By Tử Vi Chân Cơ| 19:37 09/06/2024|
Bài Viết Sưu Tầm

TÍCH TẬP VIỆC THIỆN

Những phương pháp hối cải lỗi lầm đã giảng trên đây có thể cải hóa hết những lỗi lầm trong đời hiện tại tự nhiên số mạng tốt không thể biến thành số mạng xấu; nhưng những phương pháp ấy vẫn không thể khiến số mạng xấu thành số mạng tốt được. Bởi vì đời này tuy không phạm lỗi, tạo tội nhưng làm sao biết được rằng đời trước mình không phạm lỗi tạo tội! Nếu đời trước ta phạm tội thì tuy đời này ta không tái phạm, nhưng tội lỗi ta đã phạm trong đời trước vẫn phải chịu báo ứng. Thế thì làm sao lại có thể khiến "mạng xấu" biến thành mạng tốt được? Như thế không những cần phải cải hối lỗi lầm mà còn cần phải tích thiện tích đức thì mới có thể khiến cho tội lỗi đã tạo trong đời trước tiêu trừ đi. Tích tập nhiều việc thiện thì tự nhiên chuyển đổi mạng xấu thành mạng tốt, đồng thời còn có thể chứng minh được sự hiệu nghiệm của điều này. Kinh Dịch nói: "Gia đình tích tập việc thiện thì nhất định sẽ có rất nhiều điều may mắn, hạnh phúc". Xưa có người họ Nhan muốn gả con gái cho Thúc Lương Hột nên đem chuyện nhà họ Khổng đã làm mà xét từng sự việc một, biết được rằng tổ tiên họ Khổng đã lâu đời tích tập công đức rất nhiều, cho nên đoán biết rằng con cháu họ Khổng nhất định sẽ đại phát (về sau quả nhiên sinh ra được Khổng Tử). Lại nữa, Khổng Tử xưng tán cái hiếu của vua Thuấn là một sự hiếu thuận siêu phàm. Ngài nói, "Cứ như cái đại hiếu của vua Thuấn thì chẳng những tổ tông được hưởng sự tế lễ của ngài mà còn cháu ngài đời đời cũng giữ được phước đức của ngài, không thể lụn bại". (Nước Trần thời Xuân Thu chính là con cháu truyền xuống từ vua Thuấn cũng đủ chứng minh sự hưng phát lâu dài của các đời sau vua Thuấn).

Đây là lời thuyết giảng thuyết phục đúng đắn nhất vậy! Nay chúng ta lại đem cái sự việc chân thực trước kia ra để chứng minh (cái công đức của việc tích tập việc thiện).

Có một vị đã từng giữ chức Thiếu sư, họ Vương tên Vinh, người ở Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến, gia đình nhiều đời sống bằng nghề đưa đò. Có một lần mưa quá lâu, sống suối ngập đầy, thế nước hoành hành dữ dội, cuốn trôi tất cả đê điều phòng hộ, người chết đuối theo dòng nước trôi xuống, các thuyền khác đều lo vớt các thứ của cải trôi về, chỉ có ông cố và ông nội của Thiếu sư là chuyên lo cứu vớt những người dân bị nạn đang trôi nổi trong dòng nước, còn tài vật thì không vớt một thứ nào. Người làng đều cười thầm cho rằng họ ngu dại. Cho đến khi cha của Thiếu sư ra đời, cảnh nhà mới dần dần khá lên. Có lần một vị đạo sĩ, đã nói với cha của ông đã tích tập rất nhiều công đức. Con cháu sinh ra tất phát đạt làm quan lớn. Hãy chôn cất cha của ông tại nơi nọ". Cha của Thiếu sư bèn theo chỗ vị đạo sĩ đã chỉ mà chôn ông nội và cha mình. Gò mả ấy chính là gò Thỏ trắng mà hiện nay mọi người đều biết. Về sau Thiếu sư ra đời, đến năm 20 tuổi thì thi đỗ Tiến sĩ, ra làm quan nhận chức Thiếu sư thuộc bậc Tam công. Nhà vua còn tặng cho ông cố, ông nội và cha của Thiếu sư tước vị như Thiếu sư. Lại nữa, con cháu đời sau của Thiếu sư đều hưng vượng khác thường, đến nay còn nhiều vị có tài năng đức độ.

Ông Dương Tự Trừng người huyện Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, mới đầu làm Thư Biện ở huyện, tính tình vô cùng đôn hậu, lại giữ phép nước rất công minh, làm việc rất công chính. Bấy giờ quan huyện là một người rất nghiêm khắc, thẳng thắn. Có lần bỗng đánh một phạm nhân khiến người này đổ máu mà quan huyện cũng không nguôi giận. Dương Tử Trừng liền quỳ xuống xin quan huyện nghĩ tình mà khoan lượng cho phạm nhân ấy. Quan huyện nói: "Ông đã xin thì không thể không khoan thứ nhưng phạm nhân này không giữ pháp luật, vi phạm đạo lý, ai mà không nổi giận cho được chứ!". Dương Tự Trừng vừa dập đầu vừa nói: "Dạ! Trong triều đình đã không thể nói được điều phải trái nào (chính trị hắc ám, tham hô, hủ loại), lòng người thất tán đã lâu, khi thẩm xét án sự mà tra xét ra được sự thật thì cũng nên mủi lòng, thương xót họ vì họ không biết sự lý mà lầm lỡ mắc vào lưới pháp. Nếu tra xét ra đúng tội thì cũng không nên vui mừng. (Vì hễ lòng vui mừng ra rằng chỉ lướt qua, thành ra sai lạc. Nếu nóng giận thì e rằng phạm nhận chịu không nổi sự đánh đập, phải miễn cưỡng nhận tội, dễ khiến người ta bị oan uổng). Vui mừng mà còn không nên thay, huống chi nổi giận!". Quan huyện nghe xong thì rất cảm động, sắc mặt dịu hòa trở lại, không còn nóng giận nữa!

Nói về gia cảnh của Dương Tự Trừng thì nhà rất nghèo; nhưng tuy nghèo mà hễ ai cho thứ gì, ông đều khẳng khái không chịu nhận. Gặp phải tù nhân thiếu ăn, ông lại tìm cách để mang gạo đến cứu giúp họ. Một hôm, có mấy người tù mới không có thứ gì ăn nên đói lả. Nhà ông lại đang lúc thiếu gạo. Nếu đem gạo cho mấy người tù, thì gia đình không còn gì để ăn. Nếu để gạo lại cho gia đình ăn, thì mấy người tù kia bị đói thật đáng thương. Không còn cách gì khác, ông bàn bạc cùng vợ, hai vợ chồng đem chút gạo còn lại mà nấu cháo đem cho những người tù mới đến. Về sau hai vợ chồng sinh được hai con trai, đứa lớn tên là Thủ Trần, đứa nhỏ tên là Thủ Chỉ, làm quan đến chức Nam Bắc sử Bộ Thị Lang!. Đứa cháu lớn giữ chức Hình Bộ Thị Lang, đứa cháu nhỏ cũng được chức Tứ Xuyên xứ Sát Ty. Hai đứa con và hai đứa cháu đều có danh phận; hiện nay có hại vị nổi danh là Sở Đình, Đức Chính, đều là cháu chắt của Dương Tự Trừng.

Hồi xưa vào năm Chính Thống đời Minh Anh Tông có một tướng thổ phỉ là Đặng Mậu Thất tạo phản loạn tại Phúc Kiến, người có học và dân thường tại Phúc Kiến theo hắn để cùng mưu phản rất đông. Nhà vua gọi quan Đô Ngự Sử người huyện Ngân Hà Trương Gian đi tiêu trừ bọn chúng. Trương Đô Hiến (Đô Ngự Sử họ Trương) dùng mưu bắt được Đặng Mậu Thất. Về sau Trương Hiến lại phái một vị họ Tạ đang giữ chức Ty Bố Chính tỉnh Phúc Kiến đi tìm bắt bọn giặc phỉ còn lại, hễ bắt được kẻ nào là giết ngay (nhưng Tạ Đô Sự không chịu giết bừa, sợ giết lầm người). Tạ Đô Sự đến các nơi tìm kiếm danh sách những người theo giặc, khi tra ra được những ai không theo giặc, không có tên trong danh sách thì ngầm phát cho họ một lá cờ vải trắng nhỏ và giao ước rằng khi quân đi truy tìm bọn giặc đến vào ngày ấy thì họ phải đem lá cờ vải trắng ấy cắm ở nhà họ (tỏ ra rằng đây là nhà người dân trong sạch). Ông lại cấm quan binh không được giết bừa bãi. Do ông sắp đặt được như thế nên số người tránh khỏi bị giết lầm tính ra đến hơn một vạn. Về sau con trai của Tạ Đô Sự là Tạ Thiên thi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Tể tướng; cháu nội ông là Tạ Phi, thi đỗ Thám hoa (Tiến sĩ đệ tam danh).

Nhà họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, trong hàng thượng bối của nhà này có một bà cụ thích làm việc thiện. Bà thường lấy bột gạo làm bánh rồi phát cho người nghèo ăn. Chỉ cần có ai xin bà liền cho ngay, sắc mặt chẳng biểu lộ chút buồn phiền nào. Có một vị tiên giả làm đạo sĩ, cứ mỗi ngày vào lúc sáng sớm lại đến xin bà sáu, bảy cái bánh bột. Bà cụ đều cho ông bánh mỗi ngày, cứ như thế liên tục ba năm mà không hề mệt mỏi chán chường. Vị tiên mới hiểu được lòng chân thành làm việc thiện của bà nên nói với bà: "Ta ăn bánh bột của bà đã ba năm, biết làm sao báo đáp? Thế này vậy, đằng sau nhà bà có một chỗ đất, nếu táng tại đó thì số con cháu sẽ được quan tước kể ra cũng nhiều bằng đấu mè đấy". Về sau bà cụ mất đi, người con trai chôn cất bà tại chỗ đất mà vị tiên đã chỉ. Con cháu nhà họ Lâm đời thứ nhất có chín người đỗ đạt khoa bảng; về sau hết đời này đến đời nọ, số người được làm quan nhiều không kể xiết. Do đó mà tỉnh Phúc Kiến có câu truyền khẩu rằng: "Nếu không có người họ Lâm đi thi thì không yết bảng kết quả được" (ý nói người họ Lâm đi thi rất đông, lại đều thi đỗ cho nên đến khi yết bảng trúng tuyển, trên bảng không thể không có tên người họ Lâm; cho thấy rằng họ Lâm có rất nhiều người đạt công danh).

Cha của quan Thái sử Phùng Trác An khi còn là vị Tú tài tại trường học trong huyện, trên đường đi đến trường vào một buổi sáng sớm mùa đông rất giá rét, ông thấy một người ngã trên tuyết. Ông sờ tay vào người ấy thì thấy đã nửa phần khô cứng, cơ hồ sắp chết cóng. Lão tiên sinh liền cởi áo da đang mang trên mình mà mặc cho người ấy rồi mang người ấy về nhà cứu cho tỉnh lại. Sau khi cứu người, ông nằm mộng thấy một vị thiên thần đến báo cho ông biết rằng: "Ông đã cứu một mạng người, hoàn toàn do tấm lòng trí thành mà cứu, cho nên ta sẽ phái Hàn Kỳ đầu thai vào nhà ông mà làm con trai ông". Đến khi Trác An ra đời, được mệnh danh là Hàn Kỳ (vì ông chính là Hàn Kỳ đầu sinh).

Tại Đài Châu tỉnh Triết Giang có một vị Thượng thư là Ưng Đại Du, lúc còn trẻ, học hành ở trong núi. Ban đêm bọn quỷ thường tụ tập, cùng rú lên để dọa người, chỉ có ông là không hề sợ. Vào một đêm nọ, ông nghe quỷ nói: "Có một phụ nhân, chồng xa nhà đã lâu không trở về, cho mẹ chồng cho rằng con có thể đã chết nên bức ép nàng lấy chồng khác, nhưng nàng lại muốn thủ tiết, nhất định không chịu, cho nên tối ngày mai nàng sẽ treo cổ tại chỗ này; thế là ta có được kẻ thế thân rồi" (hễ người treo cổ chết mà không có người thế thân thì không cách gì đi đầu thai được, cho nên gọi là quỷ thế tử). Ưng Công nghe quỷ nói thế (động lòng muốn cứu người) liền lén đem ruộng mình ra cầm để mua bốn lượng bạc, rồi viết ngay một bức thư giả làm thư của chồng phụ nhân ấy; trong thư viết rằng có gửi bạc về. Cha mẹ người chồng đi xa kia xem thư, thấy nét chữ không giống với nét chữ của con họ, nên nghi rằng đó là thư giả. Tuy nhiên, sau đó họ lại nghĩ: Thư thì có thể giả, nhưng bạc thì không thể giả! Nhất định là con ta rất bình an thì mới có thể gửi bạc về, bèn không ép phụ nhân kia lấy chồng khác nữa. Về sau, con trai của họ trở về. Hai vợ chồng được đoàn tụ, sống với nhau lâu bền, hạnh phúc như hồi mới cưới vậy.

Ưng Công lại nghe quỷ nói: "Chúng ta xưa nay vẫn có thể tìm được kẻ thế thân, không ngờ nay lại bị tên Tú tài kia làm hư việc". Một con quỷ khác nói: "Vậy sao anh không đến hại hắn?". Con quỷ nọ đáp: "Vì tâm người này tốt, có âm đức nên Thiên Đế đã phái hắn làm Âm Đức Thượng Thư, ta làm sao mà hại hắn được?". Ưng Công nghe hai quỷ nói thế nên càng ráng công ráng sức càng ngày càng tăng thêm. Gặp năm mất mùa ông đều đem lúa gạo cứu người. Gặp lúc họ hàng gặp khó khăn nguy biến, ông quyết tìm đủ cách để giúp họ qua cơn khó. Gặp phải kẻ man rợ không biết lý lẽ hoặc sự việc không như ý, ông đều phản tỉnh, tự trách cứ mình có lỗi, rồi bình tâm hòa khí mà tiếp nhận sự việc (Ưng Công là người như vậy). Cho nên con cháu ông đều được công danh chức vị, đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người như vậy!

Ở huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô có ông Từ Phượng Trúc, cha mẹ vốn rất giầu có. Bỗng gặp năm mất mùa ông bỏ hết số thuế ruộng đinh thâu để làm gương cho những người có ruộng trong toàn huyện, đồng thời ông chia số lúa gạo mà ông vốn có để cứu giúp người nghèo. Một hôm lúc đêm tối ông nghe quỷ xướng lên ngoài cửa rằng: "Ngàn lần cũng không nói dối, vạn lần cũng không nói dối; Tú tài nhà họ Từ sắp là vị Cử nhân". Bọn quỷ ấy cứ kêu hộ liên tục như thế đêm này qua đêm nọ không dứt. Năm ấy Từ Phượng Trúc dự kỳ thi Hương, quả nhiên đỗ Cử nhân. Cha ông do đó mà càng vui mừng, nỗ lực làm các việc thiện, tích trữ công đức không hề biết mệt mỏi. Đồng thời còn sửa cầu, đắp đường, làm cơm chay cúng dường các vị xuất gia; gặp người thiếu ăn thiếu mặc cũng đều giúp đỡ cho họ; gặp nơi nào thuận tiện có thể làm việc gì giúp đỡ người khác, cụ cũng đều hết lòng. Sau đó Từ Phượng Trúc lại nghe quỷ xướng lên trước cửa rằng: "Ngàn lần cũng không nói dối, vạn lần cũng không nói dối, Cử nhân họ Từ làm quan đến chức Đô Đường!". Rốt cục, Từ Phượng Trúc làm đến chức Lưỡng Triết Tuần Vũ (Tuần Vũ của cả hai tỉnh Triết Đông và Triết Tây).

Tại Gia Hưng tỉnh Triết Giang có người họ Đồ, tên Khang Hi, mới đầu làm quan chủ sự tại Bộ Hình. Ban đêm ở lại trại giam, ông chất vấn tù nhân rất kỹ lưỡng, kết quả là phát hiện có rất nhiều người bị oan uổng. Tuy vậy, Đồ Công không tự cảm thấy mình có công, ông bí mật đem chuyện này viết công văn báo cho vị Đường quan Bộ hình chọn những điểm quan trọng trong công văn của Đồ Công mà thẩm vấn các tù phạm ấy (các tù phạm đều thành thực khai rõ với đường quan, không ai là không khâm phục). Do đó, đường quan phóng thích mười mấy tù phạm vốn bị oan uổng nhưng vì không chịu nổi cực hình đã phải nhận tội. Bấy giờ dân chúng tại kinh thành đều ca ngợi vị Thượng thư Bộ hình là người cẩn thận sáng suốt. Sau đó Đồ Công còn gửi một văn kiện lên Đường quan: "Dưới chân đấng Thiên tử mà còn có bao nhiêu người bị oan uổng như thế huống chi khắp nước rộng đến vậy, hàng vạn người dân há không có người bị oan uổng hay sao? Cho nên cứ mỗi năm năm, nên phái một vị quan Giảm hình để các tỉnh để tra xét cho kỹ tình hình phạm tội của các tù phạm. Nếu ai quả thực có tội thì việc định tội cần phải công bình; nếu ai rõ ràng là bị oan uổng thì nên tra xét lại mà giảm nhẹ tội hoặc phóng thích cho họ". Quan Thượng Thư tâu lên vua, vua chấp nhận biện pháp mà Đồ Công đề nghị, bèn phái các quan Giảm hình đến các tỉnh thẩm sát, trong số đó cũng có Đồ Công. Một tối nọ, ông mộng thấy thiên thần đến báo rằng: "Số mạng ông vốn không có con, nên do ông đã đề xuất việc giảm hình cho tù phạm thật đúng hợp với lòng trời nên trời ban cho ông ba đứa con trai sau này đều làm quan lớn, mặc áo màu tía, mang đai nạm vàng". Ngay tối hôm đó, vợ ông mang thai; về sau sinh được ba con trai là Ưng Tổn, Ưng Khôn, Ưng Tuân đều làm quan lớn.

Tại Gia Hưng có vị họ Bao, tên Bằng, hiệu Tín Chi. Cha của vị này làm Thái Thú phủ Trì Châu, tỉnh An Huy, sinh được bảy người con, Bao Bằng là con út. Bao Bằng được người họ Viên ở huyện Bình Hồ cho đến làm rể. Ông học rộng tài cao nhưng thi mãi không đỗ. Do đó, ông chú tâm nghiên cứu hai thứ học vấn, về Phật Giáo và Đạo Giáo. Một hôm ông đi về hướng đông, đến Mão Hồ du ngoạn, tới một ngôi chùa ở vùng quê, (nhân vì phòng ốc tự viện đã bị hư hại) trông thấy Thánh tượng của Bồ Tát Quan Thế Âm đứng giữa trời, bị mưa thấm ướt, ông liền cởi hầu bao, có được mười lạng bạc, bèn giao cho Hòa thượng trụ trì ngôi chùa để sửa chữa phòng ốc tự viện. Hòa thượng bảo ông rằng công trình sửa chữa chùa rất lớn mà số bạc lại ít, không thể hoàn tất được. Do đó ông lại đem bốn tấm vải sản xuất ở Tùng Giang, lại chọn trong hòm tre bảy bộ y phục mà giao tất cả cho vị Hòa thượng. Bảy bộ y phục này là loại mới làm, áo kép dệt gai, người nhà bảo ông đừng cho nữa. Nhưng Bao Bằng nói: "Cốt sao cho Thánh tượng của Bồ Tát Quan Thế Âm được an lành, không bị mưa thấm thì ta dù có phải ở trần, xuất lộ thân thể thì cũng không quan hệ gì?". Vị Hòa thượng nghe vậy thì chảy nước mắt mà nói: "Cấp bạc, y phục, vải vóc không phải là chuyện khó, chỉ riêng một tấm lòng chân thành như thế thì dễ gì có được?". Sau đó, công việc tu sửa phòng ốc đã xong, ông còn đưa cha già đến ngôi Phật tự, ở lại trong chùa. Bao Bằng mộng thấy vị thần Hộ Pháp trong chùa đến cảm ơn ông và nói: "Ông đã làm các công đức này thì con cái trong đời này, đời nọ được thọ hưởng quan lộc". Về sau con trai ông là Bao Biện, cháu ông là Bao Sanh Phương đều thi đỗ Tiến sĩ và làm quan lớn.

Ông Chi Lập là người ở Gia Thiện tỉnh Triết Giang. Cha của ông giữ chức  Thư Biện tại Phòng Hình trong huyện nha. Có một tù phạm do bị người hãm hại oan uổng mà bị án tử hình, ông Chi Biện họ Chi rất thương xót cho người tử tù ấy, muốn xin quan trên cho người ấy được tha tội chết. Người tù phạm (sau khi hiểu được ý tốt của Chi Biện) nói với vợ rằng: "Hảo ý của Chi Công như thế tôi cảm thấy thật hổ thẹn, chẳng có cách gì báo đáp; ngày mai nàng hãy mời ông ý về nhà rồi xin lấy ông ta, có thể ông sẽ niệm tình và nhờ đó tôi có cơ hội thoát chết". Ngươi vợ nghe xong, không còn cách gì khác nên vừa khóc vừa đáp sẽ chịu theo lời. Đến ngày hôm sau, Chi Thư Biện đến nhà, vợ của người tù phạm tự ý bước ra, cố mời ông uống rượu và đem toàn bộ ý tứ của chồng ra nói cho ông nghe. Nhưng Chi Thư Biện không chịu nghe theo như thế. Rốt cục ông vẫn đem hết sức lực giúp người tù phạm mà tra xét lại án. Về sau người tù ra khỏi ngục, cả hai vợ chồng đến nhà Chi Thư Biện dập đầu lạy tạ mà nói: "Chúng tôi có một đứa con gái xin được gửi cho ông để làm tiểu thiếp quét dọn nhà cửa. Được thế thì về tình về lý cũng được thông vậy". Chi Thư Biện nghe xong, chuẩn bị lễ vật rước người con gái của tù phạm kia về làm thiếp. Về sau người con gái ấy sinh cho ông một đứa con trai, tên là Chi Lập. Mới 20 tuổi, Chi Lập đã thi đỗ Cử nhân, làm đến chức Khổng mục (Thư ký) của Hàn Lâm Viện. Về sau con của Chi Lập là Chi Cao, con của Chi Cao là Chi Lộc, đều được tiến cử làm Giáo quan tại Châu Học, Huyện Học. Con của Chi Lộc là Chi Đại Luân thì thi đỗ Tiến sĩ. 

Mười chuyện xưa nêu trên đây, tuy mỗi người trong mỗi chuyện làm các việc không giống nhau, nhưng tất cả đều hành một "Thiện". Nếu muốn cho tinh tế để phân loại mà nói, thì làm việc thiện có thật, có giả; có trực (thẳng), có khúc (cong), có âm, có dương; có thị (phải), có phi (không phải), có thiên lệnh, có chân chính; có phân nửa, có trọn vẹn; có lớn, có nhỏ; có khó, có dễ; các loại này mỗi thứ đều có ý nghĩa riêng, cần phải phân biệt cho rõ ràng. Nếu làm việc thiện mà không biết rõ cái ý nghĩa của thiện, lại tự khoe rằng mình làm việc thiện thi làm thế nào mà có công đức, như thế đã biết đâu không phải là làm việc thiện, mà chỉ là tạo lỗi. Làm như thế há chẳng phải là oan uổng, khổ tâm suông, chẳng có chút lợi ích nào ư!

Nay ta đem những gì đã nói ở phần trên, phân loại để nói thêm cho rõ thế nào là làm việc thiện có thật, có giả? Xưa có mấy vị nho sinh đến bái kiến vị cao tăng là Hòa thượng Trung Phong ở nói Thiên Mục và hỏi: "Nhà Phật giảng về sự báo ứng thiện ác rằng giống như cái bóng cùng với thân thể, người đi đến đâu, bóng cũng đi đến đấy, không bao giờ phân ly. (Đấy bảo rằng là làm thiện thì nhất định có quả báo tốt; tạo ác thì nhất định có quả báo xấu, quyết không thể không có quả báo). Thế thì vì sao có người kia làm việc thiện mà con cháu lại không hưng vượng? Có người nọ làm ác sao gia đình họ lại rất phát đạt? Thế thì sự báo ứng mà nhà Phật giảng té ra chẳng có bằng cớ gì cả". "Người bình thường bị cái thân thế tục che mờ, cái tâm linh diện sáng suốt này chưa được tẩy rửa cho sạch, do đó con mắt pháp (pháp nhãn) chưa khai mở, nên làm cho thiện thành ác, cái ác thực sự lại cho là thiện, đó là việc thường xảy ra; người ta thấy sai mà vẫn hận mình sai quấy, sao lại oán trời báo ứng sai?". Mọi người lại nói: "Thiện là thiện, ác là ác, đâu có thể lẫn lộn hai thứ trái ngược nhau được?". Hòa thượng Trung Phong nghe xong liền bảo những người ấy nhận định như thế nào là việc thiện, thế nào là việc ác thì hãy nói ra. Một người nói: "Lăng mạ người, đánh người là ác, cung kính người, lễ độ đối với người là thiện". Hòa thượng Trung Phong nói: "Điều ông nói không hẳn là đúng!". Một người khác nói: "Tham tiền tài mà cứ làm bừa để có tiền là ác; không tham tiền, thanh bạch mà giữ chánh đạo là thiện". Hòa thượng Trung Phong nói: "Ông nói thế cũng không hẳn là đúng". Các nho sinh ấy mỗi người đều nói ra các loại hành vi thiện ác mà họ đã thấy và quan niệm, nhưng Hòa thượng Trung Phong đều bảo "Không hẳn là hoàn toàn đúng".

Vì các nho sinh ấy nói về thiện ác như thế nào Hòa thượng Trung Phong đều bảo họ nói không đúng nên họ mới hỏi Hòa thượng: "Rốt lại, thế nào là thiện, thế nào là ác?". Hòa thượng Trung Phong nói với họ: "Làm việc gì có lợi cho người khác là thiện, làm việc gì có lợi cho chính mình là ác. Hế làm điều gì mà có thể khiến người khác có chỗ lợi ích thì dù đó là lăng mạ người, đánh đập người cũng đều là thiện; chứ nếu làm điều gì có lợi cho chính mình thì dù cung kính người, lễ độ đối với người, cũng đều là ác. Cho nên làm việc gì mà khiến người khác được lợi ích thì chính là cái chung (công), cái chung là chân chính vậy; chứ chỉ nghĩ mình được lợi ích thì đấy là cái riêng (tư), cái riêng là hư giả. Vả lại, hành việc thiện xuất phát từ lương tâm là chân thật, chứ chỉ có làm bừa thì đấy là hư giả. Lại nữa, làm việc thiện mà không mong được báo đáp, không lộ dấu vết thì việc mình làm là chân thật; chứ vì một thứ mục đích nào đó để toan tính cho được thì việc thiện mình làm là hư giả. Những gì đã nêu trên, tự mỗi người cần phải khảo sát cho kỹ càng".

Thế nào gọi là trực (thẳng), là khúc (cong)?. Người đời này nhìn thấy ai cẩn thận, không quật cường thì phần đông đều bảo người ấy là người thiện, lại còn rất kính trọng người ấy; nhưng Thánh hiền ngày xưa thì chỉ muốn tán thán người có chí khí cao, chỉ hướng tới trước mà tiến, hoặc người an phận giữ mình không chịu loạn càn (vì loại nhân tài này có sự đảm đang, sự hành động có thể chỉ dạy người khác, khiến người khác tiến lên). Còn những người tốt xem ra cẩn thận, giữ ý nhưng lại vô dụng, tuy ở trong lòng được mọi người ưa thích nhưng vì loại người này cá tính nhu nhược, cứ theo sóng theo dòng, không có chí khí nên Thánh nhân nhất định gọi loại người này là giặc làm tổn hại đạo đức. Xem như thế thì cái quan niệm thiện ác mà người thế tục nói rõ ràng trái ngược với Thánh nhân (người đời bảo là thiện, Thánh nhân lại bảo là ác. Người đời bảo là ác, Thánh nhân lại bảo là thiện). Do từ quan niệm này để suy rộng ra các loại sự việc khác nhau mà nói thì những gì người đời ưa thích, đều hoàn toàn khác với Thánh nhân, như thế có gì đâu mà không đúng; trời đất quỷ thần che chở người thiện, báo ứng kẻ ác thì cách nhìn của họ giống như cách nhìn của Thánh nhân. Thánh hiền cho là "đúng" thì trời đất quỷ thần cũng cho là đúng; Thánh hiền cho là sai thì trời đất quỷ thần cũng cho là sai chứ không giống như cách nhìn mà người đời chọn lựa. Cho nên hễ muốn tích chứa công đức thì đừng cho những âm thanh êm tai, những hình sắc đẹp mắt lợi dụng rồi cứ "chạy theo cảm giác"; phải từ cái chỗ vi tế của sự khởi tâm động niệm mà đem cái tâm của chính mình ngầm tẩy rửa cho thật sạch, không để cho những ý niệm tà vậy xấu xa làm ô nhiễm tâm mình. Cho nên toàn thể cái tâm cứu giúp người đời là trực; nếu có chút tâm chiều theo thế tục thì đó là khúc. Toàn thể cái tâm thương người là trực; nếu có chút tâm oán hận, bất bình đối với người đời thì đó là khúc. Toàn thể cái tâm cung kính người khác là trực; nếu có chút tâm đùa lộng người đời thì đó là khúc. Đây là những điều cần phải phân biệt kỹ càng.

Thế nào gọi là âm thiện, dương thiện? Hễ một người làm việc thiện mà người ta biết đến thì gọi là dương thiện; làm việc thiện mà không được ai biết đến thì gọi là âm thiện. Người có âm đức thì tự nhiên trời biết mà đền đáp cho. Người có dương thiện được mọi người biết, khen thưởng mỹ danh, được hưởng danh dự lớn trên thế giới nhưng thực tế lại không có công đức nào có thể xứng với danh dự mà người ấy thọ hưởng thì thường gặp phải những tai họa bất trắc không ngờ tới được; còn một người chẳng có chút lỗi lầm nào mà lại bị oan uổng, bỗng dưng bị người ta gán cho ác danh, con cháu người này thường bỗng nhiên được phát đạt lên. Xem như thế thì sự khác biệt giữa âm và dương thiện quả là rất vi tế, cần phải phân biệt kỹ càng hơn vậy.

Thế nào gọi là thị (phải, đúng), phi (không phải, sai)?. Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ quy định một loại pháp luật, theo đó hễ như người nước Lỗ nào bị nước khác bắt làm dân, làm thiếp mà nếu có người chịu bỏ tiền ra đến các nước chư hầu để chuộc đem về thì người bỏ tiền chuộc ấy có thể đến phủ quan lãnh thưởng. Nhưng học trò của Khổng Tử là Tử Cống (có rất nhiều tiền), tuy cũng bỏ tiền ra chuộc người bị bắt đem về, lại không chịu nhận tiền thưởng của nước Lỗ. (Ông không nhận tiền thưởng, chỉ thuần cốt giúp người, ý định ấy thật tốt). Nhưng sau khi Khổng Tử nghe chuyện xong, ngài buồn rầu nói: "Làm như thế là sai rồi. Phàm Thánh nhân làm việc gì cũng cố sao cho phong tục trở nên tốt đẹp để có thể giáo huấn, dẫn đạo người dân làm người tốt thì mới làm chứ không phải vì tự cảm thấy thích thú vừa lòng mà làm. Nay nước Lỗ có ít người giàu, nhiều người nghèo; nếu nhận tiền thưởng thì sẽ bị chê là tham tiền; (thế thì người không chịu mang tiếng là tham tiền, cũng như người không có nhiều tiền, đều không chịu bỏ tiền ra chuộc người). E rằng từ nay về sau không còn có người đến các nước chư hầu để chuộc người nữa."

Tử Lộ trong thấy một người sẩy chân xuống nước liên kêu cứu. Người ấy đem một con bò đến tạ ơn. Tử Lộ nhận bò, Khổng Tử biết được rất vui mừng nói: "Từ nay về sau ắt có nhiều người tự động xuống nước sông sâu lớn để cứu người". Từ hai câu chuyện này, lấy con mắt thế tục mà nhìn thì Tử Cống không nhận tiền là tốt, Tử Lộ nhận bò là không tốt; đâu ngờ Khổng Tử lại khen ngợi Tử Lộ mà chê trách Tử Cống. Xem như thế đủ biết rằng một người làm việc thiện không nên chỉ xem hiệu quả trước mắt, mà cần tìm hiểu kỹ xem có truyền lại cái xấu hay không; không nên chỉ luận cái ảnh hưởng một thời mà cần phải biết rõ cái phải, trái (thị, phi) lâu dài; không nên chỉ luận cái được mất của cá nhân, mà cần biết rõ cái quan hệ với thiện hạ, đại chúng.

Điều làm hiện nay tuy là thiện nhưng lưu truyền về sau thì có hại cho người, đấy chính là tuy có vẻ như là thiện mà thực ra là bất thiện! Tuy vậy đây chỉ là đem ra một sự kiện mà giảng đó thôi. Còn các loại sự kiện khác thì rất nhiều. Chẳng hạn: sự việc mà một người nên làm gọi là nghĩa, nhưng có lúc, làm các sự việc nên làm cũng có thể là sai, làm việc ấy lại thành ra làm việc bậy. Ví như một người xấu không nhất thiết phải tha thứ cho anh ta, có người lại tha thứ cho anh ta, việc ấy không thể không gọi là nghĩa; nhưng tha thứ người xấu này thì lại khiến anh ta càng bạo gan hơn mà làm chuyện bậy hơn, kết quả là người khác phải nhận thiệt hại, chính tự anh ta cũng phạm tội; thế thì không bằng không tha thứ anh ta, gia tăng kìm giữ, khiến anh ta không phạm tội nữa. Không tha thứ anh ta là phi nghĩa. Lễ độ thì ai cũng nên có, nhưng nên có chừng mực. Dùng lễ độ đối đãi với người là lễ, nhưng lễ độ thái quá lại khiến người ta sinh ra kiêu ngạo thì là phi lễ. Việc thực hiện tín (lòng tin) tuy rất quan trọng nhưng cũng phải xem từng tình huống; ví như cố lưu tâm thực hiện trọn vẹn cả những chi tiết nhỏ nhặt của tín; chỉ vì trọn vẹn cả đến cái tín nhỏ nhặt mà lại làm hư việc lớn, lại khiến cho cái tín lớn lao không được lưu ý trọn vẹn, thế thì thành ra phi tín; đấy gọi là cái tín phi tín. Thương người vốn là từ, nhưng vì thương yêu quá mức, khiến người ta càng thêm bướng mà sinh ra họa lớn; thế thì thành ra không phải từ rồi, đấy gọi là lòng từ phi từ. Những vấn đề ấy đều cần phải được phán đoán cho kỹ càng, phân biệt cho rõ rệt.

Thế nào gọi là thiên lệch (thiên), chân chính (chánh)?. Xưa kia Lã Văn Ý từ chức Tể tướng mà về quê nhà. Vì ông làm quan thanh liêm chánh trực nên người trong nước đều kính phục ông, giống như đám núi vây quanh núi Thái Sơn, đám sao chung quanh sao Bắc Đẩu. Chỉ riêng có một người trong làng, sau khi uống rượu say đã mắng nhiếc Lã Công, nhưng Lã Công không vì bị anh ta mắng nhiếc mà nổi giận, lại nói với người nhà rằng: "Người này say rượu rồi, chớ so đo với anh ta làm gì" rồi đóng cửa chẳng ngó ngàng gì đến anh ta. Một năm sau, người ấy bị phạm tử tội phải vào ngục, Lã Công mới ân hận mà nói: "Phải chi hồi ấy cứ so đo với anh ta rồi gửi anh ta lên phủ quan trị tội thì có thể nhờ sự phạt tội nhỏ mà có hiệu quả ngăn ngừa, kìm giữ chặt chẽ. (Anh ta không đến nỗi phải phạm tử tội). Bấy giờ ta chỉ nghĩ đến giữ lòng đôn hậu mà tha cho anh ta; ngờ đâu lại nuôi lớn cái tính ác của bọn vong mạng không sợ trời sợ đất. (Anh ta nghĩ rằng mắng nhiếc được Tể tướng thì không có gì không làm được, rồi bị phạm tử tội, mà tiêu mất tính mạng). Đấy là giữ thiện tâm chẳng khác gì làm việc ác vậy.

Cũng có khi giữ cái ác tâm nhưng lại chẳng khác gì làm việc thiện. Có một người rất giầu có, gặp năm mất mùa, người nghèo giữa ban ngày ban mặt mà cướp giật lúa gạo tại chợ; ông nhà giàu kia kiện lên quan huyện, quan huyện là người không ngay thẳng (thiên lệch), lại không chịu giải quyết án vậy, người nghèo do đó càng bạo gan, càng hoành hành bừa bãi, ông nhà giàu bèn bí mật tìm những người cướp lúa gạo, giam giữ bêu nhục họ. Những người cướp lúa gạo kia sợ bị ông nhà giàu bắt nên an định lại, không cướp bóc nữa. Nếu không như thế thì hẳn là chợ búa đã loạn lớn lên rồi. Cho nên thiện là chân chính, ác là thiên lệch, đó là điều mọi người nên biết. Nhưng cũng khi giữ cái tâm thiện tâm lại cùng loại với làm việc ác (Đấy là tuy giữ tâm thiên lệch mà kết quả lại thành chân chánh), nên chỉ có thể gọi là sự chân chánh trong thiên lệch; (ý nghĩa này mọi người không thể không biết).

Thế nào là sự thiện phân nửa và sự thiện trọn vẹn? Kinh Dịch có nói: "Một người không tích tập thiện thì không thể thu đạt danh dự; không tích tập ác thì không thể gặp đại họa mất thân mạng". Kinh Thư cũng nói: "Tội ác của nhà Thương đầy như mang một xâu tiền như thế (như tích trữ đồ vật trong thùng, lọ) nếu ta nỗ lực hàng ngày gom góp, cuối cùng cũng có ngày tích tập đầy thùng, đầy lọ. (Nhà Chu kể từ lúc khai quốc cho đến đời vua Trụ, bấy giờ tội ác của vua đã tích chứa đầy. Do đó mới nhanh chóng mất nước). Nếu lười biếng mà không lo tích tập thì không thể làm đầy được. Sự tích tập thiện, tích tập ác như đã nói ở trên cũng giống như dành dụm đồ vật, đấy là thuyết giảng về thiện phân nửa và thiện trọn vẹn.

Xưa có một cô gái nọ đến chùa, muốn gửi tiền cúng chùa nhưng đáng tiếc là tiền không có sẵn, chỉ có được hai xu, bèn lấy đưa cho vị Hòa thượng. Hòa thượng viện chủ đích thân đến trước điện Phật mà hồi hướng sám hối cho cô (để cô được sạch tội) về sau cô gái được tiến dâng vào hoàng cung (làm Quý phi). Sau khi được giầu sang, cô mang mấy ngàn lạng bạc đến chùa để bố thí. Nhưng vị viện chủ chỉ bảo đồ đệ hồi hướng cho cô ta mà thôi. Cô không hiểu vì sao hai lần bố thí trước sau lại được nhận sự đãi ngộ quá khác biệt đến như vậy. Cô liền hỏi viện chủ: "Hồi trước con chỉ bố thí có hai xu, Sư phụ lại đích thân sám hối cho con. Nay con bố thí đến mấy ngàn lạng bạc, Sư phụ lại không hồi hướng cho con, không biết tại sao?". Viện chủ đáp: "Hồi trước tiền bố thí của bà tuy rất ít nhưng cái tâm của bà rất chân thành tha thiết cho nên nếu không phải Hòa thượng già này đích thân sám hối cho bà thì không đủ để báo đáp cái công đức bố thí của bà; nay tiền bố thí của bà tuy nhiều, nhưng cái tâm bố thí của bà không còn chân thiết như trước kia, cho nên ta gọi người khác sám hối cho bà, thế cũng đủ rồi". Đấy chính là bố thí mấy ngàn lạng bạc chỉ kể là "thiện phân nửa"; còn bố thí hai xu lại kể là "thiện trọn vẹn".

Chung Ly đem phương pháp luyện đan truyền cho Lã Tổ, bảo rằng dùng đan ấy điển vào sắt thì sắt biến thành vàng ròng, có thể đem vàng ấy mà cứu người nghèo trên đời. Lã Tổ hỏi: "Biến thành vàng rồi thì rốt lại có biến trở lại thành sắt không?". Chung Ly đáp: "Năm trăm năm sau sẽ biến trở lại thành chất sắt như cũ". Lã Tổ nói: "Thế thì sẽ làm hại người năm trăm năm sau, tôi không muốn làm việc này đâu!". Chung Ly dạy Lã Tổ điểm sắt thành vàng là để thử lòng Lã Tổ mà thôi. Nay biết được Lã Tổ giữ tâm lương thiện cho nên Chung Ly mới nói với Lã Tổ: "Tu tiên cần tích tập ba ngàn công đức, nay ta nghe ông nói câu ấy, thế là ba ngàn công đức của ông đã được làm trọn vẹn rồi đó". Đây là một cách giảng nữa về cái thiện phân nửa và cái thiện trọn vẹn.

Một người làm việc thiện nhưng tâm không khởi niệm chấp trước việc thiện ấy, tựa hồ như chính người ấy làm những việc thiện khó có thể làm trọn; được như thế thì bất cứ việc thiện nào ta làm đều có thể thành công viên mãn. Nếu làm việc thiện mà tâm cứ chấp trước vào việc thiện ấy thì dù cho suốt đời nỗ lực làm việc thiện, bất quá cũng chỉ là thiện phân nửa mà thôi. Tỷ như đem tiền cứu giúp người, cần phải bên trong không thấy cái "ta" bố thí, bên ngoài không thấy người nhận bố thí, ở giữa không thấy tiền bố thí. Đấy mới gọi là cái không của tam luân, cũng gọi là nhất tâm thanh tịnh. Nếu được như vậy thì dù cho bố thí chỉ một đấu gạo cũng có thể được phước vô bờ bến; dù cho bố thí một xu cũng có thể sạch hết tội lỗi đã tạo trong một ngàn kiếp, chứ còn cái tâm không quên đi được việc thiện mình làm thì dù cho có dùng hai chục vạn vàng ròng mà đi giúp người cũng không thể được phước trọn vẹn. Đây cũng là một cách giảng nữa.

Thế nào gọi là cái thiện lớn, cái thiện nhỏ? Xưa có một người tên là Vệ Trọng Đạt làm quan ở Viện Hàn Lâm. Một lần ông bị quỷ binh dẫn hồn về cõi âm. Quan thẩm vấn ở cõi âm sai người thư biện dưới quyền mang lại hai cuốn sách ghi chép những việc thiện, việc ác mà Vệ Trọng Đạt đã làm tại dương thế. Khi sách được mang đến, quan xem thấy cuốn sách ghi việc ác của ông do ghi nhiều quá nên chiếm đầy cả một gian phòng; còn sách ghi việc thiện chỉ nhỏ như một chiếc đũa mà thôi. Quan chủ thẩm lại sai mang cân đến để cân xem như thế nào, thì ra cuốn sách ghi việc ác chiếm đầy phòng kia lại nhẹ cân, còn cuốn sách ghi việc thiện nhỏ bằng chiếc đũa kia lại nặng cân. Vệ Trọng Đạt hỏi: "Tôi chưa quá 40 tuổi mà sao lại phạm nhiều lỗi lầm, tội ác đến như vậy?". Quan chủ thẩm nói: "Chỉ cần một ý nghĩ bất chính thì đó là tội ác, chứ không phải chờ đến khi ông phạm". Tỷ như nhìn thấy phụ nữ xinh đẹp mà động ý nghĩ bậy tức là phạm lỗi. Nhân đó, Vệ Trọng Đạt bèn hỏi cuốn sách ghi việc thiện đã ghi những gì, quan chủ thẩm đáp: "Có lần Hoàng đế dự định thực hiện một công trình lớn là sửa chữa chiếc cầu bằng đá ở khu Tam Sơn (bà ngọn núi ở trong thành Phước Châu), ông đã tâu vua không nên tu sửa (để dân khỏi tốn tiền), tờ tấu của ông đã ghi như thế". Vệ Trọng Đạt nói: "Tuy tôi nói như thế, nhưng Hoàng đế không nghe, vẫn cho khởi công, vậy tờ sớ biểu của tôi chẳng có tác dụng gì  đối với việc tiến hành công trình ấy, làm sao lại có sức mạnh lớn như thế?". Quan chủ thẩm nói: "Tuy vua không nghe kiến nghị của ông, nhưng ý tưởng của ông có mục đích là tránh cho ngàn vạn người dân khỏi phải lao dịch; nếu như nhà vua nghe lời ông thì sức mạnh của cái thiện ấy lại càng to lớn hơn. Cho nên lập chí làm việc thiện, mục đích là nhằm vì lợi ích cho thiên hạ, đất nước, nhân dân thì dù cho việc thiện ấy có nhỏ bé, công đức ấy vẫn rất to lớn. Chứ chỉ vì một lợi ích cho một thân mình, thì dù việc thiện có bao nhiêu, công đức vẫn rất nhỏ.

Thế nào gọi là cái thiện khó làm, cái thiện dễ làm?. Xưa kia các bậc uyên thâm Nho học đều nói muốn khắc chế cái tư dục của chính mình thì cần phải từ chỗ khó tiêu trừ mà tiêu trừ trước. Đệ tử của Khổng Tử là Phàn Trì hỏi Khổng Tử thế nào là nhân. Khổng Tử cũng bảo rằng trước hết nên từ chỗ cái khó mà hạ công phu. (Cái khó mà Khổng Tử nói cũng chính là tiêu trừ cái tư tâm (cái tâm riêng tư, lo chuyện riêng tư); cũng trước hết từ chỗ khó nhất mà làm, từ chỗ khó trừ nhất mà làm). Nhất định phải giống như Lão tiên sinh họ Thư ở Giang Tây (ông dạy học ở nhà người ta), đã đem tiền thù lao công khó trong hai năm để trả nợ nhà nước giùm cho gia đình nghèo khó nọ, tránh cho vợ chồng họ cái bi kịch tan vỡ. Lại giống như Lão tiên sinh họ Trương (nhìn thấy một người nghèo phải cầm cố vợ con để lấy tiền tiêu dùng; nếu không có tiền chuộc về, e rằng vợ con đều không sống nổi), bèn bỏ tiền dành dụm trong mười mấy năm để giúp người nghèo ấy chuộc vợ con về. Hai vị Lão tiên sinh họ Thư và họ Trương ấy đều có thể xả bỏ (người khác không dễ gì xả bỏ được)!. Lại như Lão tiên sinh họ Cận ở huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, tuy đã già mà không có con, một gia đình nghèo ở cạnh nhà muốn đem cô con gái còn nhỏ tuổi gả cho làm thiếp để có thể sinh con cho ông. Nhưng Lão tiên sinh không đành lòng làm cô phí mất tuổi trẻ nên dứt khoát từ chối, trả cô về nhà. Đấy là sự kham nhẫn được ở chỗ rất khó kham nhẫn. Cho nên phước báo mà trời ban cho mấy vị Lão tiên sinh ấy thật đặc biệt phong hậu. Phàm những người có tiền của, có thế lực mà muốn lập công đức thì dễ dàng hơn những người bình thường rất nhiều, nhưng tuy dễ dàng họ lại không chịu thực hiện, đấy gọi là "tự chà đạp mình, tự loại bỏ mình". Còn những người nghèo không có tiền bạc, không thế lực muốn làm phước thì đều gặp những khó khăn rất lớn, khó có thể muốn làm là làm được, thế mới thực là đáng quý!.

Chúng ta cần gặp được cơ duyên mới thực hiện việc cứu giúp người. Có điều, cứu giúp người (không phải là việc dễ) cũng có rất nhiều loại cứu giúp; nói một cách vắn tắt, các hạng mục chủ yếu có thể gồm mười loại:

1. Giúp người làm thiện: Thấy người khác có chút tâm thiện, ta liền giúp người ấy, khiến thiện tâm của người ấy tăng trưởng. Người khác làm việc thiện nhưng sức lực chưa đủ, làm không thành công; đấy là giúp người làm thiện.

2. Giữ tâm kính ái: Tức là đối với người có học vấn, tuổi tác, thân phận cao hơn ta, ta đều cần phải giữ lòng kính trọng. Còn đối với người nhỏ tuổi, thân phận thấp nghèo khổ hơn ta, ta đều giữ lòng yêu thương giúp đỡ.

3. Thành tựu cái tốt đẹp của người: Tỷ như một người muốn làm việc tốt mà chưa quyết định thì ta cần khuyên người ấy tận tâm tận lực mà làm. Khi người khác làm việc thiện tốt mà gặp phải trở ngại, không thành công đức thì ta nên nghĩ cách chỉ dẫn cho họ, khuyên đạo họ khiến họ được thành công; chứ không sinh lòng ghen ghét, phá hoại họ.

4. Khuyên người làm thiện: Gặp người làm ác, ta nên bảo họ rằng làm ác thế nào cũng bị khổ báo, dứt khoát không nên làm ác. Gặp người chịu làm thiện, hoặc chỉ làm một vài việc thiện nhỏ, ta nên bảo họ rằng làm thiện thế nào cũng được quá báo tốt đẹp, việc thiện không chỉ là nên làm mà còn nên làm thật nhiều, làm các việc thiện thật lớn.

5. Cứu người bị nguy cấp: Nhiều người rất thích "Vẽ họa trên gấm" nhưng lại thiếu cái tinh thần "đưa lửa vào giữa tuyết". Khi gặp người khác đang lâm vào chỗ vô cùng nguy hiểm, vô cùng khốn khổ, vô cùng cấp bách thì ta nên kịp thời đưa tay kéo họ ra, bỏ tiền bạc, sức lực để giúp họ thoát khỏi cảnh khốn khổ nguy cấp, thì có thể nói đấy là công đức vô lượng (nhưng chớ lấy thế làm kiêu ngạo!).

6. Kiến tạo lợi lớn: Nếu có sự việc mang lại lợi ích lớn thì tự nhiên cần có người có sức lực lớn mới có thể làm được. Một người đã có sức lực lớn thì nên làm những việc mang lại lợi ích lớn để mọi người được hưởng, như tu sửa hệ thống thủy lợi, cứu giúp những người bị khổ nạn lớn. Nhưng người không có sức lực lớn cũng có thể làm được như thế. Tỷ như phát hiện có lỗ nhỏ trên đê ngăn nước, nước từ trong lỗ chảy ra thì ta lấy bùn đất sỏi đá mà bít lỗ lại, khiến con đê được giữ vững, phòng ngừa thủy tai phát sinh. Sự việc ấy tuy nhỏ nhưng công hiệu của nó không thể xem thường được.

7. Xả bỏ tiền tài mong cầu tiền tài, làm việc phước đức: Tục ngữ nói: "Người ta vì tiền tài mà chết". Tâm người đời thì yêu quý tiền tài, tiền tài đến bao nhiêu cũng chưa cho là đủ, có đâu chuyện xả bỏ tiền tài mà giúp đỡ người khác! Do đó, xả bỏ tiền tài để làm tiêu tan tai khốn của người khác, cứu họ thoát khỏi nguy cấp, việc ấy đối với người bình thường mà nói thì thật không dễ dàng gì, đối với người nghèo khổ mà nói thì lại càng khó khăn hơn. Cứ xét theo nhân quả mà nói: "Xả được, xả được, có xả ắt có được"; "Xả không được, xả không được, không xả thì không được"!. Làm một phần việc thì được một phần phước báo, cho nên chớ lo buồn rằng vì chúng ta xả bỏ tiền tài để cứu giúp người mà khiến cuộc sống của chính mình bị lâm vào đường cùng.

8. Hộ trì chánh pháp: Pháp đây là pháp của các tôn giáo. Giáo thì có chánh có tà, pháp cũng có chánh có tà; tà pháp của tà giáo rất có hại cho nhân tâm, cần phải ngăn chặn chúng. Còn Phật pháp có đủ chánh tri chánh kiến (biết đúng, thấy đúng) thì rất dễ khuyến đạo nhân tâm, vãn hồi phong tục. Nếu có ai phá hoại Phật pháp thì nhất định ta phải hết sức bảo hộ, duy trì Phật pháp, không thể để cho họ phá hoại.

9. Kính trọng bậc tôn trưởng: Những người có học vấn thâm sâu, kiến thức vững vàng, chức vị cao, thân phận lớn, tuổi tác nhiều đều được gọi là bậc tôn trưởng. Ta phải kính trọng họ, không được coi thường họ.

10. Thương tiếc mạng sống của loài vật: Phàm những loài vật có sinh mạng thì dù nhỏ như kiến, chúng cũng có tri giác, hiểu được khổ đau và cũng ham sống, sợ chết. Ta phải thương xót chúng chứ nỡ nào giết bừa, ăn bừa chúng? Có người lại nói: "Các loài ấy vốn là để cung cấp cho người ăn". Câu nói ấy quả thật chẳng thông tý nào, vả lại đấy là câu nói do người tham ăn đặt ra vậy.

Mười loại nói trên chỉ là thuyết minh khái lược, dưới đây là phần dẫn dụ rõ ràng.

Thế nào gọi là giúp người làm thiện? Ngày xưa khi vua Thuấn chưa lên ngôi, bên hồ Lôi Trạch, vua trông thấy những người đánh cá đều chọn chỗ nước sâu nhất mà bắt cá. Một số ngư phủ lớn tuổi, ốm yếu thì bắt cá tại chỗ cạn và nước lại chảy mạnh.

(Nước chảy mạnh, cá không dừng lại được, chỗ cạn, ít nước, cá cũng không dừng tại đó! Không được như chỗ sâu cá đều tụ lại, lội lui lội tới, rất dễ bắt chúng, những người đánh cá trẻ tuổi, những người đánh cá khỏe mạnh đều giành chiếm chỗ ấy).

Vua Thuấn thấy thế lòng thương xót những ngư phủ kia, bèn nghĩ ra một cách tự mình cũng tham gia bắt cá; thấy những người ưa thích tranh đoạt kia, vua che giấu những sai trái của họ đi, lại còn không nói cho ai nghe cả; thấy những người đành chịu nhường nhịn kia, vua lại đến khen ngợi họ lấy họ làm gương và học cái cung cách nhường nhịn của họ. Cứ thế, vua Thuấn bắt cá trong một năm, mọi người đều nhường nhau chỗ nước sâu nước nhiều. (Chuyện kể về vua Thuấn là nhằm để khuyến hóa người ta, chớ hiểu lầm là để khuyến khích người ta bắt cá. Bắt cá là phạm tội sát sinh, dứt khoát không nên bắt cá). Thế thì người hiểu biết thông minh như vua Thuấn há không thể nói vài câu hay ho mà giáo huấn người, lại nhất định phải đích thân tham dự chứ? Phải hiểu rằng vua Thuấn không dùng lời để giáo huấn người mà lại đem chính mình ra làm gương, khiến người khác thấy thế, cảm thấy hổ thẹn mà cải biến cái tâm lý vị kỷ của chính họ, đấy quả là người đôn hậu, phải khổ công lắm ấy!.

Nay chúng ta sinh vào thời mạt thế, nhân tâm, phong tục bại hoại (làm người thật không dễ). Do đó, nếu người khác có chỗ không được như ta, ta cũng không nên đem ưu điểm của ta ra mà che lấp họ; người khác có điều không thiện lành, ta cũng đừng đem cái thiện lành của ta ra mà so sánh với họ. Năng lực của người khác không bằng ta, ta cũng không nên đem cái năng lực ta có mà khiến họ khốn đốn. Tự mình dù có tài cán thông minh cũng nên thu giấu lại, đừng để lộ cái sáng sủa của ta ra bên ngoài. Hãy xem tài cán thông minh đều là hư, là giả. Thấy người khác sai trái hãy bao dung họ. Được như thế thì một mặt ta khiến cho họ có cơ hội hối cải lỗi lầm, mặt khác ta còn khiến họ kiêng dè (sợ bị mất mặt) mà không dám luông tuồng bừa bãi (đã bị mất mặt rồi thì họ không còn kiêng dè nữa). Thấy người khác có đôi phần ưu điểm, ta nên học hỏi; hoặc họ có chút lòng thiện việc tốt, ta nên ghi nhớ; rồi lập tức xoay chuyển ý tứ, buông bỏ cái chủ kiến về mình mà học cái sở trường của người khác; đồng thời hãy khen ngợi họ; tuyên dương họ cho người khác biết. Một người trong sinh hoạt bình thường, bất luận là nói lời gì hay làm việc gì chớ nên vì mình mà khơi lên một thứ ý niệm tự tư tự lợi; trái lại nên nghĩ đến xã hội, đại chúng mà lập ra một quy tắc khiến mọi người có thể dễ dàng tuân thủ, như thế mới là một vĩ nhân; xem tất cả những gì mà thiên hạ có đều là cái độ lượng công, không phải tư!

Thế nào gọi là giữ tâm kính ái? Từ bề ngoài mà nhìn người quân tử và kẻ tiểu nhân thì thường dễ lầm lẫn, không nhận ra thức, giả (vì kẻ tiểu nhân có thể giả danh giả nghĩa mà giả danh quân tử). Có điều về mặt giữ tâm thì quân tử là thiện, tiểu nhân là ác, hai bên trái hẳn nhau, sự khác biệt của họ cũng như hai màu đen và trắng, tuyệt đối trái ngược nhau, không giống nhau. Cho nên Mạnh Tử nói: "Quân tử và tiểu nhân sở dĩ khác nhau là do ở chỗ giữ tâm vậy!". Cái tâm mà người quân tử giữ gìn chỉ là cái tâm yêu người, kính người. Vì người thì có gần gũi, xa lạ, có cao quý, có thấp hèn; có thông minh, có ngu tối; có người đạo đức, có kẻ hạ lưu, ngàn ngàn vạn vạn loại người không giống nhau; nhưng tất cả đều là đồng bào của ta, đều có sinh mạng như ta, có mát, có thịt, có cảm tình; thế thì ai là người chịu yêu họ, kính họ chứ? Yêu kính mọi người tức là yêu kính Thánh hiền. Hiểu rõ được ý tứ của mọi người tức là hiểu rõ được ý tứ của Thánh hiền. Vì sao? Vì Thánh hiền vốn mong mỏi mọi người trên thế giới đều an cư lạc nghiệp, sống hạnh phúc mỹ mãn. Cho nên đâu đâu chúng ta cũng yêu người, đâu đâu cũng kính người khiến mọi người trên đời này ai ai cũng bình an hạnh phúc, như thế có thể nói rằng chúng ta đã thay mặt Thánh hiền mà khiến người trên đời đều được bình an phước lạc vậy.

Thế nào gọi là thành tựu cái tốt đẹp của người? Hãy nêu dẫn để thấy rõ, nếu cứ tùy tiện bỏ lăn bỏ lóc một viên đá, bên trong có ngọc thì viên đá ấy bất quá cũng như gạch ngói đá vỡ mà thôi, không đáng giá một xu. Nếu đem mài dũa đẽo gọt thì viên đá ấy trở thành một viên ngọc vô cùng quý giá. Con người cũng như vậy, cũng hoàn toàn nhờ vào khuyến đạo, chỉ dẫn, cho nên thấy một người làm việc thiện hoặc một người lập chí hướng thượng mà tư chất xem ra cũng tốt thì ta nên khéo dẫn đạo, đề bạt người ấy, khiến người ấy trở thành người có tài, hữu dụng trong xã hội; hoặc ta khen ngợi, khích lệ, nâng đỡ người ấy; nếu có ai gây oan uổng cho người ấy, ta biện bạch oan khuất cho người ấy, nêu rõ người ấy vô cớ bị người ta ác ý hủy báng (có thể dùng cách thay người ấy mà nhận lấy việc bị hủy báng để làm nhẹ sự hủy báng ấy, đấy gọi là chia nhau mà cùng chịu hủy báng), nhất định phải khiến người ấy lập thân được trong xã hội, rồi sau đó mới tính đến tâm ta.

Đại khái một người bình thường, đối với người không giống như mình thì không tránh khỏi cái cảm nhận chán ghét (như tiểu nhân ghét quân tử, người ác ghét người thiện).

Trong một làng, người thiện thì ít, người bất thiện thì nhiều; người thiện thì ít cho nên người thiện ở trên đời thường bị người ác lừa gạt, hà hiếp, khó mà đứng vững được. Huống chi tính tình của bậc hào kiệt phần lớn là ngay thẳng, bất khuất, lại không chú ý đến vẻ bề ngoài. Người có con mắt thế tục chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài, rồi nói hay nói dở, tùy tiện phê bình, cho nên làm việc thiện cũng thường dễ thất bại, người thiện cũng thường bị người ta chê bai. Gặp sự việc như thế, thì hoàn toàn nhờ vào người có lòng nhân, bậc trưởng giả mới có thể sửa lỗi cho người tà ác, bất chính và giáo đạo, chỉ dẫn cho người ấy cải tà quy chánh; bảo hộ, giúp đỡ người thiện, khiến người thiện được vững vàng; cái công đức trừ bỏ tà; xiển dương chánh như thế thật vô cùng lớn.

Thế nào gọi là khuyên người làm thiện? Đã sinh ra trong đời mà làm người thì ai mà không có lương tâm. Nhưng chỉ vì hăm hở theo đuổi danh lợi mà cứ lăng xăng trong đời không dứt, chỉ muốn sao cho được danh lợi mà làm mờ tối lương tâm, không chọn lựa thủ đoạn cho phải mà thực hiện; như thế thì rất dễ bị sa đọa. Cho nên lui tới giao thiệp với người (ta cần luôn lưu tâm quan sát họ); nếu thấy người ấy sắp phải sa đọa thì ta nên tùy lúc; tùy nơi mà thức tỉnh, cảnh cáo anh ta, soi sáng cho sự hồ đồ hỗn loạn của người ấy. Tỷ như đang đêm anh ta gặp cơn ác mộng, nhất định phải gọi anh ta, khiến anh ta mau mau tỉnh giấc; lại tỷ như người ấy cứ mãi rơi vào trong phiền não, nhất định phải kéo nâng anh ta lên, khiến đầu óc anh ta trở thành thanh thản. Thi ơn giúp người như thế thì công đức thật là rộng rãi, trùm khắp vậy.

Ngày xưa Hân Văn Công thường nói: "Dùng miệng mà khuyên người thì chỉ được một lúc, sự việc qua đi, người ta cũng quên mất; hơn nữa người ở nơi khác không cách gì nghe được. Dùng sách mà khuyên người thì truyền được trăm đời, lại có thể truyền khắp thế giới; cho nên viết sách hay thì có cái công đức lập ngôn".

Ở đây nói dùng miệng mà khuyên, dùng sách mà khuyên người ta làm thiện, đem so sánh với "giúp người làm thiện, đã nói trên kia, tuy có vẻ giống nhau về hình thức, nhưng việc theo chứng bệnh mà cho thuốc không thể bỏ đi được. Lại nữa, khuyên người cũng cần khuyên cho đích đáng, tỷ như đối với người quá quật cường, nếu ta dùng lời mà khuyên thì không những khuyên vô ích mà lời khuyên cũng trở thành lời bỏ đi, đấy gọi là bỏ mất lời nói (thất ngôn). Nếu người ấy tính tình hòa thuận thì có thể dùng lời mà khuyên, nếu ta không khuyên thì lại làm lỡ mất cơ hội khuyên người làm thiện, đấy gọi là bỏ mất người (thất nhân). Bỏ mất lời, bỏ mất người đều là do chính mình thông minh không đủ, phân biệt không ra, phải nên tự mình kỹ càng phản tỉnh, kiểm thảo; được như thế thì nói không bỏ mất lời, cũng không bỏ mất người.

Thế nào gọi là cứu người bị nguy cấp? Hoạn nạn đảo điên là việc trong đời người ta thường gặp phải. Hễ ngẫu nhiên gặp người hoạn nạn như thế, ta nên xem nỗi thống khổ của họ giống như đang ở trên thân ta, phải mau mau nghĩ cách giải cứu. (Người đấy gặp cảnh ngộ nào đấy mà bị người ta áp bức oan uổng) thì ta, hoặc dùng lời lẽ rõ ràng mà biện hộ cho họ, hoặc dùng các cách cứu giúp khỏi khốn khổ. Thôi Tiên sinh từng nói: "Ân huệ không kể lớn nhỏ thế nào, chỉ cần trong lúc người ta đang nguy cấp mà nhanh chóng đến giúp đỡ, như vậy là tốt rồi". Câu nói này quả thực là câu nói của người có lòng nhân vậy.

Thế nào gọi là kiến tạo lợi lớn? Về mặt nhỏ thì ở trong một làng, về mặt lớn thì ở trong một huyện, hễ là việc có ích lợi cho công chúng thì đều nên thực hiện; hoặc khai thông đường mương cho nước chảy vào ruộng; hoặc xây đê đập đề phòng thủy tai; hoặc tu sửa cầu cống khiến cho phương tiện giao thông được thuận tiện; hoặc đem cơm nước cứu người đói khát; hễ gặp cơ hội thì nên khuyên bảo mọi người đồng lòng, góp sức bỏ tiền, bỏ công ra mà xây dựng. (Dù cho có người ngấm ngầm hủy báng gây hại cho ta) ta cũng không nên vì tránh hiềm nghi mà không làm việc thiện; cũng không nên sợ khổ nhọc, ngại người khác đố kỵ, oán hận mà thoái thác công việc, như thế là không nên.

Thế nào gọi là xả bỏ tiền tài, làm việc phước đức? Trong vạn thứ thiện hạnh của nhà Phật, bố thí là trọng yếu nhất. Nói đến bố thí là chỉ nói đến chữ xả, thứ gì cũng xả bỏ được hết là hợp ý tứ của Phật. Người biết rõ đạo lý một cách chân chánh thì bất cứ thứ gì cũng chịu xả bỏ; như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trên thân thể của chính mình, không có thứ gì là không thể xả bỏ đi. (Tỷ như Đức Phật từng tu hành tại Nhân Địa, đã xả thân cho hổ ăn. Sắc (hình sắc), thanh (âm thanh), hương (mùi thơm), vị (như vị ngọt...), xúc (sự tiếp xúc, sờ chạm), pháp (các sự vật, ý tưởng...) ở bên ngoài thân thể cũng có thể xả bỏ hết.

Tất cả những gì mà một người có, không có thứ gì là không thể xả bỏ (nếu được như vậy thì thân tâm thanh tịnh, không phiền não, như Phật, Bồ Tát vậy). Nếu không xả bỏ mọi thứ thì trước hết hãy từ tiền tài mà ra tay bố thí. Người đời đều xem mặc áo, ăn cơm trọng yếu như là sinh mạng. Do đó bố thí tiền tài cũng vô cùng trọng yếu; nếu ta có thể thích thú mà thực hiện việc xả bỏ tiền tài thì bên trong ta phá bỏ được cái bệnh hẹp lượng, bên ngoài ra cứu giúp được người khác khỏi cơn nguy cấp. Có điều, tiền tài không dễ hiểu ra được, mới đầu bỏ tiền ra bố thí, khó thoát khỏi đôi phần miễn cưỡng; chỉ lần xả bỏ vài lần thì sẽ qua đi, trong lòng tự nhiên thanh thản, rồi sẽ không có gì là không thể xả bỏ được. Đây là sự tiêu trừ dễ dàng nhất cái ý tham, cái tâm vị kỷ của mình, cũng là sự trừ bỏ keo kiệt, chấp giữ của mình về tiền tài.

Thế nào gọi là hộ trì chánh pháp? Pháp là con mắt của sinh linh từ ngàn vạn năm nay, cũng là cái mực thước của chân lý (nhưng Pháp thì có chánh có tà) nếu không có chánh pháp thì làm sao đủ để giúp cho cái đức của trời đất tạo hóa?. Làm sao có thể khiến cho đủ loại người và đủ loại sự vật được thành tựu như vắt vải may áo?.

Làm sao có thể thoát khỏi những mê hoặc, những thứ trói buộc?. Làm sao có thể xây dựng, sửa đổi hết thảy mọi sự việc trên đời và thoát khỏi biển khổ của cái thế giới ô uế, của sinh tử luân hồi? (tất cả đều phải nhờ có chánh pháp mới được như có con đường lớn sáng sủa mà đi). Cho nên hễ trông thấy các chùa miếu, ảnh tượng, kinh điển, di huấn của Thánh hiền thì ta phải tỏ lòng kính trọng; nếu trông thấy những thứ ấy bị hư hoại thì phải tu bổ sửa sang. Còn như chánh pháp của nhà Phật thì lại càng phải kính trọng, ra sức truyền bá, tuyên dương, khiến người ta trọng vọng thì mới có thể báo đáp ân đức của Phật. Đấy là những gì ta cần phải dốc toàn lực mà thực hiện.

Thế nào gọi là kính trọng bậc tôn trưởng? Cha mẹ, huynh trưởng trong nhà; vua chúa, quan lớn của quốc gia; cho đến những người có tuổi tác, đạo đức, chức vị, kiến thức cao vời, cần phải được đặc biệt thành khẩn cung kính. Hầu hạ cha mẹ ở nhà thì cần phải có lòng yêu thương cha mẹ một cách thâm sâu, với vẻ dịu dàng nhu thuận; đồng thời thanh âm phải đằm thắm, khí sắc phải sinh hòa; cứ như thế mà không ngừng xông ướp thành thói quen thì sẽ biến thành tính tình tốt đẹp tự nhiên. Đây chính là biện pháp căn bản của cái hòa khí có thể làm cảm động lòng trời.

Ra ngoài phục vụ quân vương thì bất luận việc gì cũng cần phải y chiếu theo phép nước mà làm. Chớ cho rằng vua không biết mà tự mình phóng túng làm bậy! Xét án một kẻ tội phạm, bất luận tội người ấy nhẹ hay nặng, đều phải thẩm vấn kỹ càng, công bình mà chấp pháp, không được cho rằng vua không biết, rồi cứ tác oai, tác phước oan uổng người ta. Hầu hạ quân vương phải cung kính như đối mặt với trời, đấy là quy phạm mà người xưa đã định nêu, đây là chỗ có quan hệ vô cùng lớn lao đối với âm đức. Chúng ta hãy thử xem, hễ ai là người trung hiếu thì con cháu họ không thể không phát đạt lâu dài mà tiền đồ lại còn hưng vượng, cho nên nhất định phải lưu ý cẩn thận để kính trọng bậc tôn trưởng.

Thế nào gọi là thương tiếc mạng sống của loài vật? Nên biết một người sở dĩ nghĩ rằng mình là người chính là ở chỗ người ấy có một cái tâm trắc ẩn vậy. (Cho nên Mạnh Tử nói: "Không có lòng trắc ẩn thì không phải người") tìm cầu lòng nhân chính là tìm cầu cái tâm trắc ẩn này; tích chứa công đức cũng là tích chưa cái tâm trắc ẩn này. Có tâm trắc ẩn chính là có lòng nhân; có tâm trắc ẩn chính là có công đức (không có tâm trắc ẩn là không có lòng nhân, không có đạo đức).

Sách Chu Lễ có nói: "Mỗi năm vào tháng Giêng, (tháng Giêng là tháng loài vật dễ có thai) không dùng con mẹ để làm phẩm vật tế lễ (vì phòng trong bụng chúng có thai). Mạnh Tử nói: "Người quân tử không chịu ở gần nhà bếp", chính là để bảo toàn cái tâm trắc ẩn mình vậy. Cho nên các vị tiền bối, có giới cấm rằng không được ăn bốn loài thịt: như nghe tiếng kêu của các con vật bị giết thì không ăn thịt nó; hoặc chính mình nuôi nó lớn thì không ăn thịt nó. Kẻ hậu bối nếu muốn học cái tâm nhân từ của các bậc tiền bối mà nhất thời không thể ngưng ăn thịt cá (ăn mặn) thì nên theo cách của các tiền bối mà giữ các giới cấm trên. Chiếu theo Phật Pháp mà nói thì hết thảy loài vật có sinh mạng đều do vì đời trước đã làm ác nên sinh ra làm súc sinh; đến khi chúng đền tội xong thì có thể sinh làm người. Làm người mà chịu tu hành thì cũng có thể thành Phật. Thế thì thịt mà hôm nay ta ăn khó chắc rằng đấy không phải là thịt của vị Phật trong tương lai. Lại nữa, những con vật hiện nay trong vô lượng đời trước nhất định đã từng làm người, thế thì có thể chúng ta đã từng là cha, mẹ, vợ, con, bà con, bạn bè của ta trong đời trước. Hôm nay ta là người, họ là súc sinh, ta ăn thịt họ tức là ta phạm tội sát, là ta kết với họ mối thù giết mạng.

Nếu con vật bị ta ăn đời sau đều sạch tội mà sinh làm người, còn ta thì tạo tội phải sinh làm súc sinh, e rằng con vật ấy cũng muốn báo thù ta về việc ta đã giết nó mà đến giết ta, ăn thịt ta.

Nếu như thế thì ta nên sát sinh chăng. Có còn ăn thịt được chăng? Huống chi bảo rằng thịt thì ngon cũng chẳng qua chỉ trong khoảng thời gian thịt qua miệng đến yếu hầu là còn có mùi vị, chứ đến khi nuốt xong thì thịt còn mùi vị gì đâu, so với thức ăn chay có khác gì đâu, tại sao lại nhất định muốn sát sinh tạo tội chứ?.

Tuy nhất thời không thể không ăn thịt được, ta cũng nên dần dần ít ăn thịt cho đến khi hoàn toàn không ăn thịt. Cứ như thế, thì cái tâm từ bi sẽ càng lúc càng lớn thêm. Chẳng những giữ giới không sát sinh mà còn đối với những con vật nhỏ li ti, không kể là ngu tối hay linh lợi, hễ phàm là có sinh mạng thì ta đều nên dứt khoát không làm hại sinh mạng của chúng. Như muốn có tơ để làm y phục, ta thả kén tằm vào nước rồi nung như thế là đã giết sinh mạng của bao nhiêu tằm; cuốc đất làm ruộng là giết hại biết bao nhiêu sinh mạng của trùng bọ dưới đất. Hãy nghĩ xem áo chúng ta mặc, cơm chúng ta ăn từ đâu mà có?. Tất cả đều do giết hại sinh mạng của chúng sinh để nuôi dưỡng tự thân chúng ta; cho nên cái tội phải bỏ lương thực, lãng phí đồ dùng thực ra cũng tương đương như tội sát sinh.

Cho đến những sinh mạng do ta tiện tay vô ý làm hại những sinh mạng do ta vô ý dẫm đạp lên mà bị chết thì không biết được bao nhiêu nữa; do đó phải nên tìm cách tránh cho khỏi xảy ra như vậy. Ngày xưa Tô Đông Pha có bài thơ rằng: "Yêu bọn chuột, thường dành cơm lại, thương lũ ngài, không chịu đốt đèn". Sợ chuột chết đói nên dành ít cơm cho chuột; thương xót mấy con ngài phóng vào đèn mà chết bỏng cho nên không đốt đèn lên. Lời thơ ấy thật nhân hậu từ bi biết bao!

Việc thiện vô cùng tận, làm sao có thể nói hết được; chỉ cần mười truyện đã kể trên đây mà suy diễn rộng rãi thì vô số công đức đều đầy đủ trọn vẹn.

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ