Thần Khê Định Số: Hai Cuộc Đời Chung Một Lá Số
Đông Nam Á
Ông bói Lợn và bà cụ Phó Tư cùng sinh một ngày, giờ, tháng, năm. Hai người ở hai làng bên nhau, bà cụ Phó ở Ơn Xá ông bói Lợn ở Tuấn Di, hai người cùng là chỗ thân với tôi. Hai người khác nhau, một nam, một nữ nhưng lá số giống nhau, chỉ khác có vòng Đại vận một người đi nghịch, một người đi thuận.
Ngày giờ sinh là 21 tháng 6, giờ Tị, năm Bính Tuất (1886)
Lá số Tử Vi - Ông Bói Lợn
Lá số Tử Vi - Cụ Bà Phó Tư
Trên lá số, cả hai cùng Thất Sát ngộ Hình, có Đại Tiểu hao, được cách Thất Sát Triểu Đẩu. Một người Thân cư Phu, một người Thân cư Thê, cung này đều có Thiên Tướng và Liêm Trinh ngộ Hóa Kị.
Vận mạng giầu có vô kể
Lúc niên thiếu, hai người đều là vô sản chính cống. Nhưng lớn lên, ông Bói Lợn, sau khi bị đậu mùa mù mắt, học nghề bói và trở thành giầu có nhất vùng (xin coi các số giai phẩm trước), và sự may mắn của ông có trong khoảng 20 năm (1926-1946). Bà cụ Phó cũng kiếm tiền mạnh bắt đầu khoảng thời gian như của ông Lợn nhờ một may mắn khôn lường. Đúng là "số giầu đem đến dửng dưng. Lọ là con mắt cháo chưng mới giầu".
Cái giầu của bà Phó Tư nổi lên như sau:
"Hồi 1920, đồng quê vẫn có cái quan niệm chê bai kẻ sống quanh khu chợ thiếu chất phác, vì thế mà có câu "quân tử kẻ chợ" để chỉ về sự quay quắt, gian ngoan của một số người. Chợ Đường Cái ở xã tôi khi ấy chỉ lèo tèo độ mươi gia đình. Bà Phó Tư nghèo nên cũng ra đó, cất cái lều bán hàng. Từ 1923, con đường số 5 Hà Nội, Hải Phòng trở thành con đường thương mại phồn thịnh, căn nhà tranh của bà Phó Tư được các hãng buôn Hà Nội, Hải Phòng chiếu cố đến, tải hàng về gửi bán, bán xong mới phải trả tiền. Nào nhà thuốc Nhị Thiên Đường, công ty dầu lửa Con Sò, Con Gà, nào các chú Tây Đen bán vải, tất cả đổ hàng về cho bà Phó Tư. Chỉ 2 năm sau, căn nhà tranh thành ngôi nhà gạch khang trang 2 tầng. Dĩ nhiên, cũng có những người khác ra buôn bán tranh khách, nhưng chẳng ai địch nổi bà phó Tư, vì bà bán từ lâu có tiếng, lại bán rẻ. Bà phó Tư lại được các nhà buôn đặt mua gạo, bà mới đi lấy gạo ở các xã, và gạp tốt kìn kìn chở hàng toa xe lửa hàng ngày lên Hà Nội, bà càng giầu lên".
Bà phó Tư quá giầu, dân xã tôi nghèo, nên mỗi lần dân đau ốm hoặc có việc gì cần tiêu pha, họ đều đem ruộng lên cầm cố nơi bà Phó. Nhà tôi cũng mất 5 sào ruộng cho bà Phó, được 100 đồng, đóng tiền lời hàng tháng được 3 năm tổng cộng 110 đồng, đến năm thứ tư không đóng nổi, nên bị siết ruộng. Ruộng quơ vào nhà cụ Phó Tư đến 130 mẫu, trong khi cả xã tôi có 200 mẫu.
Nét tướng
Cụ bà Phó Tư có nước da đen đen, mắt to, tròn, tiếng vang, thân hình gầy, nhưng mạnh. Thịt không nhiều, môi thâm, lợi thâm. Trán cao rộng và cân đối, môi hơi mỏng lúc cười môi trên như đâu mất, phô ra hàm răng trên rõ ràng. Một điểm đặc biệt, cụ có 36 cái răng. Cụ đi nhanh nhẹn.
Ông Bói Lợn trán cao, mặt rộng, tiếng vang vang, vì bệnh đậu mà lỗi mũi nhỏ lại chỉ còn vừa cái chân nhang qua lọt (vì thế, khi thở ông phải dùng sức, nghe khịt khịt, mới có cái hỗn danh là ông Lợn. Miệng nhỏ, môi dưới chề ra, đâu môi nhọn, trông như con vịt há mỏ. Râu thưa, mi không có. Da đỏ tía, cằm lẹm, không xứng với trung đình và thượng đình).
Cuộc đời
Ông Lợn góa vợ khoảng tuổi 50, có 4 con trai, ông mất năm Mậu Tí, thọ 63 tuổi, tài sản lớn lao của ông bị tan tác, mấy đứa con cũng chết khổ. Bà cụ Phó đến 82 tuổi mới góa chồng, và mãi đến năm 88 tuổi mới mất (mất tháng 11 năm 1973 tại Khánh Hội, Sài Gòn vì cụ có di cư), tài sản gây dựng lại to tát.
Tôi vốn đam mê khảo cứu về các lá số đồng sinh, nên rất lưu ý hai cuộc đời trên. Tôi đã nêu lên sơ lược cuộc đời của cụ Bói Lợn, đại khái là cụ coi bói, làm giầu, nhưng mấy năm chót của cuộc đời tài sản mất cả, và mấy đứa con mà cụ trông cậy nhất (anh Khang, anh Đỉnh) chết một cách khổ sở. Bây giờ tôi xin kể số mạng bà cụ Phó Tư để quý bạn thấy rõ người ta có số, và cũng để quý bạn tiếp nhận một câu Phú trong Thần Khê Định Số (còn câu Phú về cụ Bói Lợn thì đã được nêu lên rồi, tuy rằng tôi chưa kể hết về những việc biểu lộ tính tình làm tiền tàn độc của Cụ).
Cảnh ngộ và những cuộc coi tướng kỳ thú
Lúc thiếu thời, tôi bỏ quê đi làm ăn xa, lang bạt khắp Thượng Du Bắc Việt, sang Tầu, chỉ vì nhà nghèo, ruộng bán hết, và tôi biết không còn cách nào để sinh sống nơi làng xã. Trong khi đó, những người nghèo trong làng phải đi kêu cầu cụ Phó Tư cho mướn ruộng. Tôi biết rõ cuộc đời của gia đình cụ Phó (vì cụ là bà bác bên vợ tôi).
Năm 1942, nhân về làng thăm cha già (đã 72 tuổi), tôi có thỉnh cả tôn sư tôi (vị tôn sư dạy tôi khoa tướng ở Trung Hoa) cùng về thăm cảnh Hà Nội và quê tôi.
Tôi đã thuật vụ tôn sư tôi xem tướng ông Bói Lợn và các đứa con kèm theo các câu phú Thần Khê Định Số mà tôi kể ra.
Về cụ bà Phó Tư, tôn sư tôi nói:
- Thọ lắm, và giầu có cho đến lúc mãn phần.
Trong phép coi tướng, tôn sư tôi luôn luôn phối kiểm và dung hòa với nét tướng của con cháu, cho nên nói vậy rồi, và sau khi coi lá số, Tôn sư tôi tiếp:
- Mạng và Thân tuy giầu vì Đại Hao, Hóa Kị, nhưng có Kình, Hình, Tang, Hổ toàn là sao ít tình cảm, nên bà này hơi nghiệt. Nhưng thầy chưa được coi tướng và hành động các con của bà ta.
Thần Khê Định Số
Trong lúc chờ đưa thầy tôi coi mặt mấy người con của bà Phó Tư, tôi coi lại bộ phú luận về các hung tinh trong Thần Khê Định Số
"Đại Hao nếu được hắc bì
Long Ngưu, bạch nhãn, uất trì tướng quân
Nếu Tang, Hổ, Kình, Hình, Hóa Kị
E tâm tư kém vẻ đức nhân".
Mạng có Đại Hao mà được da đen, thì có uy dũng như Uất Trì Cung. Còn có thêm Tang, Hổ, Kình, Hình, Hóa Kị, thì kém nhân đức. Xét ra người kinh doanh mà trở nên giầu có, tất lòng nhân đức phải kém trừ ra có những hành vi nào kéo lại, như tính hiền hòa.
Màn coi tướng
Lúc tôi đưa tôn sư đến cửa hàng cụ Phó, có anh Đức (con trai cả) tiếp đón và mời nước. Rồi anh An (con trai thứ) cũng bước ra chào hỏi người đi xa mới về.
Tôi xét thấy An thì lém luốc, nhưng nói dối như cuội, còn Đức thì lầm lì ít nói. Cả hai anh em đều giống nhau ở chỗ không mời ai điếu thuốc bao giờ, và cũng không bao giờ cho kẻ nghèo khổ đồng xu nhỏ.
Tôn sư tôi trông thấy hai người, có vẻ sửng sốt.
Khi ra khỏi cửa hàng cụ Phó, tôi hỏi, thì tôn sư tôi đáp:
- Tướng bại nghiệp, cơ hàn cực khổ đến nơi cả rồi. Người anh thì phá tán tiền bạc. Người em thì hỏng.
Thật tình, khi ấy tôi hoài nghi cái tài của ông Voong Si, thầy tôi. Cái gì mà bại nghiệp. Người ta đang giầu có như thế, và cả hai người con bà Phó Tư cùng hà tiện, cần kiệm, không thuốc lá, không trà tẩu, không cờ bạc...Làm sao bại nghiệp được? Lúc đó bà Phó Tư đã dựng vợ gả chồng cho các con (bà còn có 2 con gái) nuôi cả dâu lẫn rể, lại chia cho mỗi người 3 căn nhà gạch và 30 mẫu ruộng.
Số mạng là đây
Cuối năm 1946, chiến tranh bùng nổ, nhà cửa hai bên đường số 5 tiêu tán, gia đình cụ Phó Tư chạy loạn hết.
Tháng sau 1947, cả gia đình cụ Phó Tư lại hồi cư. Lúc đó, tại xã, nhà cửa lèo tèo, hội tề có đám người già. Hai vợ chồng cụ Phó, hai người con gái (lúc đó gần 40 tuổi) ở lại xã, còn hai người con trai, Đức và An, thì cho lên Hà Nội ở cho được yên trí, Đức đã có 3 con trai, An có 1 con.
Hai anh em mang số tiền lên Hà Nội lập nghiệp, mua chiếc xe đò chạy đường Hà Nội - Hải Phòng. Không biết sao (số mạng mà) chiếc xe đổ kềnh xuống ruộng, mà mới chạy được có một ngày. Và chữa xong, chạy lại nó lại ì ạch lúc đứng lúc chạy, và cứ thường sa xuống ruộng. Chiếc xe phải bán đi, lỗ vốn, chưa kể tiền sửa chữa, cũng bằng tiền mua xe. Hai anh em mua chiếc xe Location, cũng chạy đường Hà Nội - Hải Phòng, nhưng xe người ta thì cứ chạy êm ru; mà xe nhà này, thì suốt 6 tháng, chạy được có 2 tháng. Xe lại bán lỗ vốn.
Hai anh em làm gì cũng thất bại. Cuối cùng cụ Phó ông, trong lúc mang ra cho hai con mỗi nhà một tạ gạo, như hàng tháng vẫn làm, phân phát cho mỗi gia đình số bạc 20 ngàn vào bảo là số bạc chót, ráng làm mà ăn, không có tiếp tế nữa. Anh Đức mở một tiệm giặt ủi, sống làng nhàng, còn anh An sanh nghiện ngập, mở một tiệm hút thuốc phiện.
Ở quê, cụ Phó ông và cụ Phó bà vẫn làm ăn và cố dành dụm theo chiều hướng chiến tranh, hai cụ nhất quyết ra Hà Nội làm ăn, nên bán ruộng, và góp nhặt tiền bạc mua vàng cất giữ, làm vốn thủ thân. Rồi đến ngày hội nghị Geneve mở ra, và hiệp định Geneve 1954 được ký kết.
Tháng tám 1954, cụ Phó ra Hà Nội, đưa cho anh Đức 200 ngàn và 60 lượng vàng, bảo cất giữ, chờ lúc hai cụ lên Hà Nội, sợ để ở quê bất trắc. Còn An thì cụ không đưa gì. Lúc này, hai cụ đã nghe những chuyện đấu tố rùng rợn, nhưng chưa quyết định di cư là vì còn chờ chị Nhân ở chiến khu trở về, xem chị bảo sao đã. Chị Nhân là con gái của hai cụ. Lập trường của hai cụ lúc đó là nếu con gái có thể bảo đảm cho hai cụ ở lại, thì hai cụ không phải di cư, chỉ lên Hà Nội làm ăn.
Chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn người Pháp ở Hà Nội, chị Nhân mới về nhà (chị Nhân chức lớn, không dám về sớm). Chị Nhân nói với hai cụ:
- Gia đình nhà ta phải đi hết ngay, không thể ở lại. Thầy Mẹ thu xếp để xuống Hải Phòng ngay mà vào Nam, chậm trễ thì con e mạng khó toàn. Đấu tố sợ lắm.
Cụ Phó bà nghe thế hoảng hồn, nhưng cũng còn do dự. Nhân có người rủ đi Ân Thi xem đấu tố, cụ đi xem sự thế nào. Cụ hoa mắt khi trông thấy những người đã già, bị nhốt trong cũi, rồi từng người bị lôi ra, lột hết quần áo, cán bộ dùng roi vụt túi bụi vào người, trong khi đám đông la hét "giết hết bọn phú nông".
Cụ Phó Tư cùng gia đình lên ngay Hà Nội nghĩ thầm may còn số tiền do anh Đức giữ, có thể lập nghiệp ở miền Nam khi di cư.
Các cụ vừa tới nhà Đức trên Hà Nội, Đức đã ra đón và tủm tỉm:
- Bà thật có số giầu, nên con vừa tậu xong 5 căn nhà lầu ở ngay mặt phố Huế. Tha hồ buôn bán.
Hai cụ hoảng hồn, hỏi vội:
- Còn giữ lại được ít vàng nào không?
Đức thong thả nói:
- Họ bán với cá giá quá rẻ, nếu con còn vàng và tiền, họ có đòi nhiều tiền hơn, con cũng đưa nốt cho họ, ông bà để cháu dẫn đi xem, có sướng mắt không.
Cụ Phó ông nói như mếu:
- Tao coi làm gì mấy ngôi nhà đó nữa. Mày xem có ai mua thì bán ngay cho người ta, bất cứ giá nào.
Nhưng Đức tìm, mà chẳng có ai mua. Mấy bữa sau, cả gia đình cụ Phó hơn 20 mạng, ra ga xe lửa, đi Hải Phòng, vào 1 ngày trước khi Hà Nội bị tiếp thu.
Hết của nhưng lại giầu
Năm 1955, tôi đang làm Thanh tra các trại di cư cho cụ Nguyễn Ngọc An (cụ Ngô Ngọc Đối làm Tổng ủy trưởng di cư, cụ Nguyễn Lưu Viên làm phó), gặp lại gia đình cụ Phó Tư trong trại tạm cư Nhị Thiên Đường bên Chợ Lớn. Gặp nhau biết bao tủi tủi mừng mừng. Tôi được biết câu chuyện và biết gia đình cụ Phó đã mất hết tiền bạc.
Sau tôi có thu xếp tậu cho cụ túp lều trong hẻm ở Khánh Hội với giá 3200 đồng. Nhìn chiếc lều, tôi nói với cụ: Thật cái chuồng gà của cụ ở ngoài Bắc còn hơn căn nhà này.
Ba tháng sau, qua thăm, tôi thấy túp lều đã thành một cái quán tạp hóa, và khoảng 12 giờ trưa, trời nắng gắt, cụ Phó bà gánh về hai sọt đủ thứ la ve, nước ngọt, kẹo, mía, thơm, chuối. Cụ già rồi mà cứ khỏe như con gái, tôi khen vậy. Cụ nói:
- Bà gần 70 rồi, cháu ơi.
Năm 1958, tôi trở lại thăm cụ sau một chuyến đi xa, đã thấy cụ tậu được thêm ngôi nhà lá ngoài mặt đường Tôn Đản.
Tháng 11 năm 1973, cụ Phó bà từ trần, thọ 88 tuổi. Trước khi lâm chung, cự dặn các con: 7 lượng vàng là tiền tống chung cho mẹ, cụ di thứ đòn đầu rồng, cánh phượng, chiếc hòm thửa 150 ngàn, đất nghĩa trang mua trước.
Trong 20 năm ở Nam, cụ cùng hai con gái tậu được mấy ngôi nhà ở mặt đường Tôn Đản, ngày nay giá 5, 7 triệu. Như thế là cụ Phó đã phục hồi tài sản. Lời đoán của tôn sư tôi đã đúng...
Nguồn: KHHB - Số 74- I1
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Cái Lẽ Huyền Bí Của Tạo Hóa: NGŨ HÀNH CHẾ HÓA
Hạnh Phúc Vợ Chồng Qua Cung Phối
Những Điểm Sai Lầm Trong Các Sao Tử Vi
Vài Điểm Nói Thêm Về Bản Lập Thành Lá Số Tử Vi
Về Những Kinh Nghiệm Tử Vi Chúng Tôi Tiếp Nhận Của Các Vị Lão Thành
Những Nguyên Tắc Giải Đoán Vận Hạn Trong Tử Vi
Lá Số Đặc Biệt Để Làm Quen Với Phương Pháp Giải Đoán
Phân Tích Các Nguyên Tắc Chánh Yếu Về Tinh Đẩu Tại Cung Mệnh, Thân