng phước trồng họa tất thảy đều ở tự tâm mình. Chỉ cần từ trong tâm mà cầu phước thì không có cảm ứng nào mà không đến!". Cứ hướng vào tâm của mình mà cầu tìm, đấy chẳng những là đạo đức nhân nghĩa trong tâm có thể cầu tìm được, mà công danh phú quý ở ngoài thân cũng có thể cầu tìm được; cho nên bảo là cả trong lẫn ngoài đều được. Nói một cách khác, vì trồng ruộng phước mà cầu nhân cầu nghĩa, cầu phước cầu lộc thì ắt là đạt được.

"Trong số mạng có công danh phú quý thì dù không cầu mong vẫn có thể đạt tới được. Trong số mạng không có công danh/quý thì dù dùng hết mọi phương cách cũng không đạt được. Cho nên nếu một người không thể kiểm soát tỉnh táo mà cứ mù quáng truy cầu danh lợi phước thọ ở bên ngoài thì dù đạt được hay không đạt được đấy chỉ là nghe theo mạng trời chứ tự mình cũng chẳng nắm bắt được chút gì. Đó chính là đúng hợp với hai câu nói của Mạnh Tử. "Cầu nhi hữu đạo, đạt chi hữu mạng" (cầu thì có đạo lý, đạt được thì có số mạng). Nên nhớ rằng dù cho có đạt được đi nữa thì rốt cục đấy là những gì vốn có trong số mạng chứ không phải do chính mình cầu mà hiệu nghiệm. Cho nên có thể cầu được thì cứ cầu, cầu mà không được thì chớ nên cầu bừa bãi. Còn như nếu ông cứ một mực mong cầu thì chẳng những không cầu được công danh phú quý ở bên ngoài thân mà còn do vì quá cầu bừa bãi, quá tham lam, vì cầu mà không lựa chọn phương cách thì đấy chính là ném mất đi cái đạo đức nhân nghĩa vốn có trong tâm, há chẳng phải là cả trong lẫn ngoài đều mất đấy sao? Cho nên mong cầu bừa bãi thì chẳng ích lợi tí nào".

Thiền sư Vân Cốc lại hỏi ta tiếp: "Cụ Khổng đoán định thân mạng ông rốt cục thế nào?". Tất cả những gì Khổng tiên sinh đã suy đoán về ta như năm ấy thi cử thế nào, năm nào ta làm quan, ta bao nhiêu tuổi thì chết, ta kể lại tỉ mỉ rõ ràng cho Thiền sư nghe. Thiền sư nói: "Ông hãy tự nghĩ mà xem, ông nên tìm kiếm công danh chăng? Nên có con cái chăng?".

Ta truy xét rất lâu những gì ta đã làm rồi mới nói: "Tôi không thi đỗ, cũng không nên có con cái. Vì người trong khoa cử phần lớn đều có phước tướng. Tướng tôi mỏng cho nên phước cũng mỏng. Tôi lại không thể tích tập công đức, tích tập thiện hành để tạo căn cơ cho dầy phước. Tôi lại không thể nhẫn nại để đảm đương những việc nhỏ nhặt hay hệ trọng. Người khác có gì không đúng, tôi cũng không thể bao dung (tính tình nóng nảy, độ lượng hẹp hòi). Có lúc tôi còn tự tôn tự tại đem tài cán trí lực của mình mà phủ lấp người khác. Trong lòng nghĩ thế nào là làm theo thế ấy, tôi tùy tiện giảng bậy nói bừa. Những cung cách như thế đều là cái tướng của phước mỏng, làm sao mà theo cho được khoa cử!.

"Ưa thích tinh khiết sạch sẽ vốn là điều tốt, nhưng không nên thái quá, thái quá khiến tính tình trở nên kỳ quặc. Cho nên bảo rằng đất càng không tinh sạch thì lại càng sinh ra nhiều thứ. Ngược lại, nước quá tinh sạch thì lại nuôi cá không được. Tôi lại ưa thích tinh khiết sạch sẽ thì lại hóa ra không gần gũi được nhân tình. Đây là duyên cơ thứ nhất khiến không có con cái. Trong trời đất nhờ vào nhật quang ôn hòa mưa gió nhu thuận thì mới sinh trưởng được vạn vật. Tôi thường nóng nảy, không có tính tình ôn hòa cảm hóa, làm sao mà sinh con cái được? Đây là duyên cớ thứ hai khiến không có con cái.

Nhân ái là căn bản của muôn loài, nếu tâm mang tính tàn nhẫn không có từ bi, cũng như hột cây, không có lòng nhân, làm sao lớn lên thành cây có trái? Cho nên bảo rằng: "Nhẫn là cái gốc không thể nuôi dưỡng; tôi chỉ biết thương tiếc danh tiết của chính mình, chịu hy sinh cho mình để hoàn thiện người khác, tích tập công đức ít ỏi, đó là duyên cớ thứ ba khiến không có con cái. Nói năng quá nhiều thì dễ bị tổn thương khí chất, tôi lại hay lắm lời, khí chất bị thương tổn do đó thân thể rất yếu, làm sao mà có con cái được? Đó là duyên có thứ tư khiến không có con cái. Người ta nhờ vào ba thứ là tinh, khí và thần mới có thể sống được; tôi ưa uống rượu, rượu dễ làm tiêu tán tinh thần; một người không đủ tinh lực mà tính sinh con thì không được trường thọ, đó là duyên cớ thứ năm khiến không có con cái. Một người ban ngày không chịu ngủ thì ban đêm không nên không ngủ; coi thường ưa thích ngồi mãi suốt đêm không chịu ngủ, không biết bảo dưỡng nguyên khí, tinh thần đó là duyên cớ thứ sáu khiến không có con cái. Ngoài ra tôi còn có bao nhiêu là sai sót nữa, kể ra không hết được!".

Thiền sư Vân Cốc bảo: "Đâu chỉ có khoa cử là không đáng được, e rằng có nhiều sự việc không đáng được! (Nên biết rằng có phước hay không có phước đều do tâm tạo ra. Người có trí tuệ thì hiểu được rằng tất thảy đều là tự làm, tự nhận; người hồ đồ thì nghĩ rằng do vận mạng). Tỷ như trên đời có thể có cái cơ nghiệp ngàn vàng thì nhất định có người hưởng thọ phước bàu ngàn vàng; có thể có sản nghiệp trăm vàng thì nhất định có người hưởng phước báu trăm vàng; đáng chết đói thì nhất định có người phải thọ nhận sự báo ứng chết đói. (Như người thiện tích cóp công đức thì trời làm cho cái phước mà người đáng thọ nhận thành nhiều hơn. Người ác làm bậy thì trời làm cho cái thọ mà người ấy phải chịu thành nặng hơn). Trời bất quá cũng chỉ làm nặng thêm một chút những gì vốn có của người ta mà thôi chứ hoàn toàn cũng chẳng có tơ hào ý tứ nào khác cả".

(Trong đoạn này, Thiền sư Vân Cốc mượn biến giải của người đời để khuyên Phàm Tiên sinh nỗ lực tích tập công đức). Việc sinh con cũng giống như gieo hạt giống. Hạt giống dầy thì về sau cây dầy trái, hạt giống mỏng thì về sau cây mỏng trái. Ví như một người tích tập công đức một trăm đời thì nhất định có con cái một trăm đời, giữ gìn phước đức của người ấy. Người ấy tích tập công đức mười đời thì nhất định có con cháu mười đời giữ gìn phước đức; tích tập công đức ba đời, hai đời giữ gìn phước đức cho đến tích tập công đức trong một đời thì chỉ được hưởng phước một đời. Còn như tích tập công đức chưa trọn một đời thì đấy là người tuyệt hậu (không có con cái); đấy là do bởi công đức của người này quá mỏng, e rằng còn tích tập không ít những tội lỗi nữa!.

"Ông đã biết chỗ sở đoản của mình, thế thì ông hãy đem các tướng bạc phước của ông như không theo đuổi được khoa giáp, không có con cái mà tận tâm tận lực cải biến cho thật sạch hết đi, rồi quyết chí tích tập công đức, quyết chi lo toan mọi thứ cho người, quyết chí thể hiện hòa khí, từ bi với mọi người, lại cần phải thương quý cái tinh thần của chính mình nữa. Hết thảy những gì trước kia, ông hãy xem như đã chết từ hôm qua. Hết thảy những gì về sau này, ông hãy xem như vừa mới sinh ra hôm nay; nếu làm được như thế tức là ông đã làm được cho mới lại, sinh ra lại một thân mạng đầy nghĩa lý".

"Cái thân thể máu thịt này của chúng ta còn có hạn số, chứ cái sinh mạng đạo đức sao lại không thể làm cảm động đạo lý của trời cao? Thiên Thái giáp của Kinh Thư nói: "Trời giáng tội cho anh thì anh còn có thể tráng được, chứ tự anh gây tội thì phải chịu báo ứng, không thể vui vẻ thảnh thơi mà sống trên đời được". Trong Kinh Thi cũng nói: "Người ta phải luôn luôn nghĩ về mình xem những gì mình đã làm có hợp với đạo trời hay không. Rất nhiều phước tự nhiên không cầu mà tự có. Do đó, cầu họa cầu phước thảy là do tự mình". Khổng Tiên sinh tiên đoán rằng ông không thành đạt khoa cử, không có con cái, tuy rằng đấy là do trời cao đặt định nhưng cũng có thể cải biến được. Ông chỉ cần mở rộng thêm cái thiên tính đạo đức vốn có của ông, cố hết sức làm nhiều việc thiện, tích tập nhiều âm đức thì đấy là cái phước do mình tự tạo (người khác không thể đoạt đi được), thì làm sao mà không thể thọ hưởng nó được chứ?".

"Kinh Dịch từng tính toán cho ngươi có đức, có lòng nhân hậu, tìm phương cách để hướng đến điều may mắn, tránh được những con người, sự việc, nơi chốn hung hiểm. Nếu bảo rằng vận mạng không thể cải đổi được thì biết chỗ nào mà thay đổi may mắn, biết nơi đâu mà trốn tránh hung hiểm? Chương thứ nhất mở đầu Kinh Dịch có bảo rằng những gia đình luôn làm thiện ắt sẽ có nhiều phước báu truyền cho con cháu; cái đạo lý ấy ông có thực sự tin tưởng không?".

Ta tin lời Thiền sư Vân Cốc, bái tạ ngài, tiếp thọ chỉ giáo của ngài; đồng thời đến trước Phật để nói ra toàn bộ những việc làm sai trái, những tội lỗi của ta từ trước kia; ta cũng làm một bài văn, trước hết là để cầu thành công trong khoa cử. Ta lại lập thề sẽ làm ba ngàn việc thiện, để báo đáp ân đức lớn lao của trời đất, tổ tông đã sinh ra ta.

Thiền sư Vân Cốc nghe ta lập thề sẽ làm ba ngàn việc thiện, liền cầm một loạt công quá cách (một loại sổ để ghi điều tốt, điều xấu mà mình đã làm để rồi xem đó mà tự xét mình) đưa cho ta xem, bảo ta cứ theo cách thức như công quá cách đã định mà làm; việc đã làm không kể tốt hay xấu, mỗi ngày đều ghi vào công quá cách. Việc tốt thì ghi phía dưới công cách, việc xấu thì ghi phía dưới quá cách. Có điều, nếu làm việc xấu thì nên xem việc xấu ấy lớn nhỏ thế nào rồi lấy đã ghi phía dưới công cách mà giảm trừ đi. Thiền sư cũng bảo ta niệm chú Chuẩn Đề để gia trọng thêm bằng sức lực của Phật, hy vọng điều ta cầu mong nhất định sẽ hiệu nghiệm.

Thiền sư Vân Cốc lại nói với ta: "Có một loại chuyên gia vẽ bùa chú từng nói: "Một người mà không biết vẽ bùa thì bị quỷ thần cười chê". Vẽ bùa có một phương pháp bí mật truyền lại là không động niệm (không được suy nghĩ). Trong lúc cầm bút vẽ bùa, chẳng những không được suy nghĩ điều bất chính mà đến cả điều chính đáng cũng phải gạt đi, không nghĩ tới, phải tẩy tâm cho thật thanh tịnh. Đến khi không còn động niệm gì nữa thì lấy bút chấm vào giấy. Chấm này được gọi là Hỗn độn khai cơ (vì toàn bộ một lá bùa bắt đầu được vẽ từ điểm này cho nên điểm này là điểm căn cơ của lá bùa). Khởi sự vẽ từ một điểm cho đến khi vẽ xong lá bùa mà không có chút suy nghĩ nào thì lá bùa sẽ rât linh nghiệm. Không những vẽ bùa không được có chút tạp niệm nào, mà phàm thọ cáo trời cao hoặc cầu cải biến vận mạng đều phải dùng cái công phu không vọng niệm, được như thế thì mới cảm động được trời cao".

"Mạnh Tử giảng về cái đạo lý lập mạng có nói rằng: "Không có sự phân biệt giữa đoản mạng và trường thọ". Mới nghe qua có vẻ lạ kỳ; vì rằng đoản mạng và trường thọ tương phản nhau, hoàn toàn không như nhau, sau lại bảo giống nhau? Nếu hiểu rõ rằng khi chưa có chút vọng niệm nào thì cũng như đứa bé còn nằm trong bào thai thì hiểu được rằng chẳng có sự khác biệt nào giữa đoản mạng và trường thọ! (đến khi đứa bé ra khỏi bào thai, dần dần có tri thức, có cái tâm phân biệt; bấy giờ nghiệp thiện nghiệp ác đã tạo trong đời trước mới thấy báo ứng, bấy giờ mới có sự phân biệt đoản mạng và trường thọ). Do đó vận mạng là do mình tự tạo ra vậy. Nếu đem hai chữ lập mạng ra mà phân tích, giảng giải thì giàu sang cũng như nghèo hèn, phải xem là cũng không khác nhau. (Không được ỷ giầu sang có tiền bạc mà tùy tiện lung tung, nghèo hèn cũng không được hồ đồ làm bậy; đến khi hết đường thì mới an phận giữ mình mà làm người tốt). Hiểu được như thế thì mới có thể cải biến cái số mạng vốn nghèo nàn của mình thành giầu có, cải biến cái số mạng vốn giầu có thành giầu có hơn hoặc giầu có lâu dài hơn. Bế tắc hay phát đạt, cũng phải xem là không khác nhau (cũng không phải vì mình bất đắc chí mà không đoái hoài đến mọi sự rồi tùy tiện viển vông. Người được thông đạt cũng không thể ỷ thế mà khinh rẻ người ta, rồi tạo nên các loại tội nghiệp; càng đắc ý thì càng phải làm thiện, bỏ ác, trồng ruộng phước rộng khắp). Hiểu được như thế thì mới cải biến được cái số mạng vốn bế tắc thành thông đạt hơn. Yểu và thọ phải xem là không khác nhau. Không thể nói rằng: "Tôi đoản mạng, chẳng bao lâu sẽ chết, để rồi thừa lúc còn sống mà tùy tiện làm việc ác, tự làm hư hoại mình (phải hiểu ràng trót sinh ra mà đoản mạng thì càng phải làm người tốt, hy vọng đời sau sẽ không đoản mạng và đời mình cũng có thể kéo dài tuổi thọ đôi phần). Người có số phận trường thọ chớ nên nhận rằng mình sống lâu mà phá bỏ số mạng, làm ác, trộm cắp, tà dâm (phải hiểu rằng không dễ gì mà được trường thọ, cần phải làm người tốt mới giữ được sự trường thọ của mình). Hiểu rõ được ý nghĩa này thì mới có thể cải đổi cái yểu mạng vốn có của mình càng thêm trường thọ kiên khang. Con người sống trên đời chỉ có sự quan hệ giữa sinh và tử là trọng đại nhất; cho nên yểu cũng như thọ chính là sự trọng đại nhất. Đã nói đến yểu cũng như thọ là trọng đại nhất như thế ngoài ra, mọi thuận cảnh "Giàu có và phát đạt", hay mọi nghịch cảnh "Nghèo nàn và bế tắc", cũng đều tự bao gồm từ bên trong vậy. (Mạnh Tử giảng về lập mạng, chỉ giảng đến yểu, thọ không giảng đến giầu có, nghèo nàn, bế tắc, phát đạt, chính là ý nghĩa này đó).

Mạnh Tử bảo: "Tu thân dĩ tứ chi" (tu thân để chờ đợi) chính là bảo mình từng giờ từng phút phải tu dưỡng đức hạnh chớ tạo sai lầm tội ác. Số mạng mà cải biến được hay không cải biến được là do việc tích đức, việc cầu trời. Nói đến chữ tu là nói đến thân mình có một số sai lầm, tội ác; giống như trị bệnh, xóa bỏ hết sai lầm tội ác đi. Nói đến tứ là nói chờ đến khi công phu tu hành đã sâu dày thì tự nhiên biến thành tốt lành. Không được có chút tơ hào ý tưởng vẩn vơ, cũng không được để cho ý niệm khởi bậy như vậy mà phải hoàn toàn vứt bỏ đoạn tuyệt nó đi; làm được đến như thế tức là đã đến cảnh giới của ý niệm tiên thiên bất động; đến được cái công phu này chính là vấn đề chân chánh của người đời".

Ban đầu ta có danh hiệu là Học Hải, nhưng từ hôm đó trở đi, ta đổi là Liễu Phàm; ta hiểu rõ cái đạo lý lập mạng, không muốn giống với phàm phu (quét sạch hết các biến giải của phàm phu, cho nên gọi là Liễu Phàm). Từ đó về sau ta suốt ngày lưu ý cẩn thận, tự mình cũng cảm thấy rất khác so với trước kia. Trước kia ta hồ đồ tùy tiện, chẳng chút câu thúc; đến nay tự nhiên lưu ý cẩn thận, canh cánh giữ gìn. Tuy ở chỗ phòng tối không có ai, ta cũng lo sợ đắc tội với trời đất quỷ thần. Gặp ai cưỡng ép, phỉ báng, ta cứ an nhiên tiếp họ, không so đo tranh luận với họ.

Vào năm thứ hai sau lần gặp Thiền sư Vân Cốc, ta đến Bộ Lễ để dự thi. Cứ như Khổng tiên sinh đoán số mạng của ta thì ta đỗ thứ ba, nào ngờ ta đỗ thứ nhất. Lời đoán của Khổng tiên sinh không linh ứng nữa rồi. Khổng tiên sinh không đoán ta có thể đỗ Cử nhân, nào ngờ đến kỳ thi Hương, vào mùa thu ta lại đỗ Cử nhân. (Những điều này đều không ứng định trong số mạng của ta. Thiền sư Vân Cốc nói: Vận mạng có thể cải đổi được, ta càng tin vào câu nói ấy).

Tuy ta đã sửa đổi khá nhiều những sai trái, nhưng khi gặp phải những sự việc nên làm, ta vẫn chưa thể nhất tâm nhất ý mà làm; ngay khi bảo làm thì làm, nhưng vẫn cảm thấy miễn cưỡng không tự nhiên lắm. Tự mình kiểm điểm phân tích lại, ta nhận thấy những sai trái của mình vẫn còn nhiều. Nhìn thấy việc thiện, tuy vẫn chịu làm, nhưng ta chưa thể cả gan liều mạng mà làm. Có khi gặp lúc cần cứu người, tâm ta thường nghi hoặc không cương quyết cứu người. Tự mình tuy miễn cưỡng làm việc thiện, nhưng ta thường nói năng sai quấy. Mỗi lúc tỉnh táo thì ta còn có thể giữ mình, nhưng sau khi uống rượu say, lại bừa bãi lung tung. Tuy ta thường làm việc thiện, tích tập đôi phần công đức, nhưng sai trái của ta cũng rất nhiều, lấy công bù tội, sợ e không đủ. Ngày tháng trôi qua kể từ năm Kỷ Tỵ khi ta nghe được giáo huấn của Thiền sư Vân Cốc cho đến năm Kỷ Mão, trải qua hơn 10 năm, ta mới làm xong được ba ngàn việc thiện.

Bấy giờ ta mới cùng Lý Tiệm An tiên sinh từ quan ngoại trở về, chưa kịp đem ba ngàn việc thiện mà hồi hướng. Đến năm Canh Thìn, ta từ Bắc Kinh trở về Nam Kinh mới thỉnh được hai vị đại Hòa Thượng cao đức là Tính Không và Tuệ Không, mượn Thiền đường Đông Tháp hoàn tất cái nguyện tâm hồi hướng của ta. Đến lúc ấy, ta lại khởi tâm nguyện mong cầu có con cái. Ta cũng lập đại nguyện làm ba ngàn việc thiện. Đến năm Tân Tỵ ta sinh ra con, đặt tên là Thiên Khải.

Mỗi khi ta làm một việc thiện, liền lấy bút ghi lại; mẹ con không biết viết chữ nên mỗi khi làm một việc thiện, bà lấy bút lông ngỗng vẽ một vòng đỏ lên tờ lịch. Hoặc mang thức ăn cho người nghèo, hoặc mua vật còn sống mà phóng sinh, mẹ con đều nhớ khuyên một vòng, có khi trong một ngày bà khuyên được mười mấy vòng đỏ! (trỏ ý một ngày làm được mười mấy việc thiện). Cứ thế cho đến tháng 8 năm Quý Mùi, ba ngàn việc thiện nguyện làm đã được làm xong. Ta lại thỉnh quý Hòa Thượng Tính Không, Tuệ Không đến làm lễ hồi hướng tại nhà. Đến ngày 13 tháng 9 năm ấy, ta lại nguyện được đỗ Tiến Sĩ, lại lập nguyện lớn sẽ làm một vạn việc thiện. Đến năm Canh Thìn, ta đỗ Tiến Sĩ. Bộ lại liền bổ ta giữ chức Tri huyện đang khuyết ở huyện Bửu Chỉ.

Trong lúc làm Tri huyện ở huyện Bửu Chỉ, ta chuẩn bị một cuốn sách nhỏ, cuốn này ta gọi là "Trị tâm thiên" (ý nói sợ rằng tâm khởi lên ý tà, niệm bất chính, do đó mà nói hai chữ "Trị tâm"). Sáng sớm thức dậy, trong lúc ngồi xét án ở công đường, ta bảo người nhà mang cuốn "Trị tâm thiên" giao cho môn nhân đặt lên bàn làm việc của ta. Việc thiện việc ác ta đã làm trong ngày, dù nhỏ bao nhiêu ta vẫn nhất định ghi vào "Trị tâm thiên". Tối đến ba bày sách lên bàn ở trong nhà, mặc quan phục, bắt chước Triệu Duyệt Đạo đốt nhang cầu đảo Thiên đế (ngày nào cũng vậy).

Vợ con thấy ta không làm được nhiều việc thiện, thường cau mày nói với ta: "Lâu nay tôi ở nhà giúp ông làm việc thiện, cho nên ba ngàn việc thiện mà ông tâm nguyện làm đã được làm trọn vẹn. Nay ông nguyện làm một ngàn việc thiện tại Nha môn, lại chẳng có việc thiện nào làm được, thế thì chờ đến lúc nào mới làm xong?".

Sau khi vợ con nói như thế, đến tối ta nằm mộng thấy một vị thiên thần. Ta đem cái lý do khiến khó hoàn thành một vạn việc thiện nói cho vị thiên thần ấy biết. Vị ấy bảo: "Nội sự việc ông làm giảm tiền thuế cũng đủ làm trọn một vạn việc thiện rồi". Thì ra ruộng của huyện Bửu Chỉ phải thâu mỗi mẫu là hai phân ba ly bảy hào bạc; nghĩ rằng dân huyện phải đóng thuế quá nhiều nên ta đã chỉnh lý lại số ruộng của toàn huyện; tiền thuế phải trả cho mỗi mẫu giảm xuống đến một phân bốn ly sáu hào. Sự việc này đúng là có thật, nhưng ta cũng cảm thấy kỳ lạ. (Làm sao vị thiên thần lại biết sự việc này và không biết sự việc này có thể tương ứng với một vạn việc thiện hay không). Bấy giờ lại đúng lúc Thiền sư Huyễn Dư từ nói Ngũ đài đến huyện Bửu Chỉ. Ta kể lại giấc mơ cho Thiền sư nghe, đồng thời hỏi Thiền sư xem việc ấy có thể tin được chăng.

Huyễn Dư Thiền sư nói: "Làm việc thiện thì phải giữ lòng chân thành (không được có tình hư ý giả toan tính được báo đáp lại). Như thế thì có một việc thiện cũng có thể tương ứng với một vạn việc thiện rồi. Huống chi là ngài đã giảm thuế cho toàn huyện, nông dân toàn huyện đều đã thọ ơn ngài giảm thuế, ngàn vạn người dân do đó mà vơi đi nỗi thống khổ vì thuế nặng, như thế há chẳng được nhiều phước sao?.

Nghe Thiền sư nói xong, ta liền lấy tiền lương của ta ra, thỉnh Thiền sư cúng trai cho một đoàn Tăng nhân ở núi Ngũ Đài, đồng thời xin hồi hướng công đức trai Tăng này. Cụ Khổng đoán số mạng ta lúc 53 tuổi, thế nào ta cũng bị nguy nan. Ta tuy chẳng cầu trời cho được sống lâu, thế mà năm 53 tuổi ấy, ta tuyệt nhiên chẳng có chút bệnh tật nào. Hiện nay ta đã 69 tuổi (đã sống hơn tuổi ấy 16 năm rồi). Kinh Thư có nói: "Đạo trời thì có tin, mạng người thì không nhất định", Kinh Thư lại nói: "Mạng người không nhất định vì lỗi do tự mình tạo ra vậy". Mấy lời này đều không phải là những lời hư giả. Do đó ta mới biết rằng hễ nói đến họa đến phước của người ta thì đấy đều do người ta tự tìm cả. Những lời như thế quả thật là lời của thánh hiền; chứ còn bảo rằng họa và phước đều do trời định sẵn thì đấy là lời của kẻ dung tục.

Số mạng của con rốt cục sẽ như thế nào chưa biết được. Nếu được đoán là số mạng được vinh hoa phát đạt thì hãy nghĩ đến điều không thuận ý. Nếu được đoán là thuận lợi may mắn thì hãy luôn nghĩ đến sự không hài lòng, không như ý.

Nếu được đoán là trước mắt có cái ăn cái mặc thì hãy nghĩ rằng mình không có tiền tiêu, không có nhà ở. Nếu được đoán là người ta ưa thích con, kính trọng con thì phải luôn dè chừng, cẩn thận mà nghĩ đến sự lo sợ. Nếu được đoán là gia thế rất lừng lẫy, được người người coi trọng thì hãy luôn nghĩ là mình thấp hèn. Nếu được đoán là học vấn của con cao thâm thì hãy luôn nghĩ mình thô cạn. (Sáu cách suy nghĩ này là từ mặt trái mà nhìn vấn đề để có tâm trống không thì tự nhiên đạo đức sẽ tăng tiến, phước báo cũng sẽ tăng).

Xa thì nên nghĩ cách truyền bá cái đức khí của tổ tông. Gần thì nên nghĩ rằng cha mẹ có điều gì sai trái, mình sẽ che đậy cho cha mẹ; đây là chỗ thuyết minh cái ý nghĩa lớn lao trong câu của Mạnh Tử: "Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn" (Cha che giấu cho con, con che giấu cho cha). Trên thì nên nghĩ đến việc báo ơn đất nước. Dưới thì nên nghĩ đến việc tạo phước cho một nhà. Ngoài thì nên nghĩ đến việc cứu giúp người khác đang hoạn nạn ngặt nghèo. Trong thì nên nghĩ cách đề phòng chính mình nghĩ bậy và làm bậy. (Sáu cách suy nghĩ này đều là từ mặt chính mà khẳng định vấn đề để luôn giữ cái tâm như thế thì ắt sẽ thành chính nhân quân tử).

Một người mỗi ngày cần phải biết mình đã có sai trái gì thì mới có thể ngày ngày hối cải lỗi lầm. Nếu một ngày mà không biết cái sai trái của mình là một ngày an nhàn cho rằng mình chẳng có gì sai trái. Nếu như mỗi ngày đều không có sai lầm nào được sửa đổi thì mỗi ngày chẳng có gì tiến bộ; những người thông minh tuấn tú trong thiên hạ thực không phải là thiếu, nhưng nếu họ không chịu dụng công tu sửa đạo đức của họ, không dụng công xây dựng sự nghiệp; chỉ vì hai chữ "nhân tuần" (giữ cái cũ, không chịu tiến bộ), gặp sai trái miễn sao qua được thì thôi, không nghĩ cách tiến bộ, cho nên mới phí uổng cả một đời của họ.

Những lời dạy của Thiền sư Vân Cốc về sự lập mạng quả là đạo lý vô cùng tinh tế, thâm sâu, vô cùng chân thực, đúng đắn. Hy vọng con sẽ nghiên cứu kỹ càng và sẽ hết lòng hết sức thực hiện, quyết chớ để ngày tháng quý báu trôi qua một cách vô ích.

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ