By Tử Vi Chân Cơ|
15:44 26/04/2024|
Tứ Hóa Bắc Phái
LUẬN VỀ CUNG TỰ HÓA
Khái niệm tự hóa:
Trước đã bàn về khái niệm “tự hóa” trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, trong tiết này chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm “tự hóa” trong Khâm Thiên môn, để nắm vững hơn về một lí thuyêt quan trọng trong Tứ Hóa phái nói chung.
“Tự hóa” là tự mình chuyển hóa; nói “tự mình chuyển hóa“, về người thì bao gồm tự nguyện hoặc không tự nguyện thay đổi, chuyển hóa; nói về vật (như tài lộc) hoặc nói về sự việc, bao gồm “có hóa thành không, không biến thành có".
Nội dung cơ bản của tự hóa là: biến hóa, biến thiên, chuyển hóa, thay đổi, bao gồm ý thức “kết thúc cái cũ, bắt đầu cái mới”. Vì vậy, tự hóa tất phải có quan niệm thời gian, trọng tâm của tự hóa là ở thời gian. Tức là nói, trọng điểm của tự hóa là “động”, do đó mới có hiện tượng, có cát hung. Vì vậy muốn giải thích ý nghĩa của tự hóa, phải biết trọng tâm của nó là ở cung đại vận, hay cung lưu niên tương ứng. Tóm lại, luận về lục thân (người), “tự hóa” chủ về nhân duyên tụ tán, có duyên phận hay không. Luận về sự việc, “tự hóa” chủ về vật hóa sinh diệt, trong cái không sinh ra cái có, trong cái có hóa thành cái không.
Theo Khâm Thiên môn, tứ hóa [năm sinh] trong mệnh bàn là hiển thị hiện tượng sinh ra vốn có, bất luận cách cục cao hay thấp, đều ở trong trạng thái quân bình của nó, tự hóa sẽ làm cho tứ hóa [năm sinh] vốn có sẽ xảy ra tình huống thay đổi chất lượng, khiến hiện tượng của sao hành hóa trở nên thái quá hoặc bất cập, làm mất đi tính quân bình vốn có của nó. Lấy “số” để quan sát, sự thay đổi của chất lượng chính là tình huống được mất của một sự kiện, là hiện tượng cát hung của điều mà chúng ta đang muốn xem.
Như vậy “tự hóa” là một loại "dụng”, không thuộc về “thể”, không giống tứ hóa [năm sinh] là có tính chất không thay đổi, mà “tự hóa" cũng giống như “phi hóa” (thực ra, “tự hóa" là một phần của “phi hóa”), là một động thái hiệu ứng của thời gian. Đây chính là trọng tâm tâm pháp của phương pháp đoán mệnh trong Khâm Thiên môn. Hóa Kị [năm sinh] là thuộc tiên thiên, là sinh ra đã có. Khâm Thiên môn có câu: “Tứ hóa phi phục”, “phi” là nói về "tứ hóa phi cung" (túc cung phi hóa), “phục” là tứ hóa [năm sinh]. Thông thường lúc bài bố tứ hóa [năm sinh] ở mệnh bàn, là dựa vào thời điểm sinh ra của mệnh tạo để bài bố, đó là cố định, cho nên gọi là “phục” (tiềm phục, là có sẵn). Ví dụ như mệnh tạo có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa cung mệnh, ý tượng là: chủ quan, nghi kị, không thuận lợi, thường tự than oán, thường cảm thấy không ai trợ giúp mình, ý tượng này thuộc loại ổn định không thay đổi.
Còn tự Hóa Kị là thuộc hậu thiên, phần nhiều có ý nghĩa thay đổi. Ví dụ như người cung mệnh tự Hóa Kị, họ nói bạn “xấu" thì bạn là người xấu, vui hay không là tùy bạn, nếu không vui thì bạn làm gì nào? Đây là một đức tính phụ, khiến người ta cũng hết cách. Cho nên người trong mệnh bàn có nhiều cung tự hóa, cuộc đời người này nhiều thăng trầm với biên độ lớn, hành hạn đến sẽ có biến động thay đổi. Nói một cách đơn giản, có tự hóa là sẽ có lúc biến động thay đổi, còn tốt hay xấu thì phải căn cứ kết quả của tình hình phi cung hóa tượng mà định. Có điều, bất kể là tự Hóa Lộc, tự Hóa Quyền, tự Hóa Khoa, hay tự Hóa Kị, thảy đều là tượng “xuất”, là tượng hao tổn.
Kế đến, “tự hóa” chủ về “biến”, giữa biến và bất biến, phải phân biệt thể và dụng, điều trọng tâm nhất là cần chú ý mối quan hệ nhân quả của Lộc và Kị. Trong đó ở thiên bàn chỉ là “cách”, còn ứng hiện cát hung là ở vận hạn, tức địa bàn và nhân bàn. Cho nên lúc luận đoán cần phải phân định rõ ràng, là đang luận đoán “cách”? Hay là đang luận đoán “hành hạn” đại vận và lưu niên?
Như các bạn đã biết, tứ hóa là “dụng thần” của Khâm Thiên môn, đại khái có thể chia thành mấy loại như sau: tứ hóa [năm sinh], tứ hóa [đại vận], tứ hóa [lưu niên], và phi hóa (gồm tứ hóa phi cung và tự hóa).
Thuyết cung tự hóa chính là nguyên lí trọng tâm trong phương pháp đoán mệnh của Khâm Thiên môn. Cho nên lúc đoán mệnh nhất định cần phải chú ý xem có hiện tượng tự hóa hay không, nếu không, sai một li đi ngàn dặm.
Cung tự hóa có thể phân biệt như sau:
- Đơn tinh tự hóa: tự Hóa Lộc, tự Hóa Quyền, tự Hóa Khoa, tự Hóa Kị.
- Song tinh tự hóa (6 loại): tự Hóa Lộc còn tự Hóa Quyền, tự Hóa Lộc còn tự Hóa Khoa, tự Hóa Lộc còn tự Hóa Kị, tự Hóa Quyền còn tự Hóa Khoa, tự Hóa Quyền còn tự Hóa Kị, tự Hóa Khoa còn tự Hóa Kị.
Ví dụ như: “Cự Môn, Thiên Cơ” đồng độ ở cung Đinh Mão, cung tự Hóa Khoa (Thiên Cơ tự Hóa Khoa) còn tự Hóa Kị (Cự Môn tự Hóa Kị).
- Tam tinh tự hóa: tự Hóa Lộc còn tự Hóa Quyền và tự Hóa Khoa (hoặc tự Hóa Kị).
Ví dụ như: Vũ Khúc, Tham Lang, Văn Khúc đồng cung ở cung Kỉ Sửu, cung tự Hóa Lộc (Vũ Khúc tự Hóa Lộc), tự Hóa Quyền (Tham Lang tự Hóa Quyền), tự Hóa Kị (Văn Khúc tự Hóa Kị).
Đặc điểm của hiện tượng tự hóa:
(1) Tự hóa có mấy ý nghĩa như sau: Có ý chống lại; biến thành không có; quay lại xung đối cung; quyền chọn lựa không thuộc về ta.
(2) Lấy cái dụng của hai cung tật ách, tử nữ để luận về tự hóa, nếu không hợp với cái dụng của hai cung tật ách, tử nữ thì căn cứ nguyên tắc năng lượng không mất đi mà chỉ thay đổi trạng thái. Sao tự hóa sẽ mang cái khí mà nó hóa đến đối cung, vì vậy nên lấy đối cung để luận đoán.
(3) Tự hóa nếu luận về người, là động thái không tùy thuộc ý của ta muốn hay không muốn. Nếu luận về sự việc, thì làm việc có đầu không đuôi, hữu thủy vô chung, không thể quán triệt đến cùng. Nếu luận về vật, thì có ý nghĩa như câu người ta thường nói “giữ chặt thì sợ nó chết, buông lỏng thì sợ nó bay".
(4) Bất luận cung nào tự hóa cùng loại với tứ hóa [năm sinh], đều có tác dụng triệt tiêu, tức “Lộc gặp tự Hóa Lộc” là “Lộc xuất”, biểu thị sự mất đi, nhưng đều là bản thân cam tâm tình nguyện, bất kể ra sao đều không oán trách. “Quyền gặp tự Hóa Quyền” là “Quyền xuất”, biểu thị tranh giành đến cùng vẫn mất đi, uổng phí tâm cơ. "Khoa gặp tự Hóa Khoa” là “Khoa xuất”, là đi theo “người ấy” thôi, mặc kệ mẹ gả cho ai, thấy rồi mới vỡ mộng. “Kị gặp tự Hóa Kị” là “Kị xuất”, là bị tổn thất rồi còn gặp phiền phức.
(5) Cung tự hóa Lộc, phải xem nó chuyển phi Hóa Kị rơi vào cung nào, và xung cung nào? Tức là tự Hóa Lộc chuyển phi Hóa Kị xung cung nào thì cung đó rất hung. Cùng một lí, cung tự Hóa Kị, phải xem nó chuyển phi Hóa Lộc rơi vào cung nào, và xung cung nào? Phải biết nguyên nhân tự Hóa Kị mà định cát hung. Nếu hai cung đối nhau, lúc hai cung đều có tự hóa, là biểu thị không có sự cố gì, không cần phải lo. Ví dụ, cung phu thê tự Hóa Kị mà đối cung là cung quan lộc tự Hóa Lộc, thì không luận là “Lộc Kị giao chiến”, hoặc "Song Kị”, đây là vợ chồng yên ổn, vô sự.
(6) Cung tự Hóa Lộc mà phi Hóa Kị nhập cung số sinh như các cung “1”, “5”, “9”, “10”; hoặc tự Hóa Kị mà phi Hóa Lộc nhập các cung “1”, “5”, "9”, “10”, là biểu thị cung tự hóa tự sinh tự diệt, ắt có tai ách xảy ra. Nhưng nếu các cung “1”, “5”, “9", “10” có Hóa Quyền [năm sinh] hoặc Hóa Khoa [năm sinh] tọa thủ thì có thể giảm nhẹ tai ách.
Ví dụ, cung phu thê tự Hóa Lộc, mà phi Hóa Kị nhập cung “1" là cung mệnh hoặc cung “10” là cung điền trạch, có thể luận hôn nhân của mệnh tạo khó sống với nhau đến đầu bạc. Nhưng nếu cung mệnh hay cung điền trạch có sao Hóa Quyền [năm sinh] hoặc sao Hóa Khoa [năm sinh] tọa thủ, chỉ có thể giảm nhẹ hung tính của nó, vẫn khó tránh thị phi, sóng gió, tai ách. (Ngược lại, nếu tự Hóa Kị, mà phi Hóa Lộc nhập cung mệnh hoặc cung điền trạch, vẫn luận như vậy). Thời gian ứng nghiệm là đến cung hạn lưu niên bị Lộc hoặc Kị xung chiếu.
Còn nếu cung phu thê tự Hóa Lộc, mà phi Hóa Kị nhập cung “4” là cung tử nữ hoặc cung “7" là cung thiên di, vì không thuộc các cung “1", “5”,"9", “10”, nên chỉ là vô duyên, gần nhau ít mà xa nhau nhiều, hoặc vợ chồng hay cãi vã mà thôi.
Theo: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số
Phản hồi từ học viên
5
(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)