By Tử Vi Chân Cơ|
07:32 26/04/2024|
Tứ Hóa Bắc Phái
CUNG MỆNH TỰ HÓA
Tự hóa là hang mục rất quan trọng, đây là điều kiện liên hệ giữa cung vị và tinh diệu. Cần nhắc lại một điều, bố cục của các sao, sự phân bố tứ hóa [năm sinh] và cung vị có tình huống sao tự hóa hay không, đều do năm, tháng, ngày, giờ sinh định ra kết cấu. Cho nên động thái cung tự hóa cũng tương quan mật thiết với mệnh tạo, là bộ phận bất khả phân của hiện tượng cuộc đời mệnh tạo. Tinh túy của Tử Vi Đẩu Số là tứ hóa, mà hiện tượng có khả năng xảy ra trong cuộc đời là do động thái cung tự hóa biểu thị, đây chính là tinh túy của mệnh bàn. Nếu nắm vững được mắt xích sâu kín này của Tử Vi Đẩu Số, thì công lực đoán mệnh của bạn sẽ cao hơn một bậc.
(1) Cung mệnh tự Hóa Lộc:
Cung mệnh tự Hóa Lộc là biểu thị sự đa tình, cảm tính (có thể khiến người đã từng tiếp xúc cảm nhận được ý vị tình người), họ không phải là người “ba phải”, mà chỉ vì không muốn xúc phạm hay làm phiền lòng người khác. Cơ chế phản ứng (cơ chế phòng vệ) là dùng “tình cảm" để lôi kéo người khác về phía mình, người như vậy khó làm phiền lòng người khác, nhưng cũng thường thấy họ không chịu nổi sự mời gọi hoặc dẫn dụ của sắc tình. Ngoài ra, một trong những công dụng của “tự hóa” là “bắn” về hướng đối cung (cung thiên di), nên cũng sẽ liên can đến cung thiên di, vì vậy họ rất có duyên với người.
Hóa Lộc là biểu hiện “tư tâm tư dục”, vì vậy tự Hóa Lộc là biểu hiện sự nhiệt tình để tìm sự ủng hộ (tránh bị người khác chống đối hay gây khó khǎn), vì vậy thường thường họ không bao giờ cự tuyệt người đến với mình, luôn lấy “thịnh tình” để đãi người. Người cung mệnh tự Hóa Lộc không phải là loại người có tính kịch liệt; nếu muốn biết lực kéo dài và biểu hiện cụ thể của tự Hóa Lộc thì phải xem sao nào tự hóa mà định. Cho nên không loại trừ sẽ có tình trạng hứa hão hoặc chỉ cho bằng cái miệng, mà không có hành động thực tế. Người cung mệnh tự Hóa Lộc nhiều cảm tính và đa tình, cho nên cũng dễ cảm động; nhưng hành động sau khi cảm động là gì? Đây cũng là đề tài đáng tìm hiểu và cũng rất thú vị!
Tóm lại, cung mệnh tự Hóa Lộc là có hàm ý muốn dung hợp hai trạng thái khác nhau, nên có tính nhu, giàu cảm tính, thái độ thân thiết hiền hòa, hơi có chút giả dối bề ngoài và che giấu tình cảm thật trong lòng mình.
(2) Cung mệnh tự Hóa Quyền:
Cung mệnh tự Hóa Quyền là chủ quan, mạnh mẽ, cứng rắn, tích cực hành động, biểu hiện thế mạnh của "cái tôi”; còn khó thỏa hiệp, cho nên khi gặp chuyện sẽ dễ xảy ra tranh chấp, cãi vã với người ta. Cơ chế tự hóa Quyền cũng hơi giống như “địa lôi”, không đụng phải nó thì bình an vô sự, còn có thể duy trì sự yên ổn, thanh tĩnh, nhưng một khi đụng đến quyền lợi cá nhân thì không xong. Hóa Quyền [năm sinh] ở cung mệnh là bẩm sinh đã có, nhìn biểu hiện bề ngoài có cảm giác uy nghiêm và tôn quý; còn cung mệnh tự Hóa Quyền, lúc gặp chuyện sẽ có khuynh hướng lợi kỉ “người không vì mình, trời tru đất diệt”.
Hóa Quyền [năm sinh] là tích cực, chủ động; còn cung mệnh tự Hóa Quyền là vì lợi ích hay quyền lợi nào đó mà dũng cảm tiến tới, bất kể an nguy bản thân. Đối tượng cụ thể của Hóa Quyền [năm sinh] là lời nói có ý vị sâu xa; còn cung mệnh tự Hóa Quyền là chủ về: trong đại vận thứ nhất, lúc mệnh tạo còn thơ ấu đã biểu hiện tính phách lối, thích ra oai, lúc vào đại vận thứ hai, nếu can cung đại vận phi tứ hóa không nhập cung mệnh của thiên bàn, thì không có lực tạo tác, nhưng lúc cung mệnh của thiên bàn biến thành cung tài bạch của đại vận, cung quan lộc của đại vận, hay cung thiên di của đại vận, thì nhất định sẽ phát huy tác dụng của tự Hóa Quyền! Vì vậy, tất nhiên lực tạo tác tranh cường hiếu thắng sẽ phát tác ở cung quan lộc của đại vận hoặc cung tài bạch của đại vận.
“Ngã cung” tự hóa là biểu hiện của “cơ chế phòng vệ", trong đó tự Hóa Quyền là tích cực và kịch liệt nhất, chỉ cần gặp một kích thích nhỏ nào đó đều có phản ứng mạnh mẽ, dữ dội. Ví dụ cung mệnh có Hóa Kị [năm sinh], mà can cung mệnh khiến sao Hóa Kị lại tự Hóa Quyền. Bình thường người có Hóa Kị [năm sinh] thủ mệnh dù gặp hoàn cảnh khốc liệt cũng sẽ ẩn nhẫn mà không phản kháng, tâm tình không cởi mở, tự ti, không thích bộc lộ bản thân, không chủ động nói chuyện với người lạ, sẽ không làm chuyện ác hại người khác, lập trường của họ là chỉ bảo vệ bản thân khỏi bị hại. Vì ý tượng của Hóa Kị là “thu vào”, nhất là lúc ở “ngã cung”, sẽ chủ về có sự tự tu dưỡng, có tình cảm lân mẫn, thương hại, đồng tình để “tiếp nhận”. Ví dụ như Vũ Khúc Hóa Kị ở cung mệnh, trường hợp này giống như con nhím cuộn lại thành một nắm để chống lại sự xâm phạm từ bên ngoài. Động tác cuộn lại là hành vi tự vệ, không chủ động công kích, cũng sẽ cô lập với bên ngoài, vì vậy sẽ nâng cao tính“cô độc hình khắc” của Vũ Khúc. Dưới tác dụng của Vũ Khúc (kim) Hóa Kị (thủy), họ sẽ có tính ngoan cố tự cho mình là đúng, làm cho người ta có cảm giác khó châm chước, cũng thường thấy họ có một khuôn mặt khó coi, ít khi nở nụ cười.
Nếu Vũ Khúc Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ cung mệnh, lại gặp can cung mệnh là Canh, như vậy sẽ khiến cho Vũ Khúc Hóa Kị [năm sinh] lại tự Hóa Quyền, tuy chỉ kích động Vũ Khúc nhưng cũng sẽ kích động toàn bộ cung mệnh, khiến lực tác động của Vũ Khúc Hóa Kị và tự Hóa Quyền phát tác, ý tượng của nó là: từ mặc cảm tự ti biến thành hành vi ngông cuồng tự đại, hoặc hành động tác quái giống như giặc cướp. Tuy nói như vậy là hơi quá một chút, nhưng người có Hóa Kị lại tự Hóa Quyền ở cung mệnh lúc bình thường giữ bản chất cố hữu của Hóa Kị, nếu để lực tác động của tự Hóa Quyền khởi động, thì sẽ xảy ra phản ứng rất kịch liệt. Loại phản ứng này có tính tổn hại và phá hoại, sẽ mang nỗi bất mãn và oán giận đè nén lâu nay bộc phát một cách phi lí tính. Lấy tình trạng “nửa chừng bỏ dở rồi làm chuyện xấu” để nói, một số bạn nhỏ đang đi học, vì thành tích hoặc hoàn cảnh gia đình không được như ý nên sinh ra mặc cảm tự ti, trong lúc lòng tự tôn bị tổn thương, vì muốn được người khác xem trọng, chúng có thể sẽ làm ra những chuyện kinh thiên động địa! Đây cũng là một hình thức biểu hiện của “cơ chế phòng vệ", vừa mãnh liệt vừa hung hãn, tùy theo sao nào hóa mà làm ra những chuyện tác quái khác nhau. Lúc luận đoán hiện tượng này, chúng ta cần tính đến nhân tố tác động, khống chế của các sao khác đồng cung; càng không thể bỏ sót nhân tố ngũ hành của cung vị này (có tác dụng sinh phù hay ước thúc, khống chế các sao trong cung); do đó, lúc phản ứng bộc phát cũng sẽ có sự phân biệt mạnh hay yếu.
Ví dụ như can cung nào đó khiến sao trong cung này tự Hóa Quyền, lúc can cung đại vận thì khiến sao này Hóa Lộc, đó chính là lúc khởi động cơ chế tự Hóa Quyền, lúc đó tác động của nó sẽ theo hướng tích cực. Nhưng nếu do Hóa Kị kích động sao này tự Hóa Quyền, lúc này mệnh tạo sẽ rất ngang ngược, thô bạo, không nói lí lẽ, có thể vì đạt mục đích mà không từ thủ đoạn nào. Do tự hóa là sự “tiết khí” của cung vị, tức sẽ bắn ra bên ngoài. Nhưng định nghĩa của cơ chế tự hóa ở “ngã cung” khác với ở “tha cung”; luận giải hiện tượng tự hóa ở các “ngã cung” như cung quan lộc, cung điền trạch...cũng có quy tắc riêng.
(3) Cung mệnh tự Hóa Khoa:
Người cung mệnh có Hóa Khoa [năm sinh] phần lớn đều thanh tú, văn nhã, lễ độ; bất kể có chân tài thực học hay không, hay chỉ là màu mè bề ngoài mà không có thực chất, thì bề ngoài của họ vẫn có phong thái rất trí thức. Người có Hóa Khoa [năm sinh] thủ mệnh rất ưa sĩ diện, văn nhã nhưng cũng giỏi che đậy, cho nên hình tượng và phong độ đều rất tốt; có khuynh hướng học hành giỏi. Hóa Khoa còn có ý tượng: trèo cao “miễn chiến bài”, cho nên người có Hóa Khoa [năm sinh] thủ mệnh khó đột nhiên bị tai ách làm tỏn thương; còn nhờ tính hòa thuận, không cố chấp ý kiến của mình nên rất khó chuốc vạ vào thân. Nhờ tính cách này mà người có Hóa Khoa [năm sinh] thủ mệnh phát huy được tinh thần “tự giúp mình rồi trời sẽ giúp”, họ là quý nhân của chính mình. Dưới tác động của vinh dự và thanh danh, người có Hóa Khoa [năm sinh] thủ mệnh thường có bề ngoài của một “quý nhân”.
Hóa Khoa [năm sinh] tọa cung mệnh có ý tượng: biểu hiện bề ngoài khiến người ta cảm được, thấy được, còn lộ ra một cách tự nhiên ở ngôn ngữ cơ thể; còn tình trạng ở cung mệnh tự Hóa Khoa thì không như vậy, và cũng không nhất định sẽ có bề ngoài thanh tú, nhưng người này có nội hàm, có bản lãnh thực. Hiện tượng của tự hóa là phản ứng lúc "gặp chuyện”, cho nên trừ phi là người thân cận, nếu không rất khó biết được bên trong của họ là gì. Họ là người có trí tuệ mà còn rất có lí tính, giỏi phán đoán sự việc đúng sai, còn có bản lãnh lâm nguy không loạn, giống như hệ miễn dịch trong cơ thể, có thể tiêu diệt virus xâm nhập. Vì mệnh tạo là mẫu người tự kiềm chế, thâm trầm, không lộ ra ngoài, cho nên nhìn biểu hiện bề ngoài rất khó đoán ra người này có tài năng đến đâu.
Từ những điều đã thuật ở trên, không khó phát hiện nhân sinh là mệnh vận vốn có, nhưng dưới tác động của mệnh vận vốn có, cuộc sống hay lí tưởng sẽ sinh ra “phản ứng" để đáp lại tác động của mệnh vận. Vì vậy động thái tự hóa có thể xem là “nỗ lực hậu thiên” hoặc có lúc là “khúc quanh đáng tiếc" trong cuộc đời. Có người dưới sự tàn phá của “cuồng phong bão táp” cuộc đời, đã có đủ sự cứng cỏi, bền bỉ để mạnh mẽ đứng lên; nhưng cũng có nhiều người không chịu nổi thử thách mà mất hết tinh thần, mất hết ý chí phấn đấu!
(4) Cung mệnh tự Hóa Kị:
Người cung mệnh tự Hóa Kị, “cơ chế phòng vệ" không được mạnh lắm, không tin vận tốt sẽ đến với mình, phàm chuyện gì cũng ôm giữ thái độ “ngừng tranh chấp để người khác được yên ổn”, vì vậy mà chịu đựng sự bất công, hi sinh quyền lợi của bản thân; đa nghi, khó tin tưởng ai; không thích can dự vào chuyện của người khác, cho nên cũng không chủ động giao du với ai; tuy bạn bè không nhiều, nhưng lại có bạn bè tâm giao; vì sợ họa đến với mình, cho nên người như vậy sẽ không hại người khác hoặc chiếm lợi thế của người khác; có khi tin tưởng rằng người tốt sẽ có quả báo tốt, nhưng họ không thích mắc nợ ân tình của ai, cho nên trong tình trạng không có áp lực, họ sẽ là người hay làm việc thiện; lúc gặp áp lực hay trắc trở trọng đại, dễ vì sợ mà rút lui, cho nên thường chỉ có “nhiệt huyết" khoảng 5 phút. Người như vậy quan hệ giao tế vốn khá tốt, nhưng lúc ở trong trường hợp phải lựa chọn đứng bên nào, họ có thể sẽ vắng mặt.
Lúc cung mệnh tự Hóa Kị sẽ xung chiếu đối cung, cho nên vận ở bên ngoài, xuất ngoại đều không tốt; tự Hóa Kị có hàm ý hi sinh mọi thứ để bảo vệ bản thân, cho nên người như vậy sẽ không chủ động tranh thủ cơ hội, ngay cả lúc cơ hội đến, lúc đầu thường sẽ hoài nghi hoặc không chấp nhận, cho nên mệnh tạo là người không giỏi nắm bắt cơ hội. Người có mệnh cách này, tốt nhất là trong cung mệnh nên có tổ hợp sao khác nâng lên, nếu không sẽ thấy cuộc đời khổ sở.
Người có Hóa Kị [năm sinh] ở cung mệnh, một đời có nhiều cơ hội “dịch mã”, không phải là không tốt; nhưng lúc người có tự Hóa Kị "dịch động” thì thường lại không thuận lợi toại ý, dễ bị nơi khác (xứ lạ) không thừa nhận, và dễ xảy ra sự cố giao thông. Người có Hóa Kị [năm sinh] ở ngã cung đại đa số có tài nghệ đặc biệt hoặc nghề chuyên môn, sở trường đặc biệt; còn "tự Hóa Kị" là động thái phản ứng, nên cần phải xem phối hợp với tổ hợp sao khác mới có thể đưa ra lời đoán. Cung mệnh có Hóa Kị [năm sinh] ít thấy có tâm tính khẳng khái, rộng lượng, ít nhiều cũng có tư tâm, nhưng sẽ không mưu hại người khác. Còn “tự Hóa Kị” thường thường là người tiêu tiền rộng rãi, có khi quá độ; động cơ tiều xài tiền thường thường là để tiêu tai giải nạn, “ngừng tranh chấp để người khác được yên ổn”, vì nghĩ rằng sẽ có "phúc báo” và họ thường có lòng nhân từ của phụ nữ! Ví dụ như trong cung mệnh có Vũ Khúc tự Hóa Kị, trong cuộc đời thực tế, người như vậy tuy rất quan tâm tiền bạc, nhưng có lúc lại xem nhẹ tiền bạc, và có thể mang tiền ra giúp đỡ người khác hay cho bạn bè mượn, hoặc thường hay bố thí vì cảm động.
Lúc mệnh bàn chuyển động, tứ hóa khác có thể phi nhập cung mệnh của đại vận, hoặc cung mệnh của thiên bàn có thể biến thành cung tài bạch của đại vận hay cung quan lộc của đại vận, lúc đó tình hình tự Hóa Kị nhất định sẽ bộc phát và gây ra ảnh hưởng nhất định. Nhưng nếu thấy sao Hóa Khoa, là lực chuyển hóa rất tốt, sẽ thành nhân tài rất có tiềm lực, có sở học chuyên tinh; nếu sao tự Hóa Kị có cát tinh khác đồng cung, thì không đến nỗi khiến họ có lối suy nghĩ tiêu cực và nhìn đời thấy toàn màu xám.
Người cung mệnh có Hóa Kị [năm sinh] sẽ tự trừng phạt và tự thương mình, cũng sẽ tự khép kín; còn cung mệnh tự Hóa Kị là người có thái độ khẳng khái, có thể chịu tổn thất vì người khác. Vì tự Hóa Kị sẽ xung kích đối cung, cho nên ở bên ngoài sẽ xảy ra chuyện thị phi, bản thân có thể bị tổn thất. Cung mệnh có Hóa Kị [năm sinh] lại tự Hóa Kị, là mẫu người ngoan cố, chính trực. Như đã thuật,"Song Kị” ở “ngã cung" sẽ dừng kiểu “bạo phá", nhưng tự Hóa Kị sẽ xung kích đối cung, cho nên quan hệ giao tế không được lí tưởng, thường không cách nào tiếp nhận ý kiến của người khác, dù là ý tốt, cũng khó thay đổi chủ trương hay nguyên tắc đã định, cho nên mệnh tạo là người khó sống chung với người khác, hoặc khó giao du; tuy không có ý niệm hại người, nhưng có thể sẽ tin lầm người hoặc phạm sai lầm, nên thường thường sẽ khiến cho thân hữu cảm thấy vừa giận vừa đáng tiếc đến cực độ!
Lúc luận đoán mệnh bàn, tuyết đối không được chỉ chú ý tứ hóa, tự hóa, và phi hóa; vì các sao không bị tứ hóa cũng sẽ phát huy công dụng của chúng. Nếu không, sẽ rơi vào cực đoan, và luận đoán sẽ sai lầm. Trong mệnh bàn, không chỉ có tứ hóa chủ về cho những sự tình mất thăng bằng, mà còn có những sự tình xảy ra rất ổn định, cho nên các bạn không nên vì chúng tôi chỉ giải thích các ý tượng tứ hóa, tự hóa, phi hóa một cách riêng rẽ mà cho rằng tác dụng của các sao là không quan trọng.
Cung mệnh có Hóa Kị [năm sinh] làm ví dụ, nếu không có tự hóa, đó là chấp nhận tất cả, dù rất bất công, hay hoàn cảnh khốc liệt cũng sẽ ân nhẫn mà không phản kháng. Cung tự hóa là cung của hành vi “tiết khí”, cũng có thể nói là động thái phản ứng. Ví dụ như người có Liêm Trinh tự Hóa Kị và Thiên Phủ thủ mệnh, bất luận Liêm Trinh tự hóa thế nào, rốt cuộc thì tính của sao Thiên Phủ vẫn tồn tại sự ổn định, huống hồ sức mạnh của Thiên Phủ lớn hơn Liêm Trinh rất nhiều. Các bạn không được vì Liêm Trinh tự Hóa Kị mà ngộ nhận hoặc bỏ sót sự tồn tại của Thiên Phủ. Có nhiều lúc hiện tượng hay chân tướng sự thực sẽ không kéo dài, cho nên luận đoán phi hóa, tự hóa có thể mất đi ý nghĩa: ví dụ như cung phu thê có Vũ Khúc độc tọa (dù có Hóa Quyền, Hóa Lộc hay Hóa Khoa), vẫn khó thành thân, có một số người bốn năm mươi tuổi mà vẫn cô độc một mình (do thiếu điều kiện thành thân hay kết hôn, đương nhiên cần phải xem thêm cung phúc đức). Ví dụ như Vũ Khúc ở cung phu thê, lúc cung phu thê tự Hóa Lộc (hay tự Hóa Kị), và phi xuất Hóa Kị (hay Hóa Lộc) nhập cung mệnh hoặc cung điền trạch; trong trường hợp này công thức luận đoán sẽ là: Vợ chồng không cách nào sống với nhau đến bạc đầu, tuy cũng đúng, nhưng cuộc đời rồi cũng sẽ sống đơn độc, thì hà tất phải làm chuyện không cần thiết mà luận “vợ chồng không cách nào sống với nhau đến bạc đầu”. Nếu Vũ Khúc ở cung phu thê không phải độc tọa, mà còn có sao mạnh khác đồng cung (ví dụ như “Vũ Khúc, Thiên Phủ”), thì khả năng “vợ chồng không cách nào sống với nhau đến bạc đầu” cũng có thể biến thành “có thể có bạn đời sống chung đến già”; vì Thiên Phủ đủ sức mạnh để chống lại tính “cô khắc” của Vũ Khúc!
Hóa Kị ở cung mệnh ngoại trừ năng mặc cảm tự ti, đa nghi, không thích bộc lộ mình, thường thấy không vui, không cởi mở, lúc nhỏ thể chất không tốt, thường tự oán bản thân, tự phản tỉnh, tự thương mình; thà chịu thiệt và ủy khúc chớ không chiếm lợi thế của người khác; không nói chuyện hay giao du với người lạ. Trong đại vận thứ nhất có cơ hội "dịch động” (phải có điều kiện kèm theo mới ứng nghiệm), mà thời gian "dịch động” thường thấy vào năm tháng giao nhau giữa đại vận thứ nhất và thứ hai, vì sao? Vì ý tượng của Hóa Kị là “thu vào”, cho nên người cung mệnh có Hóa Kị sẽ không hại người khác, nhưng thường có thái độ phòng vệ quá đáng, đó là vì sợ người khác hại mình, do quá đa nghi; tuy sẽ chịu ủy khúc, nhưng vì “tự thương mình", nên lúc ủy khúc chỉ 5 phút thì lại có cảm giác dai dẳng đến 10 phút; nhưng họ chịu đựng được gian khổ, vất vả; còn là người đa tình.
Ý tượng của Hóa Kị ở cung mệnh không chỉ dừng lại ở số nội dung kể trên mà thôi. Trong các cung lục thân chỉ cung mệnh có Hóa Kị mới có ý tượng: phần nhiều họ cho rằng trong thân hữu chỉ có họ là không vui, không được xem trọng, so với anh chị em trong cả nhà có lẽ mình là người xấu nhất, còn cho rằng cha mẹ rất yêu thương những anh em khác, mà sinh ra mặc cảm tự ti, tự thương mình...
Theo: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)