Ngôi Đất Nhà Bà Trạng Lễ Phi
THANH LIÊN cư sĩ
Trong hàng phụ nữ Việt Nam từ cổ chí kim, có lẽ Lễ Phi là con người có nhiều điểm lạ nhất.
Bà là một người đàn bà duy nhất đã đi thi trong thời chữ Hán còn ngự trị ở trên đàn văn học xứ này, một thời đại dài dặc mà tất cả các triều đại đều cấm phụ nữ không được bước chân vào trường thi, dù thông minh hay học giỏi đến đâu đi nữa. Bà đã thi đỗ Trạng Nguyên. Điều lạ nhất là bà đã kế tiếp lấy 3 ông chồng, và cả 3 đều làm vua, chồng thứ nhất là vua nhà Mạc, còn hai ông sau là hai ông chúa Trịnh.
Huyệt ốc biển nhả ngọc, kiểu nhất kính tam vương
Bà tên Nguyễn Thị Lễ, con gái nhà họ Nguyễn ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tục truyền ông nội bà là một ông cụ lang, chủ một tiệm thuốc bắc ở gần cây đa đầu làng. Một hôm có người khác từ bên Tàu sang bị bệnh cảm hàn, được cụ chữa cho hết. Người khác đem bạc ra làm lễ tạ, cụ khước từ, nên đã tìm cho ngôi đất cải táng hài cốt thân mẫu tức bà cố nội của Lễ Phi. Kiểu đất này là kiểu "Nhất Kính chiếu tam vương", nghĩa là sẽ phát ra cung phi, nhưng lấy đến ba đời chồng vua, kiểu đất phía trên có cái gò cao, kế đó không xa có cái gò dài chạy quanh, chỗ ngắt lại có cái gò khác nổi lên và có một hồ nước ngay trước, xa trông như hình con ốc biển nhả ngọc nên gọi là đất "hải loa thổ châu hình". Chính huyệt ở chỗ bên trên cái hồ nước.
Để xong, thầy địa lý cho một bài đoán bằng 4 câu thơ sau:
Kim tinh phục ngọa tại bình nguyên
Thủ vĩ đê bì khúc bối viên
Tiền hữu minh châu lai tác án
Cung phi hoàng hậu thị vương tiền
Nghĩa là:
Sa kim nằm úp đồng bằng
Đầu đuôi trũng thấp lưng hằng uốn cong
Ngọc trai trước án thong dong
Cung phi, hoàng hậu sẽ bùng phát lên
Quả nhiên khi để đất được vài năm, người con trai cụ lang sinh ra bà Lễ Phi. Lễ Phi có nhan sắc tuyệt trần lại thông minh lạ thường. Năm lên 10 tuổi vì nơi quê hương là chỗ chiến trường nên cha mẹ phải tản cư lên Cao Bằng lánh nạn. Vì hiếm con, Lễ Phi được cha mẹ cho giả làm con trai để đi học chữ Nho. Sẵn tư chất thông minh, Lễ Phi học chẳng bao lâu đã lầu thông kinh chuyện, sử sách và sở trường tất cả các lối văn bài thơ phú.
Cô gái chưa hai mươi tuổi đã đè đầu các văn nhân sĩ tử
Gặp lúc nhà Mạc mở khoa thi, các sĩ tử tham dự rất đông, Lễ Phi thấy thế cũng giả làm thanh niên đem lều chõng vào trường dự thi. Chủ ý của bà là thi cho vui với thiên hạ. Không dè khi yết bảng truyền lô, tên bà lại đứng hạn Tiến Sĩ thứ nhất, tức Trạng Nguyên. Hôm đãi yến các tân khoa, vua Mạc Hậu Hợp thấy trạng nguyên dung mạo y hệt một mỹ nữ, liền sai người dò hỏi. Khi biết rõ sự thật, vua Mạc liền triệu ngay vào cung lấy làm vợ. Lễ Phi được phong làm thứ phi, vua Mạc rất yêu quý. Chẳng bao lâu vua Mạc Hậu Hợp bị quân chúa Trịnh đánh bắt được. Cơ nghiệp nhà Mạc sụp đổ, con cháu và dư đảng phải chạy lên Cao Bằng cố thủ.
Lễ Phi lúc ấy cũng chạy trốn khỏi thành Thăng Long, bà trốn vào trong một hang núi, bị quân Trịnh bắt được. Họ toan trói, bà không chịu, nói:
- Các ngươi đã bắt được ta phải đem về ra mắt chủ tướng, chớ không được vô lễ.
Quân sĩ nghe nói lấy làm ngạc nhiên, họ không trói mà chỉ dẫn về giải đến trước mặt Bình An Vương, Trịnh Tùng Vương thấy bà nhan sắc tuyệt đẹp, đem lòng sủng ái rồi lập làm thứ phi. Năm ấy bà Lễ Phi mới vừa hai mươi tuổi.
Làm thứ phi của cha rồi lại thứ phi của con
Lễ Phi làm vợ Bình An Vương Trịnh Tùng được 5 năm. Bình An Vương tạ thế, vì không con, bà xin vào chùa để thí phát đi tu.
Bình An Vương mất, con trưởng là Trịnh Tráng lên nối nghiệp cầm quyền. Đô Nguyên Súy, tổng quốc chính, vì cần dùng một nữ học sĩ để dạy các vương nữ và các cung nhân học triều đình tiến cử. Lễ Phi được mời vào lãnh chức vụ ấy.
Thanh Đô Vương ra vào cung, thấy Lễ Phi còn trẻ đẹp lộng lẫy, nên ít lâu hai người cùng tư tình dan díu, rồi bà lại trở thành thứ phi trong bí mật của Vương. Vương phong bà làm Chiêu Nghi phu nhân, nhưng người ta vẫn quen gọi tên Lễ Phi.
Đối với bà cũng như đối với Thanh Đô Vương, dư luận có thái độ không tốt, người ta cho đó là một chuyện loạn dâm vì dù sao Lễ Phi cũng đã là vợ của Tiên Vương Trịnh Tùng. Nhưng nhờ bà có tài về văn chương nên sau cũng dần dần được dư luận khoan dung. Chúa Thanh Đô Vương đối với bà chẳng những đã mê về sắc mà còn trọng về tài. Sắc thì khỏi nói, với cái dung nhan và thân hình của một giai nhân tuyệt thế mới hăm lăm, hăm sáu tuổi đầu ở trong cảnh ăn sung mặc sướng, không phải lo nghĩ gì. Còn tài thì tài học Trạng Nguyên Vương có hỏi han điều gì bà đều đối đáp rất trôi chảy rành mạch. Có lúc Vương muốn công khai phong bà làm thứ phi, nhưng lại đình chỉ vì sự cản ngăn của các quan văn võ triều thần.
Thanh Đô Vương yêu Lễ Phi đến cả về sau những quyển thi đình thi hội và những biểu văn của quần thần cũng đều giao bà thừa ủy nhiệm xem xét.
Chỉ một lời nói mà một thí sinh được thi đỗ ông Nghè
Theo tục truyền, vào một khóa thi Hội, Lễ Phi được phép ăn mặc giả đàn ông để dự trong hàng các khảo quan. Một thí sinh làm bài đáng lẽ viết "thượng hữu vi chi quân, hạ hữu vi chi thần, thì ông ta lại sơ ý viết lộn ra là "thượng hữu vi chi quân, hạ hữu vi chi quân". Ban giám khảo toan đánh hỏng vì cho viết thế là cẩu thả, không có nghĩa lý gì. Lễ Phi nhận thấy bài làm cũng khá, nên bảo các quan trường:
- Thí sinh này không phải cẩu thả đâu, mà có dụng ý đấy. Thượng hữu vi chi quân là nói Đức Hoàng Đế (chỉ vua Lê) Hạ hữu vi chi quân là chỉ Vương Thượng (chúa Trịnh) đó.
Các khảo quan nghe nói như vậy đều sợ toát mồ hôi, thành chẳng những không dám đánh hỏng mà còn khuyên lấy khuyên để vào chỗ chữ "quân" viết san ở dưới và chấm cho đỗ cao.
Chỉ một việc này đủ biết học lực và lý luận của Lễ Phi như nào. Còn sự thật thì ông thí sinh kia vì vô ý viết sai, chớ đâu phải chủ tâm làm vậy. Ấy thế là nhờ bà, khoa ấy, ông ta đỗ tiến sĩ, mà lại đỗ cao mới thật là phúc đức làm sao...
Theo sách Công Dư Tiệp Ký, khoa thi Đinh năm Tân Mùi người trúng thứ nhất là ông Nguyễn Thọ Xuân, văn ông làm nhiều điểm quá, khảo quan không biết hết, chúa Trịnh phải trao cho Lễ Phi chú giải. Bà chú giải không thiếu sót điểm nào, cả triều ai nấy đều thán phục. Nguyễn Thọ Xuân vốn là em họ của Lễ Phi, nên khi thi xong, ông ra ngoài nói với chúng bạn:
- Văn tôi kỳ này chắc cả triều không ai hiểu hết, chỉ trừ chị gái tôi là Lễ Phi mà thôi. Quả sức học của Lễ Phi thật uyên thâm uẩn súc.
Ngoài ra, Phi còn là người độ lượng. Như trước kia Phi có người anh ruột bị kẻ đồng hương hãm hại. Khi Phi vinh hiển kẻ ấy trở lại phụng sự Phi, Phi cũng bỏ qua. Phi thọ 80 tuổi, trải qua 3 đời vua, đúng như lời thầy địa lý đoán. Nhưng Phi không có người con nào, kể cũng đáng buồn thay. Sinh thời, Phi có tập văn Gia Ký bằng Quốc Âm, ghi chép những văn thơ và các việc riêng của mình, nhưng bị thất lạc trong lúc quân Tây Sơn tiến ra Bắc Thành, nên nay chỉ còn truyền lại, như câu ví mình với Bạc Thị, thứ phi của vua Hán Cao Tổ (mẹ vua Hán Văn Đế):
Kém vì một chút đảo điên
Song le Bạc Thị vốn duyên Hán Hoàng
Và câu tự nói cái tài học:
Nữ nhi dù đặng có lề
Ắt là tay thiếp kém gì Trạng Nguyên
Kể cũng là một cô gái kỳ tài hiếm có ở Việt Nam này vậy.
Nguồn: KHHB - Số 31
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)