By Tử Vi Chân Cơ| 20:12 24/04/2024|
Tứ Hóa Bắc Phái

TRI THỨC CƠ SỞ CỦA BẮC PHÁI TỬ VI ĐẨU SỐ

Thái Cực:

Tử Vi tức thái cực. Thực thể tồn tại của sự vật gọi là thái cực. Nói một cách đơn giản, phàm người nào đó, vật nào đó, việc nào đó, đều có một thực thể độc lập, thực thể đó gọi là một thái cực.

Trong Tử Vi Đâu Số Tứ Hóa phái, nói “lập thái cực” là ý nói “lập tiêu điểm”, định trọng tâm của vấn đề, tức lấy "cái nguyên nhân" để định ra tiêu điểm.

Lấy âm dương trạch làm ví dụ, tọa sơn tức thái cực, bên trái của nó là thanh long, bên phải của nó là bạch hổ, phía trước là chu tước, phía sau là huyền vũ, đều lấy tọa sơn làm chủ đến luận xem có nhập cục hay không. Trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, nếu hỏi tình cảm vợ chồng thế nào? Có thể lấy cung phu thê làm chủ để lập tiêu điểm, cho nên lấy cung phu thê định là thái cực; hoặc lấy Thái Dương làm phu tinh (nếu là nữ mệnh), lấy Thái Âm làm thê tinh (nếu là nam mệnh). Mọi thứ đều có cái lí thái cực, Thái Dương hay Thái Âm cũng có thể dùng để định là thái cực. Tức là trước tiên phải có vấn đề, sau đó mới có thể lấy đó để định điểm thái cực.

Âm Dương:

Nam nữ, trống mái, nhật nguyệt, cát hung, được mất, sống chết, tiến thoái, thuận nghịch, khẳng định và phủ định, động tĩnh, trên dưới, trong ngoài, thiện ác, thị phi đúng sai, phú quý, nghèo hèn, sáng tối, tích cực tiêu cực, chủ động bị động, v.v... Vạn sự vạn vật trong trời đất đều ẩn chứa hiện tượng tương đối, trong Dịch học, hiện tượng tương đối này được gọi là “âm dương”. Thái cực cõng âm bồng dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Tức là cô âm bất sinh, cô dương bất trưởng, âm dương là một hiện tượng phát triển của sự vật theo cách đối lập nhưng thống nhất.

Các môn thuật số Trung Quốc đều rất xem trọng nguyên lí âm dương ngũ hành sinh khắc chế hóa, không những ứng dụng trong Bốc Dịch, Tứ Trụ, Tử Bình, mà còn ứng dụng trong Tử Vi Đẩu Số. Lấy cung thiên di làm ví dụ, giả thiết cung mệnh là dương, vậy cung thiên di là âm, là ý thức hữu cảm ở trong đầu; giả thiết cung mệnh là âm, vậy cung thiên di là chỉ hướng tiền đồ tương lai. Đây là quan hệ âm dương giữa cung mệnh và cung thiên di. Còn cung mệnh và cung phu thê thì không chỉ là phối đôi trên thực chất, mà còn có quan hệ âm dương rõ ràng. Ở trong là âm, ở ngoài là dương, đây là quy tắc phân biệt âm dương.

Lấy Thiên Tướng tọa thủ cung mệnh Sửu hoặc Mùi làm ví dụ, Thiên Tướng thuộc ngũ hành Nhâm thủy, ở cung Sửu và cung Mùi cùng thuộc cung vị có chủ khí là Kỷ thổ tiết chế (Kỉ thổ khắc Nhâm thủy). Cho nên, Thiên Tướng ở hai cung vị này đều chủ về rất có tinh thần trách nhiệm. Cung Sửu là Kỉ thổ làm chủ khí, nhưng cung Sửu còn có thành phần Tân kim và Quý thủy, tức là có quan hệ tương sinh (thổ sinh kim, kim sinh thủy), trong đó Quý thủy của nó và Nhâm thủy của Thiên Tướng là quan hệ âm dương điều hòa, cho nên thái độ xử sự sẽ không thiên lệch, quá khích. Còn tổ hợp của cung Mùi là Ất mộc, mộc hỏa và Kỉ thổ, cũng là quan hệ tương sinh (mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ). Nhưng vì Kỉ thổ trực tiếp tiết chế Nhâm thủy, nên nói về hiệu suất làm việc và khả năng ra quyết sách, thì cung Mùi ưu hơn cung Sửu; còn nói về phương diện tình cảm, người Thiên Tướng ở cung Sửu đa tình hơn người Thiên Tướng ở cung Mùi, nên về phương diện tình cảm cũng sẽ cảm thụ và gặp rắc rối nhiều hơn. Nhưng, Thiên Tướng ở cung Sửu thiếu lễ nghi của khí hỏa, cho nên về biểu hiện lễ nghi là “có lễ phép nhưng không thực”, là dùng thái độ phô diễn khách sáo để ứng phó trong công việc, tức là ngại về mặt tình nghĩa mà bắt buộc phải ngụy thiện cho qua chuyện; còn cung Mùi thì nặng quan niệm gia đình, quan niệm lễ giáo của họ là do tọa thủ cung Mùi, tức là sinh trưởng trong gia đình gia giáo. Đinh hỏa này rất quan trọng, chỉ vì có Đinh hỏa hay không mà người Thiên Tướng ở cung Mùi có năng lực tích lũy tiền hơn người Thiên Tướng ở cung Sửu; bản thân còn có kiến giải riêng, còn người Thiên Tướng ở cung Sửu thường thường là nghe lệnh rồi ngoan ngoãn làm theo.

Lưỡng Nghi:

Lưỡng nghi chính là âm dương. Lưỡng nghi là nói hai loại sự vật tương phản nhau hoàn toàn; khi lưỡng nghi họp lại thành một sự vật hoàn chỉnh, gọi là “thái cực”. Nghĩa của âm dương là đối nhau, cực kì hàm súc, như nhật nguyệt, nam nữ, ngày đêm, sáng tối, trước sau, trái phải, trên dưới, lớn nhỏ, đen trắng, v.v.... Trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số lấy nó làm cơ sở cho luận chứng tương đối về được hay mất, hưng thịnh hay suy sụp, v.v...

Ví dụ như lấy mệnh cách làm góc độ luận đoán, đương nhiên phải xem cung mệnh là dương, cung thiên di là âm, để đoán mệnh cách cao hay thấp. Lấy vận khí làm góc độ luận đoán, đương nhiên phải xem cung quan lộc là dương, cung mệnh là âm, để đoán vận trình phát triển thế nào. Sao âm dương, lưỡng nghi thì lấy Thái Dương và Thái Âm làm đại biểu; các sao khác như Thiên Hình là dương, Thiên Diêu là âm; Hỏa Tinh là dương, Linh Tinh là âm...

Liên quan đến cung âm dương đối nhau, đương nhiên lấy tứ hóa phi tinh để luận đoán. Nếu cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung quan lộc, luận về vận trình, cung mệnh và cung quan lộc là hai cung có quan hệ âm dương, chủ về vận khí đình trệ, có trở ngại, không phát triển, việc gì cũng nên thoái lui phòng thủ thì yên ổn. Luận về hôn nhân, Hóa Kị xung cung phu thê; cung phu thê và cung mệnh là hai cung có quan hệ âm dương của hôn nhân, chủ về vận tình duyên hôn nhân phát muộn. Nếu cung tật ách phi Hóa Kị nhập cung tài bạch và xung cung phúc đức; cung tật ách và cung phúc đức là hai cung có quan hệ âm dương của sức khỏe cơ thể, chủ về không được khỏe mạnh, dễ mắc bệnh mà khó chẩn đoán được căn bệnh.

Trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, có thể lấy hai cung giao dịch làm âm dương. Như cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phúc đức, nếu lấy cung mệnh là dương, thì đối tượng giao dịch là cung phúc đức sẽ là âm. Các cung ở bên ngoài, động là dương, tức hành hạn đại vận, lưu niên là động tượng, là dương; tĩnh là âm, mệnh bàn nguyên cục là tĩnh, là âm. Nếu lấy âm dương đại biểu cho nhân vật, thì sao dương chủ về nam, sao âm chủ về nữ. Luận về bệnh chứng, sao âm chủ về ngũ tạng, sao dương chủ về lục phủ. Luận về cá tính, sao dương chủ về cương, gấp; sao âm chủ về nhu, hoãn. Luận về tình cảm, sao dương là người nghĩa khí, sao âm là người thực tế. Luận về tài hoa, sao dương thì biểu hiện ra bên ngoài, sao âm thì ẩn giấu bên trong; lúc luận giải cung tài bạch và cung quan lộc (công danh sự nghiệp) thì sao dương là hư, sao âm là thực.

Tam Tài:

Tam tài là thiên, địa, nhân. Con người (nhân) không có tam tài thì không có chỗ đứng, con người đứng giữa thiên địa. Không những chỉ có con người, mà bất cứ sự vật nào cũng đều tồn tại trong tam tài.

Bắc phái Tử Vi Đẩu Số xem trọng tam tài trong việc luận đoán mệnh. Mệnh bàn có bàn tam tài là thiên địa nhân bàn; cung có cung tam tài là cung tam hợp, ví dụ như cung mệnh, cung tài bạch và cung quan lộc; phương vị có phương vị tam tài ("thiên khai" ở cung Tí, “địa bế” ở cung Sửu, “nhân sinh" ở cung Dần), v.v... Vì vậy, không có việc gì là không có tam tài, không có vật gì là không có tam tài.

Tam tài của Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, trọng điểm là ở "tam dịch": bản dịch, giao dịch, biến dịch.

Tam Dịch:

Tam dịch là bản dịch, giao dịch và biến dịch, có hai thuyết như sau:

- “Bản dịch” là cung có sao tứ hóa [năm sinh] tọa lạc, luận về thùy tượng. “Giao dịch” là cung A phi hóa nhập cung B, luận về ý tượng phản ứng tương quan. “Biến dịch” là tứ hóa [đại vận] nhập cung gặp tứ hóa [năm sinh] hoặc tự hóa, luận về tình hình va chạm nhau mà sinh ra hiện tượng vật hóa. Tam tài “bản dịch, giao dịch, biến dịch" khiến cho luận đoán trở nên tinh vi hơn.

- “Giao dịch” là hóa xuất, hóa xuất là “ta” cho ra, “người khác” thu nhận. “Biến dịch” là hóa nhập, hóa nhập là “người khác” cho ra, "ta” thu nhận. “Bản dịch” là tự hóa, tự hóa là “dịch” của bản cung (chia ra hai loại: “ngã cung” và “tha cung"), hơn nữa còn trực tiếp nảy sinh quan hệ xung kích đối cung.

Tứ Tượng:

Trong Dịch học là lão dương, thiếu âm, thiếu dương, lão âm. Trong Đẩu Số là Tứ hóa tượng, tức Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Hóa Kị; cũng đại biểu cho xuân, hạ, thu, đông. Tứ hóa là dụng thần trong Đẩu Số, lúc tứ hóa “phi động", cát hung liền hiển hiện. Muốn tìm hiểu Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, trước tiên cần phải xác lập một quan niệm thật rõ ràng, “sao” (tinh diệu) là tượng chủ về hình thái, không chủ về cát hung, mà cát hung hoàn toàn là do động thái của tứ hóa sản sinh. Các sao sau khi được tứ hóa tượng của mười thiên can hành hóa diệu, phối hợp với sự biến hóa của các cung chức sẽ xảy ra hiện tượng cát hung, sau đó phối hợp với các cung vị địa chi (cung hạn lưu niên) để chỉ ra thời gian ứng nghiệm sự việc.

Dịch truyện nói: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng". Tứ tượng là lão dương, lão âm, thiếu dương, thiếu âm. Trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số, tứ tượng tức là tứ hóa. Lộc là lão dượng, Quyền là thiếu dương, Khoa là thiếu âm, Kị là lão âm. Lúc cung A phi hóa nhập cung B sẽ có thùy tượng của nó, cho nên gọi là “tứ hóa tượng”.

Hóa Lộc thuộc phương tây kim, số 4 và 9, chủ về tài lộc, lộ căn; nói về lục thân thì chủ về “duyên”, quý nhân; còn là điềm cát lợi, mọi việc thuận lợi, cầu tài có tài, cầu quan có quan. Như cung tử nữ phi Hóa Lộc nhập cung mệnh, ắt có duyên với con cháu, con cái thông minh, có tài năng nghệ thuật, duyên với người tốt. Đây là nói phương diện Lộc chủ về "duyên”. Nếu cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung phúc đức, thì chủ về có lộc ăn, mạng được hưởng thụ; chiếu cung tài bạch là ý tượng: ắt có tiền; nữ mệnh công việc như ý, tình trạng kinh doanh và bối cảnh xã hội khá tốt.

Hóa Quyền thuộc phương nam hỏa, chủ về tính kịch liệt, có biến động, cương cường, xâm chiếm, nỗ lực, xung lực. Nếu cung mệnh phi Hóa Quyền nhập cung tài bạch, chủ về dựa vào tài năng và có xung lực kiếm tiền; có tiền nhưng không muốn để yên mà thích đầu tư, có thể sáng lập được sự nghiệp. Hóa Quyền chiếu cung phúc đức, là ý tượng: tiêu xài tiền rộng rãi, dám kiếm tiền và dám xài tiền. Nếu cung mệnh phi Hóa Quyền nhập cung tật ách, thì chủ về vất vả, rất nỗ lực.

Hóa Khoa thuộc phương đông mộc, số 3 và 8, phương đông là phương vị "Đế xuất ở cung Chấn", là bắt đầu giáo hóa vạn vật, cho nên Hóa Khoa chủ về thi cử, quý nhân, phong độ, giải nguy. Về phương diện đào hoa thì chủ về phong lưu sắc tình; về nghề nghiệp là giáo sư, công tác kế hoạch; về cá tính không thích chuốc thị phi. Nếu cung mệnh phi Hóa Khoa nhập cung quan lộc, chủ về là giáo sư, hoặc nghề nghiệp có liên quan đến giáo dục, hay công tác kế hoạch, nhân viên cố vấn. Về công việc, trong sự nghiệp phần nhiều được quý nhân đề bạt, không thích công việc lao lực, có khuynh hướng làm những công việc cần động não.

Hóa Kị thuộc phương bắc thủy, số 1 và 6, phương bắc là nơi vạn vật trở về, là phương vị của quẻ Khôn (mẹ) trong tiên thiên Hà Đồ, cho nên nó bao trùm diện rộng, có sức ảnh hưởng lớn. Vì vậy, Bắc phái Tử Vi Đâu Số lấy Hóa Kị làm dụng thần, lấy nó làm tượng để định biến hóa cho toàn thể mệnh bàn. Hóa Kị chủ về mắc nợ, tổn hao, thị phi đúng sai, không như ý, đình trệ, kiềm chế, biến đổi, vô duyên, v.v.... Nếu cung mệnh phi Hóa Kị nhập cung nô bộc, là thiếu nợ. Hóa Kị biểu thị sự xem trọng tình bạn, nhưng không được có quan hệ vay mượn, một khi có quan hệ vay mượn, bạn bè dễ trở mặt thành thù, một đời hay phạm nạn tiểu nhân, không có duyên với anh em, tài vật dễ bị tổn hao, bạn bè giao du hay xảy ra chuyện thị phi, không như ý, bạn bè phẩm cách không cao.

Sao tứ hóa ngoài đơn tinh ra, còn có tổ hợp song tinh, tam tinh đồng cung, nhưng tổ hợp tam tinh rất hiếm thấy, tổ hợp song tinh thì gặp khá nhiều. Tổ hợp song tinh có sáu loại là Lộc Quyền, Lộc Khoa, Lộc Kị, Quyền Khoa, Quyền Kị, Khoa Kị.

Trong các sao tứ hóa, các nhà Đẩu Số Tứ Hóa phái thường lấy tổ hợp Lộc Kị để xem sự mối quan hệ đối nhau của chúng để định cát hung. Trong tứ hóa, tuy Hóa Lộc là lão dương, Hóa Kị là lão âm, nhưng phân chia thuộc tính thì Lộc, Kị là dương, Quyền Khoa là âm. Dương chủ về lộ ra, cho nên khi Lộc Kị đối nhau sẽ có tượng lộ rõ, dễ cát mà cũng dễ hung, vì vậy lấy tổ hợp Lộc Kị để xem tượng cát hung, cũng có nghĩa là lấy tổ hợp Lộc Kị làm dụng thần của hành hạn biến hóa.

Ví dụ như cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung tài bạch, phi Hóa Kị nhập cung điền trạch, luận về tiền bạc, là đại cát, không hung, là ý tượng: mua tậu được bất động sản, có tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, vợ chồng hạnh phúc, không chuốc tai kiếp đào hoa, nhưng con cháu hơi ít, làm ăn một mình có thể thu lợi lớn, cổ đông hợp tác thì không được. Nếu cung mệnh phi Hóa Lộc nhập cung tài bạch, phi Hóa Kị nhập cung phúc đức, đây là tượng không hung, kiếm tiền dễ được, nhưng dùng tiền lãng phí, không biết tiết chế, thích an nhàn ghét vất vả. Luận về quan hệ vợ chồng, là có hung tượng, dễ xảy ra sóng gió trong hôn nhân. Luận về sức khỏe, phần nhiều thể chất không được tốt. Luận về cá tính, thiếu tu dưỡng, phong độ hơi kém, hẹp hòi; không giỏi quản lí tiền bạc, thu nhập nhiều thì tiêu xài càng nhiều, cho nên thường bị thâm hụt, phải vay mượn để xoay sở trong những lúc cấp bách.

Ngũ Hành:

Vạn sự vạn vật trong vũ trụ, tuần hoàn không ngừng, nhưng có thể quy nạp thành năm loại chính. Tình hình tồn tại phát triển của sự vật có quan hệ tương hỗ, trong đó có một loại biến động liên đới. Theo quan niệm của cổ nhân, phương bắc âm thịnh đến cực thì sinh “hàn” (lạnh), “hàn” thì sinh “thủy” (nước). Phương nam dương thịnh đến cực thì sinh “nhiệt” (nóng), “nhiệt” thì sinh “hỏa” (lửa). Phương đông dương tán mà sinh ra “phong” (gió), “phong” sinh"mộc” (cây). Phương tây âm dừng lại, để thu vào mà sinh ra "táo” (khô ráo), “táo” sinh “kim” (kim loại). Trung ương âm dương lẫn lộn mà sinh ra “thấp” (ẩm thấp), “thấp” sinh “thổ” (đất). Dưới đây là tóm tắt ý tượng của ngũ hành, như sau:

- Mộc: Chủ về “nhân”, sắc tình. Về khái niệm triết học, nó biểu thị cho hiện tượng sinh sôi phát triển, dịu hiền, cong và thẳng; là thực thể hay động thái lan tỏa ra bốn phương tám hướng. Công ti chi nhánh, lập các điểm phục vụ đều thuộc động thái của mộc; mở rộng quan hệ giao tế cũng thuộc mộc; bán hàng trực tiếp thuộc mộc; mua thêm cổ phiếu là thuộc mộc và hỏa; mùa xuân thuộc mộc, đông phương thuộc mộc, internet đương nhiên cũng thuộc mộc.

- Hỏa: Chủ về “lễ”, màu đỏ. Về khái niệm triết học, biểu thị cho hiện tượng ánh sáng, nhiệt, hư ảo, không thực; là mùa hạ, vì mùa hạ nóng. Hỏa có động thái hướng lên, cũng có động thái khuếch tán ra bốn phía. Lúc nổi giận, máu huyết xung lên não, gọi là "bốc hỏa”; lúc mồ hôi chảy là động thái thuộc hỏa, còn bản thân nước mồ hôi là thuộc thủy. Hỏa thuộc nam phương; thông thường công xưởng sản xuất cũng thuộc hỏa.

- Thổ: Chủ về "tín”, màu vàng. Về khái niệm triết học, biểu thị cho hiện tượng hóa dục, sinh ra, đất ẩm thấp, là mẹ nuôi dưỡng vạn vật, có tính bao dung. Sau khi hỏa thiêu đốt xong, hạ nhiệt, nguội thành tro, tức là thành thổ, kim chôn sâu trong thổ (mỏ khoáng sản), mộc cần có thổ mới sinh trưởng được. Bất luận bạn làm việc gì, làm nghề gì, trước tiên cũng phải tìm chỗ đứng, đó là động thái thuộc thổ. Biểu hiện của thổ là không cách nào phát tác. Trong ngũ hành, thổ có tính bị động, cần phải bị kích thích, nó mới lộ ra bản tính. Hạt giống cần phải có thổ, mới có thể đâm chồi nảy mầm. Thổ đại biểu cho động thái trung dung, cũng là ở giữa.

Nguyên lí ngũ hành tương sinh là thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy; còn nguyên lí ngũ hành tương khác là thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy.

- Kim: Chủ về “nghĩa”, màu trắng. Về khái niệm triết học, biểu thị cho hiện tượng lạnh lẽo tiêu điều, cương cường, biến đổi. Có tính sắc bén, cương cường, thu vào. Mang những linh kiện rời rạc ráp lại thành phẩm hoàn chỉnh, là thuộc kim; nước biến thành băng là động thái thuộc kim; dịch thể nham thạch gặp lạnh cứng lại, cũng là động thái thuộc kim; làm phấn chấn lên tình trạng đang lười biếng, làm việc hay trì hoãn, tinh thần uể oải, cũng là tác động thuộc kim; kim cứng rắn có tác động cải cách, mùa thu thực vật tiếp nhận khí kim “sát phạt tiêu điều” mà dần dần khô héo, thu hoạch nông sản cũng thuộc kim!

- Thủy: Chủ về “trí”, màu đen. Về khái niệm triết học, biểu thị cho hiện tượng lạnh lẽo, thanh quý, hướng xuống. Lúc leo núi, động tác lên núi là thuộc hỏa, còn động tác xuống núi là thuộc thủy. Thủy cũng tượng trưng cho động thái tự do và lực thấm vào, có định hướng mà không có định tính. Nước chảy xiết ra hướng đông, mà chảy chậm chậm xuống hướng nam, vì nước nhất định chảy về phía hạ lưu là thuộc động thái của thủy; nhưng lúc nước phun lên là thuộc động thái của hỏa, lúc nước rơi tự do (thác nước) là động thái thuộc thủy. Thủy đại biểu mùa đông, cũng đại biểu cho phương bắc.

Quan hệ biến hóa của ngũ hành có hiện tưọng sinh khắc chế hóa, như sau:

- Tương sinh: Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc.

- Tương khắc: Mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Thể Dụng:

Thể và dụng là động và tĩnh. Tĩnh là vật, động là biến; biến tức là hóa, thể của vật là gốc rễ của vật. Cho nên thể và dụng tuy hai mà là một, lấy dụng quy về thể, vạn hóa đều có gốc rễ mà làm sáng hóa tượng của chúng; lấy thể để định cái dụng của nó mà biết hỏi việc gì. Nhân quả biến hóa, cát theo cái gì mà đến, hung hướng tới chỗ nào? Có dụng mà không có thể thì không sáng tỏ tượng của nó; có thể mà không có dụng, thì tượng của nó không rõ; có thể có dụng, vạn tượng đều rõ. "Thế” cũng chính là “chủ thế”, còn gọi là “thái cực”, trong Bắc phái Tử Vi Đẩu Số gọi là “bản cung”; cho nên “thế” chính là cung trọng điểm của mệnh bàn nguyên cục. Thể là điểm, phối với "dụng" mới thành "tuyến", tượng của chúng mới có thể bày bố thành diện mục.

Lấy mệnh bàn nguyên cục tượng trưng cho Hà Đồ, tượng của nó bất biến, đây gọi là “thế”; còn lấy đại vận bàn tượng trưng cho Lạc Thư, đại vận bàn theo tuổi tác mà đi dần qua các cung khác, tượng của nó sẽ thay đổi, gọi là “dụng". Huống hồ thể và dụng vốn là âm dương, dụng là dương, thể là âm. "Dụng” theo thể mà biến đổi, cho nên trước tiên phải định thể để định điểm, sau đó mới chọn cung hay sao làm “dụng”, mới có thể lấy tứ hóa để luận cát hung.

Ví dụ như lấy tứ hóa [đại vận] quy nhập cung của nguyên cục để làm tượng, đây tức là tượng của thể và dụng; dụng không được xung thể, xung thì thể bị phá, gọi là “phá thể”; thể không được xung dụng, xung thì vô dụng, vô dụng thì việc gì cũng không thuận lợi, đường đời gập gềnh gian khổ. Nêu hỏi về sự nghiệp, tình trạng kinh doanh làm ăn có tốt không, thì cung quan lộc là thể, lấy cung tài bạch làm dụng; cung tài bạch phi Hóa Lộc xung chiếu cung quan lộc,thì tình trạng kinh doanh làm ăn sẽ thu lợi dồi dào. Đây là yếu lĩnh lấy định điểm thể và dụng, và luận giải thùy tượng của tứ hóa [đại vậnl quy về thể. Nếu hỏi về chuyện hôn nhân vợ chồng, can Ất của cung phu thê khiến Thái Âm Hóa Kị ở cung thiên di và xung cung mệnh, Thái Âm là thê tinh, thê tinh Hóa Kị xung cung mệnh, tình duyên hôn nhân bất minh, vợ duyên bạc, mệnh cách kết hôn muộn,ở đây lấy cung phu thê làm thể, Thái Âm làm dụng.

Hà Đồ:

"Nhất lục cộng tông" (1 và 6 cùng tông) ở phương bắc, thuộc thủy; “nhị thất đồng đạo” (2 và 7 cùng đạo) ở phương nam, thuộc hỏa; "tam bát vi minh" (3 và 8 là sáng) ở phương đông, thuộc mộc; “tứ cửu thị hữu” (4 và 9 là bạn) ở phương tây, thuộc kim; "tứ thập đồng cung" (4 và 10 ở cùng một cung) ở trung ương, thuộc thổ.

Phương bắc thủy sinh phương đông mộc, phương đông mộc sinh phương nam hỏa, phương nam hỏa sinh trung ương thổ, trung ương thổ sinh phương tây kim, phương tây kim sinh phương bắc thủy, đây là thứ tự ngũ hành tương sinh. Theo nguyên lí vòng theo bên trái mà tương sinh.

Lạc Thư:

"Đội 9 đạp 1, trái 3 phải 7, 2 và 4 là ở vai, 6 và 8 là ở chân, 5 ở trung ương." 1 và 6 thuộc thủy khắc 2 và 7 thuộc hỏa, 2 và 7 thuộc hỏa khắc 4 và 9 thuộc kim, 4 và 9 thuộc kim khắc 3 và 8 thuộc mộc, 3 và 8 thuộc mộc khắc 5 ở trung ương thuộc thổ, 5 ở trung ương thuộc thổ khắc 1 và 6 thuộc thủy. Đây là thứ tự ngũ hành tương khắc; vòng theo bên phải mà tương khắc.

Cửu Li thuộc phương nam hỏa; nhất Khảm thuộc phương bắc thủy; tam Chấn thuộc phương đông mộc; thất Đoài thuộc phương tây kim; nhị Khôn thuộc tây nam thổ; tứ Tốn thuộc đông nam mộc; lục Kiền thuộc tây bắc kim; bát Cấn thuốc đông bắc thổ.

Can Chi:

"Can chi" thời cổ là kí hiệu dùng để ghi chép năm tháng ngày giờ, lấy nghĩa là “thân cây” (can 幹 = 干) và “cành cây” (chi 枝=支) mà thành. Lấy mười thiên can, mười hai địa chi, dương phối dương, âm phối âm; phối hợp theo thứ tự mà thành 60 tổ hợp can chi khác nhau. Tương truyền “can chi” được sáng tạo vào thời đại Hoàng Đế. Người xưa cho rằng Hoàng Đế khai quốc vào năm Giáp Tí, tháng Giáp Tí, ngày Giáp Tí, giờ Giáp Tí. Âm lịch ngày nay vẫn còn ghi tiếp nối ngày tháng năm theo kiểu này.

Mười thiên can:

Giáp Ất thuộc phương đông mộc, Giáp thuộc dương, Ất thuộc âm. Giáp là mộc của thây cây; Ất là mộc của hoa cỏ.

Bính Đinh thuộc phương nam hỏa, Bính thuộc dương, Đinh thuộc âm. Bính là hỏa của Thái Dương; Đinh là hỏa của ngọn đèn.

Mậu Kỉ thuộc trung ương thổ, Mậu thuộc dương, Kỉ thuộc âm. Mậu là thổ của đất đai; Kỉ là thổ của ruộng vườn.

Canh Tân thuộc phương tây kim, Canh thuộc dương, Tân thuộc âm. Canh là kim của đại đao; Tân là kim đồ trang sức.

Nhâm Quý thuộc phương bắc thủy, Nhâm thuộc dương, Quý thuộc âm. Nhâm là thủy của biển lớn; Quý là thủy của sương và nước mưa.

Mười hai địa chi:

Dần Mão thuộc phương đông mộc, Dần thuộc dương, Mão thuộc âm. (Thìn có dư khí của mộc).

Tị Ngọ thuộc phương nam hỏa, Tị thuộc dưong, Ngọ thuộc âm. (Mùi có dư khí của hỏa).

Thân Dậu thuộc phương tây kim, Thân thuộc dương, Dậu thuộc âm. (Tuất có dư khí của kim).

Hợi Tí thuộc phương bắc thủy, Hợi thuộc dương, Tí thuộc âm. (Sửu có dư khí của thủy).

Thìn Tuất Sửu Mùi thuộc trung ưong thổ, Thìn Tuất thuộc dương, Sửu Mùi thuộc âm.

Mười hai cung vị đại biểu cho bộ vị của cơ thể:

Ngọ, Mùi: phần đầu. Tị, Thân: vai, hai tay. Thìn, Dậu, Mão, Tuất: ngũ tạng, lục phủ. Tí, Sửu: hệ tiết niệu và sinh thực khí. Dần, Hợi: hai chân.

Mười hai cung vị đại biểu cho vị trí địa lí:

- Dần, Mão, Thìn: Phương đông mộc. Hoàn cảnh địa lí thuộc địa thế khá cao, đất cao, đất gò.

- Tị, Ngọ, Mùi: Phương nam hỏa. Hoàn cảnh địa lí thuộc loại đất mở rộng, có gió lớn.

- Thân, Dậu, Tuất: Phương tây kim. Hoàn cảnh địa lí thuộcloại đất chưa khai phá, đường cao tốc.

- Hợi, Tí, Sửu: Phương bắc thủy. Hoàn cảnh địa lí thuộc loại đất bằng, hoặc đất dễ bị ngập nước.

- Thìn, Tuất, Sửu Mùi: trung ương thổ.

Theo: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số

Phản hồi từ học viên

5

(Dựa trên đánh giá ngày hôm nay)


Đã sao chép!!!
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ
Hotline: 083-790-1987
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ Chat FB với chúng tôi
Khóa Học Tử Vi Chân Cơ