Nhà Học Giả Phạm Quỳnh
Quản Văn Chính
Nhân đọc bài "Tôi minh oan cho học giả Phạm Quỳnh" của Cụ Thiên Lương đăng trong KHHB số ngày 20/12/1972 vừa rồi, tôi thấy điều thắc mắc của tôi từ gần 20 năm nay được khơi lại. Vốn là vào năm 1955 khi cụ Nguyễn Phúc Ân cho xuất bản quyển "Tử Vi Lập Thành và Phục Đoán" trong đó lá số "Một Bước Thượng Thư" mà tôi ngờ là số của cụ Phạm Quỳnh đã làm tôi băn khoăn rất nhiều bởi lẽ:
Đi tìm một ngày sinh đúng:
1) Khi theo học cụ Thầy Kế thì tôi được kể cho biết là ông Chủ nhiệm Tạp chí Nam Phong sinh ngày mùng 7 tháng 12 năm Nhâm Thìn hồi gần 4 giờ sáng (giờ Dần). Như thế Mệnh đóng tại cung Hợi có Thái Dương tọa thủ.
Đó là điều mà giới Nghiên cứu Tử Vi lấy làm đắc ý lắm để giảng giải về cái chết "bất đắc kỳ tử" của một Văn tài nơi đất Bắc, chẳng may ngộ tai nạn bị giết sau chính biến mùa thu năm 1945. Cụ Phạm Quỳnh mất 54 tuổi vì Mệnh có Thái Dương hãm địa tại cung Hợi và đối xung có Thiên Không, Kiếp Sát "tu phòng đao nghiệp".
Lá số Tử Vi thứ nhất - Cụ Phạm Quỳnh
2) Nhưng có lẽ sự giảng giải này không được nhiều người đồng ý nên cũng vào những năm lo âu hỗn loạn sau khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946 người ta đã có nhiều thì giờ bị bắt buộc "ngồi không" mà đem lá số của cụ Phạm Quỳnh ra thảo luận để đi đến kết quả là Cụ Phạm sinh vào ngày 26 tháng 12 năm Nhâm Thìn, giờ Dần, Mệnh có Thiên Lương cư Hợi ngộ Lưu Hà và Kiếp Sát nên bị chết một cách bi đát, thảm thương.
Lá số Tử Vi thứ hai - Cụ Phạm Quỳnh
3) Trên 20 năm về trước, kinh nghiệm về khoa Tử Vi của tôi còn quá ít ỏi nên dừng trước hai luồng dư luận khác nhau về ngày sinh của cụ Phạm, tôi tìm đến tận nhà cụ ở phố Hàng Da, để gặp Bà Tôn Thất Bình là Trưởng Nữ của cụ Phạm. Đó là vào đầu năm 1952, tôi đi cùng bào huynh của nhạc phụ tôi là Linh Mục Phạm Ngọc Túc, cha Túc vốn là cha xứ Lục Thủy một làng gần Hàng Thiện là nơi mà Cụ Bà Phạm Quỳnh tản cư đến sau biến cố 1946, nên cha rất thân với gia đình cụ Phạm và bấy giờ đây mỗi khi cha đến Sài Gòn, tôi chắc cha Túc cũng không quên đến thăm con cháu của nhà học giả quá cố, mà cha thường cho tôi biết là cha rất quý mến.
Nhưng riêng đối với tôi thì sau khi ở nhà Bà T.T.Bình về, tôi đã băn khoăn thắc mắc lại thêm thắc mắc băn khoăn. Vì Bà con gái cụ Phạm lại quả quyết rằng Cụ Phạm Quỳnh sinh ngày 27 chứ không phải 27 tháng Chạp hay mồng 7! Tôi chắc bà ta không có ý dối bởi lẽ hy vọng tôi xem kỹ để tìm ra số mệnh của bà và của Ông T.T.Bình mà nhiều người cho là còn sống vào 1952.
Bà Bình có bảo với tôi rằng "với ngày 27, Mệnh của Cụ tôi có Liêm Tham Tị Hợi, và như thế mới có "truyền tinh" với tôi sinh ngày 28 tháng 9 năm Quý Sửu (60 tuổi), giờ Mùi, Mệnh có Tử Vi, Tham Lang ở Mão.
Lá số Tử Vi thứ ba - Cụ Phạm Quỳnh
4) Nếu so là số của Bà Bình theo như ngày tháng ghi trên thì phải công nhận rằng Cụ Phạm Quỳnh sinh ngày 26 là hợp vì trên lá số mà cụ Thiên Lương đã lập ra trong KHHB ra ngày 20-12-1972 cung Tử Tức của cụ Phạm Quỳnh quả có Tham Lang, tức là có truyền tinh với lá số của Bà Bình là Trưởng nữ của cụ.
Song lẽ, tôi thấy cũng cần nêu lên ở đây lá số của cụ Bà Phạm Quỳnh để quý vị độc giả xa gần có nhiều dữ kiện suy luận. Cụ bà cũng sinh năm Nhâm Thìn, tháng Giêng, ngày 24, giờ Tuất, Mệnh Cơ lương ở Thìn.
Lá số Tử Vi - Cụ Bà Phạm Quỳnh
5) Nhưng dù sao, tôi cũng xin được ghi ra đây những lời giảng giải của Cụ Thầy Kế đã từ lâu bấm số cho Cụ Phạm Quỳnh và đoán trước được, những năm tháng Vinh Quang, căn cứ vào ngày mồng 7, tháng 12, năm Nhâm Thìn, giờ Dần.
Sức nhớ dai của Thầy Kế:
Để chứng minh rằng Cụ Thầy Kế có một ký ức trung thành lạ lùng, tôi xin ghi ở đây rằng Cụ Kế đã cho tôi ngày sinh của quý cụ Trần Văn Chương, Phạm Duy Khiêm, cụ Cả Tể là những vị có danh tiếng, đã từng đến xem số nơi Cụ Kế tại Hà Nội và Nam Định trước đây 3, 4 chục năm. Nếu quý Cụ đây hỏi tôi để kiểm lại sự "nhớ dai" của Cụ Thầy Kế, và nếu quả tôi có giữ được ngày sinh của Quý Cụ thì ắt ngày sinh của Cụ Phạm Quỳnh ắt cũng phải đúng.
Và dựa vào ngày mồng 7, tháng Chạp, năm Nhâm Thìn (1892), giờ Dần. Cụ Thầy Kế có giải đoán lá số như sau:
Lá số Tử Vi cụ Thầy Kế bấm cho cụ Phạm Quỳnh
Giải đoán của Thầy Kế:
- "Mệnh lập tại cung Hợi, có Thái Dương tọa thủ là Nhật Trầm Thủy bể, loạn thế xuất đầu, nhược ngộ Kiếp Sát, Thiên Không, tu phòng đao nghiệp".
(Ngộ có nghĩa là đồng cung, hoặc đối cung xung chiếu, như Tị và Hợi cung).
Thấy rằng câu Phú trên, áp dụng vào những năm từ 1930 đến 1945 tại nước ta được coi là "loạn thế" và vào cuộc giầu sang tột bậc, cùng cái chết vì đao súng của Cụ Phạm Quỳnh thật là đúng, nên hôm nay, mặc dù tôi vẫn nghe danh cụ Thiên Lương đã từ lâu và những lời minh oan của Cụ cho Cụ Phạm Quỳnh thật là chí lý, tôi cũng xin trình bầy lời giải đoán của Cụ Thầy Kế ra đây để quý vị độc giả cao minh nhất là những vị nào có quen biết nhiều với gia đình Cụ Phạm có dịp so sánh hai lá số khác nhau về một người để xác định lại xem ngày nào hợp hơn.
Tôi nói thế vì tôi thua Cụ Phạm đến hơn 20 tuổi và biết Cụ nhiều qua những bài đã viết trong Tạp chí Nam Phong, và chỉ có một lần được nhìn thấy Cụ Phạm vào năm 1940 hay 1941 gì đó khi cụ mặc quốc phục đeo bài ngà đến Thư Viện trường Luật Hà Nội hỏi vấn đáp các thí sinh thi Tri Huyện. Mặt Cụ dài trông như kiêu hãnh, nhất là khi cụ nghe thấy vị Thủ Khoa nhắc lại được lần lần những tư tưởng mà Cụ đã trình bày trong tạp chí Nam Phong!...
Ứng với câu phú trong sách ông Vân Đằng:
Tiếp với câu Phú mà Cụ Thầy Kế đã nhắc lại ở trên, tôi thấy các sao tọa chiếu cung Mệnh của cụ Phạm Quỳnh có thể được tóm tắt trong câu này của ông Vân Đằng Thái Thứ Lang.
"Nhật cư Hợi địa, Nhật trầm thủy bể ngoại củng Tam Kỳ, Tả Hữu, Hồng Khôi, kỳ công quốc loạn viên! thành hoan ngộ Phượng, Long, Cái, Hổ bất kiến sát tinh thịnh thế phát danh tài".
Xét lá số của cụ Phạm Quỳnh sinh ngày mồng 7, chúng ta ắt thấy Mệnh có Hữu Bật, Hồng Loan, Lộc Tồn, Bác Sĩ, Lưu Hà và Bệnh.
Xét đối cung về tam hợp, chúng ta thấy Mệnh, ngoài những sao trên lại được những cách tốt như sau:
1) Có Khôi Việt chiếu (Thiên Ất quý nhân cách) vào Thái Dương thông minh, có danh vọng lớn.
2) Có Hữu Bật ở Mệnh và Tả Phù ở cung Quan Lộc. Có cách này, theo lối "duy danh định nghĩa" (căn cứ vào tên gọi mà suy ra tinh chất) thì luôn luôn được người giúp đỡ để thành công. Nếu dựa vào câu Phú mà Ông Vân Đằng Thái Thứ Lang đã chép ra như trên thì lá số sinh ngày mùng 7 của cụ Phạm Quỳnh chỉ có thiếu "ngoại củng Tam Kỳ", tức là không đủ Khoa, Quyền, Lộc củng chiếu.
Nhưng đến đây tôi xin lưu ý quý vị độc giả rằng, theo quy luật "Lương Vi Phủ Vũ" thì Hóa Khoa và Hóa Quyền trên lá số này được đóng đồng cung tại cung Dần, là cung Điền Trạch.
Điểm này quan trọng vô cùng, vì áp dụng luật "Nhị hợp", Dần và Hợi là nhị hợp, lá số của cụ Phạm Quỳnh có đủ "Khoa, Quyền, lộc củng danh dự chiêu chương".
Lại nữa "Mệnh hảo bất như Thân hảo, Thân hảo bất như Hạn hảo". Tức là đại hạn 34-43 tuổi, số của Cụ Phạm đi đến 1 đại hạn tốt làm cho cuộc đời lên hương một cách mạnh mẽ lạ lùng, từ một ông Chủ báo bước một bước dài đến Thượng Thư Bộ Lại rồi Ngự Tiền Văn phòng (gần như một Thủ Tướng bấy giờ). Có lẽ vì danh vọng quá mau lớn nên phải coi như Mệnh có Thiên Lương tọa thủ có Thiên Đồng đối củng để có thể áp dụng câu Phú:
"Lương Đồng Miếu Vượng cũng hay
Xưa kia bạch thủ mà nay sang giầu"
Như vậy, khi nghiên cứu về sự giầu sang của cụ Phạm Quỳnh, học giả Tử Vi có hai cách giảng.
- Thứ nhất là Thiên Lương ngộ Thiên Đồng
- Thứ hai là Mệnh có Lộc Tồn tọa thủ có Hóa Lộc ở cung Tài Bạch chiếu, và nhờ "nhị hợp" mà có đủ "Khoa, Quyền, Lộc củng, danh dự chiêu chương".
Sự ngộ nạn của cụ Phạm Quỳnh:
Nhưng nếu nay xét đến việc cụ Phạm Quỳnh ngộ nạn vào năm 1945 khi cụ được 54 tuổi, thì ta sẽ giảng giải ra sao?
- Cụ Thiên Lương cho rằng đó là tại Thiên Lương ngộ Hà Sát, lại cung Thân có Tướng Quân, Thiên Khôi ngộ Triệt.
- Cho dù đã có Hóa Khoa làm giảm nhẹ sự xấu (đến đây tôi xin hỏi không biết người tuổi Nhâm thì an Tứ Hóa như tôi nói ở trên, hay Hóa Khoa phải đi với Tả Phù?)(Điều này đã làm cho giới nghiên cứu Tử Vi phân vân rất nhiều, vì không những chữ "Phù" và chữ "Phủ" dễ lộn nhau vì dù mà hai chữ ấy khác nghĩa khác lối viết mà cũng bị dùng lẫn lộn.
Giảng như Cụ Thiên Lương hợp lý lắm, vì tôi cũng đã thấy mấy trường hợp "chết oan" sao Thiên Lương ở Tỵ ngộ Hao Sát "đao nghiệp binh thương" (Xin quý vị thử xét của hai thanh niên một sinh năm Canh Thìn, tháng 7, ngày 15, giờ Mão, một sinh năm Quý Tị, tháng 5, ngày 27, giờ Sửu).
Lá số Tử Vi - Thanh niên thứ nhất
Lá số Tử Vi - Thanh niên thứ hai
Cụ Thầy Kế thì áp dụng câu Phú "Thái Dương cư Hợi, Nhật trầm thủy bể, nhược ngộ Sát tinh, tu phòng đao nghiệp" mà giảng giải chuyện không may lớn đã xảy ra cho cụ Phạm Quỳnh. Thật là kỳ diệu!
Nếu cụ Phạm Quỳnh cải số mệnh:
Song lẽ, người ta có thể cải được số mệnh. Nếu trong suốt thời gian dài biết bao (từ năm 25 tuổi đến năm gần 40 tuổi nhất là trong cái đại hạn tốt đẹp là đại hạn 34-43 tuổi (1926-1936) trước khi vô Kinh lãnh chức Thượng Thư, cụ Phạm Quỳnh chịu khó bỏ ra chút thì giờ ngẫm nghĩ kỹ câu Phú trên được áp dụng vào cuộc đời mình thì biết đâu cụ lại không đề phòng được "đao nghiệp" và nền Văn hóa học thuật của nước nhà lại không thêm được ít trang Văn chương hay tư tưởng hay như những bài "Thăm Vịnh Hạ Long, thăm các Lăng Tẩm ở Huế".
Vì cảm nghĩ như thế nên mặc dù gặp bao khó khăn, thử thách, tôi vẫn cố gắng trình bày cùng quý vị độc giả và thân chủ những gì tôi đã học được về Tướng, số Tử Vi với hy vọng rằng nhờ biết trước được phần nào Định Mệnh của chúng ta, chúng ta có thể làm cho đời sống cá nhân và xã hội mỗi ngày một tốt đẹp, thịnh vượng hơn thêm.
Nguồn: KHHB - Số 36
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân
Cụ Đẩu Sơn Góp Ý Về Vòng Tràng Sinh
Lá Số & Cuộc Đời Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp
Trung Tín Nghĩa Khí Là Quan Vân Trường