GIẢI NGHĨA CÁC TỪ TRONG TỬ VI ĐẨU SỐ
Mở bất cứ cuốn sách Lý số học nào cũng thấy nói ngay tới những từ như Cục, Mệnh, Thân, Hành, Can, Chi, Âm Dương sinh khắc mà không kèm lời định nghĩa các danh từ khó hiểu.
Ví dụ câu sau đây:
"Mệnh của đương số khắc với Cục cho nên thường sinh ra bế tắc"
Phải hiểu Mệnh là gì và Cục là gì? Tại sao hai yếu tố này khắc nhau mà gây ra sự bế tắc cho đương số? Chừng nào chưa có sự thấu đáo về định nghĩa các từ thì không có sự cảm thông giữa người viết và quý độc giả.
1. Định nghĩa:
Lý số học là khoa đẩu số Đông Phương dùng vào việc dự đoán số mệnh con người dựa trên nguyên lý Âm Dương, Ngũ Hành.
Thoát thai từ Kinh Dịch, tổ sức Hi Di (Trần Đoàn) biến các số lượng âm dương của các hào quẻ thành các sao tượng trưng tính chất thăng giáng tốt xấu, các cách hành xử đúng sai của đương số trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Những người nghiên cứu Lý số học thường đa số là đứng tuổi, có một học thức trên mức căn bản và cũng rất thận trọng trước khi bước vào con đường khó khăn những cũng nhiều hứng thú này.
Lý đoán số mệnh có thể dựa trên những dữ kiện cố định hay tình cờ, có thể bằng trực giác hay luận giải. Khoa lý số học, một khoa thực dụng để lý đoán số mệnh, được coi là chính xác nhất vì đã đưa vào các dữ kiện thời gian: năm, tháng, ngày, giờ sinh.
Các dữ kiện này ngoài việc là những yếu tố cần và đủ để thiết lập lá số còn làm nổi bật tính cách đặc thù của mỗi cá nhân, trình bày được những bản năng tiềm ẩn của từng người và dự đoán được vòng thịnh suy của cuộc đời họ nữa.
2. Bảng số:
Là một tài liệu ghi chép các dữ liệu: năm, tháng, ngày, giờ sinh cùng tên họ đương số. Trên bảng số sao cung có an các sao dùng để lý đoán số mệnh.
Bảng số có hai phần:
a. Thiên Bàn tức cung lớn ở giữa.
b. Địa Bàn tức 12 cung xung quanh.
Trên Thiên Bàn và Địa Bàn ngoài các sao còn ghi Can Chi và Ngũ Hành.
Thầy đoán số xem tổng quát bảng số sao cung, lý giải bảng số sao cung và chỉ rõ cho đương số những hoàn cảnh, những vận hạn, qua đó chỉ cho người này cách xử trí các biến cố. Gọi là xử trí chứ không chỉ được cách tránh các biến cố, chỉ đối xử sao cho các biến cố không tác hại nặng quá đến đương số.
3. Năm, tháng, ngày, giờ sinh:
Được tính theo âm lịch. Nếu không biết cách tính ngày giờ âm lịch thì dựa vào lịch Vạn Niên hay theo phần mềm vi tính an sao làm sẵn để chuyển đổi từ dương lịch sang âm lịch.
Ví dụ: năm 1957 dương lịch là năm Đinh Dậu của âm lịch. Năm 1968 là năm Mậu Thân, năm 1975 là năm Ất Mão âm lịch, năm 2003 là năm Quý Mùi...
4. Các sao:
Còn gọi là Tinh, là Diệu, là Đẩu. Ví dụ: Cung Vô Chính Diệu là cung không có chính tinh; Nam đẩu tinh, Bắc đẩu tinh là các sao phương Nam và phương Bắc. Các sao này không phải là sao trên Trời mà là các danh xưng nói lên cái ý nghĩa về phúc, họa, giầu, nghèo, sang, hèn...và các hoàn cảnh con người kinh qua trong suốt cuộc đời.
Trong Hệ Từ Truyện (Kinh Dịch), khi bàn về Thiên Văn, có viết rằng: "Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến" (ngắm tượng Trời đất để xét sự thay đổi thời tiết). Theo Nghệ Văn Chí thì khoa Thiên Văn thời cổ dùng để xếp đặt thứ tự 28 ngôi sao (thực ra là 28 chòm sao) trên bầu Trời, đặt mối liên hệ về vị trí của chúng trên đường Hoàng Đạo tương ứng với sự thay đổi khí hậu, qua đó suy ra tính cát hung của các sao. Căn cứ vào đó các vua chúa ngày xưa điều khiển chính sự.
Các chòm sao trên được chia theo bốn hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc, theo Âm Dương, Ngũ Hành.
Các chòm 1-6 ở phương Bắc, thuộc Thủy màu đen là chòm Huyền Vũ.
Các chòm 2-7 ở phương Nam, thuộc Hỏa màu đỏ là chòm Chu Tước.
Các chòm 3-8 ở phương Đông, thuộc Mộc màu xanh là chòm Thanh Long.
Các chòm 4-9 ở phương Tây, thuộc Kim màu trắng là chòm Bạch Hổ.
Ở trung tâm là các chòm số 5-10 thuộc Thổ màu vàng.
Như thế, việc xem Thiên Văn lúc đầu là coi sự di chuyển của các tinh đẩu để đoán vận nước tốt xấu, giúp các vua chúa trị quốc an dân chứ không dùng vào bốc phệ cũng như dự đoán tương lai các cá nhân.
Số sao mà Hi Di tiên sinh dùng trong khoa Lý số học lại có khoảng 128 vị (2 lần 64 quẻ Dịch) để an trong các lá số nhưng chỉ có 110 sao là thông dụng thôi. Các sao Hi Di dùng chỉ có tính cách tượng trưng không phải là các sao ta thấy trên bầu trời hàng đêm.
Cách phân loại các sao cũng khác nhau, nhưng đại thể chia ra: Chính tinh, Trung tinh, Phụ tinh, Phúc tinh, Hung tinh, Sát tinh, Tài tinh. Gọi cách nào cho tới nay thì tùy theo ý thích của từng người. Chưa có một bản danh từ thống nhất về các sao trong khoa Lý số học.
Ví dụ một cách gọi: sao Chủ tinh (Sao Tử Vi) là chính tinh; Tả, Hữu là trợ tinh; Không, Kiếp là sát tinh, Thiên Đồng là phúc tinh; Thiên Khôi là quý tinh.
5. Tuổi âm lịch và Can Chi:
Tuổi âm lịch được thành lập bằng hai yếu tố Can và Chi.
Can nghĩa là gốc, tức những gì Trời cho ta khi ta chào đời, những gì đã được định sẵn không thêm không bớt, hay thì ta được nhờ, dở thì ta phải chịu.
Chi nghĩa là cành, tức vùng đất ta rơi vào khi sinh ra, vùng đất có hoa màu nuôi nấng ta, vùng đất sau này ta có thể canh tác để nuôi thân, nghĩa là bản thân ta có thể sửa sang lại để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Muốn có tuổi âm lịch, ta ghép một can với một chi như: Giáp Tí; Giáp là Can và Tí là Chi; Ất Sửu, Ất là Can và Sửu là chi...
6. Âm Dương:
Âm Dương là hai cực mâu thuẫn, đấu tranh, tương phản nhau, nhưng lại nương tựa vào nhau. Không có gì hoàn toàn Dương hay hoàn toàn Âm. Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Âm đẩy Âm, Dương đẩy Dương, Âm hấp dẫn Dương, Dương thu hút Âm.
Dương giáng, Âm thăng, những gì Dương thì giáng xuống, những gì Âm thì thăng lên. Quy luật Dương giáng Âm thăng có ý nghĩa to lớn trong triết lý cuộc sống. Âm thịnh thì Dương suy, Dương thịnh thì Âm suy. Khi Âm tiêu tán thì Dương xuất hiện, lúc Dương đạt cực thịnh thì Âm sinh ra.
Nói tóm lại, Âm Dương là khái niệm về hai cái đối nghịch trên thế gian và cuộc sống, như ngày và đêm, nóng và lạnh, cao và thấp, vui và buồn, thịnh và suy, phúc và họa...
Âm Dương luôn luôn cọ xát, đùn đẩy, chờ đợi nhau để sinh ra sự sống, như hình ảnh cái bễ lò rèn, ống bễ bên này ép xuống thì ống bễ bên kia đẩy lên, lên xuống liên tục tạo ra sức gió thổi làm than cháy đỏ. Phúc họa nằm sẵn trong nhau, mạnh yếu chỉ là tương đối, thịnh suy chỉ là giai đoạn...tất cả chỉ xoay quanh nhịp biến đổi tuần hoàn của Âm Dương mà thôi.
Trong 12 cung của một bảng số sao cung thì các cung: Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là cung Dương, các cung: Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi là cung Âm.
Âm Dương được gọi là thuận lý: Khi người dương nam hay dương nữ có mệnh đóng tại cung dương, khi người âm nam hay âm nữ có mệnh đóng tại cung âm. Ví dụ: Người nam tuổi Giáp Thân (Giáp Dương), mệnh đóng tại cung Tí (Dương), người nữ tuổi Ất Sửu (Ất Âm), mệnh đóng tại cung Mão (Âm).
Tuy nhiên, nếu người nam, Mệnh đóng tại cung Dương mà có tuổi Âm thì vẫn là nghịch lý, cũng vậy, nếu người nữ Mệnh đóng cung Âm mà có tuổi Dương là nghịch lý.
7. Ngũ hành:
Khái niệm Ngũ Hành có sau khái niệm Âm Dương. Con người thời bán khai phải vật lộn với thiên nhiên để giành sự sống nên đã am hiểu cái nguyên lý căn bản cấu tạo nên sự vật để tìm cách thống trị thiên nhiên.
Họ tin rằng yếu tố chính tạo sự vật là: Kim (sắt), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất) và đặt tên là Ngũ Hành.
Mỗi cung của Địa Bàn có một hành.
Các cung: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: hành Thổ.
Các cung: Thân, Dậu: hành Kim.
Các cung: Hợi, Tí: hành Thủy.
Các cung: Dần, Mão: hành Mộc.
Các cung: Tỵ, Ngọ: hành Hỏa.
Cung có hành riêng, mệnh có hành riêng. Tùy theo năm sinh ta tính được mệnh thuộc hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ. Để ngắn gọn ta gọi hành của mệnh là mệnh tương ứng, như Mệnh Kim, Mệnh Mộc...
Cục cũng có hành của Cục. Khi nói hành của Cục là ý nói Cục thuộc hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ. Để ngắn gọn, ta gọi hành của Cục tương ứng, như Cục Kim, Cục Mộc...
Ngũ Hành có thể tương sinh như: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
Nếu ta coi Ngũ Hành như nắm cánh cửa một ngôi sao, ta có thứ tự sau đây không thay đổi: Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy, ta thấy rõ những hành nào liền nhau thì tương sinh, còn những hành nào cách nhau thì tương khắc.
8. Mệnh:
Hay là số phận tức là những gì Trời cho ta khi chào đời. Có thuyết nói Mệnh là Quả của cái Nhân ta đã gieo từ nhiều kiếp trước.
Mệnh là vùng đất ta rơi vào lúc lọt lòng mẹ. Vùng đất này săn sóc ta, nuôi nấng ta, tốt hay xấu, tùy theo những gì Trời đã ban cho ta tượng trưng bởi các sao, đặc biệt là các chính tinh.
9. Thân:
Là cách ứng xử của ta trong cuộc đời để hưởng phú quý hay chịu thống khổ của kiếp nhân sinh. Thân là Ta, là hành động của ta trước cái số phận Trời đã an bài.
Có người nói Mệnh ảnh hưởng con người từ nhỏ đến 30 tuổi còn ngoài 30 thì xem ở Thân. Nói vậy không đúng hẳn vì ở con người, cái Mệnh phải luôn luôn đi đôi với cái Thân. Mệnh suy Thân vượng hay Mệnh vượng Thân suy đều không tốt, phải có cả Thân và Mệnh đều tốt thì mới đẹp cả về tinh thần và vật chất được. Nếu trong hay mà có một xấu thì cả hai cùng xấu. Thân cũng là biểu tượng của sự trưởng thành, khôn lớn theo thời gian đặc biệt thường biểu hiện rõ nhất là từ khi lập gia đình thì chức năng Thân sẽ tác động cùng Mệnh phát huy khả năng cao nhất. Tất nhiên với một số trường hợp không lập gia đình thì Thân ít nhiều khó có thể đạt được phát huy cao độ, thậm chí có Thân mà như không.
10. Cục:
Cục khác với Mệnh. Cục là môi trường xã hội ta sống từ buổi lọt lòng. Cục có hành của Cục như Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cục Kim mang số 4 gọi là Kim Tứ Cục, Cục Mộc mang số 3, Cục Hỏa mang số 6, Cục Thủy mang số 2, Cục Thổ mang số 5.
Theo quan niệm xưa, người ta căn cứ vào Ngũ hành để đặt tên Cục. Mỗi Cục chỉ là một con số của Ngũ hành như ta thấy ở trên. Tôi đồng ý với quan niệm này, nhưng xin đưa ra một khái niệm mới căn cứ vào vị trí của sao Chủ tinh (Tử Vi) trong 12 cung mà ấn định Cục (hoàn cảnh xã hội) của từng người.
Ví dụ: sao Chủ tinh cư Ngọ là vua ngôi trên ngai vàng. "Đế cư đế vị". Sao Chủ tinh thuộc Thổ, cung Ngọ thuộc Hỏa, Hỏa sinh Thổ, hoàn cảnh thuận lợi cho con người, xã hội ổn định, trên dưới nghiêm minh. Một người có cách sao chủ tinh cư Ngọ, dù Mệnh đóng ở bất cứ cung nào thì Cục vẫn là cách "Đế cư đế vị", nên người này sinh hoạt, giao dịch với những người quyền quý đàng hoàng. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong những phần sau.
TƯƠNG QUAN NGŨ HÀNH GIỮA MỆNH VÀ CỤC:
Hành của Mệnh và của Cục có thể tương sinh:
Mệnh Mộc sinh Cục Hỏa
Mệnh Hỏa sinh Cục Thổ
Mệnh Thổ sinh Cục Kim
Mệnh Kim sinh Cục Thủy
Mệnh Thủy sinh Cục Mộc
Hành của Mệnh và Cục có thể tương khắc:
Mệnh Mộc khắc Cục Thổ
Mệnh Thổ khắc Cục Thủy
Mệnh Thủy khắc Cục Hỏa
Mệnh Hỏa khắc Cục Kim
Mệnh Kim khắc Cục Mộc
Tương sinh thì hợp cách và tốt đẹp, tương khắc thì sai cách và tầm thường. Sau phần định nghĩa này, chúng ta đi vào khoa Lý số học thuần túy.
Tam Phương: Trong lá số (còn gọi là Mệnh bàn hoặc toán bàn), lấy bất cứ cung nào, cung cách cung ấy 5 cung vị, và cung đối, đều gọi là Tam Phương, ví dụ như cung Tý, thì cung Ngọ là cung đối, Thân và Thìn là 2 phương, hợp lại gọi là "tam phương".
Tiểu Hạn: Cung mà số tuổi ở đó, ví dụ như 5 tuổi, 17 tuổi, 29 tuổi, 41 tuổi, 53 tuổi, 65 tuổi ở cung nào, thì vào 5 tuổi, 17 tuổi, 29 tuổi...lấy sao ở cung đó để luận cát hung năm ấy.
Đại Hạn: Cứ 10 năm đổi một cung, sao trong cung quy định hung cát trong 10 năm.
Lục Nhâm: (hoặc Lục Giáp) Trong Lục Thập Hoa Giáp, Thiên Can và Địa Chi phối hợp nhau, tổng cộng có 6 lần Nhâm, gọi là Lục Nhâm, 6 lần Giáp gọi là Lục Giáp, 6 lần Bính gọi là Lục Bính...
Tứ Sinh: 4 cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi trong lá số.
Tứ Mã: Tức Tứ Sinh
Tứ Mộ: 4 cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi trong lá số.
Tứ Bại: 4 cung Tý, Ngọ, Mão, Dậu trong lá số.
Tứ Chính: Lấy tam hợp phương của bản cung + cung đối, gọi là Tam Phương Tứ Chính.
Lục Cát: Chỉ Văn Xương, Văn Khúc, Tả Phù, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt.
Thất Cát: Lục Cát và Lộc Tồn.
Tứ Sát: Chỉ Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương (Dương Nhẫn), Đà La (Sát ở đây có nghĩa là hung thần).
Lục Sát: Tứ sát thêm Địa Kiếp, Địa Không.
Củng: Cứ cách 5 cung, gọi là "củng", như cung củng của cung Tý là cung Thân, cung Thìn, hai cung này củng cung Tý.
Chiếu (hoặc Xung): Tức cung đối, như Dần, Thân gọi nhau là cung đối, cung đối của cung Tý không phải cung Mùi, mà là cung Ngọ. Các cặp cung Sửu Mùi, Mão Dậu, Thìn Tuất gọi nhau là cung đối, sao của hai cung đối gọi nhau là chiếu hoặc xung.
Nhàn Cung: Cung mà sao trong đó có độ sáng trung bình, cát hung không rõ lắm.
Thiên La: Cung Thìn trong lá số.
Địa Võng: Cung Tuất trong lá số.
Miếu: Sao trong cung có độ sáng nhất, tức là chỗ cát lợi thịnh vượng nhất của sao ấy.
Ác Diệu: Chỉ Tham Lang, Liêm Trinh, Phá Quân, Thất Sát, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương, Đà La, Địa Không, Địa Kiếp.
Đế: Chỉ sao Tử Vi.
Tam Kỳ: Hóa Quyền, Hóa Khoa, Hóa Lộc ở cung Mệnh hoặc Tam Phương Tứ Chính xung chiếu, ắt có thể vượt trội hơn người.
Hiệp: Cung trước và cung sau của bản cung gọi là "hiệp", sức mạnh của hiệp rất lớn, ví dụ như tiểu hạn tại cung có Tả Phù, Hữu Bật hiệp, vận khí tốt, sẽ mua được bất động sản, những cặp "hiệp" nhau (tương hiệp) khác như Nhật, Nguyệt, Xương, Khúc cũng tốt, nhưng nếu là hung tinh tương hiệp thì gặp vận khí xấu.
Ám Hợp: Như cung Dần và cung Hợi gọi là Ám Hợp. Những trường hợp khác là cung Mão và cung Tuất, cung Thìn và cung Dậu, cung Tỵ và cung Thân...
Thám Hoa Cách: Trong chế độ thi cử thời xưa thì người đậu hạng nhất là trạng nguyên, người đậu thứ hai là bảng nhãn, người đậu thứ ba là thám hoa, người đậu thứ tư trở về sau gọi chung là tiến sĩ.
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)
Bài viết liên quan
Câu Chuyện Tử Vi Với Mục Tiêu Cải Số Mạng
Làm Thầy Tử Vi Bất Đắc Dĩ Trên Xứ Chùa Tháp
Lá Số & Cuộc Đời Của Nữ Nghệ Sĩ Túy Phượng
Cung Phụ Mẫu Đặc Biệt Xem Nhật, Nguyệt
Khóc Anh Nhật Với Định Mạng Khắt Khe
Lá Số & Cuộc Đời Nữ Diễn Viên Điện Ảnh Như Loan
Từ Điển Tử Vi - Các Cách Để Coi Cung Phu Thê
Đức Ông Kỳ Ngoại Hầu Cường Để Là Người Sáng Suốt
Là Con Gái Danh Giá, Phải Sửng Sốt Khi Nghe Thầy Đoán: "Cô Sẽ Có 4 Đời Chồng"