By Tử Vi Chân Cơ| 08:27 25/04/2024|
Tứ Hóa Bắc Phái

TIÊN THIÊN TỨ HÓA PHI TINH KÌ PHỔ

Tiên thiên tứ hóa phi tinh kì phổ (gọi tắt là Kị tinh kì phổ) là đề tài thảo luận kéo dài rất nhiều năm trong giới nghiên cứu Đẩu Số. Tên gọi của nó có lẽ xuất phát từ câu chuyện “Tống Thái tổ đánh cờ thua núi Hoa Sơn”. Tương truyền, Tống Thái tổ và Trần Đoàn lão tổ đánh cờ, ván đầu hòa. Trong ván thứ hai, Hi Di Trần Đoàn khéo léo dùng đơn mã chiếu bí Thái tổ trong lúc còn mã pháo và năm chốt với sĩ tượng toàn. Nhờ ván cờ thắng này mà Hi Di Trần Đoàn được ở trên núi Hoa Sơn một ngàn năm miễn thuế. Bất kể truyền thuyết có đúng sự thực hay không, trong kì phổ đã thuật tóm tắt về ý tượng của các loại “Hóa Kị pháp" như sau:

Lưu Xuất Kị:

Thiên can của bản cung (cung A) khiến sao của đối cung(cung B) Hóa Kị, tức từ bản cung phi Hóa Kị nhập đối cung, gọi là "Lưu Xuất Kị”, là cung A sẽ lưu xuất (chảy ra) Hóa Kị, không giữ lại, nhập vào sao ở cung B. Nếu đối cung (cung B) lại có Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, thì cấu tạo thành “Nghịch Thủy Kị”, ý nghĩa của nó sẽ khác đi. Nếu bản cung (cung A) phi Hóa Kị là cung mệnh, cung quan lộc, hay cung tài bạch, thì Hóa Kị này được gọi là "Thủy mệnh Kị”, lấý tượng: mệnh tạo không thích hợp làm nghề kinh doanh, chế tạo, sản xuất, nên làm những nghề có tính phục vụ, nghề mua bán giao dịch bằng tiền mặt hoặc làm việc hưởng lương.

Xạ Xuất Kị:

Phàm bản cung phi Hóa Kị nhập đối cung, gọi là Xạ Xuất Kị, hay còn gọi là Tiết Xuất Kị. “Tiết xuất” là không giữ lại, nếu cung phát xạ là cung mệnh, cung tài bạch, hay cung quan lộc phi Hóa Kị đến cung thiên di, cung phúc đức, cung phu thê thì gọi là “Thủy Mệnh Kị”, người có hình thái Hóa Kị này có thể làm ăn buôn bán bằng tiền mặt, nhưng không nên tích trữ hàng hóa, không mua bán thiếu, tức tiền phải lưu thông, thì có lợi. (Xem thêm mục “Lưu Xuất Kị”) Nghịch Thủy Kị mà gặp Hóa Lộc [năm sinh] phá, hoặc Thủy Mệnh Kị mà gặp Hóa Lộc đến phá, Nhập Khố Kị gặp tự hóa, thảy đều là Tiết Xuất Kị. Căn cứ cung chức mà luận cát hung. Thông thường đều chủ về hung, ngoại trừ trường hợp "Tương Khiếm Kị”. Nếu cung mệnh Hóa Kị nhập cung thiên di, mà cung thiên di tự Hóa Lộc; nếu cung phúc đức có sao Hóa Lộc, Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, mà cung tài bạch phi Hóa Kị nhập cung phúc đức, thảy đều là Tiết Xuất Kị. Kiếm được nhiều tiền cũng không còn, không phải bị trộm cướp, mà là tự tiêu xài hết. Nếu cung phu thê phi Hóa Kị nhập cung quan lộc, mà cung quan lộc không thấy Hóa Lộc và Hóa Kị [năm sinh], thì Hóa Kị này cũng là Tiết Xuất Kị, là ý tượng: người phối ngẫu không ở lại; đại vận đến cung phu thê, hôn nhân sẽ xảy ra biến cố. Nếu cung tài bạch phi Hóa Kị nhập cung phúc đức, mà cung phúc đức không có Hóa Kị [năm sinh], mà lại tự hóa, đây là Tiết Xuất Kị; nếu là tự Hóa Lộc thì vì hưởng thụ mà tiêu xài hết tiền; tự Hóa Quyền thì tiền đến rồi đi, gặp nhiều thị phi, rắc rối mà không còn; tự Hóa Kị thì bị lừa, hoặc bị tổn thất do đầu tư bất lợi.

Tương Khiếm Kị (Khiếm Trái Kị):

Tức trường hợp cung phu thê có sao Hóa Kị tọa thủ mà còn tự Hóa Kị, nếu cung phu thê rơi vào các cung Tứ Khố “Thìn, Tuất, Sửu, Mùi”, là “Tương Khiếm Kị”, hay còn gọi là “Khiếm Trái Kị”, có nghĩa là “mắc nợ nhau”, tuy vợ chồng không hòa hợp, nhưng không nhất định sẽ phân li.

Thuận Thủy Kị (Lưu Thủy Kị):

“Thuận thủy” là nước chảy ra thuận theo tự nhiên. Nếu cung A phi Hóa Kị đến cung B, mà cung B không phải là đối cung của cung A, thì Hóa Kị này gọi là “Thuận Thủy Kị” hay “Lưu Thủy Kị”.Cung A giống như một dòng nước chảy về cung B. Nếu cung A là cung tài bạch, mà cung B là cung nô bộc, tức cung tài bạch phi Hóa Kị nhập cung nô bộc, là tiền tài chảy vào túi bạn bè, như sông lớn chảy ra biển Đông, một đi không trở lại. Ví dụ như cung tật ách phi Hóa Kị nhập cung nô bộc, bất luận cung nô bộc có Hóa Kị [năm sinh] hoặc tự hóa hay không, đều có ý tượng: không tiết chế về phương diện tiền bạc, sức khỏe cũng có vấn đề, lúc vui chơi không tiếc tiền với bạn bè. Nếu cung thiên di phi Hóa Kị nhập cung tử nữ, là có đào hoa ở bên ngoài, vì cung tử nữ là cung vị tài bạch của cung phụ mẫu, đào hoa tụ tập tất phải liên quan đến tiền bạc, hơn nữa, mệnh tạo không từ chối đòi hỏi về tài vật của đối tượng.

Tuần Hoàn Kị (Kị Lai Kị):

Hai cung A, B là hai cung lục thân nào đó trong mệnh bàn, gọi là cung lục thân tức là: cung mệnh, cung huynh đệ, cung phu thê, cung tử nữ, cung nô bộc, cung phụ mẫu. Nếu cung A phi Hóa Kị nhập cung B, đồng thời cung B cũng phi Hóa Kị nhập cung A, giữa chúng với nhau là hình thái một đi một đến, Hóa Kị đến và Hóa Kị đi, tức là “Tuần Hoàn Kị”, giữa hai cung có mối quan hệ đối đãi bình đẳng, có tình đến thì có nghĩa đi, ân oán phân minh, có đức báo đức, có thù báo thù. Giả dụ cung A là cung mệnh, còn cung B là cung nô bộc, nếu mệnh tạo đối xử tốt với bạn bè, đồng sự hoặc thuộc cấp, thì họ tất nhiên sẽ quan tâm mệnh tạo, trợ giúp mệnh tạo; nếu mệnh tạo đối xử khó khăn với họ, chẳng quan tâm gì đến họ, thì lúc mệnh tạo gặp khó khăn, nhất định họ cũng chẳng lí tới.

Nếu cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung phu thê, đồng thời cung phu thê cũng phi Hóa Kị nhập cung mệnh, là mệnh tạo và người phối ngẫu quan tâm lẫn nhau, đối đãi có tình có nghĩa; mặt khác, nếu mệnh tạo đối xử với người phối ngẫu không tốt, thì người phối ngẫu cũng không sợ gì mà phải nhường nhịn.

Tuần Hoàn Kị là vấn đề đối đãi với nhau, là vấn đề tình nghĩa, là vấn đề công bình, xử lí không thỏa đáng sẽ tạo thành thị phi thù hận.

Xem về công việc làm thì lấy cung quan lộc làm chủ, cung vị phụ mẫu của cung quan lộc là thượng cấp, “thể” của ta là ở cung quan lộc, “dụng” là ở cung phụ mẫu. Nếu cung nô bộc phi Hóa Kị nhập cung tam hợp của bản mệnh thì xảy ra tình hình uy hiếp; nhập cung tài bạch hay cung quan lộc của đại vận là chủ về thượng cấp không nâng đỡ; nhập cung mệnh của đại vận là thượng cấp ỷ lại, đòi hỏi, nhưng không có ý đề bạt, mà sau lưng còn đè ép; xung cung tam hợp của bản mệnh thì thượng cấp không trọng dụng, cũng không đề bạt.

Cung vị huynh đệ của cung quan lộc là người đồng hành, cung vị tử nữ của cung quan lộc là thuộc cấp. Tuần Hoàn Kị ở cung vị lục thân, không có hàm ý “mắc nợ”, mà thuộc về cảm giác so sánh của hai bên, lúc một bên xảy ra tình trạng mất thăng bằng thì phân li, thay đổi rất nhanh. Đại vận, lưu niên cũng vậy.

Phản Cung Kị:

Lúc hành hạn đại vận đến cung tam hợp của bản mệnh, mà cung mệnh của đại vận phi Hóa Kị nhập cung phu thê, cung thiên di, hay cung phúc đức của nguyên cục, và xung cung quan lộc, cung mệnh, hay cung tài bạch của nguyên cục, Hóa Kị này được gọi là "Phản Cung Kị". Lúc nó bay trở lại, nếu không cẩn thận hoặc tiếp nhận không tốt, sẽ tổn thương bản thân. Lúc hành hạn gặp phải tình huống này, phải phòng thủ, giữ gìn cẩn thận, nếu không, ra sức càng lớn thì lực đàn hồi (phản chấn) càng mạnh. Thông thường một khi bị tổn hại, phải dưỡng sức ba năm trở lên mới có thể hồi phục nguyên khí. Ví dụ đại vận đến cung tài bạch của nguyên cục (cung A), phi xuất Hóa Kị nhập cung phu thê của nguyên cục (cung B), Hóa Kị này xung cung quan lộc của nguyên cục (cung C), như vậy lúc lưu niên đến cung B sẽ xảy ra tình hình không thuận lợi, còn lúc lưu niên đến cung C, thì cần phải cực kì thận trọng.

Nói cách khác, lúc ba cung mệnh, tài bạch, quan lộc của đại vận trùng điệp với ba cung mệnh, tài bạch, quan lộc của nguyên cục, hình thành tình huống tam phương của đại vận trùng điệp với tam phương của nguyên cục, mà mệnh, tài, quan của đại vận phi Hóa Kị xung mệnh, tài, quan của nguyên cục, bất kể có cùng loại tương xung hay không, chỉ cần xung một cung trong tam phương thì gọi là Phản Cung Kị. Sức mạnh của Phản Cung Kị vô cùng to lớn, tương đương với sức mạnh của Song Kị, không được xem thường.

Lúc đại vận nhập cung tam hợp của nguyên cục, cung đại vận phi Hóa Kị nhập đối cung của cung tam hợp của nguyên cục và xung bản cung, lực sát thương của nó đối với thiên bàn rất lớn, ắt có tổn thất trọng đại. Nếu cung mệnh của đại vận trùng điệp với cung quan lộc của nguyên cục, phi Hóa Kị và xung cung tài bạch của nguyên cục, là ý tượng: trong 10 năm của đại vận này sự nghiệp kinh tế sẽ gặp sóng gió trắc trở nghiêm trọng; nhưng nếu cung tài bạch có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, thì có thể ngăn trở Hóa Kị tiết xuất, là ý tượng: vất vả, nhiều sóng gió nhưng có thành tựu.

Thị Phi Kị (Lộc Lai Kị):

“Thị” (đúng) là Lộc (đức), “phi” (sai) là Kị (oán), đây là chỉ mối quan hệ giữa Hóa Lộc và Hóa Kị của hai cung. Giả thiết hai cung A và B không phải là đối cung của nhau, mà cung A phi Hóa Lộc nhập cung B, đồng thời cung B cũng phi Hóa Kị nhập cung A, hình thái Lộc đi Kị đến này gọi là “Thị Phi Kị”. Nếu hai cung A, B là đối cung của nhau, thì đây là loại “Lộc Kị xung”, không phải là "Thị Phi Kị”. Giữa người với người mới có thị phi, cho nên "Thị Phi Kị” là hiện tượng biểu hiện ở cung lục thân, có tình trạng “lấy đức báo oán” hay “lấy oán báo đức”, tức sẽ có một bên tình nguyện đối xử tốt với bên kia, nhưng không được bên kia báo đáp, còn chuốc thị phi, oán trách. Ví dụ cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phu thê, cung phu thê phi Hóa Kị quay lại nhập cung mệnh, biểu thị mệnh tạo rất yêu thương người phối ngẫu, nhưng người phối ngẫu lại cho rằng mệnh tạo quá lo lắng, quan tâm quá độ, tạo ra áp lực nặng nề, khiến họ cảm thấy mất tự do. Nếu cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung nô bộc, và cung nô bộc phi Hóa Kị nhập cung mệnh, chủ về tiền của mệnh tạo bị mượn hoặc bị giật, là người “mắc nợ” ta.

Củ Triền Kị (Hỗ Xung Kị):

Tức hai cung khác nhau phi Hóa Kị nhập hai cung khác thành trạng thái đối cung xung nhau. Ví dụ: cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung phúc đức, còn cung nô bộc phi Hóa Kị nhập cung tài bạch, hai Hóa Kị ở tuyến tài phúc thành trạng thái đối cung xung nhau, gọi là “Củ Triền Kị”, là ý tượng: giữa bạn bè và mệnh tạo xảy ra tình trạng rối rắm, không rõ ràng về tiền bạc, dễ có tranh chấp phiền phức, vì vậy lúc qua lại tiền bạc với bạn bè cần phải cẩn thận. Nhưng nếu Hóa Kị của cung mệnh và của cung phu thê thành trạng thái đối cung xung nhau thì còn gọi là “Oán Thán Kị”, chủ về vợ chồng lời qua tiếng lại, trách móc nhau, cãi vã nhau. Nếu Hóa Kị này xuất hiện ở tuyến phu quan, thì vợ chồng cãi nhau đến già, nhưng không nhất định sẽ li hôn; muốn biết họ cãi nhau chuyện gì thì phải xem cung nào phi Hóa Kị để giải đoán.

Sách Mã Kị (Tứ Mã Kị):

" Sách” 拆 có nghĩa là “bóc ra, tách ra". Vị trí Hóa Kị này xảy ra là ở đất Tứ Mã, tức rơi vào 4 cung Dần, Thân, Tị, Hợi, nên còn gọi là “Tứ Mã Kị”. Hình thái của nó là Hóa Kị [năm sinh] rơi vào các cung Tứ mã, hoặc thiên can của 4 cung này có tự hóa, đều gọi là "Sách Mã Kị”, chủ về bôn ba, vất vả. Nếu cung này là cung lục thân, là ý tượng: gần nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều, hơn nữa, tốt nhất là nên gần nhau ít mà xa nhau nhiều, nếu không, gần nhau lâu rất dễ xảy ra xung đột. Nếu Sách Mã Kị xảy ra ở cung mệnh, là ý tượng: cần phải rời xa quê hương, bôn ba vất vả ở bên ngoài, hơn nữa đối với người nhà phần nhiều có cách trở; ở cung phu thê, thì vợ chồng ít ở gần nhau; ở cung điền trạch thì phiêu bạc, xa quê hương.

Nhập Khố Kị:

Các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi gọi là “Tứ Mộ Khố”, nếu có Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, nhưng lại không có tự hóa, gọi là “Nhập Khố Kị”. Tổ hợp Nhập Khố Kị không được lại tự hóa, tự hóa thì không có tiền. Nhập Khố Kị có ý tượng: giữ tiền, tiền vào; nhiều vất vả, vì vậy, có tiền hay không cũng đều phải nỗ lực kiếm tiền, có xảy ra chuyện hay không cũng đều phải quan tâm, cho nên còn gọi là Khiếm Trái Kị, có hàm ý là “mắc nợ”. Như lúc ở cung lục thân, tức là lục thân này nỗ lực kiếm tiền, còn mệnh tạo nhờ vậy mà được lợi; nếu ở cung phu thê, sau khi kết hôn người phối ngẫu sẽ mang tiền đến, hoặc sau khi kết hôn người phối ngẫu nỗ lực kiếm tiền cho mệnh tạo tiêu xài. Nếu không phải ở cung lục thân, thì mệnh tạo tất phải nỗ lực kiếm tiền; nếu ở cung điền trạch, là ý tượng: gánh nặng sinh kế gia đình, mệnh tạo phải kiếm tiền để nuôi gia đình, hoặc vì mua nhà cửa đất đai mà phải nỗ lực làm việc, đây là mệnh tạo “mắc nợ” gia đình; nếu ở cung tài bạch thì vì tiền bạc mà bôn ba bận rộn, và giữ tiền rất chắc; nhưng nếu có tự hóa thì không giữ được tiền, tiền sẽ chảy ra mất, lúc này thành “Tiết Khố Kị ”.

Nhập Khố Kị ở cung phu thể thì sau khi kết hôn mang tiền ra ngoài làm ăn.

Nhập Khố Kị ở cung tử nữ ắt con cái có thành tựu, phụng dưỡng mệnh tạo lúc vãn niên.

Nhập Khố Kị ở cung điền trạch, chủ về mệnh tạo vì gia đình và con cái mà tăng thêm gánh nặng.

Nhập Khố Kị ở cung thiên di, chủ về mệnh tạo phải ra ngoài bôn ba vất vả.

Nếu Nhập Khố Kị là Nghịch Thủy Kị, tức xung phá “kho”, chủ về hoạnh phát (nếu Hóa Kị nhập đối cung thì vô hiệu).

Cung điền trạch ở Tứ Mộ, gặp Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, chủ về cát lợi (không được lại tự hóa).

Cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung thiên di, mà cung thiên di gặp Hóa Lộc [năm sinh], là ý tượng: kiếm tiền dễ dàng, mà tiêu xài tiền cũng nhẹ nhàng.

Đất Tứ Khố không được tự hóa, lúc đại vận đến cung tam hợp, thì kiếm tiền dễ dàng, vui vẻ tiều xài, không dành dụm.

Các cung Tí, Ngọ, Mão, Dậu có sao Hóa Kị [năm sinh], là ý tượng: mệnh tạo là người khoa trương, có chút thành tựu thì cả thiên hạ đều biết. Nếu ở tuyến tài phúc thì xài tiền như nước, dễ vì vật chất mà bán mình.

Nếu Hóa Quyền [năm sinh] ở cung mệnh, can cung thiên di phi Hóa Kị nhập cung mệnh, có thể xem trường hợp này là Nghịch Thủy Kị (sức mạnh chỉ còn phân nửa).

Tuyệt Mệnh Kị:

Cung mệnh hoặc cung điền trạch có sao Hóa Kị [năm sinh], mà ba cung mệnh, điền trạch, quan lộc của đại vận phi Hóa Kị nhập cung mệnh hoặc cung điền trạch, thì gọi là Tuyệt Mệnh Kị. Có tượng này ắt gặp hung hiểm, cần phải xem cung đại vận phát xạ là cung nào của nguyên cục thì biết chuyện gì gặp hung hiểm. "Tuyệt Mệnh Kị” thường dùng để đoán sinh tử, cung mệnh phải có sao Hóa Kị [năm sinh]. Lúc cung mệnh có sao Hóa Kị [năm sinh], rất sợ Hóa Kị từ cung khác phi nhập cung mệnh. Dưới đây là các trường hợp Tuyệt Mệnh Kị:

(1) Lúc cung mệnh có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, cung quan lộc của đại vận hoặc cung điền trạch của đại vận lại phi Hóa Kị nhập cung mệnh, gọi là "Tuyệt Mệnh Kị”.

(2) Cung mệnh không có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, cung thiên di của đại vận phi Hóa Kị và xung cung mệnh của nguyên cục; hoặc xung cung quan lộc của nguyên cục; hoặc cung điền trạch của đại vận phi Hóa Kị và xung cung mệnh của nguyên cục, cũng gọi là “Tuyệt Mệnh Kị”.

(3) Tuyệt Mệnh Kị là kiếp số, cung mệnh của đại vận hoặc cung mệnh của lưu niên phi Hóa Kị không được xung cung mệnh của nguyên cục hoặc cung quan lộc của nguyên cục; cung điền trạch cũng không được phi Hóa Kị xung cung mệnh của nguyên cục hoặc xung cung quan lộc của nguyên cục.

(4) Cung mệnh có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, cung điền trạch hoặc cung quan lộc phi Hóa Kị, tuyệt đối không được quay lại nhập cung mệnh, nhập cung mệnh thì mạng sống nguy hiểm.

(5) Lúc cung mệnh có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, rất sợ phi Hóa Kị nhập, nếu cung phu thê phi Hóa Kị nhập cung mệnh, thì chủ về vợ chồng cãi vã hoặc xa nhau, mà cơ thể của mệnh tạo dễ bị sự cố, gặp tình hình xấu khác.

(6) Cung thiên di phi Hóa Kị và xung cung mệnh của nguyên cục; hoặc xung cung quan lộc, đồng thời cung điền trạch cũng phi Hóa Kị và xung cung mệnh của nguyên cục, tình huống này mạng sống rất nguy hiểm.

(7) Cung thiên di phi Hóa Kị và xung cung quan lộc của nguyên cục cũng giống như xung cung mệnh của nguyên cục, nếu xảy ra sự cố bất ngờ thì rất nghiêm trọng (lưu niên, đại vận cũng luận như vậy).

(8) Cung điền trạch phi Hóa Kị và xung cung mệnh, tuy cung mệnh không có sao Hóa Kị tọa thủ, nhưng sinh mạng cũng gặp nguy hiểm.

(9) Cung thiên di của lưu niên không được phi Hóa Kị xung cung mệnh của nguyên cục, xung tất nguy hiểm. Lúc cung quan lộc có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, cung thiên di hoặc cung điền trạch phi Hóa Kị không được tái nhập cung quan lộc, nhập ắt hung.

(10) Đoán lưu niên, đại vận có thể trực tiếp lấy cung hạn phi Hóa Kị nhập cung mệnh của nguyên cục để đoán. Nếu cung hạn là cung tài bạch của đại vận (hoặc lưu niên), thì chỉ tổn tài mà thôi. Trái lại, nếu là cung mệnh của nguyên cục xung cung tử nữ hoặc cung điền trạch của đại vận (hoặc lưu niên), thì tai ách ắt nghiêm trọng. Nhưng cung thiên di của lưu niên phi Hóa Kị và xung cung mệnh của nguyên cục, hoặc xung cung quan lộc của nguyên cục đều ứng tai ách, vì cung mệnh và cung quan lộc là “nhất cửu đồng cung”, đây là “Tuyệt Mệnh Kị".

Tiến Mã Lộc Kị và Thoái Mã Lộc Kị:

Tiến Thoái Mã Lộc Kị chỉ xảy ra ở bốn cung Tí, Sửu, Dần, Mão. Trước tiên xin giải thích danh từ “Tiến Thoái Mã". Định một cung nào đó làm khởi điểm của phi hóa (thái cực điểm), lúc cung này phi Hóa Lộc hay phi Hóa Kị đến hai cung ở phía trước hay hai cung ở phía sau, mà cung có tứ hóa nhập này lại có tự hóa cùng loại, như vậy, Lộc hay Kị phi nhập sẽ bắn theo chiều nghịch hai cung.

Can cung trong mệnh bàn, can cung Tí và can cung Dần nhất định tương đồng, can cung Sửu và can cung Mão nhất định tương đồng.

Nếu sinh năm Nhâm, tất cung Tí là cung Nhâm Tí và cung Dần là cung Nhâm Dần, những năm sinh khác thì không phải vậy.

Trong 12 cung sẽ có tình huống can cung tương đồng, vì ca quyết Ngũ Hổ độn bày bố mười cung can theo chiều thuận trên 12 cung vị, nhất định sẽ có 2 cung vị xuất hiện trùng can. Hệ thống mười thiên can này không cách nào đủ 12 cung vị địa chi! Do Ngũ hổ độn khởi từ Dần, Dần đến Hợi vừa đủ một vòng 10 thiên can. Khi đến cung Tí, cung Sửu lại trở về đầu, cho nên cung Tí và cung Sửu sẽ trùng can với cung Dần và cung Mão. Vì dương can đối với dưong chi, cho nên Tí và Dần nhất định sẽ cùng can. Và vì âm can đối với âm chi, cho nên Sửu và Mão nhất định sẽ cùng can.

Bất kể là Tiến Mã hay Thoái Mã, đều có Tiến Mã Kị hay Thoái Mã Kị, đương nhiên cũng có Tiến Mã Lộc hay Thoái Mã Lộc, còn lại Quyền và Khoa cũng phỏng theo đây mà suy ra.

(1) Tiến Mã Lộc:

Giả thiết thái cực điểm là cung mệnh, nếu cung mệnh phi Hóa Lộc đi nghịch hai cung đến cung phu thê, lại trùng hợp cung phu thê xuất hiện tự Hóa Lộc, như vậy động thái phi Hóa Lộc này lại phải đi nghịch thêm hai cung, đến cung tài bạch. Vì tiến tới phía trước, nên được gọi là “Tiến Mã Lộc”.

(2) Thoái Mã Lộc:

Một tình huống khác, cũng lấy cung mệnh làm thái cực điểm. Lúc cung mệnh phi Hóa Lộc đi thuận hai cung đến cung phúc đức, lại trùng hợp cung phúc đức xuất hiện tự Hóa Lộc, động thái phi Hóa Lộc này phải đi nghịch hai cung, lùi về cung mệnh. Vì là lùi lại, cho nên được gọi là “Thoái Mã Lộc”.

(3) Tiến Mã Kị:

Nếu cung phúc đức ở Giáp Dần, can Giáp khiến Thái Dương Hóa Kị ở cung mệnh, mà cung mệnh là Giáp Tí nên Thái Dương lại tự Hóa Kị, Hóa Kị này phải đi theo chiều nghịch hai ô đến cung phu thê (Dần → Tí → Tuất), đây gọi là Tiến Mã Kị. (Xem hình 1)

Hình 1 - Tiến Mã Kị

Nếu cung Ất Mão phi Hóa Kị nhập cung Ất Sửu, cung Ất Sửu khiến Thái Âm tự Hóa Kị, đi nghịch hai ô nhập cung Quý Hợi (Mão → Sửu → Hợi), đây là Tiến Mã Kị. Nếu đây là trường hợp cung phu thê phi Hóa Kị nhập cung tài bạch, đi nghịch hai ô là cung thiên di. Lúc người phối ngẫu phá tiền của mệnh tạo, không chỉ hao tài cực lớn, mà con liên lụy đến con người.

Nếu cung mệnh là Ất Mão phi Hóa Kị nhập Thái Âm ở cung Ất Sửu, vì Thái Âm ở cung Ất Sửu cũng tự Hóa Kị, do đó phi Hóa Kị phát xuất từ cung Mão sẽ theo tự Hóa Kị của cung Sửu mà chuyển phi hóa, lực Ất Mão phi Hóa Kị không thể dừng lại, mượn lực tự Hóa Kị của cung Sửu mà bay đến Thiên Đồng của cung Hợi! (Xem hình 2)

Hình 2 - Tiến Mã Kị

Tại sao lại bay nghịch hai cung đến Hợi:

- Bởi vì cung Mão phát xuất đầu tiên là bay nghịch.

- Do phát xuất từ cung Mão trước tiên nhảy vào cung Sửu, là khoảng cách hai ô Mão và Sửu; vì vậy, đương nhiên phải theo thế mà chuyển, tất phải là khoảng cách hai ô Sửu và Hợi!

- Điều này đương nhiên đều vì duyên cớ cung Sửu có tự Hóa Kị (hoặc tự Hóa Lộc, tự Hóa Quyền, tự Hóa Khoa).

- Phân tích thêm một bước, phi Hóa Kị (hoặc Lộc, Quyền, Khoa) xuất phát từ cung Ất Mão, do gặp tự Hóa Kị của Ất Sửu mà chuyển phi Hóa Kị đến cung hạ xuống.

Có thể lấy tổ hợp này chia thành ba giai đoạn:

- Giai đoạn đầu là cung phát xạ, ví dụ là cung mệnh.

- Giai đoạn giữa là cung môi giới, ở đây là cung phu thê.

- Giai đoạn cuối là cung hạ xuống, ở đây là cung tài bạch.

Tưởng tượng thành cung mệnh mượn lực của cung phu thê phi Hóa Kị đến cung tài bạch. Ở đây cung phu thê đóng vai trò trung gian cho Hóa Kị phi xuất từ cung mệnh nhập cung tài bạch, và có hàm nghĩa là, kiếm tiền vất vả, không giữ được tiền, mà còn thường gặp biến động.

(4) Thoái Mã Kị:

Nếu cung mệnh ở cung Ất Sửu phi Hóa Kị nhập Thái Âm ở cung phúc đức là Ất Mão, cung phúc đức cũng là can Ất, nên Thái Âm tự Hóa Kị, thì Hóa Kị này ắt phải lùi lại hai cung trở về cung mệnh (Sửu → Mão → Sửu), đây gọi là Thoái Mã Kị. Cung Ất Mão là Thái Âm, cung Ất Sửu là Thiên Cơ, là đúng. Lúc Thoái Mã Kị ở lai nhân cung, ắt sẽ có điều đáng tiếc, ngoài ra thì đoán là có tổn thất. (Xem hình 3)

Hình 3 - Thoái Mã Kị

Chỗ khiến cho người ta đau đầu chính là làm rõ lúc nào là tiến mã, lúc nào là thoái mã. Trên thực tế, nếu bạn đọc xem kĩ định nghĩa thì biết rằng “trú mã” (chỗ mã dừng lại) luôn đi nghịch, thuần túy chỉ tại vì vị trí của cung phi xuất phân chia ranh giới nên mới có sự phân biệt tiến mã và thoái mã. Vì vậy nên ghi nhớ lúc nào “trú mã" cũng đi nghịch thì sẽ không sai.

Lấy hai ví dụ trên để nói, nếu phi Hóa Kị gặp tình huống tự Hóa Kị, thì gọi là Tiến Mã Kị hay Thoái Mã Kị.

Về phương pháp vận dụng, có một số người cho rằng, gặp Tiến Thoái Mã thì mang phi hóa trực tiếp đến cung đi nghịch. Như trong ví dụ trên, có hiện tượng “cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phu thê", nhưng vì là tiến mã, nên trực tiếp thành “cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung tài bạch”. Như vậy quá trình “cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phu thê" bỗng nhiên biến mất.

Thực ra hiện tượng tiến thoái mã không thần thông quảng đại đến mức có thể làm thay đổi phương hướng phi hóa. Điều vừa thuật ở trên là sai lầm, do người ta không hiểu nguyên lí tiến thoái mã.

Cần lưu ý, nếu đi nghịch, mục đích bay đến là cung phu thê, là cung vị “đối đãi”, dùng để giải thích mối quan hệ đối đãi. Lúc cung phu thê tự hóa, thì mối quan hệ đối đãi xuất hiện biến số, phải mở rộng đến cung tài bạch. Thực ra cung tài bạch là cung vị đối đãi của cung phu thê (cung vị phu thể của cung phu thê), cho nên cung mệnh phi hóa xuất quay trở lại quan điểm xuất phát của chính cung phu thê.

Lúc đi thuận, tình hình trực tiếp sẽ nhiều hơn. Cung mệnh chính là cung vị đối đãi của cung phúc đức, phi đến cung phúc đức rồi vì tự hóa mà dội trở về, là trực tiếp bay về bản thân.

Hiểu được đây chỉ là thay đổi của cung vị đối đãi, thì sẽ hiểu được thực ra mục đích của phi hóa không thay đổi, mà chỉ là nhắm đến mục tiêu đối đãi khác của nó. Phi hóa vẫn đến cung phu thê, hiện tượng chạy đến cung tài bạch có thể xem là một trong những nguyên nhân tạo thành kết quả của quá trình phi hóa, ví dụ như:

- Cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phu thê gặp tự Hóa Lộc, xuất hiện hiện tượng Tiến Mã Lộc, phi Hóa Lộc đến cung tài bạch, là tượng vì người phối ngẫu mà chi tiền ra.

- Cung tài bạch phi Hóa Kị nhập cung thiên di gặp tự Hóa Kị, xuất hiện hiện tượng Tiến Mã Kị, phi Hóa Kị chạy đến cung quan lộc, là tượng vì đầu tư và phát triển ra bên ngoài (hay nói khác) khiến cho sự nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Cùng một lí, Thoái Mã Lộc hay Thoái Mã Kị cũng tương tự như vậy:

- Cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung phúc đức gặp tự Hóa Kị, xuất hiện hiện tượng Thoái Mã Kị, phi Hóa Kị chạy về bản cung (cung mệnh), là tượng vì chuyện hưởng lạc hay vì tình cảm mà bản thân gặp khó khăn và lo lắng.

- Cung tật ách phi Hóa Lộc nhập cung tử nữ gặp tự Hóa Lộc, xuất hiện hiện tượng Thoái Mã Lộc, phi Hóa Lộc chạy về bản cung (cung tật ách), là tượng vì nhục dục mà chuốc đào hoa.

Vì vậy, phải đồng thời xem xét cung phi nhập lần thứ nhất và cung chạy vào lần thứ hai mới gọi là Tiến/Thoái Mã Lộc/Kị.

Rất nhiều người lầm tưởng Khâm Thiên môn không xem trọng tính và tình của sao, mà chỉ chú trọng “phi tới phi lui”. Thực ra, có sao mới có tượng (tứ tượng, tứ hóa), Khâm Thiên môn làm sao xem thường tính của sao cho được.

Nghịch Thủy Kị:

Nghịch Thủy Kị là cách cục rất đặc biệt trong Phi tinh kì phổ. Nếu cung mệnh, cung tài bạch, cung quan lộc có "Lưu Xuất Kị” thì gọi là "Thủy mệnh Kị”. Lúc này nếu đối cung, tức cung thiên di, cung phúc đức hay cung phu thê có Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ mà không có tự hóa, thì sao Hóa Kị [năm sinh] này giống như một bức tường, sẽ cản trở "Lưu Xuất Kị”, dẫn quay ngược lại, “Lưu Xuất Kị" sẽ không lưu xuất, hình thái lúc này gọi là Nghịch Thủy Kị. Phàm mệnh bàn mà có Nghịch Thủy Kị, tất sẽ phát đạt, giàu có. Có thể làm nghề sản xuất, chế tạo, kinh doanh dây chuyền, quan hệ ngoại giao, nguồn tiền tài cuồn cuộn, sự nghiệp lên như diều. Nhưng Hóa Kị này nhất định phải do cung tam hợp của bản mệnh phi xuất, hơn nữa đối cung là cung thiên di, cung phúc đức hay cung phu thê tuyệt đối không được tự hóa, mới hợp cách Nghịch Thủy Kị. Nếu đối cung lại tự Hóa Kị (tự Hóa Lộc cũng vậy), thì sẽ hình thành “Tam Kị”, trái lại sẽ cực hung, dẫn đến sự nghiệp kinh doanh thảm không còn chỗ nói, cuộc đời ắt sẽ gặp sóng gió ba đào.

Các ý tượng của Nghịch Thủy Kị có thể phân loại như sau:

(1) Nghịch Thủy Kị của Xạ Xuất Kị:

Cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung thiên di có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: một đời gặp nhiều quý nhân, ra ngoài thuận lợi; thích hợp sự nghiệp sản xuất.

Cung tài bạch phi Hóa Kị nhập cung phúc đức có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: có thể tích trữ hàng hóa mà sinh tài, một đời hoạnh phát, tài vật tự nhiên tăng giá trị.

Cung quan lộc phi Hóa Kị nhập cung phu thê có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: nên làm những nghề có tính biến động lớn, như mậu dịch (không cần đầu tư lớn), làm ăn lâu dài; còn chủ về không có tình nhân ở bên ngoài (nếu cung phu thê không có sao Hóa Kị [năm sinh], thì dễ có người thứ ba xen vào).

(2) Nghịch Thủy Kị của Xạ Nhập Kị:

Tức Nghịch Thủy Kị nhập cung tam hợp của đại vận mới có tác dụng. Cung thiên di phi Hóa Kị nhập cung mệnh có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, thích hoạt động ở bên ngoài, nhưng không nên đi xa phát triển, có nhiều cơ hội phát đạt ở quê hương, nơi sinh ra.

Cung phúc đúc phi Hóa Kị nhập cung tài bạch có sao Hóa Kị [nǎm sinh] tọa thủ, là ý tượng: nặng về hưởng thụ, tiền bạc không giữ được, nếu quản lí tốt tiền bạc thì có thể giàu có.

Cung phu thê phi Hóa Kị nhập cung quan lộc có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, về sự nghiệp có thể được người phối ngẫu trợ lực, vất vả mà có thành tựu, vợ chồng tuy tranh cãi nhau không ngừng, nhưng có thể sống với nhau lâu dài, không li dị.

Nghịch Thủy Kị của cung mệnh vô chính diệu, lại tự Hóa Kị, một đời thành lớn bại lớn.

Nghịch Thủy Kị gặp đối cung tự Hóa Kị hoặc tự Hóa Lộc, Hóa Ki này không cách nào quay trở lại, nên biến thành Thủy Mệnh Kị. Ba cung mệnh, tài bạch, hay quan lộc có Xạ Xuất Kị của Thủy Mệnh Kị, ở đối cung không gặp sao Hóa Kị [năm sinh], chủ về không nên làm nghề sản xuất, có thể làm ăn mua bán để kiếm tiền.

(3) Nghịch Thủy Kị của Khiếm Trái Kị:

Ở tuyến quan hệ nhân tế nhập cung tam hợp của đại vận mới luận là Nghịch Thủy Kị của Khiếm Trái Kị, có hiệu ứng 10 năm. Khiếm Trái Kị là “mắc nợ” tiền bạc hoặc bị phiền lụy vì mối quan hệ giữa hai người với nhau.

Cung huynh đệ phi Hóa Kị nhập cung nô bộc có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, vì cung huynh đệ là cung vị điền trạch của cung tài bạch, là cung vị “kho tiền”, nên bất lợi cho người có “kho tiền”, là ý tượng: “mắc nợ” bạn bè, anh em. Lúc đại vận ứng nghiệm tất sẽ thấy hiện tượng thất bại như: hợp tác đổ vỡ, chi phiếu bảo chứng có vấn đề, dẫn đến khuynh gia bại sản.

Nếu cung nô bộc không có sao Hóa Kị [năm sinh], là ý tượng: anh em sẽ có rất nhiều ý kiến và can dự vào cuộc sống của mệnh tạo.

Nếu cung nô bộc phi Hóa Kị nhập cung huynh đệ có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: giao du với bạn bè không được tốt, không chân thành, tự tư tự lợi.

Nếu cung huynh đệ không có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, mối quan hệ với anh em thủ túc không gần gũi, hoặc không có sự quan tâm nhau.

Cung tử nữ phi Hóa Kị nhập cung điền trạch có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: nhiều đào hoa, nhiều con cái, đời sau phát đạt.

Nếu cung điền trạch không có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, là ý tượng: đào hoa không thành, duyên bạc với con cái.

Cung điền trạch phi Hóa Kị nhập cung tử nữ có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, chủ về đào hoa kèm tiền bạc, nhưng nếu cung tử nữ tự Hóa Kị (hoặc tự Hóa Lộc), cẩn thận kẻo vì tình cảm đào hoa mà khuynh gia bại sản.

Nếu cung tử nữ không có sao Hóa Kị [năm sinh], là ý tượng: cầm tiền trong nhà ra đi tiêu xài, nhiều đào hoa, người phối ngẫu đã từng li hôn, hoặc người phối ngẫu đã có con trước khi lấy mệnh tạo.

Cung tật ách phi Hóa Kị nhập cung phụ mẫu có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, chủ về có cha mẹ che chở, thân thể cường tráng.

Nếu cung phụ mẫu không có sao Hóa Kị [năm sinh], là tự xung cơ thể, là ý tượng: sức khỏe không tốt.

Cung phụ mẫu phi Hóa Kị nhập cung tật ách có sao Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ, chủ về cha dễ phát đạt. Cung tật ách là cung vị phúc đức của cung nô bộc, là ý tượng: không được hợp tác với người khác, chỉ thích hợp công việc mang tính kĩ thuật cơ thể (kĩ năng thể thao).

Nếu cung tật ách không có sao Hóa Kị [năm sinh], chủ về dễ thừa hưởng gene di truyền không tốt của cha mẹ.

(4) Ý nghĩa của Nghịch Thủy Kị nhập cung thiên địa nhân:

Nghịch Thủy Kị là một hình thái phi hóa trong Phi tinh kì phô. Phi hóa tượng của cung số “2” và "5”, về cơ bản là liên quan đến “tài” (tiền bạc), cách cục Nghịch Thủy Kị cũng tương tự, nhưng cũng khác nhau, nên ẩn chứa ý tượng cũng có chỗ khác nhau. Ở đây chúng ta lấy nguyên tắc thiên địa nhân để thảo luận (xem hình 4).

Hình 4 - Nghịch Thủy Kị nhập cung Thiên Địa Nhân

Nghịch Thủy Kị lấy “tài” (tiền bạc) làm chủ, cho nên phải lấy bốn cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm ưu, nó phát cũng sẽ lâu dài. Nhưng đất “Tứ Khố” là cung vị “mắc nợ”, vì vậy phải vất vả.

Nghịch Thủy Kị ở cung vị “nhân", là cát lợi, nhưng phải vất vả bôn ba. Nếu ở Dần, Thân, Tị, Hợi, mà là cung mệnh, cung vị “nhân” nhảy cách ba ô, nhập cung phu thê, là rơi vào cung vị "thiên”, là chủ về hưởng thụ; nhưng “nhất chứa tam”, tức một bên cát, thì nhất định có một bên không cát.

Tình hình khác của Nghịch Thủy Kị là, cung thiên di có sao Hóa Quyền [năm sinh], còn cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung thiên di, nên sao Hóa Quyền [năm sinh] này có tác dụng như cái đập ngăn nước, cũng tức là Nghịch Thủy Kị. Nhưng Kị của Nghịch Thủy Kị và Quyền của Nghịch Thủy Kị có sự phân biệt; tuy như nhau, là đều có thể làm nghề chế tạo, mở công xưởng, nhưng Kị của Nghịch Thủy Kị mở công xưởng thì không phải là công xưởng có tính chất xung lực đặc biệt; còn Quyền của Nghịch Thủy Kị thì có tính xung lực hóa, tức công xưởng thuộc loại chuyên môn đặc biệt, nếu không sẽ khó phát huy.

Nhưng lúc Nghịch Thủy Kị lại tự hóa, thì cũng vậy sẽ kiếm được tiền, nhưng không giữ được mà thôi. Nếu tự Hóa Khoa thì tốt hơn, ít nhiều cũng có thể giữ được một số.

(5) Ví dụ thực tế của cách cục Nghịch Thủy Kị:

Cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung thiên di, gặp Hóa Kị [năm sinh], có phải là cách cục Nghịch Thủy Kị của tuyến “mệnh di” không? Nếu cung thiên di không có tự hóa, nhưng lại phi Hóa Kị nhập cung mệnh, có tính là phá cách không?

Ví dụ thực tế:

Mệnh tạo sinh năm Ất, mệnh bàn như hình 5 dưới đây:

Hình 5 - Ví dụ Nghịch  Thủy Kị

Trước tiên xem Thái Âm Hóa Kị [năm sinh] ở cung thiên di, là cách cục từ nhỏ đã rời xa gia đình, cũng chủ về từ nhỏ đã rời xa quê hương và phải phấn đấu mới có tiền đồ, đây là mệnh cách tiên thiên. Nhưng người sinh năm Ất sẽ có Lộc Tồn ở cung Mão, hình thành cách cục “Kình Đà giáp Kị”, là bại cục, là ý tượng: ở bên ngoài phải dựa vào bản thân, không có quý nhân giúp đỡ, mọi việc đều gặp trở ngại, không được thuận lợi, quan trọng nhất là phải đề phòng tai nạn giao thông.

Cung mệnh là can Ất, khiến Thái Âm Hóa Kị ở cung thiên di, mà Thái Âm cũng Hóa Kị [năm sinh] ở cung thiên di, không có tự hóa. Tức là phi Hóa Kị bắn đến cung thiên di và gặp Hóa Kị [năm sinh] ở cung thiên di quay lại bắn cung mệnh, tượng này gọi là “Nghịch Thủy Kị". Là ý tượng: đa sự (cũng chủ về nhiều thị phi), rất bận rộn vất vả; có thể làm những công việc ít người chú ý, hoặc làm ăn bằng tiền mặt. “Nghịch Thủy Kị" chủ về tiền tài, giống như trong phong thủy địa lí gọi là “thu nghịch thủy", là tượng kiếm được tiền. Nhưng "tượng" chỉ thuộc về “cách” mà thôi, có phát đạt hay không, cần phải xem hành hạn hậu thiên.

Cung thiên di lại phi Hóa Kị nhập Văn Khúc ở cung mệnh, Văn Khúc Hóa Kị chủ về ở bên ngoài dễ xảy ra điều tiếng thị phi; cũng chủ về dễ xảy ra vấn đề về văn thư, giấy chứng nhận, khế ước, chi phiếu, tốt nhất không nên đứng ra làm người bảo đảm cho ai; lái xe phải tuân thủ luật giao thông để tránh bị phạt. Ở phương diện khác, Phá Quân kí thể ở Văn Khúc, Văn Khúc Hóa Kị là “hao”, là ý tượng: tổn tài, hao tài, thất tình, duyên tận mà tình chưa dứt, hoặc gặp sự cố phiền phức, khó xử lí.

Tóm lại, mệnh tạo tuy có cách cục “Nghịch Thủy Kị", nhưngvẫn thuộc về cục phá bại. Kị tiên thiên ở cung thiên di là “cách” đi xa, lại bị “Kình Đà giáp cung", không chỉ khó phát triển ở bên ngoài. Cung mệnh phi Hóa Kị lại bị phản hồi, cung thiên di lại phi Hóa Kị nhập cung mệnh, là ý tượng: muốn đi mà đi không được, chỉ có thể dựa vào nỗ lực của bản thân. Cho nên không được cho rằng chỉ cần có cách cục “Nghịch Thủy Kị”, thì có thể kiếm được tiền hoặc phát tài, mà cần phải quan sát toàn cục, mới có thể luận định.

Cự Môn và Văn Xương tự Hóa Lộc và Hóa Kị, là tượng trồi sụt bất định, ở cung tài bạch đương nhiên chủ về thu nhập không ổn định. Nguyên nhân không ổn định ở đâu? Đó là xem phi Hóa Quyền nhập cung nào, Thái Dương Hóa Quyền ở cung phúc đức chủ về bản thân rất thích tiêu xài tiền và hưởng thụ. Nói cách khác, tức là có tư tưởng hưởng thụ và không giữ tiền được.

(6) Bàn thêm về Nghịch Thủy Kị:

Biểu hiện của Hóa Lộc ở cung mệnh là chủ về tình chứ không phải chủ về tiền bạc; Hóa Lộc ở cung tài bạch là nặng cảm tính, đa tình, rất ưa sĩ diện, là có liên quan với việc kiếm tiền và tiêu xài tiền; Hóa Lộc ở cung quan lộc là biểu thị sự nhiệt tình, khát vọng đối với tri thức, cũng có kì vọng bản thân sẽ đa năng; Hóa Lộc ở cung tử nữ là biểu thị mệnh tạo nhiều dục tình, lúc dính dáng đến tiền bạc thì đó là cách tiền bạc tiêu hao...

Trong mệnh bàn, mỗi một cung đều có công dụng của nó, lấy Thiên Lương Hóa Quyền ở cung tài bạch làm ví dụ. Hóa Quyền ở cung tài bạch, ý tượng thông thường là lấy thái độ nghiêm túc để đối đãi, chịu trách nhiệm, có thế mạnh; ngoài ra còn phải nghĩ đến “phương hướng" mệnh tạo nỗ lực tạo tác (do cung tài bạch biểu thị). Tức “phương hướng" Thiên Lương Hóa Quyền nỗ lực tạo tác, để phát huy trên sân khấu cuộc đời. Thiên Lương thuộc thổ, là sao có tính chất trung thực, xử sự đúng mực, không hèn mà cũng không kiêu, có giáo dục; Hóa Quyền không phải là sao mà là lực tác động, tuy có tính hỏa, nhưng bị tính chất của Thiên Lương tác động, khiến Thiên Lương có biểu hiện tích cực, làm tăng thêm tính quyền uy cho Thiên Lương. Vì vậy, Thiên Lương Hóa Quyền ở cung tài bạch, có thể xếp vào nhóm người “ủng hộ" phép tắc; luận đoán sâu thêm một bước, họ thuộc nhóm người có giấy tờ hay văn bằng chứng nhận trình độ, hoặc có trải qua học tập hay được huấn luyện lâu dài, họ thành tựu là nhờ có sở trường chuyên môn và có tính chuyên nghiệp. Cách mưu sinh của họ là thiên về hướng giáo hóa, giáo dục, cứu trợ, giải đáp nghi hoặc, giải quyết khó khăn; ứng nghiệm nghề nghiệp trong cuộc sống thực tế thì phải xem xét phối hợp với tổ hợp sao ở cung quan lộc để quyết định đẳng cấp cao thấp.

Giả thiết, Hóa Lộc và Hóa Kị [năm sinh] không tọa thủ ở “ngã cung", vậy Hóa Quyền ở cung tài bạch, dù nỗ lực đúng phương hướng, nhưng có thể làm vì người khác, nhiều lúc làm không công, trong một số tình huống là “có công thì không được hưởng, còn phá thì hưởng gấp đôi”, vì thành quả nỗ lực của họ rất có thể biến thành thành quả của người khác. Tuy nhiên, nếu trong cung tài bạch có sao khác đồng cung, đó là biểu thị sẽ có thu hoạch ở phương diện khác. Cho nên lúc phân tích giải đoán mệnh bàn, không chỉ chǎm chú các sao có tứ hóa nhập vào, mà phải tham khảo phối hợp tác động của các sao đồng cung khác.

Đại đa số người mới học Đẩu Số thường bị Hóa Kị “hù dọa”, nhiều lúc là chuyện tốt lại luận thành tai họa. Đó là vì không nắm vững quy tắc luận đoán tứ hóa. Ví dụ như, cung mệnh của lưu niên thấy Hóa Kị [lưu niên], đối cung (cung thiên di của lưu niên) có Hóa Kị [năm sinh], giả thiết địa bàn không tính Hóa Kị [năm sinh] vào các cung tam hợp của lưu niên, vậy Hóa Kị [năm sinh] và Hóa Kị [lưu niên] vốn không có quan hệ đối ứng. Thực ra, trong tình trạng này, có thể xem như không có Hóa Kị [năm sinh], vì Hóa Kị [năm sinh] tuyệt đối không tác động đến các cung lưu niên.

Nghịch thủy Kị là thuật ngữ của Khâm thiên môn, đối với người mới nghiên cứu Tứ Hóa phái, đúng là rất lạ lẫm. Hiện tượng Nghich thủy Kị là có thật, nhưng điều kiện thành lập hiện tượng Nghịch thủy Kị vẫn còn nhiều tranh cãi trong các chi lưu thuộc Tứ Hóa phái, vì những miêu tả của cổ nhân rất là “huyền chi hựu huyền”. Theo Hứa Diệu Hỗn, nhà Đẩu Số hiện đại khá nổi tiếng, cần phải bổ sung một số điều kiện như dưới đây mới có thể thành lập:

- Hóa Kị [năm sinh] phải tọa thủ “ngã cung".

- Hóa Lộc [năm sinh] phải tọa thủ “ngã cung”.

- Cung có Hóa Kị [năm sinh] không được có lẫn lộn Hóa Lộc, Hóa Quyền, hay Hóa Khoa [năm sinh].

Lúc Hóa Lộc và Hóa Kị [năm sinh] chia ra nhập vào hai “ngã cung” mới cấu tạo thành cách cục thành tựu; còn Hóa Kị ở “tha cung” thì phải quay về “ngã cung”, cho nên sẽ xung hướng đối cung (là “ngã cung"”) để “thu về", đó là tượng gây ra tổn hao cho “ngã cung”. Cho nên điều kiện để Nghịch thủy Kị thành lập là Hóa Kị [năm sinh] phải ở “ngã cung", Hóa Lộc [năm sinh] cũng phải ở “ngã cung”, nếu không sẽ là hung tượng cực kì nghiêm trọng. Rất nhiều nhà Đẩu Số Tứ Hóa phái cho rằng, Hóa Lộc và Hóa Kị đồng cung là tượng hung, vì sợ chúng biến thành “Song Kị". Thực ra, sao A Hóa Lộc đồng cung với sao B Hóa Kị là hai chuyện riêng biệt, trừ phi xuất hiện điều kiện khiến sao. A Hóa Lộc chuyển sang Hóa Kị. Nếu không, sao A Hóa Lộc đồng cung vói sao B Hóa Kị không phải là lí do để thành Song Kị, trong tình trạng này cũng không phải là “Kị phá Lộc”.

Thủy Mệnh Kị (Thủy Tiết Kị):

Đây là phá cách của Nghịch Thủy Kị, tức có hình thái Nghịch Thủy Kị nhưng có Hóa Kị [năm sinh] tọa thủ cung thiên di, cung phúc đức, hoặc cung phu thê, lại tự hóa; đây gọi là Thủy Tiết Kị. Nó có lực phá hoại rất mạnh, nhất là tự Hóa Lộc, tự Hóa Kị, sẽ dễ dẫn đến hậu quả khiến người ta thảm không chịu nỗi, thất bại đến độ hầu như toàn bộ rơi vào trạng thái tan nát, mà thất bại rất nhanh, như người ta thường nói “kiếm được bao nhiêu xài bấy nhiêu, kiếm nhiều hơn cũng sẽ tiêu xài hết”.

Thủy Tiết Kị (Thủy Mệnh Kị), nếu đối cung tự Hóa Kị, là ý tượng: làm nhiều sai nhiều, bận rộn mà chẳng được gì, không giữ được tiền, kiếm được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu.

Theo: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ