By Tử Vi Chân Cơ| 07:43 25/04/2024|
Tứ Hóa Bắc Phái

PHƯƠNG PHÁP VẬN DỤNG TỨ HÓA

Tại sao Tứ Hóa phái rất xem trọng tứ hóa và coi chúng là tinh túy của Tử Vi Đẩu Số? Về lí luận, vì chúng là mắt xích then chốt nối kết xuyên suốt thiên bàn (nguyên cục), địa bàn (đại vận bàn) và nhân bàn (lưu niên bàn). Trước khi tìm sâu về tứ hóa, chúng ta cần phải nắm vững tính chất cơ bản của các sao. Trong Tử Vi Đẩu Số, các sao được chia thành nhiều cấp. Vì tứ hóa liên quan đến vấn đề tạo ra sự biến đổi tính chất của các sao, cho nên trước tiên chúng ta phải phân biệt được sức mạnh lớn nhỏ của các sao. Dưới đây là liệt kê thứ tự mạnh yếu của các sao, điều này rất quan trọng trong lúc luận đoán, cho nên xin các bạn cần phải nhớ kỹ, như sau:

Tử Vi, Thiên Phủ > Thái Dương, Thái Âm > Vũ Khúc > Thất Sát, Phá Quân, Tham Lang > Thiên Cơ, Thiên Lương, Thiên Đồng, Thiên Tướng, Liêm Trinh, Cự Môn > Văn Xương, Văn Khúc, Tả Phù, Hữu Bật.

Vì các sao có sự phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, cho nên lực tác động của tứ hóa cũng phải phân biệt theo thứ tự lớn nhỏ. Thứ tự trên dùng để tính toán ảnh hưởng của các sao lúc so với nhau, nhất là lúc tính toán so sánh lực tác động của Hóa Khoa và Hóa Kị, xem sự tình có nghiêm trọng hay không, có hóa giải được tai ách hay không,v.v...

Lúc hoạt bàn của mệnh bàn chuyển động, nhiều nhà nghiên cứu Đẩu Số đều bị đại vận và lưu niên gây khó khăn, mà nguyên nhân là do tứ hóa; hơn nữa, đại đa số các sách Tử Vi Đẩu Số đều ít đề cập phương cách luận giải đại vận và lưu niên một cách tường tận, khiến người học Đẩu Số bị tứ hóa của thiên bàn, tứ hóa của đại vận và tứ hóa của lưu niên làm cho hoa mắt, lúc cung tự hóa và phi hóa thì càng rối rắm hơn.

Một số nhà Đẩu Số trong quá trình luận giải mệnh bàn đã quên mất sự tồn tại của các sao ở mệnh bàn nguyên cục, mà chỉ tập trung vào các sao của đại vận, nhưng lại không định vị được tính chất các sao của đại vận, đó là chưa nói đến các sao của lưu niên. Tứ hóa có chế độ quy phạm của chúng, mà bản thân các sao cũng có sự khác biệt về năng lượng lớn hay nhỏ. Bạn đọc cũng cần dụng tâm để hiểu sự khác biệt giữa “ngã cung”  “tha cung”, như vậy mới có thể xét định được tình hình của hành hạn. Trước khi tìm hiểu về đại vận, xin bạn đọc ghi nhớ các điều dưới đây:

(1) Lúc tác động của Hóa Kị [năm sinh] được thu vào “ngã cung", tức Hóa Kị [năm sinh] ở “ngã cung”, không phải tái “phi xuất". Trường hợp duy nhất gây khó khăn cho các bạn là Hóa Kị [năm sinh] ở cung huynh đệ và cung nô bộc.

(2) Trường họp cung có tứ hóa [năm sinh] mới phải luận đến can cung này phi hóa hay tự hóa.

(3) Can cung đại vận dẫn phát Hóa Kị, nếu nhập “ngã cung” của thiên bàn thì cũng thuộc loại “thu vào" mà không phải tái “phi xuất"!

(4) Lúc luận tính chất của các sao trong các cung của đại vận thì xem chúng là “hiện tượng”, là “hóa khí” trong “hình phú”, công dụng của chúng sẽ làm tăng hay giảm tác dụng của các sao ở các cung của nguyên cục, chớ không phải mang nguyên tính chất của chúng ở nguyên cục dời sang các cung của đại vận.

(5) Trường hợp Hóa Kị [năm sinh] ở “ngã cung”, nếu can cung dẫn phát “tự Hóa Kị”, cũng không tái “phi xuất”; mà chỉ xem xét tình hình “Hóa Kị lại tự Hóa Kị”, chớ không luận trực xung đối cung; nếu gặp tự Hóa Lộc, tự Hóa Quyền, tự Hóa Khoa cũng vậy.

Về lí luận, động tuyến của tứ hóa khá đơn giản và dễ hiểu, nhưng lúc ứng dụng, nên có thầy chỉ dẫn để có thể vận dụng linh hoạt. Ví dụ như: Hóa Quyền gặp Hóa Kị là “hỏa thủy giao chiến”, luận thắng hay bại? Trong cuộc sống, quá trình giao chiến này sẽ nảy sinh tình trạng và sự cố gì? Hóa Khoa ở cung nào mới có thể hóa giải tình hình “Quyền Kị giao chiến”? Xin cử một ví dụ khác, Hóa Lộc gặp Hóa Kị, về lí luận là “kim sinh thủy”, sinh ra “Song Kị”, nhưng giả thiết kim rất mạnh lại còn ở cung vị kim mạnh, còn Hóa Kị nhập vào sao yếu, sẽ không dung hóa hoàn toàn được kim mạnh, chỉ có một bộ phận nhỏ của kim biến thành Hóa Kị thủy, như vậy trong cuộc sống thực tế sẽ xảy ra chuyện gì? Còn nếu, kim của Hóa Lộc bị thủy của Hóa Kị chuyển hóa toàn bộ, thành Song Kị thật sự, biến động thay đổi lúc đó so với lúc một bộ phận nhỏ chuyển hóa thành thủy, ứng nghiệm trong cuộc sống hiện thực đương nhiên sẽ khác mức độ, huống hồ còn phải xem cung xảy ra tình huống Hóa Lộc chuyển sang Hóa Kị) là “hấp thu” hay “bật trở lại”. Ở một số cung sẽ là “hấp thu”, ở một số cung khác sẽ khiến Song Kị xung chiếu đối cung. Luận đoán được những trường hợp này xảy ra hiện tượng gì, đó chính là trọng điểm trong việc đoán mệnh của Tứ Hóa phái.

Hóa Lộc là dục vọng, là mở đầu, là động tâm khởi niệm, là lí tưởng, nguyện vọng, lòng tham, cần phải gắn kết với sao nào đó, rồi dựa vào tính của sao này để biết Hóa Lộc sinh ra tác dụng gì; nếu không, Hóa Lộc sẽ không có hình dạng thực tế, mà chỉ là khái niệm trừu tưọng. Hóa Quyền là lực thực hiện và lực hành động, có thế ép buộc, chủ động, tích cực, cảm giác mình có sứ mệnh. Hóa Quyền cũng cần phải gắn kết với sao nào đó, rồi dựa vào tính của sao này để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu Hóa Lộc là kế hoạch, vậy Hóa Quyền là thực hiện, Hóa Lộc là khát vọng, là lí tưởng, cũng có thể là lòng tham, vậy Hóa Quyền sẽ vì lòng ham muốn của Hóa Lộc mà đưa ra hành động thực tế để đạt thành mục đích. Hóa Kị là kết thúc, là kết cục của Hóa Lộc. Do Hóa Lộc thuộc kim, Hóa Kị thuộc thủy, kim sẽ sinh thủy, thủy chính là kết cục.

Lí tính mách cho chúng ta biết, mỗi một sự kiện chỉ cần có bắt đầu thì sẽ có kết thúc; chỉ sợ khó lí giải được kết thúc này, nhưng dù thế nào thì cũng phải có một kết cục. Về cảm tính, cũng giống như "bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn”, tiệc vui kết thúc, mọi người ra về, ít nhiều cũng có chút tiếc nuối. Trong Tứ Hóa phái, Hóa Kị không phải hoàn toàn đóng vai trò "tiêu cực”; tích cực hay tiêu cực là do Hóa Lộc ở cung nào mà định. Hóa Kị sẽ là tình trạng tiêu cực tuyệt đối khi: bất luận Hóa Lộc nhập “ngã cung” hay “tha cung", chỉ cần Hóa Kị nhập “tha cung”, thì “kết cục” nhất định là “tiêu cực”. Hóa Kị chỉ thành kết cục hoàn thiện, khi Hóa Lộc nhập “ngã cung”, và Hóa Kị cũng ở “ngã cung”, như vậy ý tượng của Hóa Lộc mới thành hiện thực để mệnh tạo vận dụng! Nhưng nếu Hóa Lộc và Hóa Kị đồng cung, đây cũng là tiêu cực, hai sao hóa này sẽ "công phá” nhau. Vì vậy nên cùng ở hai “ngã cung” nhưng không được đồng cung, đó mới là kết cục hoàn mĩ.

Hóa Khoa cũng giống như tam hóa khác, cần gắn kết với sao nào đó, rồi dựa vào tính của sao này để biết công dụng đặc biệt của nó là gì, ví dụ như: ca tụng công đức của bản thân, dùng lời lẽ hoa mĩ để che đậy khuyết điểm của mình; hoặc là có phương pháp, có tính học thuật, có tri thức, có danh vọng, phong thái văn nhã, vinh diệu, chuộng hư vinh. Động tuyến của những tính chất này là từ Hóa Lộc đến Hóa Quyền, Hóa Khoa sẽ có tác dụng khoa trương phù phiếm, hư giả không có thực chất, khéo che đậy đối với Hóa Lộc; cũng có tác dụng hợp lí hóa và tri thức hóa lực hành động của Hóa Quyền, khiến cho nó không đến nỗi lỗ mãng, quá xung động. Nó không có lực cưỡng chế Hóa Quyền, cho nên Hóa Lộc là thuộc lòng tham xúi giục Hóa Quyền đạt thành mục tiêu, còn Hóa Khoa là đóng vai trò dùng lời lẽ hoa mĩ để che đậy khuyết điểm của mình; lúc Hóa Kị cho ra kết cục xấu, thì Hóa Khoa sẽ hóa giải họa hoạn của Hóa Kị, ứng nghiệm trong thực tế là hóa giải những vấn đề khó khăn.

Lúc Hóa Lộc xuất hiện ở cung huynh đệ, bạn giải thích hiện tượng này như thế nào? Anh em có rất nhiều tiền? Nhiều anh em?Bản thân mệnh tạo có nhiều tiền? Anh em đa tình? Lúc cung huynh đệ chỉ có một chính tinh tọa thủ, sau khi một trong tứ hóa nhập vào cung nhất định sẽ làm thay đổi tác dụng của sao.

Giả thiết, lúc lấy cung mệnh làm chủ thể; cung huynh đệ có Hóa Lộc, đó là "hiện tượng” trời sinh, bạn bắt buộc phải chấp nhận. Cung huynh đệ là đại biểu cho “sinh mệnh thể khác”, có thể bao gồm rất nhiều đơn vị, cũng có thể chỉ có một hay hai. Nhất là lúc định vị nó là “kho tiền”, bạn có thể chỉ lấy danh từ “Hóa Lộc” trống không để đoán định là “tốt” hay rất “tích cực” không? Thật ra, lúc Hóa Lộc tọa thủ cung huynh đệ là có hàm ý "so sánh” với mệnh tạo, vậy luận đoán thế nào mới chính xác?

Lúc cung huynh đệ có Hóa Lộc, đó là nói:

(1) Tay của mệnh tạo có thể sẽ dùng nhiều tiền.

(2) Mệnh tạo có nhiều tình cảm với anh em.

(3) Có thể có nhiều anh em.

Nhưng dù sao thì nó cũng là “tha cung", sẽ không tuân theo ý muốn “khống chế” chủ quan của mệnh tạo. Vì vậy lúc can cung huynh đệ khiến sao Hóa Lộc ở trong cung lại tự Hóa Kị, như vậy ngoại trừ xảy ra tình trạng (1); tình hình (2) là anh em phản ứng theo kiểu “lấy oán trả ơn” hay họ “không đánh giá cao” tình cảm của mệnh tạo; tình trạng (3) là phủ định "có nhiều anh em”. Tình trạng tự Hóa Khoa, tự Hóa Quyền là khẳng định và phản ứng trực tiếp; ngay cả hiện tượng “tự Hóa Lộc” cũng là nói, “sinh mệnh thể khác“ lợi dụng tính đa tình của mệnh tạo để bản thân được “thỏa mãn”, còn phụ lòng dụng tâm vất vả của mệnh tạo. Đương nhiên, muốn tìm hiểu sâu, nhất định phải xem sao nào có tứ hóa nhập vào mà luận giải; nhất là lúc quá trình diễn biến “tự hóa” xảy ra trong hành hạn.

Hóa Lộc và Hóa Kị trong tứ hóa có thể nói là quan hệ nhân quả. Hóa Lộc là xu hướng của ham muốn, còn Hóa Kị là kết cục sau khi thực hiện ham muốn. Hóa Lộc nhập “ngã cung”, ví dụ như cung điền trạch; Hóa Kị nhập “tha cung”, ví dụ như cung phụ mẫu. Cách giải thích hợp lí là mệnh tạo sẽ nỗ lực bỏ ra tâm tư, sức lực, tiền của để thực hiện nguyện vọng có một gia đình hạnh phúc, nhà ở thoải mái, bất động sản to tát. Trong tình trạng này Hóa Kị sẽ đóng vai trò thực hiện việc “trả giá” cho mộng tưởng của mệnh tạo; vì việc “trả giá” này là do “xung cung tật ách” mà ra (lúc Hóa Kị ở “tha cung" sẽ quay lại xung “ngã cung"), tức là dùng sức khỏe để đổi lấy tài phú.

Giả thiết can cung đại vận này là Nhâm, khiến Hóa Lộc nhập Thiên Lương ở cung điền trạch của đại vận, còn Hóa Kị nhập Vũ Khúc ở cung phụ mẫu của đại vận, Vũ Khúc mạnh hơn Thiên Lương. Bất luận là cung tử nữ của thiên bàn hay cung điền trạch của thiên bàn, đều thuộc tuyến hoan lạc, trong đó cũng có liên quan đến đào hoa và tính dục. Nêu mệnh tạo vì phóng túng đào hoa ở bên ngoài mà tổn hao sức khỏe, là không đáng. Hơn nữa, nếu cung phụ mẫu của đại vận này là “ngã cung" của thiên bàn, còn cung điền trạch của đại vận là "tha cung" của thiên bàn, như vậy ngoại trừ tổn hao sức khỏe, còn phải phòng vấn đề "quan phi”, vì cung phụ mẫu còn là cung chủ về văn thư, quan phi, kiện tụng. Lại giả thiết lúc cung phụ mẫu của đại vận này có Hóa Kị [đại vận] còn có tự Hóa Kị, thì sẽ xảy ra tình hình họa vô đơn chí. Hóa Kị gặp Hóa Kị ở “ngã cung" sẽ làm cho cung này bộc phát tình trạng đình trệ; còn lúc ở “tha cung" thì Song Kị sẽ xung kích “ngã cung”, khiến “ngã cung” bị thương (ở đây là cung tật ách bị xung nên sức khỏe sẽ có vấn đề); còn lúc Hóa Kị lại tự Hóa Kị, bất luận là ở “ngã cung” hay “tha cung” đều như nhau, sẽ khiến cho cung này và đối cung gặp phải họa hại và bị xung kích; đó cũng là nói, đến cung hạn phụ mẫu có thể gặp tai ương về sức khỏe và quan phi.

Bây giờ chúng ta lại quay về chủ đề Thiên Lương Hóa Lộc ở cung điền trạch của đại vận. Thiên Lương chẳng phải là “tài tinh”, mà là sao chủ về công chính liêm minh, Thiên Lương không có Hóa Kị, vì bản thân nó đã có hàm ý “hình khắc”. Là giám sát đại nhân mà lại khởi niệm tham lam làm xằng, bất kể là tham lam hay sắc tình, có kết cấu này tất nhiên sẽ xảy ra chuyện thầm kín, nhất là Thiên Lương Hóa Lộc thì hơi có chút bất khả tư nghị, như sau:

- Thiên Lương là hóa thân của chính nghĩa, như vậy Thiên Luơng Hóa Lộc sẽ khó tránh mang tính thị phi.

- Trong ví dụ này cũng có thể giải thích là thị phi đa đoan, cũng có rắc rối về vấn đề lợi ích.

- Trong ví dụ này, nếu không có Văn Khúc, Thiên Diêu đồngcung, thì không dính đến đào hoa và tính dục; nhưng nếu có sao đào hoa đồng cung, như vậy e rằng sẽ là “tình ngay mà lý gian”.

Như các bạn đã biết, cung huynh đệ có một địa vị quan trọng khác, ngoài việc đại biểu cho anh em, đó là làm cầu nối để kiến lập quan hệ giữa vợ chồng hay giữa bạn bè trai gái, vì ở giữa cung mệnh và cung phu thê là cung huynh đệ. Cung huynh đệ còn là cung vị khí số của cung tật ách, lúc cơ thể mắc bệnh nặng, nếu lúc đó cung huynh đệ của đại vận hay lưu niên có cát tinh tụ tập, thì không có trở ngại gì lớn; nếu cung quan lộc của nguyên cục hoặc cung quan lộc của đại vận có khí thế cực mạnh, là chủ về có sức sống rất mạnh.

Cung thiên di có Hóa Kị hoặc có hung tinh, đương nhiên là có chuyện, nhưng nếu các sao ở cung vị khí số (cung phu thê) của cung thiên di khá cát tường, thì có thể chỉ kinh sợ mà không nguy hiểm hoặc gặp nạn có thể hóa giải được tai ách. Đương nhiên, chuyện nguy nan của cung thiên di sẽ có cách giải quyết, có thể xem xét ở cung phúc đức để biết. Vì cung phúc đức là cung vị giao dịch của cung thiên di, là cung vị hiện ra đầu mối. Trên là thuật về phương pháp vận dụng hoạt bàn, ví dụ như lúc cung tật ách xảy ra sự cố, cung vị giao dịch của nó là cung điền trạch, nếu trong cung điền trạch có Kình Dương, thì có thể phải phẫu thuật. Đương nhiên mắc xích quan hệ giữa các cung chính là tứ hóa, phi hóa và tự hóa.

Giả thiết lúc cung nô bộc có Hóa Kị [năm sinh] lại tự Hóa Kị, thì cần phải chú ý sự an nguy của thân thể, nhất là lúc thân thể đã xảy ra sự cố, càng không được coi thường. Vì cung vị khí số của cung tật ách bị nguy cơ xung kích, tình trạng này có thể luận đoán ứng nghiệm ở đại vận và lưu niên. Nhưng “nước xa không cứu được lửa gần", nguyên nhân thường thường là do đối phó không kịp.

Theo: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ